___________________________

Chương Trình Phục Hồi Kinh Tế hậu CoVid mất trên 4 tháng mới nhúc nhích là “cái cớ” để Quốc Hội họp kỳ 3 (23/5-17/6) ra mặt “lè nhè” phía Nội Các đương nhiệm. Nhưng đàng sau các con chữ mà báo Nhà Nước dẫn lời Đại Biểu Quốc Hội réo gọi trách nhiệm về ai, nằm ở nguồn cơn từ đâu gây ra tình trạng suy thoái Kinh Tế, Tài Chánh.

Bác sĩ ở Đà Nẵng ăn mì gói để chống dịch và bữa ăn dát vàng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Một tháng sau ngày video Bộ Trưởng Công An Tô Lâm ăn bò dát vàng ở London phát tán khắp thế giới, cơ quan điều tra tung lưới bắt, truy tố những mắt xích của Việt Á (10/12/2021), sáu (6) tháng sau (07/6) Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị bãi nhiệm tư cách Đai Biểu Quôc Hội, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Thứ Trưởng Khoa Học Công Nghệ Phạm Công Tạc là ba nhân vật bị xử lý trong đợt “đốt lò” mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi bị đảng csVN khai trừ và bị cách chức do vi phạm các quy định và quy chế của nhà nước, “gây thất thoát rất lớn” cho Ngân sách. [1]  

Việt Á trong mắt công chúng là “phép thử” cho các nỗ lực chống tham nhũng của TBT Trọng và đảng csVN. Cư dân mạng Việt Nam tin rằng, hai Ủy Viên Trung Ương, Nguyễn thanh Long và Chu ngọc Anh mới bị cách chức chưa phải là những ông “trùm” cuối cùng, mà nội vụ đang soi rọi dần đến “gốc gác” một nhóm ông, bà và nhân vật “đạo diễn” chính. Dân chúng nghi ngờ rằng vụ Việt Á hoàn toàn là sự “thao túng của hệ thống quyền lực”.

Phan Quốc Việt, Tổng Giám Đốc Việt Á khai là lót tay tới 800 tỷ đồng, còn lợi nhuận chỉ có 500 tỷ thôi. Cho đến lúc vụ làm ăn đổ bể, Việt Á đã dùng tới gần 62% tổng số thu để lót tay quan chức.

Quy mô vụ án Việt Á rất lớn, cả về mức độ tác động xã hội, đến đình đốn sản xuất suốt thời gian dài, đều có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cơ quan Nhà Nước. Đây không còn đơn thuần là một vụ tham nhũng, nâng khống giá mà có dấu hiệu lũng đoạn trong toàn hệ thống quyền lực, dàn dựng một cách hệ thống, lớp lang bài bản gồm nhiều mắt xích: từ khâu nghiên cứu y khoa giả, dàn dựng công bố sản phẩm “giả” như “thật”; trao Huy Chương Lao Động cho Việt Á để lòe dân; cho truyền thông lề phải tung hứng, bơm thổi để ra lệnh giãn cách xã hội và phạt tiền buộc người dân phải xét nghiệm CoVid đại trà.  .  .

Tại diễn đàn Quốc Hội một số Đại Biểu học lực dưới “Tiến Sỹ Cầu Lông” cầm giấy đọc chưa chạy con chữ, nhưng khi chất vấn phía Chính Phủ lại rất trơn tru. Gần như họ được mớm lời như thời đấu tố trong cải cách ruộng đất. Đồng thời họ cũng chịu nhiều “hạn chế” khi cần phản bác lập luận của các cơ quan chuyên ngành Tài Chánh, Tiền Tệ.

Song hành với những hạch hỏi cho có lệ ở Quốc Hội là những dịch chuyển âm thầm nơi thâm cung Ba-Đình dựa trên căn bản lọc lừa, kể cả sắt máu để đạt 2 mục đích: diệt cho đối phương không thể tranh ghế quyền lực cao hơn, đồng thời nhằm vớt vát chút uy tín cho tập thể đảng csVN.

Rốt cuộc thì đảng csVN vẫn chỉ đóng tuồng để lừa dân. Những vấn nạn của đất nước còn phải “chờ” cho guồng máy cực kỳ tham nhũng sắp xếp có lợi cho phe nhóm, bất chấp tình cảnh sống vẫn đang lây lất của hơn 8,6 triệu nhân khẩu thuộc 24 tỉnh, từng phải xin  (1) lần trợ cấp 130.175 tấn gạo của Nhà Nước để ăn Tết. [2]

Dân chúng vẫn phải oằn mình chịu khủng hoảng trong nhiều lãnh vực: Tài Chánh gồm nợ công chồng chất, Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) không bảo chứng, nợ xấu Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) cao 2 con số, Tín dụng thay vì đi vào sản xuất lại lạc sang Bất Động Sản (BĐS) đang nổ bong bóng từng phần, Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) là hàn thử biểu đo nền Kinh tế liên tiếp (6) tuần xuống đến mức mất hết triển vọng . . . Áp lực lạm phát de dọa làm người dân hàng ngày phải vật vã với nhu yếu phẩm tăng cao làm mâm cơm teo tóp trong kiếp sống khó nghèo.

Giới chuyên gia đề nghị Chính Phủ nên tập trung vào đầu tư và sản xuất kinh doanh, tận dụng thật tốt cơ hội của một Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng cung cách điều hành Kinh Tế của đảng độc tài luôn nhắm đến lợi quyền như vụ Việt Á, thì rõ ràng cả hệ thống quyền lực đã quá lem nhem.  

Sau 15 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, tính đến 13/6, xăng dầu tại Việt Nam đã tăng tương đương từ 27,74% – 47,89%. Ngày 13/6 giá xăng RON 95 đã vượt 32.000 đồng mỗi lít, cao hơn rất nhiều so với Indonesia, Malaysia. Trong giá này bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại phí khác. Tổng số tiền thuế, phí chiếm từ 50% tới 64% giá bán xăng dầu.

Báo Nhà Nước loan tin, Thủ tướng Chính phủ “sẽ chỉ đạo” hai bộ Tài Chính và Công Thương “khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu”.

Trước đó, tại hành lang Quốc Hội, Bộ Trưởng Công Thương, Nguyễn hồng Diên đã làm dậy sóng ngay trên báo lề phải, khi ông nói “chắc nịch” giá xăng Việt Nam thấp hơn nhiều nước, với luận cứ rằng: “Ép giá xăng thấp có thể gây thiệt hại lớn cho kinh tế”. [3]

Có thể Bộ Trưởng Công Thương Nguyễn hồng Diên là người duy nhất chưa biết rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc tới 37% vào nguyên vật liệu nhập cảng từ bên ngoài, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ tăng mức lạm phát thêm 0,36%, làm GDP giảm khoảng 0,5%.  https://vanhoimoi.org/?p=14237

Sau 4 tháng thai nghén các văn kiện lập quy, cuối tháng 5/2022 Chính Phủ mới giải ngân được 22 ngàn tỷ trong số 347 ngàn tỷ thuộc chương trình Phục Hồi Kinh tế hậu CoVid, đặt nặng vào các dự án đầu tư công xây dựng hạ tầng cơ sở. Đồng thời cũng mới khởi sự dùng 40 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ 2% lãi suất, với hy vọng bơm vào nền Kinh Tế 1 triệu tỷ đồng tín dụng cho năm 2022-2023 để kích thích sản xuất.

Rất có thể các cơ quan tham gia dự án còn đang “giàn xếp” phần chia chác, nên chưa thể giải ngân nhanh. So sánh giá thành xây dựng đường sắt dưới đây của các công ty quốc tế và Việt Nam, độc giả dễ dàng thấy Việt Nam khá lúng túng:

Công ty Siemens của Đức xây dựng và bảo trì 15 năm cho 2.000 km đường sắt của Ai Cập. Giá thành chỉ 4,35 triệu Mỹ kim mỗi km.

Trung cộng xây dựng 2.000 km đường sắt cho Lào. Giá thành trung bình: 14,492 triệu Mỹ kim mỗi km.

Đường sắt Hà-nội–Saigon 1.545 km, có hai phương án: (i) của Bộ Giao Thông Vận Tải, tốn 58,7 tỷ Mỹ kim. Giá thành trung bình: 37,99 triệu Mỹ kim một km, (ii) của Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, tốn 26 tỷ Mỹ kim. Giá thành trung bình: 16,82 triệu Mỹ kim mỗi km. [4]

Về tín dụng sản xuất, nhiều Doanh Nghiệp than vãn, họ chỉ là nạn nhân của chỉ thị 16 do Chính Phủ đòi áp dụng triệt để giãn cách xã hội, ngăn sông cách chợ, 3 tại chỗ . . .  làm tê liệt giao thương suốt 3 tháng quý 3/2021, hậu quả là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đến 71,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20%, bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp phá sản.

Hôm 13/6 NHNN cho biết, hai NHTM lớn là VPBank và Công ty thuộc HDBank đã cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay đến tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân với  hy vọng sẽ “dẹp” được nạn tín dụng đen tiền lời từ 700%-1000% đang bủa vây công nhân tại các khu công nghiệp.

Cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng, đến tháng 3/2022 lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng, tín dụng 12 triệu tỷ đồng. Trong đó, khối NHTM quốc doanh, khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Từ số liệu trên, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN), Nguyễn thị Hồng biện bạch trước Quốc Hội về lợi nhuận khối NHTM lên đến 20-25%, gần gấp 4 lần mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm, và như vậy là lợi nhuận rất lớn, so với các khối doanh nghiệp khác trong thời kỳ đại dịch CoVid.

Nhưng bà Hồng lập luận rằng, “Lợi nhuận sinh lời là mười mấy nghìn hay hai mươi nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó thì không phải là lớn”.

Phản bác của giới chuyên ngành cho rằng, tổng tài sản không phải là của ngân hàng; phần lớn tài sản là của khách hàng, của nền kinh tế; của ngân hàng chỉ là vốn chủ sở hữu. dùng lợi nhuận để “pha loãng” trên tổng tài sản như vậy để bênh vực cho NHTM không lời lớn là thiếu hợp lý. [5]

Giữa tháng 4/2022 tín dụng bất động sản (BĐS) tăng và có dư nợ là 2,288.000 tỷ đồng, mức tăng là 10,19% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, khoảng 785.000 tỷ đồng.

Theo số liệu của FiinRatings, quy mô TPDN của ngành BĐS khoảng 487.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 4/2022, khoảng 63% trong số này là 305.000 tỷ đồng sẽ lần lượt đáo hạn vào 3 năm từ 2022-2024. Trong 5 năm gần đây thị trường TPDN tăng trưởng rất mạnh, khoảng 40%/năm, đạt quy mô 15% GDP. TPDN đáo hạn trong hoàn cảnh doanh nghiệp phát hành không hoàn lại được vốn lẫn lời sẽ nảy sinh các vấn nạn rất lớn trong xã hội.

Khối NHTM đã tăng lãi suất tiền gửi với tỷ lệ đang kể. Hiện có khoảng 10 ngân hàng có lãi suất trên 7% mỗi năm, trong đó cao nhất là 7,55% mỗi năm.

Thời gian tới chắc chắn NHTM sẽ tăng lãi suất tín dụng do áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo với khuyến cáo kiểm soát nguồn tiền không chạy vào BĐS. Tuy nhiên, trong một chế độ sinh hoạt theo văn hóa “nén bạc đâm tọc tờ giấy”, thì việc cam đoan chặn dòng tín dụng chảy vào chứng khoán hay BĐS là chuyện “nước đổ lá khoai”. Riêng tín dụng vào các dự án xây nhà giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ thì NHNN cam kết sẽ được hỗ trợ 2% trong chương trinh Phục Hồi Kinh Tế, Xã Hội hậu Covid.

Cung cách chi tiêu bừa bãi của Chính Phủ, được báo Nhà Nước dẫn lời từ Thanh Tra Chính Phủ phát hiện, trong 5 năm kết thúc vào cuối năm 2020, mỗi năm chi sai khoảng 5% ngân sách quốc gia, 5 năm khoảng 250 nghìn tỷ đồng.  https://vanhoimoi.org/?p=7358

Nợ công do đó mà không thể giảm, đến cuối năm 2020 là 3.52 triệu tỷ đồng, năm 2021 là 3.7 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2022 đến hết năm 2024 nợ công sẽ tiệm cận mốc 5 triệu tỷ đồng. Tính trung bình mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoảng 50 triệu nợ công. Giai đoạn 2022-2024 csVN phải trả vốn và lãi cho chủ nợ khoảng 1.2 triệu tỷ đồng, tương đương 51 tỷ Mỹ kim.

Trong trường hợp số thu ngân sách bị thiếu hụt, như Bộ Tài Chánh lo ngại thì khả năng trả nợ của csVN sẽ bước vào “ngưỡng rủi ro”. Ngân Sách năm 2022 có thể bội chi trên mức tính toán hiện là 372,9 nghìn tỷ đồng.

Từ giữa tháng 5, sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam trải qua 45 ngày tuột dốc, rơi hơn 20%, tương đương vốn hóa sụt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, khoảng 52 tỷ Mỹ kim. Thành quả tích cóp trong 2 năm vừa qua đã bay theo những phiên giao dịch rực lửa. Sau nhiều phen không cầm cự nổi ở mốc 1300 điểm; đến hôm 13/6 thị trường đóng cửa với chỉ số xuống đến 1.227 điểm, tương đương mức giảm 4,44%. [6]

Ngày 13/6, NHNN cho biết, Bộ Tài chính Hoa Kỳ từ hôm 11/6 đã quyết định đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về các chính sách ngoại hối, do không còn đáp ứng cả 3 tiêu chí, gồm:  thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. [7] Trong 5 tháng đầu năm áp lực lạm phát tại Việt nam rất lớn. Thống kê chính thức vẫn nói là lạm phát tại Việt Nam dưới 4%. Nhưng sức nóng tăng giá mọi loại nhu yếu phẩm đã lan ra ruộng đồng, nhà máy đến mâm cơm của mọi gia đình. Hậu quả lạm phát sẽ còn lớn hơn nếu chậm có giải pháp giảm nhiệt đà tăng giá, dẫn đến lạm phát cao, phải tăng lãi suất. . .

Ít ai ngờ rằng có ngày giá xăng tăng vượt 32.000 đồng mỗi lít, đẩy giá thực phẩm tiêu dùng tăng theo, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Ngành ngư nghiệp với hàng triệu con người sống dọc 3260 cây số biển gần như để thuyền đánh cá nằm ụ. 75% doanh nghiệp toàn quốc đề nghị Chính Phủ áp dụng mọi biện pháp kiềm chế lạm phát.

Giai đoạn 1986-1988, nền kinh tế Việt Nam mới chuyển đổi sang thị trường phải hạch toán kinh doanh và tỷ giá sát với thị trường nên giá cả tăng rất cao, lạm phát năm 1986 đạt đỉnh điểm 774,7%. dẫn đến suy trầm kinh tế.

Giai đoạn 2008 – 2010 do tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát tại Việt Nam năm 2008 là 22,97%, năm 2011 là 18,58%, lãi suất có lúc ngoài 20% khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế cũng bị suy trầm.

Do các biến chuyển đã trình bày, tình hình Kinh Tế, Tài Chánh Việt Nam vẫn vật vã ở chu kỳ suy thoái trầm trọng trong tình huống đảng csVN mất uy tín vì tham nhũng có hệ thống lộ ra qua vụ Việt Á. Nếu giải pháp cân nhắc để vài ba Ủy Viên Trung Ương làm “dê tế thần” mà nội vụ chưa yên, thì các tên tuổi kế tiếp có vai vế cao hơn sẽ phải lộ diện, khi đó đảng csVN phải thay đổi nhân sự cấp cao.

Sự kiện Ông Pham Bình Minh được giao nhiệm vụ Phó Thủ Tướng thường trực từ ngày 8/6/2022 có thể là phương án chuẩn bị (?).

Trần nguyên Thao

Tham khảo:

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61728235

[2] https://tuoitre.vn/de-xuat-cap-hon-130000-tan-gao-ho-tro-cho-tren-86-trieu-nguoi-20210819094023475.htm

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61715069

[4] https://baotiengdan.com/2022/06/04/choang-vang-voi-gia-thanh-duong-sat-cao-toc-ai-cap-do-siemens-xay-dung/

[5] https://cafef.vn/hai-diem-bat-ngo-trong-tra-loi-chat-van-cua-thong-doc-20220610091139232.chn

[6]https://cafef.vn/vn-index-dieu-chinh-manh-57-diem-dieu-gi-dang-xay-ra-voi-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-20220613152637237.chn

[7] https://vnbusiness.vn/tien-te/ngan-hang-nha-nuoc-noi-gi-khi-hoa-ky-dua-viet-nam-tro-lai-danh-sach-giam-sat-1086056.html

Bài liên quan:
  • GDP Việt Nam trong Bức Tranh Tương Phản
    Trần nguyên Thao
  • Vụ thanh trừng mới nhất của Tập vén màn bí mật khủng hoảng bất động sản
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/4/2023. Tranh giành quyền lực ngày càng khốc liệt, đầu lãnh Hà Nội chạy cầu cứu quan thầy!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chính sách chống trì trệ kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 13/4/2024. Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Phi: Đứng mũi, chịu sào! Thống nhất lằn ranh đỏ cho Trung Cộng ở Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt