_______________________
  • Hai tháng đầu năm, 32.725 công ty ngưng hoạt động.
  • Chín mặt hàng thiết yếu tăng giá từ 7%- 67%.
  • Thực phẩm chăn nuôi tăng giá từ 23%-49,5%.
  • Phân bón tăng giá từ 28%-85%.
  • Dân 26 Tỉnh, 74 huyện, 54 xã khốn khó.
  • Quý I Nhà Nước phát hành TPCP, chỉ được 8%/năm.

Bức tranh Kinh Tế Việt Nam thuộc Quý I hoàn toàn tương phản: nhìn từ bên ngoài, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) nhận định “dù giá năng lượng tăng nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và nhu cầu trong nước còn yếu”. Ngược lại, báo chí Nhà Nước đồng loạt phản ảnh tình trạng thực tế giá cả mọi thứ đều tăng chóng mặt “theo chân” xăng dầu, dân tình rất thống khổ. . . Ảnh hưởng rất xấu đến phục hồi sản xuất do Nhà Nước thiếu tiền “giật vạt vá vai”. Mới 2 tháng đầu năm, đã có tới 32.725 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sản xuất, số còn lại thì “tiến thoái lưỡng nan”.

Kết thúc giao dịch hôm 21/3, giá dầu thô Brent tăng 7,69 Mỹ kim, tương đương 7,12%, lên 115,62 Mỹ kim mỗi thùng, mức tăng tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ giữa năm 2020. Giá dầu Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 7,42 Mỹ kim, tương đương 7,09% lên 112,12 Mỹ kim mỗi thùng.

Tại Việt Nam sau 7 lần liên tục leo thang kể từ cuối tháng 12/2021, giá xăng dầu trên cả nước hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử; trong đó, xăng RON 95 tiến sát ngưỡng 30.000 đồng một lít. Đây cũng chính là cú “đánh bồi” khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ đồng loạt tăng giá, thiết lập mặt bằng giá mới. Doanh nghiệp và dân lao động bồn chồn lo âu như “ngồi trên đống lửa”.

Vietnamnet hôm Thứ Ba 15 Tháng Ba thuật dẫn báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội csVN cho biết, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn từng cung cấp 35% xăng dầu trên cả nước, nay gặp “khó khăn tài chính và lủng củng nội bộ” nên nhà máy này “không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất ra thành phẩm”, khiến nhiều cây xăng phải đóng cửa. Sau 3 năm hoạt động sản xuất, báo chí nhà nước tiết lộ rằng xưởng lọc Nghi Sơn “lỗ lũy kế” $3.3 tỷ Mỹ kim trong khi tiền mua dầu thô còn nợ chưa trả cũng tới $2.8 tỷ Mỹ kim. Petro VietNam (PVN) góp phần đầu tư là 25.1%. Các nghi vấn được nêu ra, có thể csVN vướng vào tình thế rất khó khăn, nên lúc xăng dầu khan hiếm, giá tăng cao, lại đành nhìn xưởng lọc dầu Nghi Sơn tạm ngưng sản xuất.

Xí nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn chồng chất, theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có vốn từ trên 100 tỷ xuống đến dưới 10 tỷ, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021, lần lượt như sau : 189 doanh nghiệp trên 100 tỷ, tăng 55%; 290 doanh nghiệp 100 tỷ trở xuống, tăng 79%; 750 doang nghiệp 50 ít hơn 50 tỷ, tăng 56%; 1557 doanh nghiệp 20 tỷ trở xuống, tăng 58%; 29.939 doanh nghiệp 10 tỷ trở xuống, tăng 50%. Tổng cộng trong 2 tháng đầu năm có 32 ngàn 725 doanh nghiệp lớn nhỏ tạm ngưng sản xuất. [1]. Riêng Thủ Đô Hà-nội có 7.432 công ty ngừng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2022, chiếm 22,7% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước, tăng 76,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài xăng dầu khan hiếm giá cao, còn yếu tố Việt Nam đang trầm mình trong CoVid-19 cũng góp phần thiếu công nhân trong các nhà máy. Theo thống kê, ngày 22/3 cả nước có thêm 249.149 ca nhiễm CoVid, nâng tổng số người mắc bệnh lên đến 8.259.329. Thủ Đô Hà Nội, nơi đang có số người nhiễm bệnh mỗi ngày rất cao, ngày 22/3 có thêm 16.014 người mới nhiễm Covid.

Doanh nghiệp FDI kinh doanh tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, đài RFA loan tin theo báo cáo của Bộ Tài Chánh csVN, Hiện có 14.100 doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, gọi là doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment) chiếm 51% tổng số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, báo lỗ tới 151 ngàn tỷ đồng trong năm 2020. [2]

Mấy tháng trôi qua, các cơ quan Nhà Nước vẫn nhì nhằng không đưa ra nổi các văn bản lập quy để triển khai gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng, trong đó có gần 114.000 tỷ đồng rót vào cơ cấu hạ tầng đầu tư công được Quốc Hội đã thông qua tháng 12 năm ngoái. Ngay Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) hôm 20/3 còn cho biết đang “khẩn trương” soạn thảo các văn bản hướng dẫn triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng, để bơm vào nền Kinh Tế 2 triệu tỷ đồng năm nay và năm sau. Công việc qúa chậm chạp khiến doanh nghiệp chết lâm sàng vì thiếu vốn kinh doanh. Thực tế này làm cho dân chúng nghi là Nhà Nước “không đào đâu ra tiền” nên mọi chuyện mới “ỳ ạch”, cầm chừng.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine nổ ra đã đưa giá dầu thô (brent) tăng cao, đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch mở lại ngành du lịch (15/3), làm cho Việt nam mất 4,5 triệu du khách người Nga. Ngoài ra, Việt Nam còn có thể mất trắng 15 dự án đầu tư trị giá 3 tỷ Mỹ Kim tại Nga.

Khi giá xăng dầu tăng thì giá thực phẩm cũng theo giá xăng, trong khi lương tối thiểu toàn quốc không thay đổi, thu nhập của công nhân đang tỷ lệ nghịch với vật giá. Dân lao động lo âu không sống nổi đang tính chuyện rời phố về quê.

Nhiều năm qua mức lương tối thiểu tại Việt nam chưa tăng, hiện tại vẫn đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng mỗi tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng mỗi tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng mỗi tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng mỗi tháng. Khu công nghiệp Thăng Long áp dụng mức lương tối thiểu của vùng 1 là 4.420.000 đồng mỗi tháng. Tình trạng xăng dầu tăng giá ảnh hưởng trên mọi giới, từ em sinh viên đến người lao động tài xế xe ôm, taxi, xe tải . . . đều mất hay giảm thu nhập hàng tháng, ngoại trừ cán bộ csVN có chức quyền. Khảo sát của VnExpress với 9 loại mặt hàng thiết yếu cho thấy, giá gạo tăng nhẹ, còn lại đều tăng mạnh trên hai chữ số so với một năm trước đây, ngoại trừ thịt heo đang giảm giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là giá đường trắng, xăng, gas, nước mắm. . . theo hoạ hình trình bầy dưới đây:

Báo Nhà Nước ngày 18/3 đồng loạt ghi nhận giá heo hơi, trên cả 3 miền biến động từ 1.000 – 3.000 đồng một kg so với ngày hôm trước. Hiện giá heo hơi được thu mua trong khoảng 51.000 – 57.000 đồng một kg: miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 51.000 – 57.000 đồng một kg; miền Trung – Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 52.000 – 54.000 đồng một kg; miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 – 55.000 đồng một kg.

Báo Dân Trí, ngày 9/3, phản ánh tình hình ở Thanh Hóa: “Giá cả thực phẩm, giá xăng tăng “thẳng đứng”, trong khi đó đồng lương không tăng và eo hẹp, nhiều công nhân bị mắc Covid-19 phải nghỉ làm và lâm vào tình trạng “giật gấu vá vai”.”

Dân Việt có đến 62% sống ở nông thôn, phần dông trong số này là nông dân quen sống trong môi trường trồng lúa, hoa mầu phụ và chăn nuôi, nên họ quen dùng “Vàng là thước đo giá trị hàng hoá” và đưa ra cách tính và so sánh như dưới đây:

  • Tháng 3/2021, một lượng vàng là 55 triệu. Một tấn lúa tươi 6,5 triệu. Như vậy 8,6 tấn lúa tươi mới bằng 1 lượng vàng.  
  • Tháng 3/2022, một lượng vàng là 73 triệu. Một tấn lúa tươi 5,8 triệu. Như vậy 12,6 tấn lúa tươi mới bằng 1 lượng vàng.

Tờ Thanh Niên ngày 8/3 nói “Hàng quán Sài Gòn đồng loạt dán giá mới: “leo” theo giá xăng”.  “Rất nhiều quán ăn ở Q.1, Q.3 Saigon đã dán đè biển giá mới thay giá cũ khi giá xăng, giá gas tăng. Trung bình mỗi quán tăng từ 5.000-10.000 đồng so với giá cũ. Đây là điều không muốn nhưng các chủ quán chia sẻ rằng không lên giá thì sẽ lỗ.”

Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn nhìn nhận, từ tháng 10/2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, tới hơn 10 lần tăng. Từ khi Nga xâm lăng Ukraine đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi lập kỷ lục mới .

Nếu so với cùng kỳ tháng 3/2021, giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đều tăng ở mức rất cao, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc. Giá ngô hạt là 10.200 đồng một kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đồng một kg (tăng 33,4%), bã ngô 10.300 đồng một kg (tăng 23,1%) và lúa mì 9.850 đồng một kg (tăng 49,5%).“Chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. “Dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao và sẽ còn tăng đến hết năm 2022 Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu trung bình đối với phân bón trong 2 tháng đầu năm đã vọt lên 480,7 Mỹ kim một tấn, tăng 85% so với cùng kỳ.

Không chỉ hoàn cảnh dân lao dậng thành thị như mô tả ở trên, mà cả dân chúng vùng nông thôn cũng vô cùng khốn khó. Tình huống này được chính Nhà Nước nhìn nhận qua nghị quyết hôm 18/3, theo đó hiện Việt Nam có 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết này không nói đến tổng số dân khốn khó và giải pháp giúp đỡ. [3]

Dân đói, chưa có giải pháp, nhà máy lọc dầu tạm ngưng hoạt động vì thiếu vốn, Nhà Nước cần tiền phát hành trái phiếu Chính Phủ (TPCP) thì thất bại. Trong quý I/2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) chỉ phát hành tổng cộng được 32.462 tỷ đồng TPCP trong năm, tương ứng 8% kế hoạch năm 2022. Theo dự liệu, mỗi quý phải phát hành được trên dưới 100.000 tỷ đồng thì mới đạt tổng số TPCP cả năm là 400.000 tỷ đồng. Năm 2021 Việt Nam huy động được 318.213 tỷ đồng TPCP, bằng 98,21% kế hoạch đã điều chỉnh, tương đương 324.000 tỷ đồng. [4]

Hoàn cảnh thật của Việt Nam do chính báo Nhà Nước mô tả như lược thuậ ở trên, trong khi hôm 16/03, đài VOA đăng bản tin, Ngân Hàng Thế giới (World Bank) mới công bố ấn bản “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” trong tháng Ba năm nay. Theo đó, “dữ liệu hiện có cho thấy các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, với sản xuất công nghiệp tăng 8,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù ảnh hưởng của xu hướng số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây đến cung lao động, sản xuất và tiêu dùng có thể chưa được phản ánh đầy đủ”. Và rằng “dù giá năng lượng tăng nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và nhu cầu trong nước còn yếu”. [5]

Căn cứ vào thực trạng Kinh Tế Việt Nam do báo chí Nhà Nước nhìn nhận trong quý I, thì có thể World Bank sử dụng số liệu kinh tế “không đang tin cậy” do Nhà Nước cung cấp, nên mới lượng giá nền Kinh tế Việt Nam khác hẳn với thực tế.

Trần Nguyên Thao

Tham khảo:

[1] https://cafef.vn/2-thang-dau-nam-gan-190-doanh-nghiep-quy-mo-tren-100-ty-dong-tam-ngung-kinh-doanh-20220314101918143.chn

[2]  https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/over-half-of-fdi-firms-in-vn-report-losses-03162022074405.html

[3] https://cafef.vn/danh-sach-huyen-ngheo-2021-2025-ha-giang-co-7-huyen-lang-son-co-2-huyen-cao-bang-co-7-huyen-20220318210800868.chn

[4] https://nhipsongkinhdoanh.vn/da-co-phien-dau-thau-that-bai-huy-dong-trai-phieu-chinh-phu-khong-con-qua-thuan-loi-post3095094.html

[5] https://www.voatiengviet.com/a/6487790.html

Bài liên quan:
  • Quan hệ Tập–Putin gặp nguy hiểm khi người Trung Quốc tràn vào Nga
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/3/2024. Bầu cử ở Nga: Putin nắm trọn quyền lực, tiêu diệt đối lập, đẩy nước Nga vào kiệt quệ, nhận chìm thế giới trong khủng hoảng, mở rộng đế chế Nga.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 23/3/2024. Đỉnh điểm đấu đá quyền lực: VN thay ngựa giữa dòng, bất chấp thể diện quốc gia!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nguyễn Phú Trọng đốt ‘Đoàn Phái’
    Ngô Nhân Dụng (VOA Tiếng Việt)
  • HỘI LUẬN ngày 23/3/2024. VN Đổi ngựa giữa dòng: CT Võ Văn Thưởng ngã ngựa. Tranh quyền hay Đốt lò? Putin thừa thắng xông lên, tiếp tục mở rộng đế chế Nga? Ấn Độ nhập cuộc chống TC!
    BS Nguyễn Trọng Việt