Vào những ngày cận Tết, Chính Phủ trung ương tìm cách khua chiêng đánh trống “mở cửa nền kinh tế” trên bàn giấy, trong lúc việc phát hành Trái Phiếu Chính Phủ (TPCP) ngân khoản 350 ngàn tỷ để phục hồi Kinh Tế cho 2022-2023 mới nhúc nhích ở giai đoạn đầu. Cái khó của Chính Phủ trung ương lúc này là nhiều đia phương lại đưa ra những quy định gây khó khăn, phiền hà, bực bội cho doanh nghiệp và người dân, liên quan đến phục hồi sản xuất. Hai năm nay địa phương vẫn hiên ngang cho thấy “lệnh ông, không bằng cồng bà” trong vận hành guồng máy sản xuất tại các Tỉnh, thể hiện rõ “lệnh vua thua lệ làng”trong nền Kinh Tế định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.
Từ cuối tháng 03/2020, Trung ương đưa ra chiến lược chống Covid-19, doanh nghiệp muốn sản xuất phải thi hành giải pháp “3 tại chố”, đi cùng với phương châm “Thần tốc xét nghiệm diện rộng”, “Chống dịch như chống giặc”, Chính phủ ra lệnh “ai ở đâu ở đó”, các trạm kiểm dịch mọc lên như nấm, khiến toàn dân bị “cầm tù” tại gia. Bằng vào lệnh lạc liên tục, Nhà Nước đưa cán bộ “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, dùng bộ kit-test của Việt Á, chưa được cơ quan Y-Tế Thế Giới (WHO) công nhận để ngoáy mũi, dân chúng lấy hàng ngàn tỷ đồng.
Do nội bộ csVN kẻ ăn người nhịn, nên tháng 12/2021 vụ Việt Á bị bại lộ, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng thành tích của chiến dịch “xét nghiệm diện rộng” rất có thể là âm mưu thâm độc lợi dụng dịch bệnh để kiếm lợi hàng ngàn tỷ đồng rút từ ngân sách nhà nước, để chia chác trong hàng ngũ cán bộ từ trên xuống dưới. Việc này trót lọt gần 2 năm trời là được yểm trợ bởi cả hệ thống truyền thông nhà nước nhằm khoe khoang thành tích, đánh bóng công ty Việt Á, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Người cầm đầu Việt Á, ông Phan quốc Việt, bị bắt trong vụ này, từng cầm trong tay tấm huy chương lao động do Chủ Tích Nước Nguyễn phú Trong trao tặng như báu vật làm bằng chứng để bàn dân thiên hạ tin tưởng. Vì thế, vụ Việt Á trong mắt những cán bộ chưa được chia phần chỉ là một màn “đấu trí” đòi cân bằng quyền lực. Mọi cuộc “dàn xếp” giữa các bên chóp bu trong nôi bộ csVN hiện diễn ra ráo riết trên bàn thương thảo, mà đôi bên đều biết những “con bài tẩy” cân xứng của nhau. Khi dân chúng thấy các “quân cờ thí” bị điều tra chịu án tù với pháp luật, còn những cán bộ được mô tả nằm trong “tảng băng chìm” sẽ vẫn là bí mật, thì khi đó nội vụ đã kết thúc. Mọi vi phạm sẽ được bên còn lại thu thập làm tài liệu để thủ thế cho phe mình dùng vào cuộc “đâu đá” lần tới.
Đối với những đảng viên thuộc vào lớp “băng chìm” trong vụ Việt Á chưa bị lộ ra, sẽ được bảo vệ bởi chỉ thị tuyệt mật mang số 15 do Bộ Chính Trị csVN ban hành ngày 7/7/2007 “xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng”. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Saigon từng công khai tiết lộ: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.”
Tiến sĩ Đinh Đức Long, cũng là một đảng viên, thì hình dung chỉ thị 15 với chiếc áo giáp nhằm mục đích “bảo vệ cho những Đảng viên có thể độc quyền tham nhũng mà không ai dám đụng vào được. Không có phương tiện nào về mặt pháp lý để làm được cả.” [1]
Giới cầm quyền địa phương từng có kinh nghiệm những vụ tương tự như Việt Á, nên họ dựa vào hoàn cảnh đại dịch vẫn còn tăng cao trong địa bàn hành chánh sở tại, đồng thời nương theo đà chỉ thị 16 để ban hành các quy cách riêng “sáng đúng chiều sai, ngày mai lại đúng, dân tình lúng túng, chẳng biết đúng sai”. Mục đích cũng chỉ muốn moi tiền dân, noi gương “kiếm chác” như các cơ quan trung ương từng làm trong vụ Việt Á.
Về mặt Kinh Tế, chỉ thị 16 ban hành ngày 31/03/2020, “thực hiện cách ly toàn xã hội” do CoVid-19 [2] là mệnh lệnh ngăn sông cách chợ, làm tê liệt mọi vận chuyển hàng hóa trên 20 tháng gần như toàn lãnh thổ. Mãi đến ngày 11/10/2021, Trung ương nhận ra nền Kinh Tế đang hoàn toàn tắc nghẽn mới ra nghị quyết 128, [3] yêu cầu toàn quốc ngưng thi hành chỉ thị 16.
Từ ngày ban hành nghị quyết 128 đến nay đã trên 4 tháng, nhiều địa phương vẫn “phớt lờ” lệnh của Trung Ương, chỉ vì mục đích như trình bầy ở trên.
Qua lời Bộ Trưởng Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, ông Trần văn Sơn hôm 28/01/2022 nói với truyền thông trong nước rằng, một số địa phương vừa qua có tình trạng ban hành một số quyết định gây khó khăn, thậm chí là bức xúc cho người dân. Thủ Tướng Chính Phủ đã có nhiều chỉ đạo cho các địa phương không được tự ý ban hành các quy định riêng khi không được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền.
Ba-Đình cảm thấy bị tổn thương và rất lúng túng phải đánh vật để “có tí chính danh” trong vụ Việt Á. Nhưng nói sao được nữa khi hai tay của nhiều bộ phận Trung ương đã “nhúng chàm” trong vụ án công ty Việt Á bị tố cáo nâng khống giá bộ kit-test suốt thời gian dài, bán cho khắp cả nước thu lợi sơ kết trên 4000 tỷ đồng . . . !
Thực tế là Việt Nam không thể có sức mạnh trong nền Kinh tế vốn đã “mất máu” từ việc csVN “hợp pháp hóa tham nhũng chính sách” ( https://vanhoimoi.org/?p=13308 ) làm cho các đại tư bản đỏ tìm cách chuyển tài sản ra nước ngoài hợp pháp, cho đến những mảng ăn chia lộ liễu nhưa vụ Việt Á, khiến hàng ngũ lãnh đạo csVN mọi cấp đều dè chừng nhau, ai cũng thủ thế để bảo vệ mình. Chả mấy ai toàn tâm, toàn ý cho phục hồi Kinh Tế-Xã Hội như Chính Phủ huênh hoang! Cuối cùng thì Dân Tộc phải gánh những món nợ khổng lồ, mà nghèo đói hẩm hưu vẫn gắn liền với cuộc sống thăng trầm không lối thoát của ít nhất là 62% dân chúng sống ở nông thôn.
Theo như sơ lược trên, nền Kinh Tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa không dễ phục hồi như những nền Kinh Tế thị trường đích thực. Bởi các nguyên do: (i) Ngân Sách không đủ mạnh để đáp ứng tình huống xấu nhất của quốc gia, phải dựa vào giải pháp in tiền qua phát hành Trái Phiếu Chính Phủ; gây ra lạm phát cao, (ii) chế độ dung dưỡng tham nhũng, ai có quyền thì tìm cách bòn rút Ngân Sách, hoặc nhũng nhiễu dân, mà chế độ vẫn bảo vệ cho đến khi vụ việc quá lộ liễu.
Đại dịch là nguyên nhân chung, nước nào cũng bị đưa tới hậu quả đe dọa phục hồi sản xuất. Nhưng tại Việt Nam, trong lúc dịch vẫn hoành hành dữ dội, thì rất đông Bác Sỹ và Nhân viên Y-Tế lại không nhận dược lương bổng gì suốt nhiều tháng qua, [4] khiến họ không còn ý chí để đương đầu trong lúc số bệnh nhân gia tăng. Sư kiện này làm khó khăn hơn trong việc đi dần đến kiểm soát dịch bệnh, đe dọa kế hoạch phục hồi Kinh Tế Xã Hội của Việt Nam mới ở giai đoạn đầu.
Ngày 30/01/2022 theo thống kê, đã có 29.728, nâng tổng số người mắc biến thể Delta lên 2.233.632. Với biến thể mới Omicron, Việt Nam có 184 người nhiễm bệnh.
Theo công bố của Bộ Tài Chánh, năm 2021 đã huy động được 318.213 tỷ đồng TPCP, bằng 98,21% kế hoạch năm 2021 (324.000 tỷ đồng). Nếu năm 2022 cũng chỉ thu về qua TPCP một ngân khoản tương đương, thì lấy gì yểm trợ cho nhu cầu phục hồi Kinh Tế dự trù cho 2022-2023 gần 350 ngàn tỷ đồng ?
Như đã trình bầy ở bài trước, ( https://vanhoimoi.org/?p=13368 ) nếu in thêm tiền qua nghiệp vụ phát hành TPCP mới có tiền yểm trợ phục hồi sản xuất, thì có nhiều yếu tố liên quan bất lợi cho Kinh Tế Tài Chánh Việt Nam không thể nói hết trong bài này. Đồng thời khi đó Việt Nam cũng sẽ rất “vất vả” để tránh đòn của Mỹ về thao túng tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng Việt Nam với đồng Mỹ kim, từng được phía Mỹ nói là Việt nam chưa vi phạm “thao túng tiền tệ” vào cuối năm ngoái.
Xem ra vận may chưa đến với Ba-Đình trong dịp Xuân này.
Trần nguyên Thao
Giáp Tết Nhâm Dần
Tham khảo:
[1] https://ngoclinhvugia.wordpress.com/2016/03/12/chi-thi-15-chiec-ao-giap-cua-dang-vien-cat-linh-rfa/
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Chi-thi-16-CT-TTg-2020-thuc-hien-bien-phap-cap-bach-phong-chong-dich-COVID-19-438648.aspx
[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Nghi-quyet-128-NQ-CP-2021-Quy-dinh-tam-thoi-thich-ung-an-toan-linh-hoat-dich-COVID19-490931.aspx
[4] https://laodong.vn/photo/bi-no-luong-nhieu-thang-lien-y-bac-si-benh-vien-tue-tinh-lo-mat-tet-994338.ldo