Đẻ con chẳng dạy chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn* mà ăn lấy lòng”.
[1]

Không biết từ đâu và từ bao giờ, những tư tưởng như trên đã trở thành một thứ văn hóa dân gian dùng để mỉa mai, và cũng để nhắc nhở về bổn phận những kẻ làm cha mẹ. Trong hoàn cảnh và điều kiện sống của thế giới hôm nay, việc quan tâm về giáo dục con cái càng trở nên hết sức cần thiết. Nó đang trở nên một lời cảnh báo cho những bậc phụ huynh vì một lý do nào đó, bỏ quên trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn con cái. Hai câu truyện sau đây không phải là những suy tưởng vô căn cứ, nhưng là một ký ức bao gồm kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như sự suy tư của người viết.

1.

Hôm rồi, đứa con của tôi kể về một câu truyện người bạn của nó thời còn tiểu học. Bố bạn nó bỏ mẹ con nó. Mẹ nó một mình lo cho hai con trong hoàn cảnh khó khăn. Vì quá lao tâm, lao lực, mẹ nó đã chết khi mới ngoài 40 tuổi.

Hai chị em nó được một cặp vợ chồng trong chương trình Foster Parents (Cha Mẹ Nuôi) nhận nuôi, nâng đỡ, bao bọc. Vì hiểu được thân phận của mình, hai chị em đều cố gắng học hành tử tế. Khi vừa xong trung học, người chị đã ghi danh vào một đại học với ý định trở thành bác sỹ tương lai. Nó vừa đi học, vừa đi làm cho một nhà hàng để có thêm chi phí. Kết quả sau cùng nó đã đạt được ý nguyện trở thành một bác sỹ. Mấy ngày qua, nó ghé thăm Thủ Đô Tỵ Nạn và rủ con đi xem chợ hoa ăn tết….

2.

Tôi biết và quen anh đã lâu, tưởng mọi chuyện đều may mắn, nhưng gặp lại nhau thì mới biết hoàn cảnh của anh lúc này thật bi đát. Vợ anh đơn phương ly dị anh vì một người khác. Hai con anh đi theo mẹ…

Nhưng bất hạnh thay, vợ cũ của anh không chỉ có một người tình, mà là tiếp nối nhiều người tình. Tình cảm, tình yêu, và tình dục đã là mờ mịt lý trí của người đàn bà này. Chị ta bắt đầu bỏ bê việc giáo dục hai đứa con. Không quan tâm đến việc học hành, giờ giấc, và những gì xảy ra đối với chúng.

Không chỉ lơ là, thiếu trách nhiệm về việc giáo dục, người phụ nữ này còn bỏ rơi luôn con cái trong vấn đề nuôi dưỡng, ăn mặc, và sức khỏe. Hai đứa trẻ hầu như suốt tuần phải ăn mì gói. Không có mì gói thì ăn thức ăn đông lạnh, hoặc mua đồ ăn từ McDonalds hoặc Pizza. Ăn uống đã vậy, vệ sinh cá nhân thì còn khủng khiếp hơn nữa. Hai đứa không tắm, không gội đầu, không thay áo quần, không đánh răng. Chúng sống như người rừng.

Tuy là người chịu trách nhiệm và có thẩm quyền nuôi con trước pháp luật, nhưng mẹ của hai đứa lại không bao giờ liên lạc hoặc cộng tác với nhà trường để theo dõi việc học, và hành vi hạnh kiểm của hai đứa con, tất cả là do người bố vì thương hai con mà phải hy sinh chấp nhận. Ít nhất ba lần, anh đã phải bỏ sở làm về chở con đi bệnh viện tâm thần. Nhiều lần anh phải bỏ giờ nghỉ trưa, vội vàng đến trường để nói chuyện với các nhân viên y tế, tâm lý, và xã hội về tình trạng sinh hoạt và học vấn của hai con.  

Về phần hai đứa con của anh, đứa con gái sau nhiều lần cãi vã kịch liệt với mẹ, nó đã bỏ học và giao du với bạn bè. Hai lần thất tình, hai lần phải vào bệnh viện tâm thần. Đến nay, sau thời gian chữa trị, nó đã định thần và nhận ra lỗi của nó. Theo anh, nó đang ghi danh học lại tại một đại học cộng đồng thay vì đáng lý nó phải học ở một đại học danh tiếng như các bạn của nó. Nhưng như vậy đối với anh cũng kể là tạm ổn.

Còn thằng em trai cũng hai lần thất tình ở tuổi 14-16. Lần gần đây, nó đã lấy dao rạch tay tự tử nhưng được phát hiện sớm và đưa đi nhà thương. Hiện giờ nó đang trong tình trạng cô đơn, và vẫn nuôi ý tưởng tự tử. Tương lại học lại là rất ít. Anh chỉ mong nó sớm bình phục rồi chuyện gì xảy ra sẽ tính sau. Tóm lại, con đường phía trước của hai chị em nó vẫn còn mờ mịt. Trước mắt, chỉ tạm ổn ở phần con chị, còn đứa em thì vẫn chưa biết tương lai sẽ đi về đâu?!

Qua hai câu truyện trên, người đọc hiểu rằng, do sự thất bại trong hôn nhân của cha mẹ; đặc biệt, ảnh hưởng giáo dục gia đình đã dẫn đến những hệ quả rất tai hại cho con cái.

Trường hợp thứ nhất, người cha đã vô trách nhiệm bỏ rơi vợ con. Bỏ vợ là chuyện giữa hai người lớn. Nhưng ông không thể tỏ ra vô trách nhiệm, và thiếu bổn phận đối với con cái. Trường hợp thứ hai, người mẹ đã vô tâm, vô cảm, và vô đạo đức để mặc con mình rơi vào những khủng hoảng của tuổi trẻ ngay trước mặt mình. Đối xử với con mình như vậy, người mẹ này đã đánh mất bản năng làm mẹ của người phụ nữ, và không thể hiện một tình yêu căn bản đối với hai đứa con của mình.

Những điều trên càng đưa đến một kết luận rất rõ ràng và thực tế, đó là môi trường gia đình, giáo dục gia đình, và ảnh hưởng của cha mẹ hết sức quan trọng cho một đứa trẻ. Tại sao dân gian lại cố tình đưa ra những nhận xét xem như tiêu cực đối với sứ mạng của cha mẹ: “Đẻ con chẳng dạy chẳng răn. Thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng”.  Việc sinh nở, nuôi dậy một đứa trẻ hoàn toàn khác với việc nuôi một con lợn. Nó không chỉ lệ thuộc vào cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Nó cũng không lệ thuộc vào những nuông chiều, hoặc tiện nghi.  

Tại các cuộc thảo luận về giáo dục hay gia đình, phần đông phụ huynh phàn nàn về sự nghịch ngợm, phá phách, lười biếng của tuổi trẻ, những cạm bẫy, ảnh hưởng tai hại của bạn bè, và của môi trường sống. Đa số những người này đều nghĩ rằng việc họ cho con họ mọi thứ chúng muốn, đã gửi chúng vào các trường tư, đã cho đi học kèm, học võ, học bơi, học vẽ, học đàn, học múa, đã mua điện thoại, máy tính bảng, computer, xe hơi cho chúng…Tóm lại, theo họ những đầu tư tốn kém cho tương lai của con cái như vậy nhẽ ra phải đem lại những kết quả tốt, nhưng thực tế vẫn là: Chúng tôi cảm thấy thất vọng và không biết phải làm gì hơn nữa? Tại sao con cái không nhận ra những vất vả của cha mẹ? Tại sao con cái không biết lo cho tương lai của chúng nó???   

Dưới cái nhìn của tâm lý giáo dục, những hành động trên xem như nuôi một con lợn. Nó không phải là giáo dục, không phải là dạy dỗ, là răn đe. Khi bàn về giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình, ca dao Việt Nam có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở.”

Ăn và nói thuộc về bản năng bẩm sinh của con người. Đứa trẻ không cần phải dạy ăn hoặc nói, nhưng nó cần dạy cho biết phải ăn uống, nói năng như thế nào. Nó không phải là một con lợn, nên cần học cách ăn uống, và cách ứng xử lịch sự khi dùng bữa. Ngay từ bé, đứa trẻ phải được chỉ dạy cho biết chừng mực, điều độ khi ăn uống. Phải học biết cách kìm hãm đam mê. Không phải hễ đói là ăn, thích là ăn, muốn ăn thứ gì thì ăn cho thỏa thích. Những điều này cha mẹ phải dạy đứa trẻ khi ngồi vào bàn ăn, và khi ngồi ăn chung với người khác. Ngoài ra, nó còn phải học cách nhường nhịn anh chị em khi cần phải hy sinh, chia cơm, sẻ áo.

“Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khả năng nói phải được trau dồi, phải được làm cho phát triển qua việc sử dụng ngôn ngữ: ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ cơ thể (body language). Ngay từ bé, đứa trẻ phải học cách nói năng, thưa gửi, biết dùng lời nói của mình sao cho lễ phép, lịch sự, nhã nhặn. Tóm lại, ngôn ngữ là cách truyền đạt tư tưởng, trình bày ý nghĩ của một người, cho nên đứa trẻ cần phải được học hỏi, chỉ dẫn để khi lớn lên, vào đời nó biết cách cách sử dụng ngôn ngữ khi tiếp xúc và giao tiếp với những người chung quanh.  

Tiếp tới đứa trẻ cần học gói, học mở. Điều này có ý nói về những kỹ năng sống, cách thức đối xử, xã giao với những người chung quanh, chứ không nhất thiết là việc mở hoặc gói một tấm bánh hay một món quà. Trong cuộc sống thường ngày và trong môi trường xã hội, nó phải biết nó là ai, làm gì, và muốn gì? Một đứa trẻ mà ngay từ khi còn trên gối mẹ đã được mẹ cha uốn nắn, dạy dỗ như vậy lo gì sau này không nên người. Và khi đã trưởng thành, cộng với kiến thức, khoa học và những điều học được từ trường lớp, từ kinh nghiệm cuộc sống sẽ làm nên một con người chín chắn, hiểu biết và có tư cách. Tuy không phải là những thánh nhân, quân tử, nhưng ít nhất cũng là những con người đáng nể, đáng sống, và đáng được kính trọng.

So sánh việc nuôi một con lợn và việc uốn nắn, dạy dỗ một đứa trẻ là so sánh bất tương xứng. Tuy nhiên ý nghĩa sau cùng của nó là nói lên sự tương phản làm nổi bật tầm nghiêm trọng của việc giáo dục và răn dạy con cái. Việc làm này đòi hỏi công sức và hy sinh của cha mẹ. Do đó, những người làm cha mẹ nên tự hỏi mình tôi đã dành bao nhiêu phút, bao nhiêu giờ mỗi ngày cho con tôi? Tôi có dành thời giờ để lắng nghe, chia sẻ, thông cảm và hướng dẫn đứa trẻ hay chỉ lo cho nó ăn, mặc, chiều chuộng, la mắng, đánh đập hoặc bỏ mặc? Ngoài ra, cái gương trước mắt mà đứa con muốn nhìn thấy chính là đời sống của cha mẹ. “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo!” Đó là dạy, là uốn nắn, là hướng dẫn. Những việc làm này hết sức tế nhị, khó khăn và vất vả, vì nó còn tùy vào tuổi tác, hoàn cảnh, môi trường và tâm lý của mỗi đứa con để ứng dụng, để hướng dẫn.

Sinh con. Nuôi con. Dạy dỗ con. Đây là những trách nhiệm hết sức lớn lao, cao cả, đòi hỏi sự hy sinh, quên mình gần như tuyệt đối của cha mẹ. Bù lại, phần thưởng của các ngài cũng hết sức lớn lao:

 “Các ngài là những vị đạo hạnh,
công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu
đó là lũ cháu đàn con.
(Huấn Ca 44: 10-11)

TS Trần Mỹ Duyệt

________

*Lợn hay còn được gọi là heo.

1. https://www.tudiendanhngon.vn/ca-dao/ct/itemid/20205 © TuDienDanhNgon.vn

Bài liên quan:
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Netanyahu và Erdoğan đang cạnh tranh để lãnh đạo Trung Đông
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những biến cố làm thay đổi thế giới!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ba-Đình bớt “quốc tang”,“Tinh gọn” đầy “quan tái”!
    Trần nguyên Thao