Do mất khả năng làm nguội tỷ giá khiến đồng tiền Việt Nam so với Mỹ kim mất giá từ 10%-15% nội năm nay. Trong 33 ngày vùa qua, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) Việt Nam đã phải hợp thức hóa tình trạng thực của thị trường bằng cách tăng lãi suất điều hành (2) lần, mỗi lần 100 điểm (%) bách phân. Nương theo đà này, các Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) thi nhau tăng lãi suất tiền gởi tiết kiệm, tạo ra áp lực rất lớn cho lãi suất tín dụng sẽ tăng theo, khiến trong tương lai gần phát sinh ra nhiều vấn đề cho nhu cầu vay vốn để sản xuất hàng hóa vào cận dịp Tết Nguyên Đán

Với tình hình thanh khoản yếu kém trong hệ thống NHTM hiện tại và biến động tỷ giá mạnh như sóng cồn ngoài thị trường còn dai dẳng tạo ra tâm lý găm giữ đồng Mỹ kim . . .  Công ty Cổ phần Chứng khoán Việt Dragon Securities Coporation (VDSC) nhận định, nhiều khả năng tiền đồng có thể mất giá từ 10%-15% trong vài tháng cuối năm 2022.[1]

Đà giảm giá của đồng tiền Việt Nam (VND), theo dữ liệu của Investing.com, từ ngày 1/1/2022 đến 19/10/2022, tỷ giá Mỹ kim trên tiền đồng tăng 7,12%, từ 22.825 đồng lên 24.450 đồng, sai biệt 1.625 đồng. 

Mới tháng trước (Sept. 2022), khi đồng tiền Việt Nam bắt đầu suy giảm, các dự báo khi đó cho rằng, tiền đồng Việt Nam sẽ chỉ mất giá khoảng 3%-5% trong năm nay. Tuy nhiên, từ sau đó nhiều áp lực đẩy tình thế xấu hơn dẫn đến các diễn biến mới nhất trên thị trường cho thấy, tiền Việt Nam lao dốc nhanh chóng hơn nhiều ước đoán trước đó, nhất là sau ngày 17 tháng 10 NHNN nới biên độ tỷ giá Mỹ kim trên tiền đồng Việt Nam từ ±3% lên ±5% thì tỷ giá đã vượt mức kỷ lục gần 25.000 đồng trên mỗi Mỹ kim. Giá bán 1 Mỹ kim ở chợ đen hôm 28 tháng 10 là 25.255 đồng.

Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành lần đầu lên 100 điểm bách phân ngày 22/9, giới hâm mộ đồng bạc Xanh đã tràn ra đường ráo riết săn tìm đồng tiền của “Đế Quốc Mỹ” tại thị trường chợ đen gây ra không khí rất sôi sục, khiến NHNN phải “xiêu hồn lạc phách” “lật đật” bán thêm ra gần 1,9 tỷ Mỹ kim nữa, nâng tổng số Mỹ kim do NHNN bán ra từ đầu năm đến ngày 19 tháng 10 lên đến gần 24 tỷ Mỹ kim, tương đương 23% hao hụt nơi Quỹ ngoại hối của Việt Nam. [2]

Trong 33 ngày đầy biến động trên thị trường Tài Chánh, Tiền Tệ và Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) đã tạo ra tâm lý hoang mang, bàn tán xôn xao từ thành thị đến thôn quê; kể cả nhiễu loạn thông tin khiến Ba Đình vật vã suốt thời gian vừa kể cũng chưa ổn định nổi các diễn biến như vũ bão, đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. 

Tỷ giá Mỹ kim trên đồng tiền Việt Nam tăng vọt đã khiến cho NHNN buộc phải tăng lãi suất điều hành lần thứ hai, ngày 25 tháng 10 thêm 100 điểm (%) bách phân nhằm kiềm hãm đà tăng của tỷ giá. Hành động tăng lãi suất điều hành của NHNN theo đó ảnh hưởng đến một loạt các lãi suất trên thị trường 1, tức thị trường Tài Chánh giao dịch giữa NHTM và công chúng. Còn chênh lệch lãi suất cho vay qua đêm, tức thị trường 2, trong nội bộ các NHTM, thì đồng bạc Xanh và tiền đồng hiện đang ở mức 300 điểm cơ bản.

Tỷ giá và lãi suất hiện đang là một vòng xoáy, khiến giới quan sát thời sự Kinh Tế dự đoán rằng, NHNN có thể điều chỉnh tăng thêm 0,50-100 điểm (%) bách phân lãi suất điều hành nữa trong hai tháng cuối năm, vì đây là công cụ duy nhất để hy vọng làm “nguội” tỷ giá đang xô đẩy từng ngày hết đợt này sang đợt khác liên tục.

Quan sát động thái trong 33 ngày qua của NHNN, cơ chế điều hành Tiền Tệ cao nhất của Ba Đình chỉ bán ra chưa đến 1 tỷ Mỹ kim, cho thấy Quỹ dự trữ ngoại hối đã không còn khả năng đóng vai trò công cụ trong tay NHNN để can thiệp hữu hiệu khi có biến động tỷ giá. Vì vậy, NHNN không thể sử dụng Mỹ kim như công cụ để làm “nguội” tỷ giá trên thị trường đang nóng lên từng ngày. Hoàn cảnh này đã “trói chặt tay” các nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Cán cân thương mại hiện thặng dư nhẹ, nhưng triển vọng xuất khẩu lại kém khả quan khiến cho cán cân thanh toán không đủ sức để cân bằng áp lực đối với nhu cầu Mỹ kim trong nước. 

Trước đây, gặp tình huống tương tự, NHNN đã tung Mỹ kim ra bán để làm nguội tỷ giá, nhưng từ cuối tháng 9 năm 2022, theo phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV):  quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn khoảng 85 tỷ Mỹ kim chưa đủ 11 tuần nhập cảng hàng hóa, trong khi dự phòng an toàn cho nhu cầu nhập cảng đòi hỏi là 12 tuần lễ. (https://vanhoimoi.org/?p=15341). Nếu kể luôn gần 40 tỷ Mỹ Kim của Việt Nam mua trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ vào thành phần Quỹ Ngoại Hối, thì ngoại hối bằng tiền mặt của Việt Nam chỉ còn 45 tỷ Mỹ kim. Điểm này chưa được NHNN xác nhận.

Thị trường vàng tại Việt Nam hôm 26/10 cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng mỗi lượng. Gía vàng Việt Nam mua vào bán ra là 66,20 – 67,20 triệu. Chênh lệch giá bán cao hơn giá mua là 1 triệu đồng mỗi lượng. Số liệu thống kê của CEIC cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2020, NHNN đang giữ trong kho khoảng gần 268.300 lượng vàng tương đương 10 tấn vàng các loại. Hiện chưa thấy NHNN nhắc đến giải pháp dùng vàng thay cho Mỹ kim để can thiệp vào thị trường vàng hay tỷ giá. [3]

Trong dịp giải thích trước Quốc Hội về tỷ giá tiền đồng Việt Nam so với Mỹ Kim, chiều 28 tháng 10, Thống đốc NHNN nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: bắt đầu từ tháng 10/2022, tỷ giá ngoại tệ tăng cao, thị trường ngoại hối bất ổn là do “Thị trường tiền tệ và ngoại hối biến động mạnh chủ yếu do tác động của tâm lý kỳ vọng. Thị trường có những thông tin không đúng sự thật, tác động rất mạnh đến tổ chức tín dụng”, tức khối NHTM.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều quan trọng là chính sách tiền tệ từng giai đoạn vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vỹ mô. Trong ngắn hạn, bà cho rằng phải đánh đổi giữa các mục tiêu như để ổn định thị trường ngoại hối phải chấp nhận tỷ giá tăng cao và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi lãi suất tăng cao nhưng ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối. . . [4]

Ứng phó với tình hình trên, NHNN đã cung ứng thanh khoản cho NHTM. Đối với thị trường ngoại hối, NHNN chủ động để tỷ giá biến động linh hoạt hơn, tăng lãi suất để kiểm soát được tỷ giá. Đồng thời phía Công An xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin sai sự thật cũng góp phần giữ cho thị trường tài chính, tiền tệ bớt biến động.

Thật ra trong hoàn cảnh này, NHNN bị buộc phải hợp thức hóa thực tế của thị trường, hơn là tuyên bố chủ động như các báo Nhà Nước dẫn nguồn tin từ “giải trình” của Thống Đốc NHNN Nguyễn thị Hồng trước Quốc Hội hôm 28/10.

Cùng lúc bà Hồng loan báo với Quốc Hội về “xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin sai sự thật” thì phía bên ngoài trụ sở Quốc Hội lại diễn ra hiện tượng nhiều người dân rút tiền trước hạn kỳ tại các NHTM hoặc đã đến NHTM để gửi tiền nhưng lại “nghe gợi ý, tin vào lời hứa lãi suất cao hơn của một số cá nhân” và chuyển toàn bộ số tiền này sang gửi tại các tổ chức không có giấy phép nhận tiền gửi như các NHTM.

Ngoài ra còn nhiều tin đồn khác mà cơ quan an ninh chẳng dập tắt được. Thí dụ có những chia sẻ về tin đồn liên quan đến công ty Chứng khoán VNDirect (VND) mất khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp Tập đoàn Trung Nam khiến kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu VND trên thị trường làm cho công ty này phải chịu đựng mức giảm 25% chỉ sau 5 phiên liên tiếp trên sàn chứng khoán. Vốn hoá của VND tương ứng “bốc hơi” gần 4.300 tỷ đồng.

Các loại tin đồn tương tự làm nhiễu thông tin trong nền Tài Chánh Việt Nam, khiến cho hàng loạt Doanh Nghiệp và các NHTM dính dấp đến dư luận đang bàn tán cảm thấy hoang mang lo sợ như cảnh “rút dây động rừng”. Bởi vì tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV năm 2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng, Trong đó, tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản là 34,1%, và 5 NHTM lớn chiếm 32,9%. Đến năm 2023 và 2024 số tiến sẽ đáo hạn từ TPDN lên đến 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa trị giá khối lượng TPDN đang lưu hành. (https://vanhoimoi.org/?p=15341)

Sau khi NHNN chính thức tăng hai lần lãi suất điều hành lên 200 điểm bách phân, nhiều NHTM đua nhau tăng lãi suất gởi tiết kiệm bằng tiền Việt Nam từ 8% đến 9,5% tùy theo kỳ hạn. Mặc chp NHTM tăng lãi suất tiết kiệm, nhưng dâng chúng vẫn dè dặt khiến mức độ tiền gửi chậm lại kể từ đầu quý 3. Trong tháng 7, tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã sụt giảm tới hơn 171 nghìn tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư có tăng trưởng nhưng không nhiều (tăng hơn 17 nghìn tỷ đồng). Theo đó, tổng tiền gửi tại hệ thống đã giảm gần 154 nghìn tỷ đồng chỉ trong 2 tháng.

Giữa bối cảnh đó, người đi vay phải làm quen dần với lãi suất vay vốn sản xuất từ ngày 29 tháng 10 là 11,52% cho hạn kỳ 12 tháng. Lãi suất vay mua nhà thời hạn 35 năm hiện cao nhất 10,59%. Lãi suất vay tiền vẫn chờ đợi sẽ tăng cao, cộng với phí “bôi trơn” tùy hồ sơ tín dụng sẽ trở thành gánh nặng cho người vay vốn. 

Đối với khách hàng gởi tiết kiệm bằng Mỹ Kim tại phần lớn NHTM Việt Nam thì lãi suất bằng 0%. Nhưng nhiều khách hàng muốn an toàn vẫn gởi Đôla cho nhà băng giữ hộ. Vì giá Mỹ kim vẫn trên đà tăng cao nên chênh lệch do tỷ giá mang lại, được xem là giữ Mỹ kim vừa có lãi cao lại bảo vệ được dòng vốn khá vững chắc.

Theo Tạp chí Tài Chánh Việt Nam, Trong 10 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.  Bình quân mộĩ tháng có gần 10 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chưa có dự đoán nào cho thấy do anh hưởng lãi suất tăng cao như NHNN xác định, số Doanh Nghiệp ngưng sản xuất sẽ tăng lên bao nhiêu.

Do tiền đồng vẫn tiếp tục mất giá, cùng với tin một số công ty lớn lớn báo lỗ trong Báo Cáo Tài Chánh chiều ngày 28 tháng 10, khiến khối ngoại bán ròng đột biến hơn 3.000 tỷ đồng vào cuối phiên giao dịch. Các tin tiêu cực này làm cho VN-Index vừa “nhích” lên đôi chút , sau khi “bốc hơi” hàng tỷ Mỹ kim để lui về phòng tuyến 1027 điểm vào cuối ngày 29 tháng 10.

Giới quan sát thị trường Tài Chánh Việt Nam giả định rằng, nếu Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, Federal Reserve System – gọi tắt là FED và các Ngân Hàng Trung Ương lớn áp dụng giải pháp diều hâu hơn (more hawkish) với kế hoạch tăng lãi suất và đẩy nhanh chương trình thắt chặt định lượng do áp lực lạm phát gia tăng thì trong trường hợp này, NHNN không tăng lãi suất điều hành thêm và giữ mức hiện tại, tỷ giá chính thức sẽ mất giá thêm 1-2% nữa, về mức 24.500 – 25.500. Giá Đô-la chợ đen tại Việt Nam trung bình cao hơn tỷ giá trung tâm khoảng 1.500 đồng.

Về phía thị trường chứng khoán, khi Fed tăng lãi suất thì lãi suất tiền đồng cũng phải tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường. Thanh khoản thị trường cũng chịu áp lực khi NHNN bán ngoại hối dự trữ để thu tiền đồng về, khiến cho thị trường liên ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản bị ảnh hưởng dây chuyền. 

Tuy vậy, dự đoán NHNN bán đồng Mỹ Kim ra để thu tiền đồng về ít có khả năng xẩy ra, bởi vì nếu không có thay đối lớn thì Quỹ Ngoại Hối của Việt Nam không còn khả năng can thiệp vào thị trường như trước nữa.

Trần nguyên Thao
30 Oct.,2022

Tham khảo:

[1] https://sputniknews.vn/amp/20221026/dong-tien-viet-nam-suy-yeu-vi-dau-18868212.html

[2] https://plo.vn/vi-sao-dong-usd-lien-tuc-tang-gia-post703992.html

[3] https://thuonghieusanpham.vn/nhnn-hien-dang-co-bao-nhieu-vang-trong-quy-du-tru-4872.html

[4] https://cafef.vn//thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-neu-ly-do-ty-gia-usd-vnd-tang-cao-20221028184517483.chn

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen
  • HỘI LUẬN ngày 20/4/2024. Iran tấn công Israel: Chiến tranh trực diện đầu tiên bắt đầu? – Kênh đào Funan ở Cam Bốt: TC bao vây VN, sông Cửu Long cạn dòng? – Diện mạo chính trị Singapore thay đổi?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Vụ thanh trừng mới nhất của Tập vén màn bí mật khủng hoảng bất động sản
    Katsuji Nakazawa