___________________________

Nhằm đối phó với lạm phát đã lên đến 8,6%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserves, viết tắt là Fed) ngày 15/6 đã tăng lãi suất căn bản thêm 0,75%, hứa hẹn còn tăng nữa, với cam kết mạnh mẽ “đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.” Một ngày sau, các ngân hàng trung ương trên khắp châu Âu cũng đồng loạt tăng lãi suất, gây chấn động thị trường toàn cầu.

Fed cho hay, đây là mức tăng lãi suất “bất thường” và cao nhất trong 28 năm. Động thái tăng lãi suất, từng báo trước rất lâu của Feb và EU theo ngay sau sẽ ảnh hướng trên nền Kinh Tế, Tài Chánh Việt Nam ít nhất một số lãnh vực: tỷ giá tiền đồng; lãi suất vay và trả nợ quốc tế; thương mại và đầu tư trong nền Kinh Tế gồm cả thị trường chứng khoán. Hậu quả này sẽ ảnh hưởng rất lớn trên đới sống người dân do lạm phát cao, ảnh hưởng đến chương trình Phục Hồi Kinh Tế hậu CoVid của Việt nam vừa mới giải ngân được 22 ngàn tỷ, trong số 347 ngàn tỷ.

Viễn ảnh u ám trên diễn ra đúng hôm 15/6/2022, ngày báo chí Nhà Nước đồng loạt dẫn báo cáo của Centre of Economics and Business Research (CEBR) tô vẽ khắp đất trời là “cả một Mùa Xuân” khi Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2036! [1]

Trước đó, vào tháng Tư, Ngân hàng Thế giới (World Bank) điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 5,3% trong năm 2022. Nếu những diễn biến bất lợi không được cải thiện, có thể tăng trưởng của Việt nam năm 2022 chỉ đạt mức 4%. [2]

Giá trị đồng Mỹ Kim tăng thì tỷ giá Mỹ kim trên đồng tiền Viện Nam cũng tăng, giá trị tiền đồng Việt Nam giảm. Về mặt xuất cảng thì có lợi cho Việt Nam nhưng bất lợi về nhập cảng, vì nhập cả lạm phát.

Ngày 21/6, giá 1 Mỹ kim tại thị trường Tự-Do đã ở mức gần 24 ngàn đồng Việt Nam; đồng Euro có giá 25.159 đồng. Hiện tượng này mô tả một sự thực là ngoại tệ “nặng” đang khan hiếm trên thị trường chợ đen tại Việt Nam. Sự thể này sẽ ảnh hưởng trên dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Về xuất cảng năm 2021, kim ngạch xuất cảng hàng hóa ước đạt 336.25 tỷ Mỹ kim, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88.71 tỷ Mỹ kim, tăng 13.4%, chiếm 26.4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô đạt 247.54 tỷ Mỹ kim, tăng 21.1%, chiếm 73.6%. Như thế, ngành xuất cảng Việt Nam dựa vào FDI đến 74%. Tiền lời trong ngành này sẽ được các công ty FDI chuyển về nước họ.

Riêng với Mỹ, năm 2021, Việt Nam xuất cảng sang Mỹ 96,29 tỷ Mỹ kim, tăng 24,9% so với năm 2020, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN.  Việt Nam chỉ nhập cảng từ Mỹ 15 tỷ 270 triệu 482 ngàn Mỹ kim.

Về nhập cảng năm 2021, kim ngạch nhập cảng hàng hóa ước đạt 332.25 tỷ Mỹ kim, tăng 26.5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114.07 tỷ Mỹ kim, tăng 21.8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 218.18 tỷ Mỹ kim, tăng 29.1%.

Trong năm 2021, tổng kim ngạch nhập cảng hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Trung cộng tăng vọt lên gần 110 tỷ Mỹ kim, trong khi giá trị xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt gần 56 tỷ Mỹ kim. Theo đó, Việt Nam nhập siêu gần 54 tỷ Mỹ kim. [3]

Khi lãi suất cho vay cao hơn thì đồng Mỹ kim đắt giá hơn. Tính từ đầu năm đến nay giá Mỹ kim đã tăng 10%, trong những ngày gần đây đồng bạc xanh vẫn tiếp tục lên gia, khiến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, hiện đang gánh nhiều khoản nợ tính bằng Mỹ kim chịu nhiều áp lực.

Chi phí vay nợ của doanh nghiệp và người dân tăng lên, làm cho doanh nghiệp và tư nhân có nhu cầu vay nợ e ngại, cân nhắc hơn khi ra quyết định đầu tư, tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng dây chuyền sản xuất, có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu, ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Nợ công do đó mà không thể giảm, đến cuối năm 2020 là 3.52 triệu tỷ đồng, năm 2021 là 3.7 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2022 đến hết năm 2024 nợ công sẽ tiệm cận mốc 5 triệu tỷ đồng. Tính trung bình mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoảng 50 triệu nợ công. Giai đoạn 2022-2024 csVN phải trả vốn và lãi cho chủ nợ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 51 tỷ Mỹ kim. Số tiền trả nợ sẽ tăng lên do lãi suất đồng Mỹ Kim tăng.

Trong trường hợp số thu ngân sách bị thiếu hụt, như Bộ Tài Chánh lo ngại thì khả năng trả nợ của csVN sẽ bước vào “ngưỡng rủi ro”. Ngân Sách năm 2022 có thể bội chi trên mức tính toán hiện là 372,9 nghìn tỷ đồng.

Ngày 13/6, NHNN cho biết, Bộ Tài chính Hoa Kỳ từ hôm 11/6 đã quyết định đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về các chính sách ngoại hối, do không còn đáp ứng cả 3 tiêu chí, gồm:  thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. https://vanhoimoi.org/?p=14404  [4]

Cho đến lúc này dù chưa phải là quốc gia thao túng tiền tệ, nhưng Việt Nam vẫn nên cẩn trọng vì kể từ đây tỷ giá Mỹ kim trên tiền đồng Việt Nam thay đổi. Đây là lúc Mỹ có lý do để tăng mức độ theo dõi, và nếu bị xếp vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ thì rất bất lợi cho Việt Nam, vì bước kê tiếp Việt Nam sẽ rất vất vả để chứng minh nhằm thoát các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ sau đó.

Fed hứa hẹn sẽ còn những đợt tăng lãi suất tiếp theo: tới mức 3,4% vào cuối năm 2022 và tăng lên mức 3,8% vào năm 2023, khiến thị trường tài chính biến động mạnh, trong đó có hiện tượng dòng vốn đầu tư quay về nơi “cố quận”, trường hợp này nó quay lại nơi sinh ra để trú ngụ an toàn.Các nhà đầu tư sẽ chuyển một phần danh mục đầu tư của họ sang Mỹ, mà đầu tiên khối ngoại sẽ bán tháo ở Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam để chuyển nguồn lực về nơi ít rủi ro hơn. Các nhà kinh doanh đầu tư vào Việt Nam qua chương trinh FDI cũng dè dặt hơn trước.

Do nền Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn trong giao thương quốc tế, Việt Nam từng nhập cảng các mặt hàng chính yếu liên quan đến công nghệ và đời sống, thì cũng đồng thời “mua vào” mức lạm phát từ các nước bán mặt hàng gốc. Như thế, giá cả trong nước sẽ tăng, dẫn đến lạm phát tăng ở Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm.

Một trong các mặt hàng rất cần nhập cảng là xăng dầu đang lên giá. Không ai ngờ ngày 21/6/2022 một lít xăng RON 95 giá sát ngưỡng 33.000 đồng. Đây chính là nguồn cơn đẩy mọi mặt hàng lên cao. Tổng số tiền thuế, phí trên xăng dầu hiện nay chiếm từ 50% tới 64% giá bán xăng dầu. Nếu giảm thuế, phí trên xăng dầu, Chính Phủ sẽ thất thu một phần Ngân sách.

Bộ Tài chính cho biết, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chấp thuận từ tháng 7/2022 giảm thuế bảo vệ môi trường trên xăng dầu ở mức tối đa 1.000 đồng mỗi lít, xuống tới 300 đồng mỗi lít, tùy theo loại xăng dầu, thì giá mới rẻ hơn, sẽ trở thành hiện thực cho 4 tháng cuối năm, kể từ ngày 1/8/2022.

Số liệu của công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, so với cùng kỳ năm trước giá thịt gà đã tăng trên 23%, giá trứng gà tăng trên 82%, dầu ăn tăng 30%-40%, thịt heo nguyên con cũng tăng trên 16%. . . Thực tế này gây lo ngại áp lực lạm phát sẽ tăng cao hơn do đây là nhóm hàng hóa chiếm số lượng lớn nhất trong khuân khổ tính CPI – trên 20%. [5]

Việt Nam khoe là tự chủ được 40% lương thực thực phẩm trong đời sống dân sinh, nên áp lực lạm phát ít hơn các nước trong khu vực. Nhưng tình thế này, cố gắng kiềm chế mức lạm phát ở mục tiêu 4% sẽ như việc “đội đá vá trời”!

Khi Fed theo đuổi chính sách tăng lãi suất căn bản nhân danh chống lạm phát thì cũng đồng thời làm tăng giá trị đồng bạc xanh. Đối với Việt Nam, hệ quả liên đới là tiền đồng giảm giá. Đồng bạc Việt Nam mất giá tự nó làm xấu đi tình hình kinh tế vĩ mô và kéo theo gia tăng lạm phát.

Khi Mỹ kim tăng gía, thì tạo ra môi trường lôi cuốn các dòng vốn quay về nơi phát hành đồng Mỹ kim. Chính sách của Fed còn phát sinh hiện tượng tăng lãi suất dây chuyền nơi một số Ngân Hàng Trung Ương EU. Và cho tới lúc bài này hoàn tất, đồng Euro cũng đang trên đà tăng giá.

Đầu tháng 6, csVN tổ chức Diễn Đàn Kinh Tế lần thứ 4, quy tụ đến 600 đại biểu các ngành và diễn giả để tham mưu Ban Chấp hành Trung Ương mà trực tiếp là Bộ Chính Trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh mới. . . [6]   Do những cái “nhấp chuột” của “đám tư bản dẫy chết” gây ra, khiến những đỉnh cao trí tuệ, Sỹ Phu Bắc-Hà, Tiến sỹ xây dựng đảng. . .  của Ba-Đình lâm cảnh “xiêu hồn lạc phách”, lúng túng trong cách đối phó gây họa cho nhiều lãnh vực; ngay cả giới phụ nữ đang tay ấp tay bồng cũng phải chau mày rơi lệ, bởi thực phẩm nuôi dưỡng bé thơ đang quay cuồng trong cơn bão giá.

Lâm vào hoàn cảnh này, Ba-Đình đành “bó tay” trong cuộc chiến tiền tệ đang âm thầm diễn ra mà chưa biết xoay xở đường nào.

Trần nguyên Thao

Tham khảo:

[1] http://c4c.com.vn/2022/6/15/14-nam-nua-viet-nam-se-la-nen-kinh-te-lon-thu-20-the-gioi

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61546793

[3] https://topnoithat.com/kim-ngach-xuat-nhap-khau-cua-viet-nam/#chi_tiet_kim_ngach_xuat_nhap_khau_cua_viet_nam_nam_2021

[4] [3] https://vnbusiness.vn/tien-te/ngan-hang-nha-nuoc-noi-gi-khi-hoa-ky-dua-viet-nam-tro-lai-danh-sach-giam-sat-1086056.html

[5]  https://vietnambiz.vn/gia-thit-ga-tang-hon-23-trung-tang-82-lam-phat-thuc-pham-da-den-viet-nam-2022615164651403.htm 

[6]  https://www.saigondautu.com.vn/kinh-te/hon-600-dai-bieu-tham-gia-dong-gop-quyet-sach-phat-trien-kinh-te-viet-nam-105793.html

Bài liên quan:
  • Nhật Bản có thể là nơi trú ẩn rủi ro Trung Quốc trong bao lâu?
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/5/2024. Israel-Hamas sẽ ngừng bắn? Số phận của con tin Do Thái? TC tấn công tàu tuần duyên Philippines: Bão lớn trên Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trung Quốc thực sự có bao nhiêu đòn bẩy trước Iran?
    Christina Lu
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 4/5/2024. Khủng hoảng lãnh đạo chưa từng có ở VN: Từ ‘Đốt lò’ sang ‘Đốt nhà’! Công an nắm quyền?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Iran đã vạch ra lằn ranh đỏ với Israel
    Sina Toossi