___________________________

Giới Ngân Hàng Thương Mai (NHTM) Việt Nam cho vay chuyên nghiệp còn đối mặt với nợ xấu tăng cao gần hai con số, huống chi 95% trị giá trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tương đương 625.109 tỷ đồng nằm trong các cuộc phát hành riêng lẻ, không được Nhà Nước nhìn nhận. Trong 383 nhà phát hành TPDN, có đến 296 công ty kinh doanh lỗ hoăc không có tài sản bảo đảm. Khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành. Đây chính là chỉ dấu về “sức khỏe” thị trường TPDN như quả “bom nổ chậm” vào thời điểm trái phiếu đáo hạn cận kề. Như thế “lỗ hổng” thị trường nếu không vá lấp kịp thời, những vụ vỡ nợ trái phiếu không thể tránh khỏi.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2021, TPDN tiếp tục tăng trưởng thần tốc lên tới 42% so với cùng kỳ, nâng khối lượng phát hành đạt kỷ lục 658.009 tỷ đồng, gấp hơn hai lần tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) tính đến ngày 17/1/2022 chỉ bán được 318.213 bằng 98%.

Tỷ trọng phát hành TPDN ra công chúng chỉ có 4,58%, còn lại hơn 95%, tương đương 625.109 tỷ đồng là từ phát hành riêng lẻ, không được Nhà Nước cấp giấy phép. Nhà đầu tư loại trái phiếu này phải tự gánh lấy thiệt hại khi gặp rủi ro [1]

Khối ngân hàng thương mại (NHTM) và bất động sản (BĐS) mỗi bên chia đều nhau trong 70% lượng phát hành TPDN, tương đương 462 ngàn tỷ đồng. Còn lại rải rác trong 5 lãnh vực: Hàng hóa, Dịch Vụ & Tiêu Dùng 10%; Xây Dựng 8%; Tài Chính chứng khoán 6%; Năng Lượng 4%; Sản Xuất Công Nghiệp chỉ có 2%.

TPDN trong ngành sản xuất công nghiệp thấp nhất trong 7 lãnh vực được trưng dẫn. Sự kiện này minh  chứng tâm lý dân chúng không tin là chương trình phục hồi sản xuất do Nhà Nước đưa ra sẽ kết quả tốt. Bởi vì (i) đại dịch CoVid đang vần vũ tại Việt Nam hiện lên trên 3 triệu ca nhiễm, nội ngày 25/02 có thêm 78.774 ca; (ii) giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao, doanh nghiệp do dự không quyết tâm sản xuất; và (iii) sức mua quá yếu do giá thành sản phẩm cao, trong khi dân thiếu thu nhập.

Hôm 23/02 Reuters cho biết, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, loan báo vì thiếu tiền sẽ ngưng hoạt động cho đến cuối tháng 04, một trong những lý do đưa giá nhiên liệu tăng cao và khan hiếm. Việt Nam phải mở kho dự trữ quốc gia bán đấu giá 102 triệu lít (26,4 triệu gallon), để lấp vào lỗ hổng thiếu hụt nguồn cung bước sang tháng thứ hai liên tiếp. Nhiên liệu khan hiếm, giá thành cao sẽ ảnh hưởng xấu đến phục hồi Kinh Tế.

Thống kê đến tháng 9/2021, dù nhóm đầu tư không chuyên ngành đã giảm đi 50%, nhưng tính ra cũng còn khoảng 300.000 người không rành rẽ về TPDN. Thông điệp của giới chuyên nghành muốn nói với nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư không chuyên môn còn “chưa tỉnh ngộ”, đó là ngân hàng cho vay chuyên nghiệp còn có nợ xấu, vì vậy, đầu tư trái phiếu sẽ có vỡ nợ, sẽ có rủi ro, tình thế hiện nay như trái “bom nổ chậm”.

Ông Nguyễn Quang Thuân Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FiinGroup phân tích: Chất lượng nhà phát hành TPDN rất kém so với hệ số khả năng trả nợ gốc rất yếu, đặc biệt những nhà phát hành chưa niêm yết.

Năm 2021, trong tổng số 383 nhà phát hành, có 94 nhà phát hành có lỗ lũy kế tính đến năm 2020, 81 nhà phát hành có kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2020. Bên cạnh đó, có 121 doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Tính ra có đến 296 công ty kinh doanh lỗ hoăc không có tài sản bảo đảm khi phát hành TPDN.

Bộ Tài Chánh nhắc lại quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý Nhà Nước không cấp phép phát hành.

Trong thực tế, Bộ Tài Chánh xác đinh, khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành trong năm 2021.

Số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém. Chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Xét về số lượng, quy mô TPDN Việt Nam đang không ngừng gia tăng hàng năm. Và tốc độ gia tăng cho đến nay được liệt vào hạng “nhanh nhất Châu Á”.

Tâm lý lo âu vỡ nợ TPDN ở Việt Nam bắt nguồn từ vụ đại tập đoàn bất động sản (BĐS) Evergrande lớn thứ hai của Bắc Kinh vỡ nợ tháng 12/2021. Làn sóng vỡ nợ TPDN ở Trung cộng đã tác động tiêu cực đến thị trường nợ doanh nghiệp trị giá gần 4000 tỷ Mỹ kim của Hoa Lục, trong đó DNNN chiếm khoảng 60%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung cộng đã lên tới mức cao kỷ lục 18 tỷ Mỹ kim.

Nhìn lại, vào tháng 3 năm 2013 số lượng TPDN Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia… Tổng dư nợ thị trường trái phiếu tính tới tháng 3/2013 tại Thái Lan là 75% GDP, tại Malaysia là gần 110%. [2]

Biến cố Evergrande bên Tầu chỉ ảnh hưởng một phần trên thị trường TPDN Việt Nam. Nguyên nhân TPDN Việt Nam như quả “bom nổ chậm” khởi đi trong thời “4 năm 63 ngày” làm Phó Thủ Tướng (2016-2020) của ông Vương đình Huệ đã cho lập lại phiên bản phát hành TPDN ồ ạt của Hoa Lục trên thị trường TPDN Việt Nam; hàm chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn như thực tế đang diễn ra ngày nay.

Ngược dòng thời gian, theo đánh giá của bộ Tài Chính, cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN vào khoảng 6,19% GDP. Đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 79.515 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2015 là 43.500 tỷ đồng, và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 1,48% GDP. Ở cùng thời kỳ, trái phiếu chính phủ tăng 44% so với 2015, và chỉ tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21,5% GDP.

Theo số liệu của Trung Tâm Phân Tích & Tư Vấn Đầu Tư SSI (SSI Research) thì, tổng số dư nợ trái phiếu các tổ chức kinh tế mà 14 NHTM (với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 76% thị phần tín dụng toàn hệ thống – không tính Agribank) đầu tư tại 31/12/2020 là khoảng 185.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2019. Tỷ trọng bình quân đầu tư TPDN trong tổng tín dụng của các NHTM này tăng từ 2,5% lên 3,2%. [3] (https://vanhoimoi.org/?p=9677 )

Ngày 22/02/2022, Vietstock cho biết, các khoản nợ xấu nếu không thực hiện giãn, hoãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng bởi COVID-19 (theo các Thông tư 01, 03, 14) thì tỷ lệ nợ xấu khối NHTM thậm chí có thể lên đến 8.2%. Tuy nhiên ước lượng ngoài báo cáo Tài Chánh thì nợ xấu nếu tinh đấy đủ có thể gần 2 con số. [4] Đến cuối năm 2021, khối NHTM giữ 35% TPDN, tương đương 231 ngàn tỷ, trong trường hợp khối NHTM vì nợ xấu gia tăng, không có tiến trả vốn lẫn lãi cho nhà đầu tư khi TPDN đáo hạn, thì mọi chuyện trở thành khá rắc rối.

Lãi suất bình quân của TPDN (không tính trái phiếu ngân hàng) trong quý 3/2021 là 9,3%/năm. Một số doanh nghiệp BĐS còn huy động trái phiếu với tiền lời tới 11-14% mỗi năm, cao hơn khoảng 4%-9% mỗi năm so với bình quân lãi suất tiết kiệm.

Đây là lần thứ hai Vân Hội Mới (https://vanhoimoi.org/?p=9677) lưu ý các nhà đầu tư, lãi suất cao thì có rủi ro đi kèm. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, NHTM khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Trong trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

Đối với các nhà đầu tư ở nước ngoài ham lời cao, bỏ tiền ra nhờ người nhà hay bè bạn làm giấy tờ mua TPDN ở Việt Nam qua các hợp đồng đầu tư thì nên xem trường hợp nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình ở Hà Lan từng mất sạch sản nghiệp mà còn phải ngồi tù chỉ vì một lần trót dại bước lên “thảm đỏ dưới rải đinh” của những người từng sống bằng lọc lừa từ thuở khai sinh chế độ.

Trần nguyên Thao

Tham khảo:

[1] https://vneconomy.vn/khoi-luong-phat-hanh-lien-tuc-pha-dinh-vo-no-trai-phieu-khi-nao-xay-ra.htm

[2] https://traiphieuviet.vn/lich-su-thi-truong-trai-phieu/

[3] https://vietnambiz.vn/14-ngan-hang-nam-giu-185000-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-20210304190010072.htm

[4] https://vietstock.vn/2022/02/ap-luc-no-xau-ngan-hang-gia-tang-757-933674.htm

Bài liên quan:
  • “Tinh Gọn” đưa đến “Ba Đào”, “Mập mờ thương chiến” lẽ nào lại ngưng (?)
    Trần nguyên Thao
  • Tập không có câu trả lời cho vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc
    Lizzi C. Lee
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/12/2024. Khủng hoảng chính trị tại Nam Hàn: Những thách đố của một nền dân chủ non trẻ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tham vọng Trung Đông của Nga đối diện thách thức lớn
    Hanna Notte
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 7/12/2024. Nội chiến Syria: Cuộc nổi dậy như vũ bão, TT Assad tuyệt vọng! Nga và Iran bất lực!
    BS Nguyễn Trọng Việt