Chị là người mẹ quán xuyến và điều hành mọi việc trong gia đình từ trong nhà ra đến ngoài ngõ. Chồng chị, 3 đứa con của chị đều răm rắp vâng lời và hầu như không ai cãi lời chị, làm sai ý chị. Mọi chuyện xem như êm đẹp, và ai cũng khen chị là người vợ đảm đang, tài đức, người mẹ gương mẫu biết cách dạy dỗ con cái.
Nhưng đời không như là mơ. Và cái nhưng đó đã xảy ra khi đứa con gái lớn 15 tuổi đã đánh em, cãi mẹ và đánh luôn cả mẹ. Không những thế, nó còn vào phòng dùng dao cắt tay lấy máu viết lời thề, và cắt luôn mái tóc đẹp óng ả của nó. Hành động của em là để tỏ dấu thống hối, để phản đối, hoặc bày tỏ sự bất mãn với cha mẹ; đặc biệt là mẹ, và các em?!!! Sự việc vừa xảy ra đã khiến cho cả nhà phải lo lắng.
Câu chuyện trên cũng chính là một phần hoặc nhiều phần phản ảnh hiện tượng giáo dục gia đình, cách riêng trong môi trường xã hội ngày nay. Nó đang nói gì với chúng ta, những nhà luân lý, đạo đức, những nhà giáo dục, và các bậc phụ huynh?
TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
Định nghĩa thông thường của tuổi vị thành niên là tuổi từ 13 đến 19. [1] Mặc dù trên phương diện xã hội, luật pháp tại nhiều nơi vẫn công nhận khi một em đến tuổi 18 là người trưởng thành, và chịu trách nhiệm về những hành động dân sự của mình. Tuy nhiên, theo tâm lý, một người để được xem như hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm lý là ở tuổi 30. Nhận xét này cũng trùng hợp giữa hai quan niệm Đông và Tây: “Tam thập nhi lập”.
- Tuổi trưởng thành của phái nữ
Con gái bắt đầu dậy thì ở tuổi 10-11, và kết thúc tuổi này ở khoảng 15-17. Trong khi đó, con trai bắt đầu dậy thì khoảng tuổi 11-12 và kết thúc ở tuổi 16-17. Con gái bắt đầu dấu hiệu làm mẹ khoảng 4 năm sau những phát triển cơ thể ở tuổi tiền dậy thì. [2]
- Tuổi trưởng thành của phái nam
Theo một khảo cứu gần đây, phái nam đạt được mức trưởng thành khi bước vào tuổi 43 – một thời gian 11 năm sau phái nữ. Điều này cũng cho thấy cả hai phái nam và nữ không đạt mức trưởng thành giữa tuổi 30 và trước 40. Nhưng trung bình, phái nữ trưởng thành tâm lý khi 32 tuổi. [3]
Tóm lại, trong khi phụ nữ đạt mức tâm lý trưởng thành ở tuổi 32, tức khoảng 11 năm trước khi phái nam đạt mức trưởng thành ở tuổi 43. Đó cũng là lý do 8 trong số 10 phụ nữ trong cuộc khảo cứu nhận xét rằng phái nam không bao giờ sống trưởng thành. [4]
HÌNH ẢNH VỊ THÀNH NIÊN
“Gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu” (Ca dao tục ngữ).
Phần đông phụ huynh khi nói và nghĩ đến tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên là nói và nghĩ về một thời điểm mà đứa trẻ lớn lên, thay da, đổi thịt. Ngoài phần phát triển thể lý là sự thay đổi đột ngột đến khó hiểu về tâm lý. Đứa trẻ trước đó một năm, một tháng, một ngày vẫn còn là đứa bé dễ thương, bảo gì, nghe nấy bỗng chốc thay đổi 180 độ. Nó trở nên ngang tàng, bướng bỉnh, khó bảo, cãi trả, và thậm chí xô đẩy, đánh lại cha mẹ như trường hợp của em bé gái mà câu chuyện vừa kể.
Không những tính tình thay đổi mà cách sống, cách cư xử với những người chung quanh cũng thay đổi. Ngôn ngữ bình thường gọi là “nổi loạn”: áo quần đủ kiểu cọ, đầu tóc nhuộm đỏ, vàng, xanh, xỏ tai, xỏ mũi, xỏ lưỡi, xỏ cằm, xỏ rốn và xâm mình. Lời ăn tiếng nói thì chửi thề, văng tục, ngôn từ thì cộc lốc… Hình ảnh của một anh chàng, một cô nàng đang bước vào tuổi này là hình ảnh mà những bậc làm cha mẹ, phụ huynh không mấy ai muốn nghĩ đến, hoặc nghĩ đến thì ngao ngán. Những chuyện như vậy không chỉ xẩy ra cho một gia đình trong một trường hợp đặc thù nào. Nó xẩy ra cho hầu hết mọi gia đình và cho mọi nền văn hóa.
Qua những việc làm trên, giới trẻ muốn nói gì với phụ huynh, với cha mẹ và các nhà giáo dục? Chúng nói với họ rằng, bây giờ tôi đã lớn, đã trưởng thành, và tôi muốn xác định con người thật, suy nghĩ thật của mình. Tôi không phải là những đứa con nít rúc nách mẹ, hoặc nấp bóng cha nữa. Xin hãy dành cho chúng tôi sự kiêng nể, và tôn trọng…
Tuy nói là nói vậy, nhưng ở tuổi này, ở thời gian này giới trẻ vẫn chỉ là những con “nai vàng ngơ ngác”. Rất hung hăng con bọ xít. Anh hùng rơm, mà cũng rất dễ làm mồi cho những cạm bẫy xã hội.
TRƯỞNG THÀNH
Vậy thế nào là trưởng thành? Để có một cái nhìn tổng quát thế nào là một người trưởng thành, cần phải dựa trên những tiêu chuẩn sau đây:
- Trưởng thành thể lý
Khi một em bước vào tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì thân thể phát triển, các cơ quan nội ngoại cũng phát triển. Em bé cao, to và khỏe mạnh hơn. Râu, tóc bắt đầu mọc. Ngực, mông của các em gái bắt đầu phát triển. Về mặt tâm sinh lý, các em đã có thể trở thành người làm cha và làm mẹ. Chính vì vậy mà nhiều phụ huynh bất đắc dĩ phải làm ông bà nội, hoặc ông bà ngoại ngoài ý muốn. Tuy nhiên, các em chưa đủ mạnh mẽ, chín chắn để làm chủ con người bản năng của mình. Nói một cách khác, các em vẫn còn trẻ người, non dạ.
- Trưởng thành tâm lý
Trưởng thành tâm lý là khả năng làm chủ hoặc điều khiển được những cảm tình, cảm xúc. Nó có thể giúp làm chủ những phản ứng khi vui cũng như khi buồn, không nóng giận, bốc đồng và hành xử theo tình cảm. Như đã trình bày ở trên, mức độ trưởng thành tâm lý chỉ đạt được khi ở tuổi 30. Ở điểm này và trên phương diện giáo dục, cha mẹ hay phụ huynh vẫn còn phải tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, góp ý với con em mình mặc dù lúc này các cô cậu đã trở thành cử nhân, cao học, tiến sỹ, bác sỹ, luật sư, kỹ sư, nha sỹ hay bất cứ loại sỹ trẻ nào khác.
Kinh nghiệm của người lớn là những bài học khôn ngoan, và sự tiếp tục học hỏi là bí quyết thành công trong lứa tuổi này.
- Trưởng thành tâm linh
Trưởng thành tâm linh. Đó là sự chín chắn, khách quan và vững vàng trong quan niệm về niềm tin, về tôn giáo. Tâm linh là một nếp sống chiều sâu dựa trên nền tảng tôn giáo. Mê tín, cuồng tín, hoặc vô thần là lối sống thiếu trưởng thành về tinh thần.
Ngoài ra, trưởng thành tâm linh phải là người biết căn cứ vào lương tâm, luân lý, và đạo đức để quyết đoán hành động của mình. Thí dụ, khi lái xe đến đèn đỏ thì không cần phải có cảnh sát hay người khác nhìn thấy, chính ý thức đạo đức tự nhắc bảo rằng mình cần phải dừng xe. Hoặc tôi không làm hại tiết hạnh, danh dự của người này không phải vì tôi sợ tội, sợ bị bắt và ở tù, nhưng vì tôi ý thức rằng hành động ấy không tốt đối với tôi.
NHỮNG GÌ PHỤ HUYNH CẦN
Vai trò phụ huynh đối với trẻ em vị thành niên, khác với các em ở tuổi thơ, tuổi trẻ tức là thời gian dưới 12 tuổi. Giáo dục các em tuổi vị thành niên, dậy thì vì thế khác với giáo dục các em khi lên 3, lên 7 tuổi. Sau đây là một vài gợi ý để các phụ huynh và bậc làm cha mẹ cần áp dụng khi muốn nói, muốn trao đổi với các em.
- Dành thời giờ cho con
Nếu khi các em còn bé, cha mẹ dành một phần thời gian cho các em, thì khi các em bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần nhiều giờ hơn với các em. Nhiều phụ huynh đã nói: “Tôi không có thời giờ cho chúng nó. Tôi phải lo công việc, kiếm tiền, và lo cho tương lai chúng nó”.
Những câu nói như vậy thực chất chỉ là những lời bào chữa tưởng như hữu lý và đúng đối với phía phụ huynh, hoặc cha mẹ. Nhưng đó không phải là tầm nhìn về tương lai con cái. Kinh nghiệm đã cho tôi biết điều này, nhiều phụ huynh, nhiều cha mẹ tiền rừng bạc biển nhưng ăn không ngon, ngủ không yên, và chết cũng không xong vì những đứa con rơi vào cạm bẫy xã hội, tù tội, hoặc bệnh tật tâm thần. Câu hỏi là: “Những cha mẹ, phụ huynh này đã đầu tư đúng hay sai cho tương lai con cái?”
- Hòa đồng và lắng nghe
Nói với tuổi trẻ ở tuổi này là điều khó, và thường rất khó chịu khi cha mẹ nói gà, con cái nói vịt. Cha mẹ bảo đúng, con cái cãi là sai. Vậy ai đúng? Ai sai? Thưa, cả hai đều đúng và cả hai đều sai. Nhưng cha mẹ và phụ huynh sai hơn vì họ đã có kinh nghiệm, và đã từng trải mà lại không nhận ra những gì mình đang đòi hỏi, đang phàn nàn, đang la lối con cái là những cái mà chính mình đã lỗi phạm khi ở tuổi của chúng.
Vậy nói và nghe trong trường hợp này là nghe và chia sẻ cảm nghiệm. Để lắng nghe con cái và để nói với con cái, sau đây là một vài nguyên tắc:
a) Các câu hỏi mang nghĩa tiêu cực:
Không bao giờ tranh cãi với con cái ở tuổi vị thành niên. Theo tâm lý phát triển một em bé khi lên 15 tuổi, có đủ suy nghĩ và tư tưởng để cãi tay đôi với cha mẹ, đặt cha mẹ vào những câu hỏi khó lòng giải quyết.
Tránh những câu hỏi mang nghĩa tiêu cực và những câu hỏi mà người bị hỏi coi như một thách thức. Thí dụ, Tại sao? Tại sao mày làm việc này? Tại sao mày yêu con ấy? Tại sao mày bỏ học? Tại sao mày tập tành hút thuốc? Hoặc làm cái gì? Mày làm cái gì vậy? Cái gì mà mày cứ dấu dấu, đút đút? Mày có biết làm vậy là sai không?… Đây là những câu hỏi chết (death end requests), những câu hỏi mang tính khiêu khích, coi thường đối với tuổi trẻ. Và đương nhiên, chúng sẽ tìm cách phản ứng cũng bằng những ngôn ngữ và thái độ tiêu cực.
b) Các câu hỏi tích cực:
Để chinh phục tuổi trẻ, phụ huynh hoặc cha mẹ cần biết nêu lên những câu hỏi mang tính cách mở (open questions), những câu hỏi tích cực. Thí dụ: Con cho mẹ biết lý do con nghỉ học? Con quen với bạn trai con lâu chưa? Sao mẹ không biết?… Những câu hỏi và lối hỏi như vậy sẽ tạo cơ hội cho tuổi trẻ dễ tâm sự và chia sẻ. Từ đó cha mẹ hiểu hơn về những băn khoăn, lo lắng và nhu cầu của con cái, đồng thời để chia sẻ kinh nghiệm của chính mình với con cái.
Ngoài ra, phụ huynh và cha mẹ cũng nên biết thêm điều này, con gái ở tuổi dậy thì không ưa nói chuyện với mẹ. Và một lời nói của cha có giá trị hơn 5 lần một lời nói của mẹ.
Khả năng làm phụ huynh
Ở tuổi vị thành niên, con cái không chỉ nhìn nhận cha mẹ là những người đã sinh ra mình, chúng còn muốn được cha mẹ đối xử với chúng như một người anh, người chị, người bạn. Lý do, vì ở tuổi này, các em đang muốn xác định vị trí của mình, đang muốn chứng minh nhân cách của mình. Và muốn được người khác tôn trọng. Ở tuổi này, phương pháp giáo dục tốt nhất là lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn.
Phương pháp được nhiều nhà tâm lý và giáo dục hiện nay áp dụng đó là helicopter parents (tạm dịch là canh chừng và hướng dẫn). Như một người lái chiếc trực thăng ở trên, theo dõi và chỉ đường. Người làm cha mẹ phải có cặp mắt tinh tường, nhận định và đưa ra những lời hướng dẫn. Phương pháp này phù hợp với cá tính tuổi trẻ, và tạo niềm tin giữa cha mẹ và con cái. Đánh, chửi, khóc lóc, hoặc chiều chuộng không phải là cách giáo dục dành cho tuổi vị thành niên.
Tuyệt đối không so sánh con này với con khác, con mình với con người ta. Cha mẹ còn phải tùy thuộc vào tâm lý và tính cách của mỗi đứa con để đưa ra những lời hướng dẫn cần thiết.
Trong các ngành nghề chuyên môn, đòi hỏi phải có thời gian học tập, nghiên cứu và thực tập, riêng nghề làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ lại rất ít khi được quan tâm trau dồi và học hỏi. Bởi thế, những buổi hội thảo, hồi tâm, thuyết trình, hoặc những sách vở giá trị về ngành nghề này cần thiết đòi hỏi các vị phụ huynh phải quan tâm, và chuyên cần. “Không biết không có tội.” Đây là lời bào chữa rất nguy hiểm cho những phụ huynh vô trách nhiệm và thiếu sót bổn phận. Sự vô tâm, lười lĩnh của họ không chỉ gây tai hại cho chính họ, mà còn cả tương lai của những thế hệ con cháu sau này.
Thượng Đế không vô lý khi đòi hỏi con cái phải thảo kính cha mẹ [5]. Nhưng Ngài cũng cảnh cáo những cha mẹ lười biếng này: “Nếu ai nên cớ phạm tội cho những đứa trẻ đang tin Thầy đây thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mat 18:6)
TS Trần Mỹ Duyệt
__________
Tham khảo:
1. https://www.merriam-webster.com › dictionary › teenager
2. https://en.wikipedia.org › wiki › Puberty
3.https://www.telegraph.co.uk › newstopics › howaboutthat
4. https://xlcountry.com › men-arent-fully-mature-until-age-…
5. Exodus 20:12, Ephesians 6:2.