_________________________

Cuối tháng 7 Dương lịch là khởi đầu Tháng Cô Hồn theo tục lệ dân gian Việt Nam (*)- là những ngày dài kéo lê nỗi ám ảnh của doanh nghiệp Việt Nam khi ma quỷ được “xá tội vong nhân” sẽ tỏa ám khí mang xui xẻo, khó khăn suốt thời gian đầu đợi chờ hồ sơ tín dụng chuyển qua từng “cửa ải” quan tham.

Nhằm phục hồi sản xuất bị đình đốn vì CoVid, Chính Phủ dùng giới hạn 40 ngàn tỷ để hỗ trợ 2% lãi suất trên tín dụng dành cho hai nhóm Doanh Nghiệp được vay vốn từ các Ngân Hàng Thương Mại (NHTM). Gói hỗ trợ 2% lãi suất được chấp thuận từ gần 6 tháng trước, nhưng các NHTM quá “thận trọng” việc triển khai thủ tục tín dụng, cho nên đến lúc này, gần như số Doanh Nghiệp vay được tiền qua gói tín dụng ưu đãi là rất hiếm.

Hiện nay các NHTM tham gia gói hỗ trợ 2% lãi suất còn đang xoay xở trong tiến trình hoàn thành việc ban hành các quy định, quy trình nội bộ, bổ sung bộ mẫu biểu ghi nhận các nội dung liên quan đến quy định của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) về hỗ trợ lãi suất 2%.

Giới Doanh Nghiệp vẫn còn phải gân cổ “hô hò” Chính Phủ “nhanh tay lên” tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, đừng để đến lúc chương trình khởi động thì lại rơi vào “tháng cô hồn, mở cửa mả, xá tội vong nhân” làm cho doanh nghiệp lo “ma ăn cỗ” – chia chác một phần tiền ở khoản tín dụng còm cõi trong hồ sơ vay nợ thì bắt buộc giá thành sản phẩm phải tăng thêm, khó cạnh tranh, tiêu thụ.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất nhấp nhổm tăng, gói hỗ trợ lãi suất 2% được các doanh nghiệp mong ngóng từng ngày. Hơn nữa lãi suất ưu đãi 2% dành cho sản xuất chỉ còn hiệu lực trên 1 năm nữa, nếu cuối năm nay mới có tiền thì mất hết thời gian sản xuất. Các Hiệp Hội chuyên ngành đã đề nghị với các cơ quan và ngân hàng nên mau chóng giải ngân, song “con rùa” hành chánh ở mọi cơ quan liên hệ vẫn còn đang “đủng đỉnh” với những thủ tục càng nhiêu khê thì khoản “bôi trơn” càng nặng túi.

Giữa tháng 7/2022, NHNN còn đưa ra bản văn 1500 chữ giải đáp rất nhiều thắc mắc làm thế nào để một Doanh Nghiệp được vay tín dụng ưu đãi từ gói hỗ trợ 2% lãi suất. Mọi việc còn đang “rối mù như nồi canh hẹ”.

Chỉ có hai loại Doanh Nghiệp nằm trong danh mục dưới đây mới được hỗ trợ 2% lãi suất để thực hiện các dự án thuộc các ngành nghề được quy định:

  • Hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.
  • Các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án được Bộ Xây Dựng quy định.

Chương trình Phục Hồi Kinh Tế Xã Hội 347 ngàn tỷ đồng đã thông qua từ cuối tháng Giêng Năm 2022, nhưng lại “bỏ quên” lãnh vực kinh tế gia đình, chiếm trên nửa triệu Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV) đang đóng góp rất lớn cho nền Kinh Tế Việt nam, đa phần trong số Doanh Nghiệp loại này không đủ điều kiện để hưởng tín dụng với 2% hỗ trợ lãi suất. [1] Theo một bản lượng giá cuối năm 2021, thì Việt Nam có 541.753 DNNVV chiếm 96,7 % tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động trong nền kinh tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ Mỹ kim, chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn đăng ký của các DN. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động… Mặc dù số lượng DNNVV đông đảo, song quy mô DN nhỏ và rất nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số DNNVV.

Agribank, NHTM quốc doanh trên 30 năm hoạt động, có nguồn vốn 26.700 tỷ đồng, giá trị tài sản lên đến 1 triệu tỷ đồng than phiền rằng, khách hàng của Agribank phần đông sống bằng kinh tế gia đình, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhỏ lẻ, hầu như không có đăng ký kinh doanh, vì vậy hồ sơ thường không đủ giấy tờ chứng minh để được hưởng lãi suất  hỗ trợ 2% của Chính Phủ.

Do điều kiện được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% khá khắt khe, nên Các DNNVV, các Hợp Tác Xã khó có thể đạt tiêu chí không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản bảo đảm… Trong 2 năm dịch bệnh, sản xuất thu hẹp, giảm quy mô, có khi phải ngưng sản xuất … Nhiều DNNVV không tránh khỏi nợ xấu.

Về giới hạn cho vay, thuật ngữ Tài Chánh Ngân Hàng gọi là “room” tín dụng, Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Agribank cho hay, room tín dụng mà NHNN cấp cho Agribank năm nay là 7%. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng 6%, chỉ còn lại 1% cho 6 tháng cuối năm. Mặc dù vậy, ông Ấn vẫn bày tỏ mong muốn NHNN tiếp tục kiểm soát tín dụng chặt chẽ 6 tháng cuối năm, bởi nếu tăng trưởng tín dụng quá cao trong khi huy động vốn tăng chậm, các ngân hàng sẽ chạy đua lãi suất huy động, dẫn tới tăng lãi suất cho vay và tăng lạm phát.

Nhận định về tình hình tín dụng Việt Nam, ông Pham Đức Ấn nói, “tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã lên tới 9,35%, nếu tín dụng tăng mạnh nữa là rất nguy hiểm. Khi lạm phát và lãi suất tăng cao, thì mọi thành tích đạt được thời gian qua có nguy cơ quay lại số không. [2]

Một trong 5 giải pháp chính để phục hồi kinh tế là cải tiến ngành Y-Tế, phòng, chống dịch bệnh, với ngân khoản 60 ngàn tỷ đồng. Nhưng trên một năm nay do lương bổng không đủ sống, công việc lại quá cực nhọc và trách nhiệm nặng nề, nguy hiểm khiến cho ít nhất trên cả nước, dù thống kê chưa cập nhật, cũng đã có 9.400 bác sĩ, y tá, viên chức trong hệ thống y tế công đã theo nhau nghỉ việc.  [3]

Cách đây một tuần lễ, Bộ Y tế Việt nam nói toàn quốc có 92,000 ca sốt xuất huyết và tới thời điểm vừa kể đã có 36 người thiệt mạng. Riêng tại saigon có 25 ngàn trường hợp bị sốt xuất huyết. Tình trạng bệnh hoạn trong dân chúng ngày một tăng cao khiến cho các bênh viện công quá tải vì không đủ Bác Sỹ và Y-tá điều dưỡng.

Bệnh viện quá tải

Bác sỹ hay bất cứ ai cũng phải đạt được mức sống tối thiểu, chưa kể còn chăm lo cho con cái việc học hành, cha mẹ già… Đến khi họ không thể duy trì được chất lượng cuộc sống thường ngày thì không ai còn tâm trí đâu để cống hiến, buộc phải ra đi thôi.

Báo chí Nhà Nước tràn ngập các tin tức và phóng sự mô tả cuộc khủng hoảng nhân lực chưa từng có trong ngành Y-Tế công tại Viêt Nam, do bạc đãi giới y-khoa, và thiếu luật lệ hướng dẫn rõ ràng, làm cho  nhân viên Y Tế khi mua thuốc hay trang thiết bị y-tế lo vi phạm pháp luật.

Tình huống này nếu không giải quyết tận gốc, thì Việt Nam không có lớp người khỏe mạnh trong hạn tuổi lao động làm việc trong các xí nghiệp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.

Nơi nào nhà cầm quyền dùng nhà tù, cây súng và trấn áp dân chúng để tham nhũng toàn cơ chế quốc gia, thì nơi đó khó xây dựng được hệ thống an sinh xã hội an toàn, lành mạnh. Dù Nhà Nước có núi tiền cũng lần lượt vào túi hàng hàng, lớp lớp quan tham. Chương trình Phục Hồi Kinh Tế, Xã Hội chỉ dành ngân khoản 60 ngàn tỷ cho nhu cầu y-tế an sinh, xã hội để phục vụ 100 triệu dân thì mức độ đồng tiền thực sự đến tay dân chúng qua các dự án sẽ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.

Trần nguyên Thao

Tham khảo:

[1]  https://vietstock.vn/2022/06/goi-ho-tro-347-ngan-ty-da-giai-ngan-duoc-22-ngan-ty-thuoc-tat-ca-cac-hoat-dong-khac-nhau-758-970297.htm

[2] https://baomoi.com/khong-lo-thieu-room-trien-khai-goi-ho-tro-lai-suat-2/c/43126069.epi

[3] https://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202207/lan-song-y-bac-sy-thoi-viec-van-de-nong-cua-nganh-y-te-cac-dia-phuong-f8e779e/

(*) https://simkinhdich.com/blog/thang-co-hon-la-gi

Bài liên quan:
  • GIÁO DỤC CON KHI NÀO VÀ NHƯ THẾ NÀO?
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt