Nguồn: Howard W. French, “The Hu Jintao Drama Reveals Beijing’s Fundamental Weakness,” Foreign Policy, 24/10/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Hóa ra, các hệ thống Lê-nin-nít vốn dĩ luôn bất ổn.
Theo lý tưởng đẹp đẽ của nền chính trị Trung Quốc – cũng như của hầu hết các hệ thống chuyên chế – các cuộc tranh luận cấp cao về chính sách và quyền lực phải được tiến hành sau một bức tường dày, cách âm. Công chúng và thế giới bên ngoài chỉ được phép chứng kiến vẻ ngoài nhẵn nhụi và bình thản của bộ máy nhà nước. Mục đích ở đây, tất nhiên, là để thể hiện sự nhất trí, cũng như tôn vinh quyền lực và uy tín của người lãnh đạo.
Chí ít thì đó là lý thuyết. Trong một đoạn phim vài giây được quay một cách vụng về khi đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào cuối tuần qua, thực tế đã xé toạc vẻ ngoài đẹp đẽ và tiết lộ những kịch tính xứng đáng ở tầm William Shakespeare. Vụ việc xảy ra ngay thời điểm vốn đã được định sẵn để trở thành khoảnh khắc vinh quang tột đỉnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi ông sửa điều lệ đảng để cho phép bản thân, về mặt nguyên tắc, có thể nắm quyền đến chừng nào ông muốn – mà đối với một người đàn ông 69 tuổi nghĩa là nắm quyền cho đến hết phần đời còn lại.
Không bị tiếng nói nào phản đối, Tập đã thanh trừng nhiều nhân vật thuộc nhóm thiểu số trong đảng dám ủng hộ các chính sách và phong cách quản trị khác với những gì ông đặt ra. Trong số những cái tên đã bị sa thải một cách thẳng thừng là thủ tướng Lý Khắc Cường, người từng được xem là ứng viên cho vị trí lãnh đạo Trung Quốc. Hồi tháng 8, Lý đã gây xôn xao khi tuyên bố trong chuyến thăm tới Thâm Quyến rằng “Chương trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến triển. Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng,” điều mà một số chuyên gia hy vọng là dấu hiệu rằng sự phản kháng đối với Tập sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại và đáng chú ý là bình luận của vị thủ tướng đã nhanh chóng bị xóa khỏi Internet ở Trung Quốc.
Một trường hợp thay đổi nhân sự cấp cao khác có liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Uông Dương, người đã từng phát biểu những suy nghĩ rất khác với Tập, rằng “Chúng ta phải xóa bỏ ý nghĩ sai lầm rằng hạnh phúc là một món quà do đảng và chính phủ ban phát.” Ông ủng hộ việc từng bước cải cách chính trị Trung Quốc, tập trung tạo ra nhiều không gian hơn cho xã hội dân sự cũng như cho “giải phóng tư tưởng”.
Thế nhưng, trước khi phiên họp có thể khép lại với những nụ cười, thể hiện niềm tin nhất loạt vào sự vĩ đại của Tập, một sự kiện bất ngờ và khó hiểu đã xảy ra. Ngồi bên trái Tập là người tiền nhiệm trực tiếp của ông, Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, trong bộ dạng xanh xao, yếu ớt một cách đáng ngạc nhiên. Hồ đã bất ngờ bị mời rời khỏi ghế – vẻ mặt lộ rõ đó không phải điều ông muốn – và bị dẫn ra khỏi hội trường, để lại một chiếc ghế trống ngay chính giữa hàng ghế đầu của đại hội.
Hồ đã không chịu rời đi trước khi với tay cầm một tập giấy đặt trước mặt Tập, khiến Tập phải giữ chúng lại. Gần như toàn bộ dàn lãnh đạo cấp cao nhất ngồi tại hàng ghế đó đều nhìn chằm chằm về phía trước, vờ như chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra. Nhưng khi một trong những người phụ tá kéo mạnh vào vai ông, Hồ đã nói vài lời với Tập, người đã gật đầu cùng vẻ mặt vô cảm. Sau đó, Hồ cố gắng quay sang vỗ vai người mà mình bảo trợ, Lý Khắc Cường, trước khi bị đưa đi xa khỏi tầm máy quay.
Đúng như dự đoán, các chương trình tin tức Trung Quốc đã xóa sạch cảnh này, nhưng người ta đã nhanh chóng xì xầm về sự việc bất thường.
Bộ máy của Tập sau đó đưa ra lời giải thích theo kiểu ‘Vua Lear.’ Hành động của Hồ Cẩm Đào là hành động của một ông lão ốm yếu, chân đi không vững. Dù đúng là có khả năng này, nhưng đây không phải là lời giải thích khả dĩ hoặc thỏa đáng nhất. Như nhà khoa học chính trị Joseph Torigian đã viết trong cuốn sách xuất bản gần đây, Prestige, Manipulation, and Coercion: Elite Power Struggles in the Soviet Union and China After Stalin and Mao (Uy tín, thao túng và cưỡng bức: Các cuộc đấu tranh quyền lực cấp cao ở Liên Xô và Trung Quốc sau Stalin và Mao), “những bước ngoặt quan trọng là những khoảnh khắc mà trong đó chính trị trở nên ‘dễ thấy’ nhất, và do đó, chúng cho phép chúng ta đặt ra giả thuyết về những giới hạn và khả năng cho tương lai.”
Ở đây, khả năng mà chúng ta ngay lập tức nên xem xét là Hồ – người thường bị xem là một nhà lãnh đạo vô diện, yếu đuối, và bất tài trong suốt 10 năm cầm quyền, từ năm 2002 cho đến khi Tập lên kế nhiệm vào năm 2012, đã chọn thời điểm này để công khai thể hiện sự bất đồng của mình với cách quản lý đảng dưới thời Tập, vốn đã tập trung quyền lực một cách bất thường vào tay một người duy nhất.
Để hiểu được logic đằng sau cách giải thích này đòi hỏi một chút hiểu biết về lịch sử, cụ thể là việc Hồ đã lên nắm quyền và thực thi quyền lực như thế nào. Ông chính thức trở thành lãnh đạo vào năm 2002, điều này đã được quyết định từ trước khi Đặng Tiểu Bình qua đời vào năm 1997, mở ra một kỷ nguyên mới về sự chuyển giao quyền lực thường xuyên, hòa bình, và được thể chế hóa ở một quốc gia chưa từng biết đến việc này. Quá trình sẽ diễn ra theo một lịch trình kéo dài 10 năm, được chia thành hai nhiệm kỳ, nghĩa là về mặt lý thuyết, đảng có thể loại bỏ một nhà lãnh đạo tồi hoặc không được lòng dân ngay sau nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên.
Cơ chế đằng sau hệ thống mới của Đặng cũng tước bỏ một quyền của nhà lãnh đạo tối cao – lựa chọn người kế nhiệm của chính mình, cho phép đảng đóng vai trò nhiều hơn trong việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo tương lai. Trong trường hợp của Hồ, quyền chỉ định người kế vị đã bị lấy khỏi tay người kế nhiệm Đặng, Giang Trạch Dân. Chính Đặng, người có quyền lực vô song hồi thập niên 1990, đã chọn Hồ làm người kế nhiệm Giang.
Thời gian Hồ Cẩm Đào tại nhiệm – trùng với sáu năm tôi làm phóng viên tại Trung Quốc – thường bị mỉa mai là giai đoạn không có phương hướng, một thập niên bị lãng phí đối với người Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, di sản nắm quyền của ông rất phức tạp.
Về mặt nào đó, đây là thời kỳ hoàng kim của đất nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc và nhiều thay đổi lớn trong mức sống của hầu hết người dân. Tất nhiên, Hồ không phải là một nhà dân chủ, nhưng sự bùng nổ của Internet đã tạo ra một không gian mới cho tự do ngôn luận. Thủ tướng của Hồ, Ôn Gia Bảo, cũng đã tìm cách đem lại khuôn mặt ‘nhân tính’ cho chính phủ, nhiều lần công khai bày tỏ sự quan tâm đối với người nghèo và những người yếu thế.
Sáng kiến chính trị quan trọng nhất của Hồ là nỗ lực thể chế hóa một phong cách cầm quyền mang tính tập thể hơn những gì thường thấy ở Trung Quốc. Như nhà khoa học chính trị Susan Shirk viết trong cuốn sách mới của mình, Overreach: How China Derailed Its Peaceful Rise (Vươn xa quá tầm: Cách Trung Quốc làm chệch hướng sự trỗi dậy hòa bình của mình), Hồ đã làm điều này bằng cách cân bằng sự đại diện của các bên liên quan trong các cơ quan ra quyết định quan trọng nhất của đất nước, bao gồm đảng, chính phủ, chính quyền cấp tỉnh, và quân đội.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, ông đã mở rộng cơ quan quyền lực nhất ở Trung Quốc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, từ bảy lên chín thành viên, và công khai lựa chọn cách cầm quyền bình đẳng với các ủy viên khác, thay vì là một nhà lãnh đạo áp đặt mọi thứ. Đáng chú ý, Hồ giải thích đây là “nỗ lực ngăn chặn nhà lãnh đạo cao nhất ra quyết định tùy tiện”, vốn là một trong những nỗi sợ hãi chính của Đặng sau thời kỳ cầm quyền kéo dài và đầy biến động của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông.
Điều này đưa chúng ta đến với Tập, người rõ ràng đã tìm mọi cách có thể để đi theo hướng ngược lại, tập trung gần như tất cả quyền lực vào tay mình, bao quanh mình bằng những kẻ chỉ biết vâng lời và những tay chân thân tín trung thành, theo đó làm trầm trọng thêm nguy cơ trên.
Tuy nhiên, trước khi thảo luận về Tập, chúng ta nên dành thời gian để xét xem mọi việc đã diễn ra như thế nào dưới thời Hồ. Phong cách cầm quyền tập thể của ông có thể mang chủ đích tốt, nhưng nó đã tạo ra những vấn đề nghiêm trọng. Trách nhiệm dường như không thuộc về một người cụ thể, nghĩa là mỗi thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị được phép điều hành ‘thái ấp’ của riêng mình trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác của nền kinh tế hoặc hệ thống an ninh quốc gia. Và các ủy viên hiếm khi phản đối hành động của nhau ngay cả theo cách riêng tư, vì họ tin rằng điều đó sẽ ngăn người khác can thiệp vào các dự án riêng và những người mà họ bảo trợ. Nói cách khác, dưới thời Hồ, không có ai chịu trách nhiệm chính, và nạn tham nhũng đã diễn ra ở quy mô đáng báo động.
Chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết rõ chuyện gì đã xảy ra với Hồ, người rời khỏi sân khấu chính trị vào thứ Bảy vừa rồi theo đúng nghĩa đen, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy nữa – bí ẩn này sẽ theo ông đến cuối cuộc đời chính trị. Nhưng điều mà chúng ta biết là việc Hồ phải rời đi một cách bất ngờ và không vui vẻ đã khiến Tập bẽ mặt, dù vô tình hay cố ý.
Mặt tối của những sự kiện này nhấn mạnh một điểm yếu cơ bản của các hệ thống Lê-nin-nít như ở Trung Quốc: một điểm yếu mà không ai có thể khỏa lấp được – từ Mao Trạch Đông (người chứng kiến cái chết của hai người kế nhiệm được chỉ định), Đặng Tiểu Bình (người lật đổ người kế nhiệm được chỉ định cuối cùng của Mao, Hoa Quốc Phong, vì những lý do liên quan đến tham vọng và quyền lợi cá nhân hơn là sự khác biệt về hệ tư tưởng hoặc chính sách, rồi sau đó tạo ra một công thức cho quá trình chuyển đổi trong tương lai), Giang Trạch Dân (người nghỉ hưu theo đúng lịch trình nhưng đã giữ lại các chức danh phụ suốt nhiều năm, đồng thời làm suy yếu quyền lực và hạn chế sự lựa chọn của Hồ), và giờ là Tập Cận Bình.
Trên thực tế, cách tiếp cận của Tập là sự quay trở lại với nguồn gốc của các hệ thống Lê-nin-nít – và cụ thể là quay trở lại với hình mẫu của một lãnh đạo trọn đời khác, cựu lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Tập đã xây dựng sự sùng bái cá nhân, và tạo ra Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới chỉ gồm những ‘gã tí hon’ về chính trị – những người đàn ông thiếu tầm vóc chính trị, chưa từng có kinh nghiệm tại chính quyền trung ương, có mạng lưới quan hệ hạn chế – và do đó không đặt ra thách thức nào đối với Tập.
Ban Thường vụ này gồm Lý Cường, người có khả năng trở thành thủ tướng của Tập vào năm tới, thay thế Lý Khắc Cường hiện đã bị phế truất. Hiếm có nhà phân tích nào tin rằng Lý Cường – người từng gây bất bình khi còn làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, nơi ông giám sát chiến dịch cách ly hà khắc trong đợt bùng phát COVID-19 gần đây – lại có thể trở thành người kế nhiệm cuối cùng của Tập. Và đó mới là điều quan trọng.
Như nhà khoa học chính trị Victor Shih của Đại học California San Diego lập luận trong cuốn sách mới của mình, Coalitions of the Weak: Elite Politics in China From Mao’s Stratagem to the Rise of Xi (Liên minh của những kẻ yếu: Nền chính trị cấp cao ở Trung Quốc từ mưu lược của Mao đến sự trỗi dậy của Tập), đây là một chiến thuật mà Mao sử dụng vào cuối thời kỳ cai trị của mình, khi ưu tiên của ông chuyển từ câu hỏi về di sản ý thức hệ, hoặc thậm chí là tương lai của Trung Quốc, sang ngăn chặn sự trỗi dậy của những kẻ thách thức và đảm bảo sự trường tồn chính trị của chính ông.
Bài học ở đây là các hệ thống Lê-nin-nít vốn dĩ luôn bất ổn, phần lớn là bởi đảng cầm quyền và các nhà lãnh đạo tối cao đều cai trị vượt trên luật pháp. Như người Mỹ đã được nhắc nhở sau vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01/2021, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của một xã hội ổn định là việc tôn trọng quy tắc kế nhiệm. Nhưng tại Trung Quốc, vấn đề vẫn chỉ xoay quanh những cuộc tranh giành quyền lực trần trụi, thường được che khỏi mắt công chúng, nhưng không hề bị quy tắc nào cản trở. Trong một hoàn cảnh như vậy, người ta không thể mong đợi một kết thúc tốt đẹp.
Howard W. French
Chuyên gia bình luận của Foreign Policy, giảng viên tại Trường Báo chí Sau Đại học thuộc Đại học Columbia, và là một phóng viên nước ngoài lâu năm. Cuốn sách mới nhất của ông là “Born in Blackness: Africa, Africans and the Making of the Modern World, 1471 to the Second World War.”
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2022/10/27/tan-kich-xung-quanh-ho-cam-dao-cho-thay-diem-yeu-co-ban-cua-bac-kinh/