Nguồn: „Dann wäre ein russischer Atomwaffeneinsatz denkbar“, WELT, 19/09/2022.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Sai lầm về chiến thuật, quân đội nhụt ý chí chiến đấu và những vấn đề nghiêm trọng về hậu cần. Quân đội Nga ở Ukraine đang phải vật lộn với những khó khăn lớn. Liệu đây có phải là lý do để Điện Kremlin đi đến các biện pháp cực đoan trong tương lai gần? Gustav Gressel, nhà phân tích quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nhìn nhận hai kịch bản để Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hỏi: Thưa ông Gressel, quân đội Nga đã suy sụp trong vòng vài ngày sau cuộc tiến công của Ukraine ở khu vực Kharkov. Quân Nga dường như hoàn toàn bị bất ngờ. Ông có nghĩ rằng công tác tình báo của Nga trước đó đã hoàn toàn thất bại hay không?
Đáp: Đúng vậy, mặc dù các blogger quân sự Nga đã liên tục đề cập đến sự tập trung quân đội Ukraine trong khu vực này trong nhiều tuần liền. Cũng có những nhà phân tích biết điều gì sẽ đến. Bộ chỉ huy quân đội Nga hẳn đã nhận thấy, nhưng rõ ràng là họ đã đưa ra những kết luận sai lầm. Nhìn chung, trinh sát của Nga có những điểm yếu rõ ràng do không đi vào chiều sâu. Điều này cũng thể hiện qua các cuộc không kích nhằm vào các hệ thống tiếp tế và nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây. Nga đã không thành công được bao nhiêu. Họ chỉ đánh vào những gì có trên internet hoặc trong danh bạ điện thoại, các nhà máy sản xuất vũ khí, v.v… Nhưng với các mục tiêu di động thì quân đội Nga gặp rất nhiều khó khăn.
Hỏi: Sau bảy tháng chiến tranh, một điều dễ nhận thấy là dường như đội quân dân chủ, được khai sáng của Zelensky đã chiến đấu tốt hơn và hiệu quả hơn nhiều so với lực lượng lính đánh thuê và lính nhà nghề của Nga dù có uy lực mạnh hơn hẳn?
Đáp: Tôi thực sự bất ngờ khi thấy tác chiến ở phía Nga không linh hoạt, cũng có kế hoạch y như thời Liên Xô. Yếu tố then chốt khiến quân đội Nga chiến đấu kém cỏi ngay trong cuộc chiến tranh ở Gruzia, và tại sao phương Tây lại có lợi thế trong Chiến tranh vùng Vịnh, là ngoài ưu thế về kỹ thuật, còn có chất lượng lãnh đạo quân sự. Quân đội Nga, chính vì không còn lớn mạnh như thời Liên Xô, nên cần có một chương trình đào tạo sĩ quan hiện đại. Đành rằng có những cải cách, nhưng một số trường sĩ quan đã bị đóng cửa và việc đào tạo cũng có những thay đổi. Nhưng tháng Hai vừa qua chúng ta đã thấy kết quả là số không. Quân đội Nga đã trở nên rất mờ nhạt kể từ năm 2014.
Tất cả những hoài niệm về Liên Xô mà chế độ Putin mang theo sẽ giết chết bất kỳ một cuộc cải cách quân sự nào. Quân đội Ukraine năm 2015 cũng giống như quân đội Nga hiện tại. Sau đó, họ nhận được lời khuyên từ người Mỹ, người Anh và người Ba Lan nên đã cải cách công tác đào tạo theo tiêu chuẩn phương Tây. Tôi đã nhiều lần chứng kiến điều đó khi đến Donbass. Sự thay đổi này làm cho quân đội Ukraine năng động, nhanh nhẹn hơn, mạnh mẽ hơn và tốt hơn. Về khía cạnh dân chủ, tôi cũng thấy như vậy trong cuộc chiến này, nhưng tôi chỉ muốn khái quát một cách thận trọng. Ví dụ như lực lượng Wehrmacht của Đức cũng từng có kiểu tác chiến linh hoạt này. Sự độc lập của quản lý cấp dưới là một trong những lý do tại sao quân đội Đức có thể chiến đấu mạnh mẽ trong một thời gian dài.
Hỏi: Việc Ukraine thu được nhiều vùng lãnh thổ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình chung của cuộc chiến?
Đáp: Khoảng 20.000 binh sĩ Nga hiện đang bị chôn chân ở bờ bắc sông Dnipro do các cây cầu đã bị phá hủy. Họ có thể lội bộ qua được, nhưng súng ống, thiết bị hạng nặng sẽ phải để lại, bất kể điều gì xảy ra trên chiến trường. Ngay cả khi lợi thế về đất đai đối với Ukraine ở Kherson không là bao nhiêu, nhưng việc thiếu đạn dược sẽ hạn chế rất nhiều khả năng tự do hành động của Nga.
Vấn đề thứ hai là bổ sung lực lượng. Một số binh sĩ Nga đang đóng quân tại Donbass đã ký hợp đồng phục vụ từ hồi mùa thu năm 2021. Các hợp đồng này sẽ hết hạn vào mùa thu này. Hợp đồng với các đội quân khác cũng hết hạn vào mùa đông tới. Tất nhiên, lúc này người ta có thể ra lệnh buộc mọi người ở lại trong quân đội. Điều đó đã diễn ra sau khi tái bố trí lực lượng hồi mùa xuân ở Kiev, nhưng không đạt được kết quả. Những người lính này không có động cơ chiến đấu.
Putin phải cân nhắc chọn lựa một trong hai con quỷ. Đó cũng là lý do tại sao tình hình ở Moscow rất căng thẳng. Tôi không thấy quân đội Nga có cơ hội động viên lực lượng một lần nữa để giành lại thế chủ động. Một khi họ dùng nhiều chiêu trò, lừa bịp, họ chỉ có thể tập trung lực lượng để phòng thủ và giữ những gì mà họ đang có. Ukraine mới là phía nắm thế chủ động.
Hỏi: Ở Nga, diễn ngôn công khai đã thay đổi. Trên TV, các nhà phân tích kêu gào tổng động viên, điều mà Putin cho đến nay vẫn không chấp nhận. Người ta vẫn tập trung vào huy động tất cả các lực lượng sẵn có.
Đáp: Tổng động viên không phải là thứ có thể đi vào hoạt động chỉ bằng một cái bấm nút. Người ta phải tuyển rất nhiều lực lượng dự bị, bắt đầu bằng con số không. Đây không phải là những đơn vị có thể hoạt động đầy đủ ngay lập tức, ngay cả khi họ tuyển lính nghĩa vụ. Binh sỹ phải cùng nhau tập luyện trong nhiều tháng để tạo thành một binh đoàn gắn kết chặt chẽ với nhau. Phía Ukraine cũng phải mất hàng tháng trời để làm việc này. Ukraine thi hành tổng động viên ngay từ tháng Hai.
Đầu tháng 5, Nga đã triển khai lực lượng để giành lãnh thổ, bắt đầu ở Donbass và họ đã thất bại thảm hại. Họ chiến đấu tồi tệ hơn nhiều so với quân đội Ukraine bình thường. Sự khác biệt về chất lượng này ngày càng thu hẹp khi quân đội có nhiều nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn. Nếu bây giờ Putin nướng lính nghĩa vụ ở St. Petersburg hoặc Moscow để làm mồi cho đại bác, điều đó sẽ gây ra rất nhiều rủi ro về chính trị đối nội. Khi đó, ngay những người ủng hộ Putin cũng phát điên. Mặt khác, Putin lúc này cũng thực sự không có thời gian để chờ đợi, nghe ngóng tình hình.
Hỏi: Điều đó có nghĩa là ông không thấy tổng động viên sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi tiềm năng đối với Putin?
Đáp: Trước mắt thì không, có thể trong trung hạn thì được. Vấn đề đặt ra là, liệu Putin có dám hay không, và ông ta có dám làm điều đó trong suốt thời gian dài để có thể trở thành người thay đổi cuộc chơi hay không? Putin cũng có thể cùng với lực lượng hiện tại rút lui về sau phòng tuyến cũ và bảo vệ nó. Nhưng nếu ông ta phấn đấu để thực hiện các mục tiêu chiến tranh ban đầu, tức là tiêu diệt Ukraine, “đưa họ trở về ngôi nhà của Đế chế”, thì ông ta không thể tránh được việc điều động. Để chống lại đội quân Ukraine lên tới 700.000 quân, ông ta phải huy động ít nhất một triệu rưỡi binh sĩ, thực tế là sử dụng toàn bộ thế hệ trẻ hiện nay. Điều đó cần ít nhất sáu tháng trước khi họ có thể sẵn sàng chiến đấu. Một trận đánh với một lực lượng đông đảo như vậy, không ai biết chắc chắn con số tổn thất là bao nhiêu. Ngay cả trong trường hợp như vậy cũng chẳng có gì bảo đảm Putin sẽ thành công. Điều đó làm cho Moscow khó ra quyết định.
Hỏi: Nhà khoa học chính trị Johannes Varwick gần đây lại lưu ý đến cái gọi là thế trội trong leo thang, mà theo ông ấy nó vẫn ở trong tay Nga. Điều này ám chỉ một cuộc tấn công hạt nhân tiềm năng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đáp: Varwick sống trong tháp ngà và trong thế giới tưởng tượng của ông ấy. Tất nhiên, về lý thuyết, Nga có ưu thế nếu leo thang. Nhưng về mặt lý thuyết, Hoa Kỳ cũng có ưu thế leo thang đối với Afghanistan, hoặc Liên Xô đối với Afghanistan. Điều đó chung cuộc không thay đổi bất cứ điều gì. Bởi vì vấn đề là ở chỗ hệ thống chính trị đối nội ủng hộ và cùng đồng hành hỗ trợ đến đâu.
Điều này cũng áp dụng cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong những giờ đầu tiên của cuộc tấn công Kharkiv, Nga đã có thể ngăn chặn nó bằng vũ khí hạt nhân. Nếu người ta thả một quả bom hạt nhân thì quân số một lữ đoàn sẽ chỉ còn một nửa. Nếu Nga dùng 20 đến 30 vũ khí hạt nhân cho quân đội trên cả nước, Ukraine sẽ cạn kiệt. Nhưng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với Putin. Người Nga gần đây đã tăng cường mặt trận ngoại giao quốc tế đối với các quốc gia trung lập từ Ấn Độ đến Brazil. Đối với Putin, điều quan trọng là các nước này không tiếp tục ủng hộ các biện pháp trừng phạt tài chính nhất định, mà họ phải giữ thái độ trung lập. Trong một kịch bản như vậy, mọi thứ sẽ gặp nguy hiểm [nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân].
Hỏi: Liệu khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân thì NATO có vào cuộc hay không?
Đáp: NATO sẽ không can thiệp với tư cách là một liên minh. Đó sẽ là một vấn đề song phương đối với Hoa Kỳ. Chỉ một vũ khí hạt nhân không thể kết thúc ngay lập tức cuộc chiến. Các rào cản đối với Washington về việc cung cấp vũ khí và các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa đối với Nga sẽ không còn. Người Nga sẽ cảm nhận được điều đó. Bên cạnh đó, Mỹ và Anh nghe lén một lượng tương đối lớn thông tin liên lạc vô tuyến quân sự của Nga. Vì vậy, trong mọi kịch bản luôn có một khoảng thời gian cảnh báo. Với vũ khí hạt nhân phi chiến lược, chuỗi chỉ huy khá dài và tất cả các bước đều có thể quan sát được.
Theo tôi, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là điều hoàn toàn có thể tưởng tượng được nếu quân đội Nga bất ngờ bị sụp đổ trên mọi mặt trận. Sau đó, việc binh lính ồ ạt tháo chạy về nhà làm nảy sinh nguy cơ về chính trị đối nội đối với Putin. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể giúp cho ông ta duy trì quyền chỉ huy lực lượng của mình. Một kịch bản khác là nếu Ukraine tấn công Crimea. Putin từ lâu đã coi đây là lãnh thổ của mình. Tôi thực sự không chắc người Nga sẽ phản ứng như thế nào.
Hỏi: Ông cùng với các đồng nghiệp đã ra lời kêu gọi châu Âu nên chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của phương Tây cho Ukraine. Tại sao lại như vậy?
Đáp: Cuộc tấn công của Ukraine đã lật ngược tình thế cuộc chiến. Nhưng đó vẫn chưa phải là chiến thắng. Cho đến nay, Ukraine đã bị tổn thất đáng kể. Gần đây, Ba Lan, Séc, Bulgaria và Slovakia đã cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực để bù đắp tổn thất này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục bị tổn thất với tốc độ như hiện nay thì kho thiết bị của Ukraine chỉ còn rất thấp trong mùa đông này. Việc huấn luyện và đào tạo sử dụng một thiết bị như vậy mất hàng tháng trời. Các chính phủ phải lên kế hoạch trước. Điều này đã được thực hiện với các hệ thống phòng không. Ukraine vẫn có các hệ thống phóng đạn kiểu phương Đông mà nước này có thể triển khai. Đến khi các thiết bị vũ khí này không còn nữa, họ nhận được hệ thống Iris-T và vật tư từ người Mỹ.
Với các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện nay, tình hình cũng tương tự. Các giải pháp riêng lẻ của từng nước với năm mô hình khác nhau không có mấy kết quả. Do đó, Leopard II sẽ rất phù hợp. Đây là một hệ thống tồn tại ở 13 quốc gia. Tây Ban Nha đã đi tiên phong và sẵn sàng chuyển giao. Ngay cả khi một số nước chỉ cung cấp một số ít xe tăng chiến đấu chủ lực, thì tích tiểu thành đại, sẽ có một số lượng lớn. Ưu điểm là việc đào tạo sẽ thống nhất. Chỉ có một chuỗi hậu cần, chỉ có một bộ phận quản lý phụ tùng. Một động cơ tối tân hiện đại có thể được lắp trên xe tăng Leopard từ những năm 1980. Điều này khác với các loại xe tăng khác không còn được sản xuất. Nước Đức muốn đi đầu ở châu Âu. Lúc này nước Đức hãy dẫn đầu trong cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Hỏi: Theo đánh giá của ông thì khả năng kết thúc cuộc chiến này sẽ như thế nào?
Đáp: Các điều kiện để Ukraine triển khai các cuộc tấn công tiếp theo là tốt, ít nhất là đối với khu vực ở phía bắc tỉnh Luhansk. Ở phía Bắc mọi thứ đang thực sự tồi tệ với người Nga. Hai kịch bản có khả năng xảy ra. Việc đóng băng chiến tranh dọc ranh giới ngày 23 tháng 2 năm nay, tức là trước chiến tranh, là có thể tưởng tượng được. Và kịch bản thứ hai là một chiến thắng của Ukraine, đồng nghĩa với sự kết thúc của các nước cộng hòa nhân dân ở Donbass. Trong bối cảnh cuộc tấn công hiện nay, đánh giá của tôi là, Ukraine sẽ từng bước giành lại thế chủ động từ tháng 11 này, vì Nga có thể gặp vấn đề về nhân sự như tôi đã đề cập. Mọi thứ đang tiến triển nhanh hơn. Một chiến thắng của Nga vào lúc này là rất khó xảy ra nên tôi loại trừ, không nêu kịch bản này ở đây. Tôi nghĩ Ukraine sẽ đẩy quân đội Nga trở lại đường biên giới cũ vào đầu năm 2023, điều này là thực tế.
Gustav Gressel
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2022/09/22/chuyen-gia-quan-su-chau-au-danh-gia-trien-vong-chien-truong-ukraine/#more-47706