Lạm phát dai dẳng “khó trị” từng là động lực thúc đấy Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đến lần thứ 5 trong năm và là lần thứ 3 liên tiếp thêm 0,75% nữa đúng vào chiều đầu Thu của nước Mỹ, 21/9/2022. Quyết định này của FED sẽ lần lượt tác động lên ít nhất một số lãnh vực thuộc Kinh Tế Thế Giới: đẩy lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm. Do đó, làm suy yếu thành qủa kinh doanh của các Doanh Nghiệp, làm chậm hoạt động trong nền Kinh Tế, và làm vơi Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75% sau cuộc họp kéo dài 2 ngày kết thúc chiều hôm nay. Chủ tịch Jerome Powell cam kết Mỹ sẽ “đè bẹp” lạm phát, đồng thời phát tín hiệu trong thời gian tới lãi suất có thể tăng mạnh mẽ hơn nữa so với dự báo của các nhà đầu tư.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã 4 lần nâng lãi suất, lần đầu tiên là thêm 0,25% vào tháng 3, sau đó thêm 0,50% vào tháng 5, tăng 0,75% vào tháng 6 và thêm 0,75% nữa vào 27/7. Đây là lần thứ 5 FED tăng lãi suất, và là 3 lần liên tiếp FED quyết định tăng lãi suất mỗi lần thêm 0,75%.
Như thế, lãi suất căn bản liên bang Hoa Kỳ nằm trong khoảng 3% – 3,25%.
“Hậu chấn” của việc FED tăng lãi suất còn dữ dội hơn nữa khi số liệu lạm phát tại nhiều quốc gia cao hơn dự báo trước đó; làm gia tăng khả năng các nhà hoạch định chính sách tiếp tục có quyết đinh “siết chặt” tín dụng. Sau khi Mỹ tăng lãi suất, hầu như các ngân hàng trung ương đang cân nhắc đưa ra các quyết định “nghẹt thở”. Nhiều khả năng các nước như Nhật Bản, Anh, Thụy Sỹ, Brazil và cả Nam Phi. . . sẽ thi hành các chính sách thích ứng đưa thị trường tài chánh toàn cầu vào nhịp độ dồn dập, nóng bỏng.
FED tăng lãi suất sẽ khiến mặt bằng lãi suất tại Việt Nam tăng trên cả đồng nội tệ và đồng bạc Xanh. Đồng thời, tỷ giá đồng Mỹ kim trên tiền Việt Nam sẽ tiếp tục tăng hơn do Mỹ kim khan hiếm. Điều này có thể kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn, đặc biệt nhập khẩu xăng dầu.
Nghĩa vụ trả nợ và điều kiện vay nợ cũng sẽ tăng. Các sự kiện vừa kể là mấu chốt đưa đến hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp. Đồng bạc Xanh “vạn năng” đang chờ khẩu lệnh “đàng sau quay!” từ nhà đầu tư nước ngoài để rời Việt Nam trực chỉ bến an toàn, khiến thị trường chứng khoàn (TTCK) và quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam bước vào suy giảm.
Nhìn vào bảng điện toán TTCK có số mã giảm, cao hơn 6 lần số mã tăng đủ để mô tả rằng, dù đã cuối mùa Thu tại xứ nhiệt đới, nhưng “màu hoa phượng thắm” của mùa Hè vẫn bao phủ TTCK nhiều tuần liên tiếp làm “rướm máu con tim” của vô số nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tâm lý tiêu cực từ nhiều tuần nay khiến VN-Index phiên 21 tháng 9 lao dốc mạnh nhất Đông Nam Á và đang “cầm cự” ở vùng 1.201 điểm.
Trước đó, trong 2 tuần đầu tiên của tháng 9, VN-Index đã giảm gần 50 điểm, rơi xuống mức 1.234 điểm. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 1.800 tỷ đồng riêng trên HoSE kể từ đầu tháng 9.
Hai yếu tố liên hệ khá quan trọng vẫn cần lưu ý nhà đầu tư, đó là hậu quả suy yếu từ nền kinh tế Trung cộng (đang tăng trưởng chậm lại, hạn hán, cắt điện), đồng thời thực tế lạm phát tại Việt Nam cao hơn dự đoán do giá lương thực tăng cũng gây ra tâm lý hoang mang cho TTCK.
Các chuyển biến lao dốc của TTCK Việt Nam mang dự đoán phảng phất sớm về một thời suy thoái “tồi tệ và kéo dài” sẽ diễn ra ở Mỹ và cả thế giới vào cuối năm 2022, có thể lan sang năm 2023 của nhà kinh tế Nouriel Roubini là người đã đoán chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lãi suất tiết kiệm tại các Ngân hàng Thương Mại (NHTM) đang tăng từ 7,4% – 8,8% cho thời hạn 12 tháng. Lãi suất vay vốn 12 tháng tại khối NHTM thấp nhất 6,49% và cao nhất lên đến 11,52%.
Tỷ giá Mỹ Kim so với tiền đồng Việt Nam ngày 21 tháng 9 tại thị trường chợ đen là 24.130 đồng mua được 1 Mỹ kim. Hiện tượng Mỹ kim tiếp tục lên giá tại thị trường chợ đen ở Việt Nam, cho thấy đồng Mỹ kim đang được ưa chuộng săn tìm để dân chúng cất giữ thay cho vàng.
Hai yếu tố: tăng giá của Mỹ kim và FED tăng lãi suất gây thêm áp lực giảm giá lên vàng, khiến kim loại quý này giảm 2,5% trong tuần và có lúc tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Trên thực tế, áp lực tăng lãi suất vay vốn hiện rất lớn, không những tiền đồng mà cả cho Mỹ kim. Công ty chuyên xuất khẩu thủy hải sản đi châu Âu, cho biết, lãi suất vay đồng bạc Xanh hiện là 4,5% mỗi năm, thay vì 2,8% như trước. Thậm chí có NHTM báo lãi vay Mỹ kim tới 5,5% một năm. Lãi suất vay Mỹ kim tăng trên 100% so với năm ngoái.
Một số khách hàng cá nhân vay đồng nội tệ mua nhà nói rằng đã phải trả lãi ở mức 11%-13% một năm, thậm chí 13,5% mỗi năm chứ không còn được NHTM ưu đãi lãi suất 6 tháng hay 1 năm như trước. (https://vanhoimoi.org/?p=15032)
ACBS là công ty chứng khoán thuộc Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (ACB) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã bán ra khoảng 21 tỷ Mỹ kim từ Quỹ dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống khoảng 89 tỷ Mỹ kim và đã giảm tỷ lệ an toàn nhập cảng còn trong khoảng thời gian 12 tuần, nếu hàng hóa nước ngoài không tăng cao hơn nữa. [1] Trong trường hợp Việt Nam cần đồng Mỹ Kim để trả nợ thì sẽ thiếu nguồn ngoại tệ trang trải cho nhu cầu nhập cảng. Ba-Đình lâm vào “đường cùng” nên phải chọn giải pháp “hy sinh” an toàn ngoại hối như thượng dẫn, để tránh cho tỷ giá đồng nội tệ trên Mỹ Kim tăng quá nóng.
Việt Nam còn bị trường hợp khối NHTM hay xẩy ra tình trạng thiếu thanh khoản. Theo số liệu của NHNN, lãi suất trên đồng tiền Việt Nam bình quân tại liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 – 90% tổng khối lượng giao dịch) ngày 7/9 đã tăng vọt lên 6,88% một năm – mức cao nhất kể từ tháng 9/2012 .
Từ thời điểm đầu năm khi NHNN liên tục bơm tiền qua thị trường mở thông qua nghiệp vụ “mua kỳ hạn” nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống NHTM, giảm lãi xuất trên thị trường liên ngân hàng, giúp các ngân hàng yếu kém. Trong quý I, NHNN đã bơm tổng cộng hơn 284.000 tỷ đồng, tuy nhiên, trong quý II, lượng tiền NHNN bơm ra thông qua nghiệp vụ này đã giảm, chỉ còn 21.048 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 8 năm 2022, NHNN mua vào khoảng hơn 5 tỷ Mỹ kim, tương đương với bơm ra ngoài thị trường khoảng hơn 110 nghìn tỷ đồng. [2]
Khối NHTM rơi vào tình cảnh thiếu thanh khoản buộc NHNN phải can thiệp kịp lúc như thượng dẫn, để tránh cho xã hội rơi vào nhiễu loạn như từng xẩy ra hồi tháng 7 tại Hà Nam, bên Tầu. Báo chí Nhà Nước dẫn tin của AFP tường thuật tại chỗ cho biết cả ngàn người dân Hà Nam biểu tình ngày 10 tháng 7 vừa qua đòi rút tiền tiết kiệm trị giá đến 6 tỷ Mỹ kim của hàng trăm ngàn khách hàng; bị đóng băng tại các ngân hàng ở tỉnh Hà Nam, miền trung nước Tầu. [3]
Trong một diễn biến khác, Ngân Sách muốn có thêm tiền để chi tiêu qua việc bán Trái Phiếu Chính Phủ (TPCP): Tính ra 8 tháng qua, Kho bạc Nhà nước đã huy động tổng cộng 104.582 tỷ đồng do bán TPCP, hoàn thành 26,15% kế hoạch huy động vốn của năm 2022. Theo kết quả này, thì chỉ còn có 3 tháng nữa sẽ hết năm, Việt Nam không thể đạt nổi chỉ tiêu bán 400 ngàn tỷ đồng TPCP như mong đợi!
Ngày 14/9, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristanlina Georgieva khuyên các chuyên gia kinh tế “đừng tiếp tục sai” như tùng đưa ra dự báo vào năm ngoái rằng lạm phát sẽ suy yếu. Và như đã trình bầy ở đầu bài này “lạm phát rất khó trị” nên IMF khuyến cáo các Ngân Hàng Trung Ương phải phản ứng “cứng rắn”.
Giới quan sát Thời Sự Kinh Tế cho rằng, trong trường hợp không thể ngăn đà lạm phát leo thang, NHNN chắc chắn phải thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền. Như thế, buộc Việt Nam bước vào một giai đoạn khó khăn, là phải chọn hoặc giữ ổn định lãi suất hay giữ ổn định tỷ giá hối đoái.
Việt Nam còn vấn nạn khác đang chực chờ, theo công ty Chứng Khoán KB Việt Nam, nhiều khoản tiền lớn Trái Phiếu Bất Động Sản (TPBĐS) sẽ lần lượt đáo hạn: 37,000 tỷ đồng đáo hạn vào cuối 2022; 120,400 tỷ vào 2023; 121,100 tỷ vào 2024. Trường hợp các Doanh Nghiệp có TPBĐS đáo hạn đủ tiền trả lại cho công chúng, thì một lượng tiền lớn sẽ bị rút khỏi thị trường.
Nếu các công ty phát hành TPBĐS không có đủ tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư thì có nhiều rắc rối xẩy ra, dù Chính Phủ đã truy tố một vài nhóm phát hành trái phiếu không bảo chứng như “dê tế thần” cũng khó mà giữ cho xã hội khỏi rơi vào nhiễu loạn.
Trần nguyên Thao
(21 Sept, 2022)
Tham khảo:
[1]https://nhipsongkinhdoanh.vn/acbs-ngan-hang-nha-nuoc-da-ban-khoang-21-ty-usd-co-the-sap-tang-lai-suat-dieu-hanh-post3100847.html
[2] https://vietnambiz.vn/kbsv-nhnn-bom-hon-110-nghin-ti-dong-vao-thi-truong-trong-thang-8-20200915164103267.htm
[3] https://tuoitre.vn/hang-ngan-nguoi-trung-quoc-bieu-tinh-vi-ngan-hang-khong-cho-rut-tien-nhieu-thang-qua-20220712181941513.htm