Ba-Đình khai mạc Hội Nghi Trung Ương 6 đúng vào lúc gần 40 ngàn công chức các ngành bỏ việc, lm phát cao và tiền đồng mất giá so với Mỹ kim là ba “điểm nóng” nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Việt Nam tăng lãi suất “giật cục” lên ngay 100 điểm phần trăm và bán ra đến 23 tỷ Mỹ kim khiến Quỹ an toàn ngoại hối “chênh vênh”, nhưng đồng bạc Xanh vẫn tiếp tục tăng giá. Từ đầu năm đến nay, tiền đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 4%, tương đương 905 đồng, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu ngưng lại.

Giữa hoàn cảnh có đến 39.552 cán bộ, công chức, xin nghỉ việc trong 2 năm qua, và nội năm nay có thêm 30 Ủy Viên Trung Ương đảng bị kỷ luật, cầm tù vì “nhúng chàm” do tham nhũng, mua quan bán chức, bằng giả . . . làm suy yếu nguồn nhân lực trong hệ thống chuyên quyền của csVN, thì ở lãnh vực Tài Chánh, Tiền Tệ Công Ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại công bố bản lượng giá thị trường “dự báo tiền đồng Việt Nam có thể mất giá 4 – 5% nội năm 2022”. Sự kiện này khiến Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) không ngừng bán ra một số lượng lớn Mỹ kim để ổn đinh thị trường. [1]

Tại thị trường chợ đen, đồng Đôla bán ra từ những ngày đầu tháng 10 xê dịch trong khoảng 24.250 – 24.350 đồng trên mỗi Mỹ kim, tùy ngày. Giá tham khảo và chợ đen chênh nhau trong khoảng 400 – 440 đồng trên mỗi Mỹ kim. Ngày mùng 5 tháng 10, giá Mỹ kim tại Sở Giao Dịch mua vào 22.750; bán ra 23.801 trên mỗi Mỹ kim. Còn tại các NHTM lên mức 23.925 đồng mỗi Mỹ kim.

Trước đó, ACBS là công ty chứng khoán thuộc Ngân hàng Thương Mại (NHTM) Cổ Phần Á Châu (ACB) cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 9/2022, NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ Mỹ kim từ Quỹ dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống khoảng 89 tỷ Mỹ kim và đã giảm tỷ lệ an toàn nhập cảng còn trong khoảng thời gian 12 tuần, nếu hàng hóa nước ngoài không tăng cao hơn nữa. [2] Trong trường hợp Việt Nam cần đồng Mỹ Kim để trả nợ thì sẽ thiếu nguồn ngoại tệ trang trải cho nhu cầu nhập cảng. (https://vanhoimoi.org/?p=15068)

Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành lên 100 điểm phần trăm ngày 22/9, giới hâm mộ đồng bạc Xanh đã tràn ra đường ráo riết săn tìm đồng tiền của “Đế Quốc Mỹ” tại thị trường chợ đen gây ra không khí rất sôi sục, khiến NHNN phải “xiêu hồn lạc phách” “lật đật” bán thêm ra gần 1,9 tỷ Mỹ kim nữa, nâng tổng số Mỹ kim do NHNN bán ra từ đầu năm đến ngày 27 tháng 9 lên đến gần 23 tỷ Mỹ kim, tương đương 22% hao hụt nơi Quỹ ngoại hối của Việt Nam. [3]

Mô tả về động thái tăng thêm 100 điểm phần trăm trên lãi suất điều hành, giới quan sát Thời Sự Kinh Tế gọi việc này là “chính thức hóa lãi suất điều hành cho hợp với thực tế của thị trường”. Động thái này cũng hàm ý rằng NHNN “bất lực” trước tình huống đồng bạc Xanh không ngừng tăng giá, nên phải tăng lãi suất điều hành kiểu “đón đầu giật cục” nhưng nửa tháng đã qua, hoàn cảnh vẫn không thay đổi. Khi ngoại hối mất an toàn thì NHNN không còn đủ công cụ để can thiệp vào thị trường tiền tệ như trước được. Dự trữ ngoại hối phải đủ mạnh thì Việt Nam mới có thể vừa mở cửa dòng vốn, vừa ổn định tỷ giá và vừa nới lỏng tiền tệ. Việc NHNN vẫn phải liên tục bán đồng Mỹ kim để ổn định tỷ giá khiến cho một lượng lớn tiền đồng bị rút ra khỏi hệ thống NHTM, đưa đến tình trạng “lệch pha” về cung-cầu tiền đồng làm cho các NHTM điên đầu trong các tuần lễ cuối tháng 8 và đầu tháng 9 mới đây. Hiện tựơng này đã đẩy lãi suất liên ngân hàng vay mươn lẫn nhau qua đêm thêm sôi sục với phân lời lên đến từ 6,88% – 7,5% qua đêm, cao nhất từ năm 2012.

Trong hoàn cảnh tỷ giá vẫn chịu sức ép lớn khi đồng bạc Xanh chạm mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ trên thị trường quốc tế, NHNN liên tiếp trong tháng 7 và tháng 9 đã có 3 lần nâng giá bán Mỹ kim tại Sở Giao Dịch với các mức tăng lần lượt 150 đồng trên một Mỹ kim, 300 đồng mỗi Mỹ kim và 225 đồng cho một Mỹ kim, đồng thời ngừng niêm yết tỷ giá mua vào.

Khi Mỹ kim tăng giá, thì doanh nghiệp xuất cảng của Việt Nam thu về bằng Đôla được lợi nhiều hơn, nhưng khi nhập cảng hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng Mỹ kim lại phải chịu giá cao hơn.

Âu lo trước tình huống đồng tiền Việt nam sẽ rơi vào hoàn cảnh “mây mù che lối”, mất giá mạnh hơn, cho nên NHNN đã nâng mạnh tỷ giá bán Mỹ kim tại Sở Giao Dịch như thượng dẫn. Đây là lần thứ hai trong tháng 9 và lần thứ tư kể từ đầu năm NHNN tăng giá bán Mỹ kim. Tổng cộng mức tăng thêm từ đầu năm là 905 đồng, tương đương 3,9%. Hiện nay NHNN đã ngừng hẳn giao dịch mua Mỹ kim từ các NHTM [4]

Từng có ngày NHNN vật vã suốt 7 giờ đồng hồ trong những phiên họp tham mưu, nhưng mục tiêu ổn định tỷ giá vẫn còn “khá mong manh” giữa Mỹ kim và tiền đồng Việt Nam. Hậu quả không ổn định được tỷ giá tiền đồng còn cho thấy khả năng đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá mạnh hơn trong thời gian trước mặt.

Các cơ quan chuyên ngành Tài Chánh Tiền Tệ và An Ninh Kinh Tế Việt Nam hiện đang “bó tay” trước những đối tượng có hành vi trục lợi khi đám này gom đồng Mỹ kim (USD) tại các NHTM, bán ra thị trường chợ đen nhằm ăn chia chênh lệch tỷ giá. Trong đó, nhân viên ngân hàng ABBank được phản ánh dù biết các trường hợp tạo hồ sơ “xuất cảnh giả” để mua Mỹ kim từ ngân hàng rồi bán ra chợ đen ăn lời sai biệt nhưng vẫn thực hiện thủ tục để bán Mỹ kim cho những người này.

Thực tế, các NHTM đều biết rõ mánh khóe làm ăn của nhóm người “giả xuất cảnh” theo dạng này. Tuy nhiên, không chỉ “nhắm mắt cho qua”, nhiều ngân hàng còn “vẽ đường” bầy mưu làm ủy quyền công chứng từng nhóm từ 18 – 20 người để tránh mất thời gian, dồn cục nhiều người cùng thời điểm đến một ngân hàng để tránh công chúng để ý. [5]

Tỷ lệ tín dụng lưu hành toàn nền Kinh Tế Việt Nam năm 2022 được giới hạn ở mức 14%. Giai đoạn từ đầu năm 2022 tới ngày 26-8-2022, tín dụng đã tăng 9,91%, tương đương 11,768 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ còn lại “rất hạn chế” vào khoảng 4,09%. Theo tính toán của Saigon Securities Incorporation (SSI), ngân khoản còn lại chỉ tương đương 457 ngàn tỷ đồng.

Tính đến ngày 20-9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%. Như thế Quý 4 năm 2022 tỷ lệ tín dụng chỉ còn lại 3.46%, tương đương 386 ngàn tỷ đồng. Dù cho có gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ 2% lãi suất, nhưng với điều kiện khắt khe như hiện nay, giới Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ (DNVVN) sợ bị “phỏng tay” trước khi sờ vào được gói ưu đãi. Trong khi thời gian cuối năm là lúc Doanh Nghiệp cần vốn nhiều nhất để sản xuất hàng hóa cho dịp giáp Tết Nguyên Đán vào đầu năm 2023.

Hiện nay, không chỉ vốn tín dụng gặp khó tại khối NHTM mà việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu Doanh Nghiệp (TPDN), chứng khoán… mỗi nơi lại có cái khó riêng. Thị trường chứng khoán đã sụt giảm từ vùng đỉnh 1.500 điểm, chọc thủng phòng tuyến cầm cự 1.200 điểm, lao xuống ranh giới 1.101 điểm và vẫn đang dò đáy vào ngày mùng 6 tháng 10. Dòng tiền yếu khiến mọi kế hoạch huy động vốn qua ngả TPDN niêm yết cũng rất gian chuân.

Tính đến giữa tháng 9/2022, mới có 550 hồ sơ vay vốn ưu đãi được chấp thuận, nếu tính tỷ lệ, thì cũng còn gần 99% trong số 541.753 DNVVN cho đến nay “vẫn chưa” tiếp cận được gói ưu đãi 2% lãi suất. Khối DNVVN từng từng góp 40% GDP, nộp ngân sách Nhà Nước 30%, thu hút 60% lao động trong nền Kinh Tế, nay có thể phải ngưng hoạt động, vì không vay được vốn. (https://vanhoimoi.org/?p=15032).

Trong lúc kết thúc bài này, Hội Nhị Trung Ương 6, khóa XIII còn đang tiếp diễn trong bầu khí giới quyền lực ở Ba-Đình “bằng mặt, không bắng lòng” giữa các cấp cao trong đảng csVN.  Tuy nhiên trong họ có mẫu số chung là tiền đồng càng mất giá thì họ càng chạy nước rút vơ vét cho nhanh, bồi đắp nếp sống quyền lực hống hách hơn thời quân chủ [6] và mua Đôla để chuyển ra nước ngoài sắm sẵn cơ nghiệp để hòng khi có biến.

Trần nguyên Thao
(06 Sept)

Tham khảo:

[1] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-normal-for-40000-cadres-and-civil-servants-to-quit-their-jobs-10042022125200.html

[2] https://nhipsongkinhdoanh.vn/acbs-ngan-hang-nha-nuoc-da-ban-khoang-21-ty-usd-co-the-sap-tang-lai-suat-dieu-hanh-post3100847.html1]

[3] https://soha.vn/vdsc-nhnn-van-phai-ban-ra-gan-19-ty-usd-du-tru-ngoai-hoi-sau-khi-nang-lai-suat-dieu-hanh-2022092709063245.htm

[4] https://cafef.vn/ngan-hang-tuan-qua-lai-suat-tiet-kiem-len-tren-8-nam-usd-ngan-hang-vuot-24000-dong-20221001122847039.chn

[5] https://www.tintucvietduc.net/tin-tuc/tin-viet-nam/102806-tham-nhap-duong-day-buon-tien-gom-usd-trong-ngan-hang-ban-ra-cho-den-truc-loi.html

[6] https://thanhnien.vn/dan-mang-buc-xuc-vu-nguoi-cha-nem-tien-le-vi-cho-rang-quan-thoi-rac-cho-con-post1506084.html

Bài liên quan:
  • GDP Việt Nam trong Bức Tranh Tương Phản
    Trần nguyên Thao
  • Vụ thanh trừng mới nhất của Tập vén màn bí mật khủng hoảng bất động sản
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/4/2023. Tranh giành quyền lực ngày càng khốc liệt, đầu lãnh Hà Nội chạy cầu cứu quan thầy!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chính sách chống trì trệ kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 13/4/2024. Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Phi: Đứng mũi, chịu sào! Thống nhất lằn ranh đỏ cho Trung Cộng ở Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt