___________________________

Nga xâm lăng Ukraine dẫn đến lệnh trừng phạt Kinh tế của phương Tây chưa từng có, đưa nền kinh tế 1,5 ngàn tỷ Mỹ kim của Nga đứng trước bờ vực vỡ nợ trong khoảng thời gian giữa tháng 4 tới đây, cũng giống như Venezuela vào cuối năm 2017. Tình huống này nếu xẩy ra thì “sinh mạng” 15 dự án đầu tư trị giá 3 tỷ Mỹ Kim của Ba Đình ở Nga có thể sẽ mất luôn “sinh phần”; tạo ra “chiến lợi phẩm” cho quan tham csVN lập hồ sơ “mỡ nó rán nó” thanh toán nhanh gọn, giống như gần 2 tỷ đầu tư dầu khí ở Venezuela. Tuy nhiên cái đau hơn “vỡ mật”của Ba-Đình không phải là vài ba tỷ Mỹ kim, mà là “canh bạc” của sự chọn lựa đứng hẳn về phía Nga, chống lại lương tâm nhân loại, bị 141 nước nhìn csVN đồng lõa với Putin tàn bạo. (https://vanhoimoi.org/?p=13644 )

Đoàn xe tăng của Nga đang mở cuộc xâm lăng

Vào ngày thứ 15 (10/3) gót giầy xâm lược của lính Nga vẫn lê lết vạn dặm dưới thời tiết trên ngưỡng đóng băng. Trong khi năm nay, hiện tượng Rasputitsa có dấu hiệu đến sớm hơn, ngoài dự liêu của các chuyên gia Quốc Phòng Nga, làm cho chiến cụ và lính Nga bị lầy lội nhão nhoét khi mặt đất tan băng. Vào mùa này “Đông Âu ẩm ướt hơn bình thường” và mặt đất ở Ukraine cũng nhão hơn. Điều này đồng nghĩa với mặt đường lầy lội hơn, không dễ dàng di chuyển các thiết bị nặng như xe tăng, trọng pháo, quân xa tiếp vận. Đoàn quân và chiến cụ cùng nguồn tiếp tế lương thực, nhiên liêu không di chuyển được thì trở thành “bia hứng đạn” từ phía đối phương. [1]

Trong tình thế “họa vô đơn chí” dính theo “gót giầy” lính Nga, báo Newsweek hôm 09/3 thuật lời ông Simon Waever, Giám đốc bộ phận chiến lược tín dụng nước ngoài tại thị trường mới nổi của Morgan Stanley, nhận định: “Chúng tôi coi vỡ nợ là kịch bản có khả năng xảy ra nhất” với Moscow. Lời dự báo của một định chế Tài Chánh chuyên nghiệp nổi tiếng thế giới đã làm cho “hậu phương” của quân xâm lăng “rệu rã”; lính Nga suy sụp tinh thần, mất sức chiến đấu.

Mỹ và Âu Châu cấm mọi giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Nga, quỹ tài chính, quỹ dự trữ của Nga và với Bộ Tài chính Nga, tách khối ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication). Mỹ và EU còn phong tỏa tài sản của doanh nghiệp, ngân hàng, tài phiệt và giới tinh hoa của Nga lên tới 1.400 tỷ Mỹ kim, tương đương khoảng 4 lần nền kinh tế Việt Nam. Theo Capital Economics, các biện pháp trừng phạt của Tây phương khiến 50% dự trữ ngoại hối của Nga, tương đương 315 tỷ Mỹ Kim bị đóng băng.

Những bước trừng phạt này trước mắt sẽ ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng bằng Mỹ Kim qua giao kèo thương mại. Ngoài ra, tỷ giá đồng Rub biến động, lao dốc “không phanh” khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đề nghị tạm dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình mới.

Theo Hãng tin Reuters, Hôm mùng 10 tháng 03, phát ngôn viên Điện Kremlin (Cẩm-Linh) ông Dmitry Peskov mô tả “Từ trước tới nay chưa từng có một cuộc chiến kinh tế như vậy chống lại Nga. Vì vậy, rất khó để dự báo trước điều gì”. Hiện nay tại Nga đang hỗn loạn, nhưng khẳng định Nga đang thực hiện nhiều biện pháp để làm dịu và ổn định tình hình. [2] Theo VnDirect thì “các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến 144 dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 944 triệu Mỹ kim; không tác động lớn đến nền kinh tế Việt nam.”

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, 15 dự án của Việt nam đầu tư ở Nga trị giá khoảng 3 tỷ Mỹ kim, trong tình huống đồng Ruble mất giá thê thảm, các đại tập đoàn ngoại quốc làm ăn ở Nga đã rút khỏi một nơi mà chính dân nhà giầu bản xứ cũng lần lượt bỏ đi, thì hoàn cảnh này có thể trở thành “cái cớ” rất tốt để quan tham csVN thành “tay không bắt giặc” như từng làm khi Venezuela vỡ nợ vào cuối năm 2017. Trong khoảng 2009-2012, Việt Nam đầu tư 1,824 tỷ Mỹ Kim vào dự án dầu khí Venezuela gồm: tiền đầu tư 1,24 tỷ Mỹ kim và tiền hoa hồng là 584 triệu Mỹ kim. [3] Vài năm trước báo Nhà Nước loan tin là tiền đầu tư dầu khí tại Venezuela có nguy cơ mất trắng.

Các quan chức thuộc Vụ Thị Trường Âu Châu- Mỹ Châu, Bộ Công Thương của csVN nhìn nhận: vì thanh toán thương mại giữa Việt – Nga bằng Mỹ kim bị Mỹ và Âu Châu ngăn chặn qua hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nên ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực, trước mắt và lâu dài trên kinh tế, thương mại, tài chính, tới chuỗi sản xuất và cung ứng (như thiết bị Quốc Phòng) Việt Nam mua của Nga.

Tổng Thống Putin đã ra lệnh cấm gửi tiền mặt vào bất kỳ tài khoản nước ngoài nào để ngăn chặn dòng tiền mặt ra khỏi nước Nga, đặc biệt là những người giàu Nga không được chuyển tiền mặt ra khỏi đất nước, làm “mất máu” nền kinh tế.

Đối phó với hiện tượng trên, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất hơn gấp đôi, lên 20% và chính phủ Nga đã triển khai các biện pháp hỗ trợ, song đồng Ruble đang mất giá ít nhất đã 30% so với đồng Mỹ kim. Nếu so sánh gởi tiền vào ngân hàng để được 20% tiền lới, trong lúc đồng Ruble mất giá ít nhất 30%, và còn tiếp tục rơi tự do, thì không ai lại gởi tiền vào nhà băng Nga lúc này. Dân Nga đã nhanh tay đổ xô vào mua vàng, Mỹ Kim và quý kim tại các nước lân cận từ trước khi ông Putin ngăn cấm. Cứ nhìn cảnh dân Nga đổ xô đi rút tiền ở các máy ATM trên khắp đất nước, bao gồm cả ở thành phố St Petersburg, quê hương của Tổng thống Nga Putin thì biết dân Nga không dại gì chờ Ông Putin ra lệnh.

Ngày 8/3, Ngân hàng trung ương Nga cho biết sẽ hỗ trợ thêm cho các công ty tài chính và người dân có tài khoản ngoại tệ trong các ngân hàng, sẽ không được phép rút hơn 10.000 Mỹ kim trong vòng 6 tháng tới, tức là ngày mùng 9 tháng 9 năm nay. Lệnh mới này còn làm cho mọi người hốt hoảng, sợ mất tiền hơn nữa.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết Nga có khả năng vỡ nợ nước ngoài và nền kinh tế của nước này sẽ suy thoái ở mức hai con số. Tuy nhiên, lượng giá của JPMorgan có vẻ lạc quan hơn, khi dự báo nền kinh tế Nga sẽ lao dốc 35% trong quý II. Nhưng với cả năm 2022, Nga có thể sẽ tăng trưởng âm 7%.

Theo Bloomberg, Chính phủ Nga đã vay khoảng 49 tỷ Mỹ Kim trái phiếu bằng đồng Mỹ Kim và EUR. Các khoản thanh toán lãi suất cho một số trái chủ sẽ đáo hạn trong những tháng 04 tới đây.

Ngoài ra Nga còn vay nước ngoài đến 4,730 tỷ Mỹ kim; sẽ lần lượt đáo hạn trả lãi. Như thế, Nga có thể sẽ vỡ nợ vào ngày 15/4/2022, vì chính phủ Nga không còn khả năng trả lãi trên các số nợ đó. Đây là lúc kết thúc thời gian 30 ngày ân hạn đối với các khoản lãi trái phiếu chính phủ Nga đáo hạn năm 2023 và 2043. Một nước đã bị vỡ nợ thì việc vay nợ nữa trong tương lai trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều. Khi công ty Tài Chánh quốc tế Fitch, Moody’s và S&P đã hạ mức xếp hạng nợ nước ngoài của của Nga xuống mức “rác” thì khả năng vay lại nợ của chính phủ Nga coi như không còn gì đối với các định chế tài chính và tín dụng quốc tế. Tài sản các công ty thuộc nước vỡ nợ sẽ ngày càng gần con số “Zero”

Ông Waever thuộc Morgan Stanley giải thích thêm: “Trong trường hợp Nga bị vỡ nợ, tình hình sẽ không giống như bình thường. Venezuela có lẽ là trường hợp so sánh phù hợp nhất”.

Quốc gia Nam Mỹ và công ty dầu khí quốc doanh Petroleos de Venezuela SA, vỡ nợ 60 tỷ Mỹ kim vào cuối năm 2017, khiến đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. [4]

Nhà kinh tế Stephen Roach, một thành viên cấp cao tại Đại học Yale, nói với CNBC rằng tác động của việc Nga vỡ nợ đối với khoản nợ nước ngoài cũng sẽ có tác động đến đồng minh quan trọng của họ. Và rằng, “Bắc Kinh không thể đủ khả năng để duy trì liên kết chặt chẽ với Nga” nếu Nga vỡ nợ.

Đến lúc này các dấu hiệu cuộc diện thế giới cho thấy sẽ đổi thay, nhưng khi nào đảng csVN mới tỉnh ngộ để biết tận dụng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc như khí cụ giúp bảo vệ tư cách ứng xử quốc tế như phần lớn các nước trong khối ASEAN, khỏi phải “nhìn mặt” phương Bắc mới dám hành động.

Trần nguyên Thao

Tham khảo:

[1] https://www.dailykos.com/stories/2022/3/3/2083802/-The-Rasputitsa

[2] https://soha.vn/dien-kremlin-noi-kinh-te-nga-dang-soc-vi-cuoc-chien-kinh-te-chua-tung-co-20220310193124729.htm

[3] https://vnexpress.net/nguy-co-mat-trang-hang-nghin-ty-dong-pvn-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-3894989.html

[4] https://blogbiquyetlamdep24h.blogspot.com/2017/11/venezuela-chinh-thuc-vo-no.html

Bài liên quan:
  • GDP Việt Nam trong Bức Tranh Tương Phản
    Trần nguyên Thao
  • Vụ thanh trừng mới nhất của Tập vén màn bí mật khủng hoảng bất động sản
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/4/2023. Tranh giành quyền lực ngày càng khốc liệt, đầu lãnh Hà Nội chạy cầu cứu quan thầy!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chính sách chống trì trệ kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 13/4/2024. Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Phi: Đứng mũi, chịu sào! Thống nhất lằn ranh đỏ cho Trung Cộng ở Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt