Ông Đặng Xương Hùng

Nguyên nhân có lá thư của ông Đặng Xương Hùng           

Mở đầu thư, ông Đặng Xương Hùng (ĐXH) viết: “Vài hàng viết thêm gửi các bạn ở Bộ Ngoại Giao”. Chi tiết này cho ta hiểu, sau khi chính thức công bố bỏ đảng CS cuối năm 2013, ông ĐXH, nguyên Lãnh Sự VN ở Thụy Sĩ đã hơn một lần lên tiếng, vừa tâm tình vừa góp ý kiến với các đồng nghiệp của ông ở quốc nội với tâm thức của một công dân VN Tự Do, yêu nước

Riêng lần này, lá thư được công bố ngay sau khi những thành phần chóp bu tại Bô Ngoại Giao vừa “bị đánh tan tác”. Khởi đầu là Tô Anh Dũng, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao và Nguyễn Quang Linh, trợ tá Phó Thủ Tướng thường trực xộ khám. Và ngay sau đó, cho dù có “chấm mút” nhiều ít ra sao thì trên nguyên tắc “trăm dâu đổ đầu tằm – tội qui vu trưởng”*, đến lượt Phạm Bình Minh, thượng cấp trực tiếp của cả hai, bị tước bỏ mọi quyền lực, về vườn.

ĐXH viết tiếp: “Đau nhất là việc ép Phạm Bình Minh giã từ vũ khí. Phần đông, mọi người rất hả hê khi các bạn bị ngã ngựa, cũng là do cái tội ‘visa, hộ chiếu’ của các bạn mà thôi. Tôi đã không đứng trong số hả hê, thậm chí còn ‘bênh vực. các bạn”.

Điều tác giả lá thư nói về “cái tội ‘vida, hộ chiếu’” trên đây ám chỉ gần 2000 chuyến bay do mọi ban bệ trong chế độ chung lưng tổ chức chuyên chở 240,000 công nhân bị mắc kẹt tại các quốc gia vì đại dịch Vũ Hán về nước, nơi họ đang bán sức lao động, và cũng để cùng nhau “ăn chia” trong đó có vụ tranh giành mua bán vida, hộ chiếu…. Nó tạo cớ để Nguyễn Phú Trọng dùng tội “tham nhũng” nhằm hạ bệ Phạm Bình Minh.

Mục tiêu chính của tác giả lá thư

Đó là đặt lại vấn đề về cách mà họ (tức chế độ CSVN mà tiêu biểu là Nguyễn Phú Trọng) gạt các bạn ra khỏi cuộc chơi vào thời điểm này.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao?

Theo tác giả lá thư: “Hoàng Sa đã mất cho đến giờ này là 49 năm. Chỉ còn một năm nữa nếu không có động tĩnh gì từ phía Việt Nam, sau 50 năm Hoàng Sa sẽ vĩnh viễn trở thành chủ quyền của Trung Quốc!”

Vẫn theo cách nhìn của ĐXH, để “giải cứu Hoàng Sa… cách duy nhất cho đến lúc này”Đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án quốc tế”  (Tác giả lá thư tô đậm những từ này).

ĐXH viết tiếp:

“Ai sẽ có thể đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án quốc tế? Câu trả lời duy nhất đó là Bộ Ngoại giao. Và đùng một cái các bạn bị đánh tan tác. ‘Nỏ thần’, vũ khí duy nhất chống chọi lại kẻ thù phương bắc đã bị Mỵ Nương Trọng Thủy tước mất rồi còn đâu!

Và như vậy, nếu các bạn có hỏi kẻ thù đang ở đâu, tôi cũng có thể trả lời, nó đang ở trước mặt bạn đấy. Lịch sử dân tộc ta lại ghi thêm tên của kẻ ham danh, ham quyền để bán nước và làm chư hầu cho kẻ thù”.

Thêm một câu hỏi khác: “kẻ ham danh, ham quyền để bán nước” đó là ai? Không cần suy nghĩ mọi người đều biết rõ, đó là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, một lãnh tụ CSVN từng được bà Nguyễn Nguyên Bình con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh coi như kẻ đã đầu phục Bắc Kinh qua bài viết “Nói Với Những Kẻ Chưa Lú Hẳn”.

Bản thân tôi đã có dịp phân tích và bình luận bài viết này của bà Bình trong Chương I Phần I Tác phẩm “VN, Nỗi Đau & Niềm Hy Vọng” do tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2018. Thời gian du học tại Hoa Lục khi thân phụ làm đại sứ ở đây, bà Bình đã có dịp học hỏi, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử nước Tàu. Trong bài viết bà đã mang những kiến thức về 36 kế trong Tôn Tử Binh Pháp để bàn về thân phận của các chư hầu Bắc Kinh như Việt Nam. Dựa vào kế “Cầm Tặc Cầm Vương” (muốn thâu tóm một nước đối nghịch điều cần là phải nắm đầu kẻ chóp bu của nước đó) bà đoan quyết là NPT đã bị Tập Cận Bình nắm thóp. Vì thế, ngày nào Trọng còn nắm quyền lực trong tay thì ngày ấy họa mất nước như trứng treo sợi chỉ mành!

Với nhiệt tâm khích lệ và đề cao vài trò của các đồng nghiệp trong ngành ngoại giao, cựu Lãnh sự Đặng Xương Hùng viết:

Phạm Bình Minh (trái) và Vũ Đức Đam vừa “mất ghế” Phó Thủ Tướng

“Các bạn luôn là cái gai trong mắt Trung cộng, trong quá trình khóa chặt Việt Nam trong vòng kiểm tỏa của họ. Đã bao lần họ đã phá Bộ Ngoại giao, nhưng lần này phương bắc đã thỏa mãn, họ đã giăng bẫy và để những kẻ ngu muội ham quyền lập công

Với chi tiết trên, ĐXH gián tiếp nhắc tới trường hợp Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch thân phụ ông Phạm Bình Minh từng bị Đặng Tiểu Bình ghét bỏ vì thân Tây Phương, chống lại Bắc Kinh**. Chính vì thế, trong Hội Nghị Thành Đô cuối thế kỷ trước, dù là Ngoại Trưởng của CSVN thời ấy, Nguyễn Cơ Thạch đã không được phép hiện diện trong phái đoàn Việt Nam do Nguyễn Văn Linh cầm đầu.

Không ai chối cãi Phạm Bình Minh đã may mắn thừa hưởng trọn vẹn cái vốn thông minh, tài trí của một nhà ngoại giao xuất sắc nơi người cha ruột của ông. Ngoài khả năng chuyên môn trong lãnh vực ngoại giao, Nguyễn Cơ Thạch còn được tiếng là người có khuynh hướng thân Mỹ và không mấy được lòng Bắc Kinh.

Điều ĐXH cho rằng các nhân vật cầm đầu Bộ Ngoại Giao Hànội cỡ cha con Nguyễn Cơ Thạch – Pham Bình Minh “luôn là cái gai trong mắt Trung Cộng” có thể coi là khá chính xác.

Nhưng nếu tin rằng ông Nguyễn Cơ Thạch, kể cả con trai ông ta là Phạm Bình Minh có được cái dũng, cái đởm lược của người yêu nước dám vượt khỏi sức cám dỗ vạn năng của tiền tài, danh vọng, kể cả cái chết để công khai đứng lên chống lại chế độ, dám dùng quyền BT Ngoại Giao để đưa vụ Hoàng Sa ra trước Tòa Án Quốc Tế như ông ĐXH hoài vọng thì chỉ là chuyện viển vông!

Giả dụ, nhờ huyết thống của cha, Phạm Bình Minh dám đơn thân làm công việc “đội đá vá trời” như thế thì liệu ông Trọng với sức mạnh trong tay cả trăm Tướng Tá ở hai bộ Công An và Quốc Phòng có để ông và gia đình ông yên thân không?

Dĩ nhiên, sự hi sinh và hành vi quả cảm của ông chắc chắn sẽ được toàn dân thán phục, ghi ơn. Ở một góc cạnh tích cực, nó cũng có khả năng biến thành một mồi lửa cho một cuộc nổi dậy của các tầng lớp nhân dân khắp nước, thiêu rụi chế độ bạo tàn cộng san, mở ra một kỷ nguyên mới, tự do, dân chủ, thanh bình, tiến bộ cho quê hương, dân tộc.

 Trước khi kết thúc lá thư, ĐXH viết

‘Ông Nguyễn Phú Trọng muốn làm chư hầu cho phương bắc hãy chém đầu tất cả những người Bộ Ngoại giao đi đã và lịch sử sẽ phán xét ông.

…………

“Giả sử, có một cuộc cách mạng lật đổ cộng sản thành công , các bạn vẫn là lực lượng nòng cốt trong Bộ Ngoại giao của chế độ mới.

Một chính quyền mới, tôi tin, không bao giờ bắt các bạn đi cải tạo, mà sẽ hợp tác với các bạn để xây dựng nên một chế độ tốt đẹp hơn, nhân bản hơn”.

Ông ĐXH tỏ ra có tinh thần nhân bản và sáng suốt khi đoan quyết là một chính quyền mới, sau khi giật sập chế độ độc tài, độc đảng, thâm nhũng, thối nát cộng sản ở Ba Đình, sẽ không bao giờ có hành vi bắt bớ, giam cầm những viên chức nhà nước bị thất sủng, bị quy kết tham nhũng rồi sa thải hay đẩy vào tù.

Vượt xa sự tin tưởng của ông ĐXH khi chỉ giới hạn sự khoan dung nơi những đồng nghiệp trong ngành ngoại giao. Đối với tuyệt đại đa số những người bên thua cuộc, dù đã phải gánh chịu những hệ quả vô cùng đau đớn sau ngày 30-4-1975, nhưng với tinh thần nhân bản cố hữu của tiên nhân, cụ thể là của chế độ Cộng Hòa miền Nam, chúng ta thuộc nằm lòng lời dạy của tiền nhân “lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng”, “lấy ân trả oán, oán ấy tiêu tan”.

Những bài học lớn của người Hoa Kỳ sau cuộc chiến tranh Nam/Bắc trước đây và của chính quyền và người dân Tây Đức đối xử với phía cộng sản Đông Đức sau khi đạp đổ bức tường ngăn cách Đông Tây hơn hai thập niên trước, sẽ là mẫu mực để chúng ta noi theo sau khi lật đổ chế độ cộng sản, lấy lại quê hương, đất nước.

Dư luận nghĩ gì về vụ Phạm Bình Minh bị hạ bệ?

Một bài viết của ông Nguyễn Hồng Hải từ Úc trên The Diplomat nhận định rằng, dù Bùi Thanh Sơn nhân vật số 2 tại Bộ Ngoại Giao “sống sót” và được cử thay thế ông Minh giữ chức Bộ Trưởng, sự ra đi bất chợt giữa nhiệm kỳ của ông Phạm Bình Minh là một bước lùi của Việt Nam trong lãnh vực ngoại giao. Tác giả Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh: “Điều này để lại một khoảng trống (vacuum) trong nhóm lãnh đạo ngành ngoại giao của Hànội.”

Vẫn theo ông Hải, việc ông Minh bị loại xảy ra đúng vào lúc Việt Nam đang “hết sức cần có một nhà ngoại giao kinh nghiệm, tài năng và một lãnh đạo có khả năng lèo lái trong một môi trường khu vực đang có cạnh tranh giữa các cường quốc…”

Là người đang làm việc tại Centre for Policy Futures, Đại Học Queensland, Úc, ông Nguyễn Hồng Hải ghi nhận, một trong những vấn đề lớn là việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, bên cạnh các hồ sơ quan trọng như chiến tranh của Nga ở Ukraine, tình hình căng thẳng ở Biển Đông…đều là những vấn đề cần ngoại giao giỏi.

Nhìn về tương lai gần, tác giả bài viết cho rằng, năm nay ông Phạm Bình Minh 63 tuổi, nếu được tiếp tục một nhiệm kỳ nữa trong Bộ Chính trị, ông có tiềm năng giữ một trong bốn ghế “tứ trụ” ở Việt Nam.

Để minh chứng về tài ngoại giao của đương sự, tác giả bài viết đã nhắc lại lời cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd ca ngợi ông Phạm Bình Minh là “một trong những nhà ngoại giao tài giỏi nhất của toàn châu Á – one of the most skilled diplomats of all of Asia).

(Theo cách nói trong tiếng Anh của người Phương Tây mà BBC tìm hiểu, cụm từ “all of Asia” có nghĩa là toàn bộ châu Á, từ Nam Á sang tới Đông Nam Á, và Đông Á, là một đánh giá hết sức cao dành cho ông Phạm Bình Minh)

Những lời ca ngợi dành cho kẻ ngã ngựa là Phó Thủ Tướng thường trực Phạm Bình Minh của ông Nguyễn Hồng Hải từ Centre for Policy Futures, Đại Học Queensland, Úc cũng như của nguyên Thủ Tướng Úc Kevin Rudd có thể không sai. Nhưng, trong bối cảnh Việt Nam đang là một chế độ cộng sản độc tài, tàn nhẫn, tham nhũng lại bị đặt dưới sự thống trị sắt máu của Nguyễn Phú Trọng, một đồ đệ thân tín của ĐCSTQ thời Tập Cận Bình thì tài năng ấy cũng bị xem như cỏ rác, nếu không muốn nói là cần phải trừ khử sớm để tránh hậu họa.

Tấm gương ông Nguyễn Cơ Thạch, thân phụ ông Minh bị “cho đi chỗ khác chơi” không được tham dự Hội Nghị Thành Đô sau một thập niên Hànội bị Đặng Tiểu Bình “dạy cho một bài học” qua hành vi đưa đại quân đánh phá các tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn còn đó.

Chính sự sáng giá của một nhân vật đang có triển vọng lọt vào số những khuôn mặt lớn trong Tứ Trụ Đảng CSVN như lời tiên đoán của ông Nguyễn Hoàng Hải biết đâu đã trở thành căn nguyên khiến ông Trọng phải “tiên hạ thủ vi cường”!?

Trần Phong Vũ
Miền Nam California, trung tuần tháng 2 năm 2023

_______________________________

* Nếu áp dụng một cách nghiêm chỉnh cho tình trạng tham nhũng ở Việt Nam ngày nay thì kẻ bị loại không chỉ ngừng ở những trường hợp Nguyễn Xuân Phúc, Pham Bình Minh, Vũ Đức Đam… mà phải tính tới tên đầu sỏ là Tổng Bí Thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, kẻ đang đốt lò thiêu sống hàng chục, hàng trăm đồng chí của y.

**Chi tiết quan trọng này được tìm thấy trong Hồi Ký của Trần Quang Cơ, Thứ Trưởng Ngoại Giao thời ông Nguyễn Cơ Thạch cuối thế kỷ 20. Có nhiều người thắc mắc tại sao ông Thạch họ Nguyễn mà ông Minh lại họ Phạm mà có thể là hai cha con? Thắc mắc này có thể lạ lùng hiếm thấy trong những xã hội tự do, cởi mở. Riêng dưới chế độ cộng sản, đặc biệt CSVN, điều này không có gì mới mẻ, vì không thiếu những nhân vật đầu sỏ trong đảng CS, tuy là anh em ruột, nhưng vì những lý do không ai biết đã thay họ đổi tên. Điển hình như ba anh em Lê Đức Thọ, có chân trong Trung Ương Đảng CSVN và từng là nhân vật được chia giải Nobel Hòa Bình với Kissinger sau khi ký kết Hội Nghị Paris 1973. Tên trong khai sinh của Lê Đức Thọ là Phan Đình Khải có hai em ruột là Phan Đình Dinh (tức Đinh Đức Thiện) và Phan Đình Đống (tức Mai Chí Thọ).

Dù che đậy nhưng ngày nay nhiều người biết tên thật của Nguyễn Cơ Thạch là Phạm văn Cương.

Bài liên quan:
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer