_____________________

Nguồn: Minxin Pei, “China can turn debt trap of its own making into historic opportunity,” Nikkei Asia, 24/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bắc Kinh nên “cắt lỗ” và tập trung vào việc lấy lại danh tiếng.

Khi nói đến sự gắn kết của nền kinh tế Trung Quốc với các nước đang phát triển, khía cạnh gây tranh cãi nhất là các chương trình cho vay khổng lồ, thứ đã bơm hàng trăm tỷ USD tiền vay vào các nước nghèo trong vòng 15 năm qua.

Các nhà phê bình đã lên án hoạt động cho vay ở nước ngoài của Bắc Kinh là một hình thức bẫy nợ nham hiểm, sẽ dần biến những nước đi vay thành chư hầu kinh tế. Tuy nhiên, ngày nay, mặt còn lại của câu chuyện này đã được hé lộ: chính Trung Quốc đang rơi vào cái bẫy nợ mà họ đã đào cho người khác.

Theo sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cũng như tình trạng lạm phát cao, lãi suất tăng, và suy thoái rình rập ở Mỹ và châu Âu, nhiều nước nghèo đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi hệ thống tài chính toàn cầu gần như tan rã vào năm 2008.

Khi phải vật lộn với dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài, thiếu lương thực, và giá hàng hóa cơ bản sụt giảm mạnh, ngoại trừ dầu mỏ và khí đốt, chính phủ của các nước thu nhập thấp sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc hoàn trả các khoản vay từ Trung Quốc.

Dù không có dữ liệu chính thức về các khoản vay mà Bắc Kinh trao cho các nước đang phát triển, nhưng Trung Quốc hiện là chủ nợ chính thức lớn nhất của nhóm nước này. Trong mọi kịch bản, các khoản vay thực tế của Trung Quốc đều có thể lớn hơn đáng kể so với hầu hết các ước tính.

Một cuộc điều tra về các khoản vay ở nước ngoài của Trung Quốc do nhà kinh tế Carmen Reinhart, hiện là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, và các đồng sự thực hiện vào năm 2018 cho thấy các khoản vay chưa được báo cáo của Trung Quốc cho nước ngoài, chủ yếu là các nước đang phát triển, chiếm trung bình khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội của các nước này.

Trong lúc bóng đen vẫn đang bao trùm nền kinh tế thế giới, Bắc Kinh nên tìm cách đối phó với một cuộc khủng hoảng nợ do chính họ gây ra.

Sự sụp đổ kinh tế gần đây của Sri Lanka chính là dấu hiệu khủng hoảng đầu tiên. Nợ nước ngoài của quốc gia Nam Á này đã lên tới 38,6 tỷ USD, bằng khoảng 47% GDP của họ, 10% trong số này là tiền nợ đối với Trung Quốc.

Đầu năm 2022, Sri Lanka đã không thể trả được khoản nợ đến hạn trị giá gần 7 tỷ USD. Sau khi Bắc Kinh không đưa ra được biện pháp giảm nợ nào, vào tháng 4, Sri Lanka đã quyết định tạm ngừng trả một số khoản nợ nước ngoài của mình để chờ cơ cấu lại. Ngay sau đó, các cuộc biểu tình lớn đã lật đổ chính phủ Sri Lanka.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ xấu đi hơn nữa, nhiều nước đang phát triển khác, tương tự như Sri Lanka, dự kiến sẽ vỡ nợ đối với các khoản vay nước ngoài của họ. Nhiều quốc gia trong số này là những quốc gia đã nhận được hàng trăm tỷ đô la cho vay từ Trung Quốc và họ sẽ trở thành một thách thức gần như không thể giải quyết đối với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Dưới sự cai trị của Tập, Trung Quốc đã quảng bá mạnh mẽ bản thân như một giải pháp thay thế cho phương Tây, và hào phóng tài trợ cho các dự án rủi ro ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, giờ đây, các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ đô la mà Trung Quốc dành cho các nước nghèo đang gặp nguy hiểm, bởi chính những ràng buộc đi kèm đã khiến các nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước suy thoái kinh tế.

Thứ nhất, trong khi 55% các khoản vay và viện trợ không hoàn lại của các chính phủ phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế được đổ vào các chương trình xã hội như y tế, giáo dục, và hỗ trợ nhân đạo, thì gần 2/3 khoản cho vay của Trung Quốc là dành cho cơ sở hạ tầng.

Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, các dự án cơ sở hạ tầng đã hoàn thành như đường thu phí, bến cảng, và nhà máy điện sẽ tạo ra ít doanh thu hơn vì giao thông và tiêu thụ điện năng đều ít hơn, khiến các dự án này khó tạo ra thu nhập cần thiết để trả các khoản vay.

Thứ hai, vì các khoản vay của Trung Quốc thường được thế chấp bằng nguồn thu từ tài nguyên, rủi ro vỡ nợ sẽ tăng lên đáng kể trong thời kỳ suy thoái, vì nhu cầu thấp hơn thường làm giảm giá hàng hóa cơ bản, ngoại trừ dầu mỏ, xuất phát từ các lệnh trừng phạt đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Điều này làm gia tăng gánh nặng lên nguồn doanh thu cần thiết để trang trải các khoản nợ.

Trung Quốc có rất ít lựa chọn tốt để leo ra khỏi cái hố mà họ đã tự đào cho chính mình. Việc ép các chính phủ vỡ nợ như Sri Lanka phải trả các khoản vay trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế sẽ là vô ích và phản tác dụng. Trung Quốc sẽ không chỉ mất tiền mà còn làm mất uy tín của mình trong quá trình này. Tuy nhiên, việc xóa nợ hoàn toàn lại gây ảnh hưởng xấu đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, vốn là cơ quan thực hiện các khoản vay này, và cuối cùng Bắc Kinh sẽ là người phải bù lỗ.

Lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc là áp dụng một cách tiếp cận đa nhánh để có thể cứu vãn hình ảnh và cắt giảm tổn thất của họ.

Nhánh đầu tiên phải là xóa nợ cho các nước nghèo nhất. Do các quốc gia có thu nhập thấp khu vực châu Phi cận Sahara chiếm khoảng một nửa các khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc, họ nên được ưu tiên nếu Bắc Kinh có kế hoạch xóa một phần đáng kể khoản nợ của họ.

Lý do để xóa nợ cho các quốc gia này đặc biệt thuyết phục, vì họ có khả năng bị tổn thương nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Danh tiếng của Trung Quốc sẽ thiệt hại đến mức không thể bù đắp, nếu cứ ép các nước này trả nợ trong lúc xảy ra bạo loạn vì tranh giành bánh mì trên đường phố.

Nhánh thứ hai là tái cơ cấu nợ. Trung Quốc nên cắt giảm lãi suất, tạm thời đình chỉ việc trả nợ, và kéo dài thời gian đáo hạn khoản vay để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ liên tục trong ngắn hạn.

Nhánh thứ ba là phối hợp với các nhà tài trợ và cho vay quốc tế khác. Là nước cho vay chính thức lớn nhất thế giới, Trung Quốc nắm trong tay đòn bẩy thực sự. Nếu có thể sử dụng chương trình xóa nợ để khuyến khích các bên cho vay khác làm điều tương tự, Trung Quốc có thể dẫn đầu một nỗ lực quốc tế nhằm giúp các nước đang phát triển vượt qua cơn bão kinh tế toàn cầu.

Kết quả là, đây có thể trở thành một cơ hội lịch sử để Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo quốc tế của mình. Trớ trêu thay, chính sự thiếu thận trọng về tài chính của Trung Quốc, chứ không phải tầm nhìn xa chiến lược của họ, mới là thứ tạo ra cơ hội này.

Minxin Pei
Giáo sư về Quản trị chính quyền của Trường Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú của Quỹ Marshall Đức tại Mỹ.

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2022/07/10/trung-quoc-co-the-bien-bay-no-do-chinh-ho-tao-ra-thanh-co-hoi-lich-su/#more-46551

Bài liên quan:
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer