__________________

Nếu bạn hỏi một em bé khoảng 5 tuổi trở lên “Lớn lên em sẽ làm gì?” Câu trả lời tùy vào ảnh hưởng gia đình, ảnh hưởng môi trường và học đường. Các em nhỏ ở Mỹ trước đây thường thích lớn lên làm cảnh sát, lính chữa lửa. Nhưng sở thích đó giờ đây đang thay đổi theo đà phát triển của xã hội, khoa học. Bây giờ có em thích làm cô giáo, phi công, phi hành gia, khoa học gia, bác sỹ, y tá, nha sỹ, dược sỹ, luật sỹ hoặc bác sỹ thú y…Tóm lại, những hình ảnh về một nghề trong tương lai của các em không phản ảnh quan niệm trước đây là con cái thường theo gót của cha mẹ.

Nhưng có tới 75% bậc phụ huynh thì muốn rằng con mình sau này sẽ học và có một nghề trong lãnh vực STEM (Science -Khoa học, Technology – Kỹ thuật, Engineering – Kỹ sư, và Mathematics – Toán học). Lý do vì những chuyên môn này sẽ dẫn đến những ngành nghề liên quan đến khoa học, phát minh, y tế, và sự phát triển của nhân loại.

Còn lại, khoảng 50% cha mẹ thì cho rằng con cái muốn làm gì là tùy sở thích và khả năng của chúng. [1]

Nếu ở tuổi 5 tuổi trẻ lên, các em bắt đầu chú ý đến những việc làm sau này các em thích, dựa trên sự ưa thích cá nhân, và cảm tình. Nhưng phải chờ đến khoảng 15, 16 hoặc 18 tuổi, đa số các em mới có một cái nhìn rõ ràng về tương lai của mình. Rõ ràng nhất là tuổi 15, khi các em bắt đầu phát triển những sở thích và tài năng thích hợp với một ngành nghề trong tương lai. Tuy nhiên, ở một số em việc chọn lựa một ngành nghề vẫn gặp khó khăn. Có những trường hợp “nghề chọn mình, chứ không phải mình chọn nghề”. Và đó cũng là lý do nhiều người đã phải thay đổi nghề nghiệp đến 2 hoặc 3 lần.

Nhưng dù con em muốn học ngành gì, phụ huynh muốn con mình sau này sẽ trở thành như thế nào, cái đó không nhất thiết quan trọng. Là một bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ, tiến sỹ, luật sỹ, kỹ sư, giáo sư… như như thế nào mới quan trọng. Và đây là cái mà cha mẹ phải chuẩn bị cho các con ngay từ khi chúng còn đang trong vòng tay ấm của gia đình.

Nhưng dậy những gì?

“Dậy con từ thuở lên ba” (Ca dao tục ngữ).

Theo quan niệm giáo dục, và theo truyền thống giáo dục từ xưa, những đứa trẻ trong các gia đình cần được dậy cho biết lễ nghĩa, luân thường, đạo đức. Theo  Ca dao tục ngữ Việt Nam là: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, và “Tiên học lễ, hậu học văn”. Như vậy, quan niệm của xã hội xưa thì đàn ông, con trai phải lấy chữ trung làm đầu, đàn bà, con gái thì phải quyết giữ tiết hạnh. Một truyền thống giáo dục quý báu của dân tộc mà ngàn đời cha ông đã truyền lại cho con cháu. Mở đầu tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã viết hai câu thơ: “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình.” [2]

Đọc qua những đòi hỏi đạo đức trên tưởng chừng như cha ông mình ngày xưa cổ hủ, lạc hậu và quá chú trọng vào hình thức, lễ nghĩa. Nhưng thực ra, nếu đem so sánh những kinh nghiệm trên với cái nhìn của khoa tâm lý giáo dục ngày nay thì không những không lạc hậu, bi quan mà còn là một điều hết sức cần thiết.

Tuổi trẻ ngày nay đi hoang, sa đọa và coi thường giá trị căn bản của đời sống. Đời sống hôm nay như mất ý nghĩa và vô vọng. Giầu sang có, xe hơi có, nhà lầu có, những tiện nghi của khoa học hiện đại có, nhưng lòng người thì vô tâm, vô cảm, buồn phiền và chán ngán. Hoang đàng, vung vít trong tình yêu. Lẫn lộn yêu với đam mê, dục vọng. Lẫn lộn danh dự với danh giá hão huyền. Lẫn lộn giầu sang với bon chen, chộp giật và mánh mung. Hậu quả dẫn tới coi thường hôn nhân, ly thân, ly dị như thay đổi áo quần. Yêu nhau đồng tính, hôn nhân đồng tính. Nhân phẩm và mạng sống bị coi thường. Sau một thời gian dài ngừa thai, giờ thì phá thai được công khai và luật pháp hóa. Tất cả là kết quả của một nền “văn minh sự chết” (St. Gioan Phaolô II), của một nền luân lý tương đối (Moral realism).  

Mục đích của giáo dục hiện nay

Nhìn vào chương trình học hiện nay, có thể nói rằng những môn học cùng với việc giảng dậy có căn bản từ những công trình nghiên cứu bởi các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng một điều xem như rõ ràng là mục tiêu của nền giáo dục này là để trao cho học sinh, sinh viên những kiến thức, những kỹ năng cần để họ có thể phát triển hết tiềm năng của mình.

Theo Barbara Danza, tác giả của các bài viết giá trị chú trọng đến những thách thức và hoàn cảnh nuôi dạy con trong thời hiện đại, và những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục gia đình, thì ngay từ nhỏ, các em cần được giáo dục về:

Giao tiếp: Với truyền thống văn hóa cởi mở, tôn trọng phẩm giá con người tại các nước Tây Phương, thì đây là điều mà phụ huynh cần phải dậy con em mình ngay khi chúng còn trên gối mẹ. Điều này dễ hiểu và dễ phân biệt khi một em bé Việt Nam đứng bên một em bé Mỹ hay Pháp. Cách nói năng, biểu lộ tình cảm hoàn toàn khác nhau. Một bên khúm núm, sợ hãi, rụt rè, tự ty, còn một bên cởi mở, thoải mái, và tự tin.

Đây là điều mà nền giáo dục Việt Nam, cũng như các cha mẹ Việt Nam cần một cái nhìn nhân bản dựa trên giá trị của con người khi theo dõi, và hướng dẫn các em từ lúc gửi đi vườn trẻ, cũng như tiếp tục sau này khi các em bước vào trung học. Một em bé ngoan, lễ phép, lịch sự không có nghĩa là phải cúi đầu, khép nép, và không được nhìn thẳng vào cha mẹ, người lớn khi nói năng, trao đổi.     

Suy luận: Một trong những lợi ích của việc học toán, ngoài những ứng dụng thực tế đối với những ai sẽ theo đuổi về kỹ thuật, khoa học, và ngoài những ứng dụng trong việc hoạch định tài chính, môn toán dạy ta cách lý luận. Suy nghĩ có luận lý (logic) sẽ giúp các em khi lớn lên biết phân tích và định giá các công việc, giải quyết các vấn đề.

Tại Hoa Kỳ hay tại những quốc gia tiên tiến Tây Phương, ngoài khả năng luận lý trong toán học, phân tích mọi chuyện, các em nhỏ còn được dậy cách trực diện và đặt những vấn đề với cha mẹ khi ở nhà. Lý luận học còn dậy các em biết xem xét những lập luận, những quan điểm trên phương diện lý tính, vì thế, trẻ em có thể sử dụng những yếu tố mang tính ngụy biện và đặt những giả thiết. Một con dao hai lưỡi, đó cũng là lý do mà phụ huynh cần phải chuẩn bị để không cảm thấy ngỡ ngàng, hoặc bị xúc phạm khi con cái mình có những thái độ thẳng thắn, thực tế khi nói chuyện, trao đổi về những vấn đề trong cuộc sống.

Lịch sử: “Lịch sử hay sử học (gọi tắt là sử) là môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Đây là thuật ngữ chung có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này.” [3]

Lịch sử sử quốc gia, lịch sử thế giới sẽ giúp con người sống với niềm tự hào về văn hóa, truyền thống, và phong tục của mình. Nhưng lịch sử cũng rất dễ biến thành ngụy sử. Nhiều sử gia nghiên cứu và viết sử với ảnh hưởng chính trị, khuynh tả, hoặc khuynh hữu nhằm bênh vực, ngụy tạo, và hướng dẫn người đọc. Quan niệm về thế giới đại đồng, một trật tự thế giới mới đang làm cho cái nhìn về lịch sử trở nên méo mó, sai lạc. Các bậc cha mẹ, phụ huynh phải quan tâm đến những điều này khi giải thích lịch sử cho con cái.

Nghệ thuật: Các nền văn minh khác nhau trên khắp thế giới đã mang lại những thành quả về văn hóa rất đáng ghi nhận. Cảm quan về thẩm mỹ, vẻ đẹp, thiên nhiên, và con người là thứ mà các em có thể cảm nhận được qua những môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, kịch nghệ, khiêu vũ, văn học, thơ ca hay bất kỳ hình thức biểu đạt nghệ thuật nào khác. Bổn phận cha mẹ là khám phá và khuyến khích con cái phát triển những tài năng ấy. Một số có thể là nghề nghiệp sau này, và một số sẽ góp phần làm đẹp cho đời khi các em lớn lên.

Phát triển tiềm năng: Tại trường học, mỗi học sinh đều có những ưu điểm riêng biệt, những tài năng thiên phú của chính mình. Các em cần được khuyến khích phát huy những tiềm năng này. Cho dù một cá nhân có mang trong mình tố chất của một văn nhân, một khoa học gia, một nghệ sĩ, một luật sư, một giáo viên, một giám đốc, một người thợ thủ công hay thợ sửa ống nước, thì tiềm năng của mỗi người đều phải nên được phát huy tối đa và tôn trọng.

Phẩm chất đạo đức: Ca dao Việt Nam có câu: “Tiên học lễ hậu học văn.” Đây là truyền thống giáo dục đặc biệt và nổi vượt nhất của người Việt phù hợp với tâm lý giáo dục và tâm lý phát triển. Song song với việc truyền tải những giá trị về kiến thức, tài năng, thì đạo đức học là một phần rất quan trọng trong sứ mạng giáo dục. Nhờ đạo đức, con người mới có được khả năng phân định tốt xấu, để rồi có thể đứng về lẽ phải, biết cất lên tiếng nói công đạo, và sống đời liêm chính.

Rất tiếc ngày nay tại các học đường đang dần dần loại bỏ hoặc coi nhẹ chương trình đạo đức. Do đó, cha mẹ và phụ huynh không thể khoán trắng cho nhà trường về tư cách đạo đức của con mình, nhưng phải quan tâm dậy dỗ chúng từ trong gia đình. Có thể không quá đáng khi nhấn mạnh đến giá trị và thành quả của đạo đức khi nói: “Có đức mặc sức mà ăn.” Nhưng với trào lưu sống hiện nay đang nghiêng về những thành quả vật chất và đời sống duy vật, nên việc thực hành đạo đức là một thử thách rất lớn lao. 

Tôi muốn kết thúc bài viết bằng việc suy tư về một tấm hình mà người bạn đã chuyển cho tôi qua facebook. Trong tấm hình vẽ một người giầu có hai tay sách những vali đầy tiền đang tiến về ngôi mộ của mình. Đứng đón ông là thần chết, và vị thần chỉ tay về phía chiếc thùng chất đầy tiền (có lẽ của những người đã đi trước), và nói: “Tiền để lại đây. Khi chết chỉ được mang theo TỘI, PHÚC mà thôi!”.  

TS Trần Mỹ Duyệt

Tham khảo:

1. https://www.khon2.com › local-news › new-study-reveals…

2. Trích dẫn từ Lục Vân Tiên của Wikipedia, Bách khoa Toàn thư Mở.

3. https://vi.wikipedia.org › wiki › Lịch_sử

Bài liên quan:
  • Sổ Tay Thường Dân: Dân Đức & Quan Đức
    Tưởng Năng Tiến
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer
  • 1975 – Khi Xuân Về: Phước Long khởi đầu hoàng hôn của VNCH
    TS Nguyễn Tiến Hưng
  • Cuộc chiến ngầm trong lòng Israel
    Mairav ​​Zonszein
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/1/2025. Hoà Bình trong danh dự sẽ đến với Ukraine và Xung đột Trung Đông sẽ lắng dịu?
    BS Nguyễn Trọng Việt