- Tiền Việt Nam bị phá giá 5%.
- Giá bán ra mỗi Mỹ kim tới 25.125 đồng.
- Quỹ an toàn ngoại hối xuống thấp tương đương 11 tuần nhập cảng hàng hóa.
- Ngân hàng SCB mới gặp hoảng loạn, nay bị đặt trong vòng kiểm soát đặc biệt.
- Chứng khoán lao dốc từ 1501 điểm xuống còn 1020 điểm.
Tỷ giá Mỹ kim trên tiền đồng Việt Nam và lãi suất tại hệ thống Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) là hai vấn đề khiến Ba-Đình đang phải vật vã đương đầu từng ngày: Sau 7 năm “cầm cự”, hôm 17 tháng 10, do sức ép thị trường quá lớn, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã phá giá tiền đồng với biên độ tỷ giá lên 5%. Tiền đồng mất giá, nên đồng Mỹ kim theo khuynh hướng “quay về nguyên quán” làm cho Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) Việt Nam liên tục lao dốc gần 32% so với 11 tháng trước. Đồng bạc Xanh tại Việt Nam khan hiếm sẽ có thể đưa đến tin “tiêu cực” tới dòng tiền FDI ở tương lai trước mặt.
Hiện có gần 70% NHTM tại Việt Nam bị NHNN xem là “kém khả năng quản trị, thiếu an toàn vốn và không góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng” (https://vanhoimoi.org/?p=14994). Ngân hàng SCB đã “mở màn” cuộc khủng hoảng trong nền Tài Chánh Việt Nam bằng hàng vạn người “hoảng loạn” chen nhau rút tiền trước hạn kỳ trong hai ngày 7 và 8 tháng 10 (https://vanhoimoi.org/?p=15297). Biến cố này đưa đến lo ngại hiện tượng “Domino” làm sập hệ thống NHTM, nên hôm 15 tháng 10, NHNN đã điều động các viên chức chuyên môn từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank chính thức tới quản trị, điều hành ngân hàng SCB dưới quy chế “kiểm soát đặc biệt” [1]
Cuộc hoảng loạn gây ra từ ngân hàng SCB như nói trên, sẽ dẫn đến khả năng khối NHTM giảm sự hỗ trợ cho doanh nghiệp do hệ quả của một loạt ngân hàng liên quan đến phát hành Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) không có bảo chứng; sẽ bị phong tỏa hoặc chịu các biện pháp kiểm soát đặc biệt như trường hợp ngân hàng SCB.
Trước biến động mạnh và liên tục gia tăng của tỷ giá Mỹ kim trên tiền đồng thời gian gần đây, NHNN không thể chống lại áp lực quá lớn, nên phải chấp nhận “phá giá đồng bạc Việt Nam” qua hình thức điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa Mỹ kim trên tiền đồng từ mức ±3% lên ±5% từ ngày 17/10. Đây là lần điều chỉnh biên độ đầu tiên của NHNN sau 7 năm cầm cự. [2]
Do nguồn cung rất giới hạn khiến giá mua Mỹ kim trên thị trường ngân hàng hiện giao động trong khoảng 24.360 – 24.402 đồng cho mỗi Mỹ kim, còn giá bán nằm trong khoảng 24.660 – 24.705 đồng mỗi Mỹ kim. Như vậy, giá Mỹ kim tại ngân hàng đã tăng khoảng 1.750 đồng so với cuối năm 2021, tương đương 7,6%; riêng tuần lễ đến ngày 22 tháng 10 tăng thêm 450 đồng, tức gần 2%.
NHNN tăng mạnh giá bán Mỹ kim tại Sở Giao Dịch từ 23.925 đồng lên 24.380 đồng, tương đương mức tăng tới 455 đồng – mức điều chỉnh mạnh nhất của NHNN trong nhiều năm qua. Đồng thời, tiếp tục không niêm yết tỷ giá mua thêm Mỹ kim.
Trên thị trường tự do ngày 21/10, giá mỗi Mỹ kim bán ở mức 25.125 đồng. Chênh lệch giá bán Mỹ kim giữa Sở Giao Dịch và thị trường tự do đang ở khoảng 745 đồng trên mỗi Mỹ kim.
Trước đây, gặp tình huống tương tự, NHNN đã tung Mỹ kim ra bán để làm nguội tỷ giá, nhưng từ cuối tháng 9 năm 2022, theo phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn 86 tỷ Mỹ kim tương đương 11 tuần nhập cảng, trong khi dự phòng an toàn cho nhu cầu nhập cảng đòi hỏi là 12 tuần lễ. Vì vậy, NHNN không thể sử dụng Mỹ kim như công cụ để làm “nguội” tỷ giá trên thị trường. Hoàn cảnh này đã “trói chặt tay” các nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Giai đoạn còn lại của năm nay sẽ khiến Việt Nam vất vả hơn nhiều để kiềm chế tỷ giá trong nước khi đồng Mỹ kim nhiều khả năng tiếp tục tăng do chính sách thắt chặt tiền tệ của FED trong toàn cảnh lạm phát thế giới vẫn ở mức quá cao so với mục tiêu của các Ngân hàng Trung Ương Âu Mỹ. Giá Mỹ kim tiếp tực tăng trong lúc hệ thống ngân hàng Việt Nam đang bị khủng hoảng mạnh, thì dân chúng chuyển sang trữ Mỹ kim thay vì giữ tiền đồng Việt Nam càng làm cho đồng bạc Xanh khan hiếm.
Trong nhất thời, Đô la tăng giá thì hàng xuất cảng có chút lợi nhờ giá Mỹ kim tăng khoảng 6 – 7% so với năm trước khiến doanh nghiệp xuất khẩu thu tiền Đô về có lợi hơn, khi đổi sang tiền Việt Nam. Tuy nhiên nhìn về phía trước thì thị trường chủ yếu của các doanh nghiệp xuất cảng thuỷ sản, dệt may, nông sản của Việt Nam nằm ở các nước châu Âu, châu Á, Nam Mỹ. . . Và do vậy các doanh nghiệp này đều không hưởng lợi thực sự như kỳ vọng. Bởi vì sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu, thu nhập thực tế của người dân ở các thị trường chính của hàng Việt Nam suy giảm và kéo theo sức mua của họ cũng giảm theo.
Trong khi doanh nghiệp nhập cảng lại “âu lo” do giá Mỹ kim tăng giá. Đặc biệt với những doanh nghiệp đang nhập cảng máy móc dây chuyền, những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất nhập cảng từ nước ngoài. . . Khi hàng nhập cảng đắt đỏ hơn và áp lực dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam thì doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vẫn khó hưởng lợi từ việc tiền đồng mất giá.
Ngoài ra, cước phí của cả hai phía xuất, nhập cảng đều tính bằng Mỹ kim theo giá mới từng ngày, do vậy, chi phí vận chuyển hàng hoá tăng theo tỷ giá Mỹ kim trên tiền đồng Việt Nam là gánh nặng nữa cho các Doanh Nghiệp xuất nhập cảng.
Do nỗi lo dân chúng rút tiền khoải hệ thống ngân hàng để mua Mỹ kim làm nơi trú ẩn an toàn, các NHTM đua nhau tăng lãi suất gởi tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn. Mức lãi suất gởi tiết kiệm cao nhất nơi nhiều ngân hàng đã vượt qua 8% mỗi năm, thậm chí tiến tới trên 9% mỗi năm.
Về lãi suất cho vay mua nhà hiện lên quanh mức 11- 13,5%; cho doanh nghiệp vay khoảng 9% mỗi năm, tăng khoảng 2% mỗi năm so với đầu năm. Với khoản vay tiền tỷ, mỗi tháng sẽ trả tiền lãi cả triệu đồng.
Lãi suất tiết kiệm tăng tất nhiên đẩy lãi suất cho vay tăng theo là khó tránh khỏi. Hiện nay mức giới hạn tín dụng cả năm là 14% đang cạn dần. Tình trạng này sẽ gây khó khăn rất lới cho Doanh Nghiệp cần vốn để phát triển sản xuất, ảnh hưởng xấu trên nền Kinh Tế Việt Nam.
Sự việc có thể rất tồi tệ cho nền Tài Chánh Việt Nam trong trường hợp ngân hàng hay Doanh Nghiệp phát hành trái phiếu không thể hoàn lại vốn và lời cho trái chủ. Vì theo VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV năm 2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng, Trong đó, tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản là 34,1%, và 5 NHTM lớn chiếm 32,9%. Đến năm 2023 và 2024 số tiến sẽ đáo hạn từ TPDN lên đến 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa trị giá khối lượng TPDN đang lưu hành.
Tương quan lớn về tình trạng yếu kém của NHTM với các động thái điều tiết dòng tiền rất bất thường đã làm cho nhà đầu tư hết sức hoang mang, khiến Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) VN hôm 21/10 rơi từ mức 1501 điểm vào tháng 11 năm ngoái xuống qua đáy 1200 điểm, hiện lùi về 1.020 điểm, mất 482 điểm. Tới 453 cổ phiếu giảm giá, chỉ có 31 cổ phiếu tăng giá. Giá trị giao dịch chỉ còn 14,600 tỷ đồng. [3]
Nếu mối liên hệ giữa an toàn vốn, cung cách quản trị và tính lành mạnh của đa số NHTM với các cơ chế phát hành TPDN mà lộ ra “không đủ khả năng hoàn tiền cho trái chủ” vào lúc TPDN đáo hạn, thì dù NHNN có đặt ngân hàng SCB dưới quy chế “kiểm soát đặc biệt” thì việc tránh khỏi cuộc khủng hoảng Tài Chánh là rất mong manh.
Thực tế này minh chứng rằng, khi mọi người đã thấy chỉ một “con gián bò ra”, thì chắc chắn còn nhiều con khác sắp xuất hiện.
Trần nguyên Thao
(Oct. 22)
Tham khảo:
[1] https://24hmoney.vn/news/ngan-hang-nha-nuoc-dua-scb-vao-dien-kiem-soat-dac-biet-c4a1662608.html
[2] https://vietstock.vn/2022/10/muc-dich-noi-bien-do-ty-gia-757-1010534.htm
[3] https://vietstock.vn/2022/10/vnm-giu-vn-index-o-lai-sat-moc-1020-diem-trong-boi-canh-nhieu-co-phieu-dau-nganh-keo-giam-manh-830-1011062.htm