__________________________

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe rằng: “Giầy dép cũng đều có số, nói chi đến con người.”

Quả là có thế!

Chả thế mà tiếng Việt không thiếu những hạn từ liên quan đến vận mạng, định mệnh, số kiếp, số mạng, số phận, vận số, mệnh số, duyên số, phần số: số xui, số hên, số đen, số đỏ, số mạt, số nghèo, số giầu, số làm quan, số làm đĩ, số ăn mày, số xa nhà, số đi tu, số ở tù …

Tuy thế, loại dép râu (hay còn gọi là dép lốp, dép cao su, dép Bình Trị Thiên) thì chả có số má gì ráo trọi. Mẫu mã cũng không luôn. Đôi nào ngó cũng vậy. Cứ nhắm vừa chân ai là người đó xỏ đại vô – one size fit all – già trẻ, lớn bé, gái trai đều giống như nhau.

Thô kệch, trần trụi vậy thôi nhưng đôi dép lốp đã từng được ‘thi hào’ Tố Hữu cho “lên tầu vũ trụ” và có tên trong Wikipedia, phiên bản tiếng Anh: 

“The Ho Chi Minh sandals (Vietnamese dép lốp ‘tire sandal’) are a form of sandal made from discarded tires. Along with the khăn rằn scarf, they were a distinctive clothing of Viet Cong soldiers. These shoes were often called ‘Ho Chi Minh sandals’ or ‘Ho Chis” by Americans.”

Vỏn vẹn có đôi ba câu ngắn ngủi (chỉ gồm 48 từ) như vậy thì e chưa đủ liều lượng để ba hoa thiên tướng nên Wikipedia – phiên bản nội hóa – tự động chêm vào vài ba đề mục nữa (Đôi Dép – Dép Lốp – Đôi Dép Bác Hồ) tổng cộng là ba ngàn bốn trăm từ, với không ít hình ảnh, và toàn là những lời có cánh:

  • Đôi dép ấy rất đỗi bình dị, mộc mạc đơn sơ, nhưng thật nhiều ý nghĩa như chính cuộc đời Bác kính yêu. Bởi đôi dép cao su đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của Bác. Ngày nay, đôi dép ấy đã trở thành kỉ vật thiêng liêng và vô giá của dân tộc ta.
  • Đôi dép này được xem như là một trong những biểu tượng về “cuộc đời cách mạng” của Hồ Chí Minh, được đề cập trong nhiều bài báo cũng như một số bài hát, bài thơ.

Tự điển bách khoa toàn thư của người ta mà Ban Tuyên Giáo vẫn thản nhiên nhẩy xổ vào thêm thắt/thêu dệt trắng trợn tới cỡ đó thì thiệt là quá đáng, và quá quắt! PTT Vũ Đức Đam, Chủ Tịch Hội Đồng Chỉ Đạo Biên Soạn Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam, đã từng tuyên bố (không ngượng miệng) rằng:

“Bộ Bách khoa toàn thư phải là tri thức cơ bản về Việt Nam đặc biệt là tri thức ứng dụng cho đất nước, phải đúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.”

Tạm thời, khi chưa có bộ sách này thì cứ nhào nặn Wikikipedia tiếng Anh thành ra tiếng Việt (luôn) cho nó khoẻ. Mẹ nó, sợ gì ?

Tuy không có gì đáng sợ nhưng cũng chả có hiệu quả chi. Bên cạnh những lời lẽ thương râu nhớ dép hết sức thiết tha của đám văn nghệ sỹ cung đình (Hà Nội) vẫn có những câu thơ truyền miệng, phổ biến trong văn hóa dân gian: Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ/ Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai.

Nghe vậy tưởng đã quá tệ nhưng blogger Trương Nhân Tuấn còn diễn giải sự việc một cách tệ hại hơn vậy nữa: “Nón cối hay nón tai bèo, cùng đôi dép râu, đã ‘viết nên trang sử’, trên lý thuyết là đưa cả nước lên ‘xã hội chủ nghĩa’. Mà thực tế là đưa tất cả ‘xuống hàng chó ngựa’, như hai câu ‘thơ’ thời thế : ‘Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ, Chiếc nón tai bèo phủ kín nẻo tương lai.”  

Thế mới biết dép râu tuy không có số má chi nhưng kẻ xỏ chân thì đều có cả. Tuy tuyệt đại đa số đều “xuống hàng chó ngựa” nhưng lại có kẻ được cơ hội xưng vương, và xưng tụng như thần:

Vào năm 1970, một năm sau ngày Bác đi xa, nhà thơ Nam Yên đã viết một bài thơ lời lẽ dung dị nhưng rất mực thắm thiết, gợi lên cảm xúc thương mến Bác vô bờ. Bài thơ được nhạc sĩ Vân An phổ nhạc: Dép Bác, đôi dép cao su/ Bác đi từ ở chiến khu Bác về/ Phố phường trận địa/ Nhà máy đồng quê/ Đều in dấu dép Bác về, Bác ơi…

Bác Hồ là biểu trưng của tất cả những gì dung dị, mang một bản sắc dân tộc Việt Nam nhuần nhị, sâu xa nhất. Ngay cả quần áo, đồ dùng tiện nghi của Bác cũng đơn sơ, mộc mạc trong đó đôi dép của Bác trở thành một hình tượng thân quen, thắm thiết đối với chúng ta…” (Trung  Đức. “Đôi Dép Bác Hồ Đôi Dép Cao Su.” Việt Nam Mới).

Nào có riêng gì “với chúng ta!” Người nước ngoài cũng thế, cũng mê mẩn chết bỏ:

Chuyện là, khi Bác tiếp các quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ, họ đều chú ý nhìn vào đôi dép dưới chân Người, họ luôn liếc nhìn với vẻ lạ lùng và rất đỗi trân trọng. Báo chí nước ngoài khi đó thì nói về đôi dép cao su của Bác như một chuyện lạ, một huyền thoại về một con người tuyệt vời của thế kỷ lúc bấy giờ. 

Người dân Ấn Độ đã tỏ rõ lòng ngưỡng mộ đến lạ kỳ về đôi dép cao su. Khi Bác tới thăm một ngôi đền lớn và cổ kính của Ấn Độ, lúc Bác bước vào trong đền, để lại đôi dép bên ngoài thì bất ngờ có hàng trăm phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim ập đến vây kín đôi dép cao su của Bác. Họ như phục sẵn từ rất lâu rồi, một số phóng viên còn cúi xuống dùng tay sờ, nắn đôi dép tỏ vẻ lạ lùng và trịnh trọng.” (Huyền Chi. “Huyền Thoại Hồ Chí Minh Trong Trái Tim Các Nhà Báo Quốc Tế.” Công An Nhân Dân).

Sự “ngưỡng mộ”mà bạn bè quốc tế đã dành cho đôi dép của Bác – thực ra – chả là cái đinh gì, nếu so với lòng sùng kính của người dân bản địa (nơi vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng) ở Việt Nam:

 “Không dối lòng đâu, mỗi lần đi ‘dép Bác Hồ’ là thấy bụng không nghĩ điều trái, chân không đi hai đường. Chẳng riêng mình, cả làng này ai cũng vậy. Chiến tranh khỏi nói, hòa bình rồi có biết bao chuyện khó… Bông Rẫy hồi chiến tranh chỉ có 50 hộ, bây giờ đã lớn lên gần 120 hộ mà không còn ai đói, chỉ còn 10 hộ nghèo. Ai cũng có xe máy, hơn một nửa đã làm được nhà xây.

 Không ai nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép… Không nhờ phép lạ ‘dép Bác Hồ’ sao được thế? Có ‘dép Bác Hồ’ là thắng tất! Đinh Ngút cất lên một tràng cười sảng khoái. Ông nâng niu đôi dép mòn vẹt trên tay nói tiếp:

– Bông Rẫy bây giờ hãy còn gần hai chục người giữ được ‘dép Bác Hồ’ năm sáu chín như mình. Năm ngoái huyện đội vào xin mấy đôi, nói để làm bảo tàng, dân làng mới cho…” (Lê Quang Hồi. “Làng Bông Rẫy Mang Dép Bác Hồ.” Quân đội Nhân dân).

Trời ơi! Tưởng gì? Chớ dép lốp thì cần chi phải đi xin để bỏ vô viện bảo tàng. Thiếu mẹ gì đây nè, theo như những bản tin nhan nhản hàng ngày qua báo chí:

  • Tìm được 17 hài cốt đồng đội hy sinh ở Trường Sơn 50 năm trước  
  • Phát hiện 5 hài cốt liệt sĩ bên đường mòn Hồ Chí Minh
  • Phát hiện hài cốt liệt sĩ ở Trường Sơn    
  • Gia Lai phát hiện và quy tập 09 hài cốt liệt sĩ     

Cuộc chiến đã chấm dứt gần nửa thế kỷ, xương cốt của đám con bỏ xác dọc Đường Trường Sơn đã trở thành mùn đất (các bà mẹ tìm con nay cũng đều đã khuất) nhưng những chiếc dép cao su thì hẳn vẫn còn nguyên, và còn nhiều lắm:

  • Nhà văn Xuân Vũ: “ Để vun bồi ‘uy tín’ (hão) cho một người hoặc một vài người trên dãy Trường Sơn này, núi rừng đã phải nhận hàng vạn bộ xương khô, hằng vạn nấm mồ, không có nấm, không có bia.”  
  • G.S. Nguyễn Văn Lục: “Người ta phỏng đoán có khoảng 300.000 vừa là TNXP, vừa là cán binh bộ đội đã đào ngũ hay mất tích hoặc chấm dứt đời sống. Bệnh tật như kiết lỵ, sốt rét đã nhanh chóng hoàn tất cuộc đời của họ mà có thể chưa một ngày lâm trận.”
  • Nhà báo Rajiv Chandrasekaran cũng ghi nhận con số tương tự: “Chừng 300 ngàn người lính miền Bắc chết trong chiến tranh mà di hài của họ vẫn chưa tìm được – và chắc sẽ không bao giờ tìm ra cả. About 300,000 North Vietnamese soldiers killed in the war whose remains have not yet been located – and likely never will be. (“Vietnamese Families Seek Their MIAs.” Washington Post 3 April 2000: A01).

Nhà đương cuộc Hà Nội chỉ muốn mọi người biết đến và tôn thờ một đôi dép râu duy nhất của Hồ Chí Minh thôi nhưng dân Việt sẽ không bao giờ quên số phận thảm thương của hằng triệu sinh linh (chả may) buộc phải xỏ chân vào cái thứ dép oan nghiệt này.

Tưởng Năng Tiến

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 23/11/2024. Thượng đỉnh APEC & G20: Tác động ra sao đến Trung Đông, Ukraine; Vị thế của Hoa Kỳ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
    Michael Kimmage & Hanna Notte
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa