_________________________

Sau nhiều tháng trù trừ, ngày 8 tháng 9, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã dùng ngân khoản trên 457 ngàn tỷ đồng để phân bổ tín dụng không đồng đều cho 15 trong số 49 Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) đang hoạt động tại Việt Nam. Lần “nới room” tín dụng này được căn cứ vào “bảng xếp hạng” về khả năng quản trị kinh doanh, an toàn vốn và góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng của các NHTM được chọn để cấp thêm tín dụng cho thời gian còn lại năm 2022.

Tỷ lệ tín dụng lưu hành toàn nền Kinh Tế Việt Nam năm 2022 được giới hạn ở mức 14%. Giai đoạn từ đầu năm 2022 tới ngày 26-8-2022, tín dụng đã tăng 9,91%, tương đương 11,768 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ còn lại “rất hạn chế” vào khoảng 4,09%. Theo tính toán của Saigon Securities Incorporation (SSI), ngân khoản còn lại chỉ tương đương 457 ngàn tỷ đồng. Trong đó vùng Kinh Tế Saigon được cấp thêm khoảng 150.000 tỷ đồng vốn tín dụng.

Việt Nam hiện có 49 ngân hàng, bao gồm: 31 ngân hàng Thương Mại Cổ Phần, 4 ngân hàng 100% vốn nhà nước, 2 ngân hàng chính sách, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 1 ngân hàng hợp tác xã. Trong tổng số NHTM hoạt động tại Việt Nam, có đến 69% không được cấp “room” tín dụng lần này. Thực tế này cho thấy 34 NHTM còn lại tại Việt nam kém “khả năng quản trị, thiếu an toàn vốn và không góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng”.

Sacombank (STB) là ngân hàng được giao thêm hạn mức tín dụng cao nhất là 4%, trong khi BIDV và VietinBank chỉ được cấp thêm 0,7%. Còn lại 12 NHTM khác thì nơi cao nhất là 3,5%, thấp hơn là 1,2%, gói gọn trong số tiền nói trên.

Mức giới hạn tín dụng ở tỷ lệ 14% được NHNN biện bạch là để “duy trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vỹ mô là nhiệm vụ cao nhất trong giai đoạn hiện tại”.

Còn phía Doanh Nghiệp lại cho rằng, ngân khoản 457 ngàn tỷ cho cả nền Kinh Tế được coi là “khá khiêm tốn” so với nhu cầu “khát vốn” của Doanh Nghiệp Việt Nam sau 2 năm vật vã với đại dịch CoVid-19. Vào thời đó, Doanh Nghiệp khốn khổ vì chính sách “3 tại chỗ” cũng như các văn bản từ Trung Ương đến các Tỉnh, Thành có nội dung xung đột nhau: “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng, Doanh Nghiệp lúng túng chẳng biết đúng, sai. .” . Có lúc Chính Phủ còn áp dụng lệnh bế quan tỏa cảng làm tắc nghẽn mọi giao dịch hàng hóa, đẩy hàng trăm ngàn công ty phải “rời khỏi” thị trường sản xuất và hàng triệu công nhân mất việc hay giảm thu nhập!

Nay khối Doanh Nghiệp gặp cảnh vật giá đầu vào tăng khoảng 20-25%, dẫn đến chi phí kinh doanh tăng theo. Tín dụng khan hiếm lại đang trên đà tăng lãi suất khiến Doanh Nghiệp rất lúng túng. Nhiều Doanh Nghiệp trong ngành vật liệu xây cất gặp lúc quá khó khăn phải liều vay tín dụng đen để thanh toán các khoản cấp bách. [1]  (https://vanhoimoi.org/?p=14782).

Thiếu tín dụng cũng đưa đến một số dự án, hoạt động sản xuất – kinh doanh của khách hàng cá nhân và Doanh Nghiệp có thể bị gián đoạn một phần, dẫn đến thiếu nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; thêm yếu tố góp phần tăng lạm phát cũng như rủi ro nợ xấu. Hiện nay tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NHTM bật tăng trở lại đến mức 10,58%. (https://vanhoimoi.org/?p=14312)

Lãi suất vay vốn tại các NHTM kỳ hạn 12 tháng, hiện ở mức từ 6.45% – 11.52%. Nếu tính thêm mọi phí tổn “bôi trơn” thì cũng phải xê xích trong khoảng 8% – 12.5%. Từ nay đến cuối năm, lãi suất tín dụng tại NHTM sẽ tăng lên. Vì lãi suất tiền gởi vào ngân hàng thời hạn 12 tháng cũng đã ở mức 6.2% – 12.40%, tùy nơi. Nếu NHTM không tăng lãi suất cho vay thì lấy tiền đâu để trả cho người gởi tiết kiệm.

Ngày 26/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng “hãnh diện” khoe rằng, trong quá trình phục hồi nền kinh tế, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng nhận được sự quan tâm của giới NHTM, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hay giới kinh doanh nhỏ lẻ, thường gọi là Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ (DNVVN).

Tuy nhiên, đại diện một số NHTM cho biết nhiều DNVVN không nhận ưu đãi lãi suất 2% do lo ngại sau khi vay vốn lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán. Bởi vì thực tế có nhiều trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành chưa có quy định rõ. Hiện nay, nhiều gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Thành ra chương trình hỗ trợ 2% lãi suất nói thì rất hữu dụng, nhưng đến thời điểm này sau 3 tháng triển khai, theo báo cáo nhanh từ các NHTM, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới cho vay được 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Trong trường hợp DNVVN không tiếp cận được nguồn vốn qua tín dụng nơi NHTM thì buộc họ phải xoay sang mượn vốn nơi các công ty tài chính công nghệ Fintechs hay Ngân Hàng Số Digital Challenger Banks. Thực tế này mà diễn ra ồ ạt, thì khối NHTM mất hàng trăm ngàn khách hàng từ các DNVVN.

Theo số liệu của NHNN, số công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ tài chánh trên thị trường Việt Nam liên tục tăng: năm 2016 chỉ có 40; năm 2020 lên tới 150, đến tháng 8 năm nay, số lượng này lên đến 200 công ty. Fintechs hoạt động trên nhiều lĩnh vực tài chính như thanh toán, chuyển tiền, cho vay, tài chính cá nhân… Giá trị đầu tư có thời điểm lên đến hàng hàng trăm triệu Mỹ kim. Fintechs mang đến cho DNVVN nhiều cơ hội tín dụng và dịch vụ mới, nhưng với lãi suất cao hơn gói tín dụng ưu đãi của Nhà Nước.

Nhiều năm trước, tín dụng tại Việt Nam là một lãnh vực khá phức tạp, nhiều “lỗ hổng”. Nhà điều hành chính sách thuộc NHNN hay Bộ Tài Chánh đều biết, nhưng chỉ cảnh giác mà không ban hành biện pháp cứng rắn ngăn chặn:

Thực trạng rõ nhất là 2,33 trệu tỷ đồng tín dụng trong khu vực Bất Động Sản (BĐS), có đến 1,55 triệu tỷ đồng vay với mục đích để tự sử dụng, tương đương 66,3%, còn lại chỉ có 786 ngàn tỷ đồng dùng cho mục đích kinh doanh BĐS, tương đương 33,7%. Không có tài liệu nào giải thích rõ “tự sử dụng” 1,55 triệu tỷ đồng là chi tiêu vào những mục gì, công chúng muốn biết, Nhà Nước ém nhẹm, làm ngơ, không nói ra. [2] (https://vanhoimoi.org/?p=14640)

Tình trạng này cho thấy 1,55 triệu tỷ đồng tín dụng trong khu BĐS không đươc kiểm soát để chi tiêu đúng mục đích. Đồng thời do điều hành lỏng lẻo hay buộc phải làm ngơ theo ý đảng csVN khiến để xẩy ra nhiều công ty BĐS phát hành trái phiếu riêng lẻ, tức là bán “giấy lộn” cho nhà đầu tư trong điều kiện không có bảo chứng. Để đề phòng khi trái phiếu đáo hạn công ty BĐS không có tiền hoàn lại cho nhà đầu tư, Chính Phủ phải vôi bắt mấy nhóm tượng trưng làm “dê tế thần” nhằm tránh nổi loạn biểu tình đòi tiền như đã xẩy ra bên Tầu.

Năm 2020, khu vực BĐS phát hành trái phiếu doanh nghiệp chiếm 38% tổng nguồn vốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong lúc năng lượng chỉ có 8%, còn sản xuất xuống còn 6%. Nhưng, đến năm 2021, ngành BĐS chiếm đến 40% còn năng lượng chỉ chiếm 5%, sản xuất xuống đến 3%. Như thế, BĐS phình ra rất lớn trong khi sản xuất và năng lượng lại teo tóp lại đến thê thảm.

Do lỗ hổng pháp lý của thị trường trái phiếu quá lớn nên NHTM đã cấu kết doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu thông qua ngả “phát hành chui” (tức không niêm yết). Ngay cả khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ vẫn phát hành trái phiếu bán ra cho dân thu tiền thanh toán nợ ngân hàng và còn ít đầu tư. Sau đó, họ thổi giá bất động sản lên để đẩy hàng đi mà thu lời khỏa lấp khoản nợ khổng lồ.

Giải thích về các trường hợp trên, Luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ án cựu Chủ tịch FLC – Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (gấp gần 3.000 lần), để phát hành 430 triệu cổ phiếu, lừa đảo chiếm đoạt trên 6.400 tỷ đồng của nhà đầu tư, trách nhiệm đó thuộc về Trung tâm lưu ký Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước… [3]

Do tinh trạng trên, gần đây NHNN phải siết chặt tín dụng và đưa ra các tiêu chuẩn mơ hồ, khắt khe đối với gói hỗ trợ 2% lãi suất cho khu vực sản xuất, khiến trên nửa triệu DNVVN không thể “động tay” được vào khoản tiền hỗ trợ ưu đãi, đẩy khối DNVVN vào hoàn cảnh phải từ chối nhận ưu đãi lãi suất 2% vì sợ bị thanh tra, kiểm toán sau này.

Phân bổ và kiểm soát để hàng triệu tỷ đồng tín dụng vào đúng nơi trong nền Kinh Tế là một nghiệp vụ đòi khả năng chuyên nghiệp cao và độc lập của các nhà điều hành. Trong bất cứ nền Kinh Tế Thị Trường nào, nhà điều hành Tài Chánh cũng được độc lập đưa ra các hướng dẫn hay quyết định. Nhưng ở chế độ chuyên quyền như Việt Nam thì nhà điều hành tại NHNN hay Bộ Tài Chánh phải tùy thuộc rất lớn vào quyền lực của Bộ Chính Trị.

Ngày mùng 5 tháng 9 mới đây, bằng quyết đinh số 80, Bộ Chính Trị tự “bổ sung nhiều quyền về quản lý cán bộ cho Bộ Chính trị, Ban Bí Thư” [4] cho thấy, giới chuyên ngành nếu cứ quyết định độc lập trong lãnh vực chuyên môn thì mất chức như các vị tiền nhiệm là thực tế từng diễn ra và chắc chắn được lập lại.

Trần nguyên Thao

(09 Sept)

Tham khảo:

[1] https://baotintuc.vn/chinh-tri/tuyen-truyen-phong-ngua-nan-tin-dung-den-trong-cong-nhan-lao-dong-20220812153419380.htm

[2] https://cafef.vn/thong-doc-cho-vay-bds-dat-233-trieu-ty-chiem-2066-tong-du-no-tin-dung-20220714161726919.chn

[3]https://soha.vn/ai-chiu-trach-nhiem-khi-de-ong-trinh-van-quyet-thoi-von-dieu-le-phat-hanh-430-trieu-co-phieu-20220826201416507.htm

[4] https://thanhnien.vn/bo-sung-nhieu-quyen-ve-quan-ly-can-bo-cho-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-post1496660.html

Bài liên quan:
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa
  • Chiến dịch vùng xám của Trung Quốc chống lại Đài Loan đang phản tác dụng
    David Sacks
  • Trump và sự hấp dẫn của phong cách lãnh đạo cứng rắn
    Gideon Rachman
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 17/11/2024. Chiến cuộc tại Ukraine và Trung Đông: Cơ may hạ nhiệt sau bầu cử tổng thống Mỹ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Các cơ quan quản lý công nghệ Trung Quốc nới lỏng kiểm soát
    James Palmer