Lê Thiên (10/2/2022)

Ngày 04 Tháng Hai, 2022, Đài Á châu Tự do (RFA) đưa lên bài báo nhan đề “Vụ linh mục bị sát hại khi giải tội qua cái nhìn của giáo dân” cho biết Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh bị sát hại vào ngày 29/1/2022 khi đang ngồi tòa giải tội cho giáo dân ở giáo họ Sa Loong, giáo xứ Đăk Mót (tỉnh Kon Tum, Giáo phận Kon Tum). Bài báo nêu câu hỏi: “Đối với những người thường tiếp xúc với nạn nhân trước khi bị chém đến chết thì vị linh mục này thế nào”?.

Lời Chứng Về Vị Linh Mục Dấn Thân

Bài báo trưng dẫn 3 nhân chứng:

+ Ông Thương, giáo dân giáo xứ Đăk Mot nói với Đài Á châu Tự do vào sáng ngày 4/2:Cha rất yêu thương các con chiên, nói chung là không thể tả được. Riêng bản thân em tiếp xúc với cha thường ngày. Thật sự rất là bức xúc. Bởi vì cha là một người đi truyền giáo, làm cho các con chiên sống đạo cho đẹp, thì không thể nào xích mích với người khác. Thế nhưng mà có người lại sát hại cha thì thực sự là trong lòng giáo dân rất bức xúc, muốn biết lý do tại sao lại giết cha như thế!”

+ Một sinh viên đồng bào dân tộc Xê- đăng, tên Grimm, cũng là giáo dân Đăk Mot nói: “Em thấy cha Thanh hiền lành, cha hay thích nói chuyện với con nít lắm! Không khí lặng xuống, buồn. Mọi người ăn Tết không có vui, mấy ngày không còn vui vẻ như trước nữa, thấy buồn lắm!”

+ Ông Lộc, một giáo dân sau khi hay tin linh mục Thanh bị sát hại, đã lên đến nơi xảy ra án mạng, để tham gia lễ tiễn chân vị linh mục này, đồng thời muốn tìm hiểu ngọn ngành của vụ việc: “Một linh mục mà mất, bị chém chết bởi một kẻ thù nghịch với đạo công giáo, ngay tại tòa giải tội, ngay khi đang thi hành thiên chức linh mục, là một việc cực kỳ hiếm có mà nó rất là đau xót”.

Bị chém chết ngay tại Tòa Giải tội

Bài báo nêu trên còn ghi nhận: “Linh mục giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, thuộc Dòng đa Minh, phục vụ tại giáo xứ đăk Mot (tỉnh Kon Tum) trước khi qua đời. Linh mục bị một ông chém hai nhát vào đầu và tử vong khi đang ngồi ở tòa giải tội ở giáo họ Sa Loong hôm 29/1”.

Vụ sát hại được các cơ quan truyền thông mạng (internet), truyền thông hải ngoại cũng như truyền thông quốc tế ghi nhận trong khi toàn bộ truyền thông trong nước vốn trực tiếp nằm dưới sự chỉ đạo và định hướng của đảng CSVN thì hoàn toàn im lặng. Một tuần lễ sau, ngày 03/02/2022 báo đảng mới loan tin chiếu lệ.

Qua tin tức và một vài hình ảnh, người ta không khỏi chạnh lòng và cả phẫn nộ trước sự ra đi nghiệt ngã, đau thương của một vị linh mục tuổi trẻ được nhìn nhận là “hiền lành”, “yêu thương con chiên không thể tả”… đã phải nhận lãnh cái chết tất tưởi đầy oan khiên “ngay tại tòa giải tội, ngay khi đang thi hành thiên chức linh mục”.

Tác giả Nguyễn Thùy Dương xác nhận mình là tín đồ Phật giáo nhưng là bạn của Lm Trần Ngọc Thanh, đã kể lại: “giúp việc của anh Thanh cho hay, cho tới khi rơi vào hôn mê, anh chỉ nói có một câu duy nhất: Hãy tha thứ cho họ”. (Báo Tiếng Dân ngày 05/02/2022, Nguyễn Thùy Dương: Một người bạn đã đi xa). Thông tin này cũng được trang web CGVN ghi lại (https:// conggiao.vn/nghen-ngao-truoc- loi-tran-troi-cuoi-cua-cha-giuse- tran-ngoc-thanh-ngay-sau-khi- bi-sat-hai/).

Thử Tìm Ý Nghĩa Về Một Cái Chết

Những dòng tin trên kích thích chúng tôi mò mẫm sâu hơn vào vụ sát hại:

Qua Thư Chung của Tòa Giám mục Kontum ngày 04/02/2022, ĐC Nguyễn Hùng Vị xác nhận Lm Trần Ngọc Thanh “được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến”. Đức Giám mục cũng cho biết: “Có chương trình kêu gọi giúp đỡ để có thể xây dựng cho anh chị em nơi đây [giáo họ Sa- Loong] ngôi nhà thờ”.

Những chi tiết trên cho thấy tại nơi tạm thời được sử dụng làm nơi thờ phượng (vì chưa có nhà thờ), Cha Giuse Trần Ngọc Thanh thi hành liên tiếp hai sứ vụ tông đồ theo thánh chức và năng quyền của mình – cử hành Thánh lễ và ban Bí tích Giải tội.

Và máu ngài đã tuôn đổ trên chính “nơi thánh” ấy dù nơi đó có thể chưa hay không hề được “thánh hiến” để được dùng như là “nhà thờ” đúng nghĩa.

Dưới đây là hình ảnh (1) cảnh bàn thờ dâng lễ và (2) tòa giải tội, trên nền xi-măng còn lưu dấu máu loang!

Điều đáng ghi nhận thêm là đường dẫn vào nơi thờ phượng được dựng một “cổng chào” thô sơ bằng cây rừng ghép hình tháp nhà thờ và thánh giá như để báo hiệu đây là khu vực dành cho việc thờ phượng.

Thông tin từ nhiều phía cũng cho biết, tên sát nhân Nguyễn Văn Kiên đã “kiên nhẫn” chờ đợi bên ngoài cho đến khi số giáo dân xưng tội giảm xuống, y mới đi vào, xông lên, vung dao chém thẳng vào đầu nạn nhân (Cha Thanh). Những dấu máu đào trên nền xi măng nơi Tòa Giải (qua hình) là chứng tích tội ác kinh hoàng.

Chết Vì Đạo?

Từ những tin liên quan đến nhân thân Cha Giuse Trần Ngọc Thanh cũng như liên quan đến việc ngài bị chém dao vào đầu giữa lúc ngài thi hành sứ vụ tông đồ giữa nơi thờ phượng, chúng tôi tin rằng CHA TRẦN NGỌC THANH đã CHẾT VÌ ĐẠO, không cần cân nhắc xem tên sát nhân có chủ tâm đánh vào đạo hay không. Chúng tôi không hề cao ngạo (hay thậm chí lộng ngôn, rối đạo) “phong thánh” cho ai, dù chỉ với ý tôn vinh, ca tụng sự hy sinh.

Trong Giáo Hội không ít trường hợp giáo dân “tự động phong thánh” cho một nhân vật quá cố nào đó vốn chưa hề được thẩm quyền Hội Thánh tuyên thánh.

Cụ thể, Cha Trương Bửu Diệp từ bao lâu nay được người Việt Nam (cả giáo lẫn lương) xem là thánh, dựng tượng, lập đền, hành hương rầm rộ, đăng báo, khắc bảng tạ ơn… mặc dầu không rõ Cha Trương Bửu Diệp đã được thẩm quyền Hội Thánh tuyên phong vào giai đoạn nào của tiến trình phong thánh chưa (Tôi tớ Chúa, Bậc đáng kính, Chân phước, Hiển Thánh). Trong khi Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được Giáo Hội nâng lên hai cấp – Tôi Tớ Chúa và Bậc Đáng Kính, ngài được thế giới Công Giáo trọng vọng, nhưng chẳng rõ có được bao nhiêu người Công Giáo Việt Nam trong nước dám công khai tôn kính ngài như họ tôn vinh Cha Trương Bửu Diệp?

Người ta tổ chức những chuyến hành hương rầm rộ đi về Tắc Sậy, Tỉnh Bạc Liêu để cầu nguyện cùng Cha-Thánh Trương Bửu Diệp trong khi có mấy ai dám tìm về những nơi Đấng Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận đã từng in dấu những chặng đường đau thương vì đạo?

Dấu Ấn Chết Vì Đạo Theo Giáo Lý Công Giáo

Về vụ Cha Giuse Trần Ngọc Thanh bị sát hại giữa lúc ngài thi hành sứ mạng trao ban Bí tích Giải tội khiến chúng tôi dám mạo muội tin rằng ngài đã chết vì đạo.

Xin chia sẻ một vài điểm từ bài học giáo lý chúng tôi đã học được như sau.

Theo Giáo lý Công giáo số 2473, “Tử đạo là chết để làm chứng cho chân lý đức tin, nên là lời chứng cao quí nhất… Những vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin vì đạo lý Ki-tô giáo bằng cái chết anh hùng. ‘Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú. Chính nhờ chúng mà tôi sẽ được về với Thiên Chúa.’” (Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Rom.4,1).

Làm chứng nhân [đức tin] là truyền đạt đức tin bằng lời nói và việc làm. “Làm chứng cho đức tin là một việc làm chính đáng để khẳng định hoặc làm cho kẻ khác nhận biết chân lý”. (GLCG 2472, GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, Tòa TGM Sài Gòn 1997). Để được nhìn nhận là chết vì đạo, người đã chết cần hội đủ 3 điều kiện căn bản là (1) bị giết chết; (2) Chết vì Chúa Kitô; (3) người tín hữu Kitô hoan hỉ lãnh nhận cái chết, chết cho Chúa Kitô và vì Chúa Kitô (https://www.catholicculture.org/culture/library/vie w.cfm?recnum=8633).

Qua con mắt trần thế và dưới cái nhìn hạn hẹp của một giáo dân, chúng tôi tin rằng Cha Giuse Trần Ngọc Thanh có lẽ đã hội đủ hai điều kiện (1) và (3) – bị giết chết, và hoan hỉ đón nhận cái chết. Riêng điều kiện thứ hai (2) – chết vì Chúa Kitô, có lẽ sẽ là điều kiện gai góc nhất đối với nội hàm cái chết của Cha Giuse Thanh. Không phải gai góc đối với Chúa và với Hội Thánh mà là với quyền lực trần thế.

Đang viết những dòng này, chúng tôi đọc được từ VietCatholic News bản tin từ tờ báo Ý, tờ Il Sismografo do Đặng Tự Do chuyển ngữ sang tiếng Việt ngày 06/Feb/2022, ghi nhận “Cha giuse Trần Ngọc Thanh là nhà truyền giáo đầu tiên hy sinh trong 34 ngày đầu của năm 2022”. Theo nhận định của tác giả bài báo, Cha Thanh “đã sống các nhân đức anh hùng của một nhà truyền giáo, và xứng đáng được tuyên phong trong một quá trình điều tra cẩn thận của Tòa Thánh”.

Gương Anh Hùng Tử Vì Đạo

Chúng ta thấy không phải chỉ trong quá khứ mà cả trong hiện tại, Giáo Hội từng tôn vinh nhiều Đấng bậc trong Hội Thánh vốn bị ngược đãi, tù đày cho đến chết hoặc bị giết chết dưới các chế độ độc tài toàn trị chống đạo. Nhiều vị đã được Hội Thánh tuyên dương anh hùng về đời sống đức tin qua bốn cấp: Tôi Tớ Chúa, đấng đáng Kính, Chân phước và Hiển Thánh. Trong số các vị tử đạo thời hiện đại, xin nêu 3 trường hợp điển hình mới nhất sau đây.

+ Đức Tổng Giám mục Oscar Romero, nước El Salvador, sinh năm 1917, bị hạ sát (bắn lén) ngày 24/3/1980 lúc ngài đang dâng Thánh lễ. Ngài được tuyên Chân phước ngày 27/5/2015, rồi được tuyên Thánh ngày 20/7/2020, đều bởi chính Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.

+ Linh mục Rutilio Grande, nước El Salvador, sinh năm 1928, bị bắn chết ngày 12/3/1977 bởi các tay súng của chính quyền quân phiệt El Salvador. Cái chết của Cha Grande truyền cảm cho đời sống thiêng liêng của Đức Tổng Giám mục Oscar Romero. Cha Grande được tuyên Chân phước ngày 27/01/2022 bởi ĐGH Phanxicô.

+ Linh mục Jerzy Popieluszko, nước Ba Lan, sinh năm 1947. Vào đầu Thập niên 1980 Cha Jerzy được bổ nhiệm làm Tuyên Úy cho Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan. Ngài bị mật vụ Cộng sản Ba Lan phục kích sát hại năm 1984. Ngài được ĐGH Bênêđictô XVI tuyên Chân Phước ngày 06/6/2010 và đang tiến trình được tuyên thánh.

Chưa Rõ Động Cơ Vụ Sát Hại Cha Thanh

Việc điều tra và xác minh động cơ vụ sát hại Cha Thanh chắc chắn sẽ không đơn giản. Đến cái thông tin đầu tiên về “sự cố giết người” nêu trên cũng đã gặp trở ngại khi hàng trăm cơ quan truyền thông trong nước do Nhà nước Đảng CSVN kiểm soát đã im hơi lặng tiếng suốt một tuần lễ (từ 29/12/2021), mải đến 04/01/2022, mới đưa tin, lập lại tin từ báo cáo của CA Kon Tum.

Phía giáo quyền Công Giáo cũng thông tin chậm chạp. Cho tới ngày 04/02/2022, người ta mới đọc được Thư Chung của Đức Cha Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Gp Kontum, gọi là “Thư Chung Tết Nhâm Dần” mà lời lẽ xem ra khá “dè dặt”: “Tôi chưa thấy được cái gì nó có… tôi thấy vụ này nó là gì đó mang tính riêng lẻ, nó không phải là phong trào hay trào lưu. Tôi không biết tại sao nó xảy ra trường hợp nó như vậy, Kon Tum không phải luôn luôn nó là như thế”.

Bên cạnh đó, người ta cũng đọc được lời phát biểu của Lm Nguyễn Văn Đông thuộc Giáo phận Kon Tum: “Nghe nói rằng công an đang điều tra. Trong giáo hội công giáo đã có nhiều vụ chết oan ức. Cha Thanh mới tới chỗ đó có một vài tháng. Ngài không có gây thù oán với bất kỳ ai. Ngài không có thù oán ai mà bị giết chết như vậy, chúng tôi chỉ trông chờ tiếng nói của lẽ phải, chân lý” (Việt Nam lần đầu loan tin về Linh mục Trần Ngọc Thanh bị sát hại – VOA Tiếng Việt 03/02/2022).

Sự Quan Tâm Của Đấng Bản Quyền

Chúng tôi lại vừa vào trang web Giáo phận Kon Tum (WGPKT 08.02.2022) “Tin thêm về vụ cha Trần Ngọc Thanh: Đức giám Mục giáo phận Kon Tum đến thăm giáo họ Sa Loong”. Theo đó, “Sáng ngày 07/2/2022, đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, giám mục giáo phận Kon Tum… đến thăm… giáo Họ Sa Loong. giáo phận bày tỏ nỗi lòng ‘vô cùng đau buồn và tiếc nuối về sự mất mát quá lớn này’.  Nhưng…‘chưa biết động lực nào đã đưa anh [Nguyễn Văn Kiên] đến chỗ sát hại Cha giuse.’”

Lại theo bản tin trên, Đức Cha Nguyễn Hùng Vị “gặp mặt bà con giáo dân, chia buồn, nói lời an ủi, trấn an bà con, và cùng thắp hương (nhang), đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Cha giuse Trần Ngọc Thanh”. Đồng thời “đức Cha lắng nghe những ý kiến của những người trực tiếp có mặt trong buổi chiều cha Thanh bị sát hại”. Tuy nhiên, nội dung ý kiến của giáo dân không được đề cập đến. Thay vào đó là lời mời gọi “sống yêu thương, tha thứ, gạt bỏ những bất đồng, thù hận và hãy cầu xin cho người phạm tội biết ăn năn sám hối”.

KẾT: Tiếc Thương Và Cầu Nguyện

Chúng tôi nghĩ về vành khăn tang cho cố Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh. Trước đây, nếu chúng tôi không lầm, người Công Giáo Việt Nam trong nước có thói quen (tập quán) để tang linh mục quản xứ của mình khi vị này lìa đời. Lại nữa nếu bất ngờ xảy ra cái chết oan khiên cho một linh mục, một tu sĩ đang làm việc tông đồ, hay cho bất cứ cấp giáo quyền nào ở bất cứ nơi đâu trong cùng một giáo phận, một tổng giáo phận…, thì tâm tình chia sẻ và cách thức chia sẻ được biểu đạt cách khác cơ!…

Nay thì sự ra đi của cố linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh phải chăng vì nhằm vào giữa mùa dịch bệnh Covid-19, mọi thứ đều hạn chế, giảm thiểu, thu gọn… đến thầm lặng? Hay là vì “vụ việc” xảy ra nơi vùng dân tộc ít người, cần tránh những tụ tập đông người và những biểu hiện “có khả năng gây nhạy cảm”?

Xin góp ở đây một tiếng khóc thầm, cảm thương vị linh mục Chiến sĩ Phúc Âm đã ra đi vội vã, đột ngột, giá lạnh và quá phũ phàng! Bỏ qua mọi phù phiếm trần tục, ước mong một ngày thật gần, các bạn đồng đạo của chúng tôi sẽ không còn CẦU CHO Cha Giuse Thanh nữa, mà sẽ CẦU CÙNG Cha Thanh, xin ngài từ cõi trường sinh phù hộ, cầu thay nguyện giúp.

Lê Thiên (10/2/2022)

Bài liên quan:
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • Sổ Tay Thường Dân: Dân Đức & Quan Đức
    Tưởng Năng Tiến