Bắc Kinh luôn tìm mọi cách kiềm chế, buộc chặt Ba-Đình lệ thuộc ngoại thương và các đại dự án công nghệ. Nếu Ba Đình có bất kỳ “nhúc nhích” nào làm tổn hại Trung cộng lập tức Chính sách nhẹ “Ân”, nặng “Uy” được Trung Nam Hải áp dụng không nương tay, kể cả xâm lăng như đã diễn ra tháng 2 năm 1979; khiến Ba-Đình xiêu hồn lạc phách “lúp xúp” đi theo như thân phận “tôi đòi” cho Bắc Kinh trong Kinh Tế và Ngoại Giao.

Bài này kết thúc đúng vào ngày 44 năm trước, 17 tháng 2 năm 1979, Bắc Kinh xua hàng trăm ngàn quân phủ kín chiều dài biên giới 1449 cây số để tràn vào 6 Tỉnh phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến kéo dài 1 tháng trong đẫm máu; hai bên đều khoe là chiến thắng lớn. Dù đã qua 44 năm, nhưng cái “uy” phương Bắc vẫn còn là nỗi ám ảnh “đô hộ” tinh thần những người ngồi ở Bắc Bộ Phủ; đến độ Ba-Đình luôn loanh quanh “né tránh” chẳng những không dám ghi cuộc xâm lăng của Tầu vào sách giáo khoa, mà còn gia tăng lệ thuộc Bắc Kinh hơn nữa về cả Kinh Tê lẫn Ngoại Giao.

Do từng bị Bắc Kinh “cản phá”, đầu tư quốc tế mấy năm nay tránh không tham dự vào các dự án dò tìm và khai thác dầu khí tại Việt Nam. Giải thích rõ việc này, hôm 12 tháng 2 Báo Đầu Tư dẫn lời Bộ Kế Hoạch tiết lộ, kế hoạch dò tìm các mỏ dầu khí mới đang nằm kẹt vào cái “lưỡi bò” của phương Bắc. Petrovietnam (PVN) mong có giải pháp đột phá chiến lược trong năm 2023, nhưng “Thượng Cấp còn đang do dự chưa chấp thuận”.

Gần đây, Việt Nam gia tăng khai thác, nhưng sản lượng dầu khí mỗi ngày một bớt xuống do sản lượng dầu thô vơi nhanh tại các mỏ dầu của Việt Nam hiện có: Năm 2016, khai thác được 15.2 triệu tấn. Năm 2017 được 13.57 triệu tấn, năm 2018 được 11.99 triệu tấn, năm 2019 được 11.04 triệu tấn, năm 2020 được 9.65 triệu tấn, 2 năm 2021 và 2022 mỗi năm chỉ còn 8.89 triệu tấn. [1]

Từ hàng chục năm nay, ngư trường và ngư dân sinh sống nơi hàng ngàn cây số ven biển thường xuyên bị tàu hải cảnh Trung cộng đe dọa chặn bắt hoặc đâm chìm. Rất nhiều trường hợp mất hết tài sản và cả mạng sống. Các cơ quan An Ninh và Ngoại Giao Việt Nam chẳng những không có giải pháp bảo vệ ngư dân, mà ngay cả việc gọi đích danh tàu hải cảnh Trung cộng là thủ phạm sát hại ngư dân cũng chỉ dám gọi là “tàu lạ”.

Trong khi tính đến năm 2020, các Thượng Nghị Sỹ, Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa kỳ đã 3 lần lên tiếng phản đối Trung cộng đâm chìm tầu cá Việt Nam, gọi đây là hành động ức hiếp các nước láng giềng của Trung cộng.

Hàng nghìn xe tải container bị kẹt ở biên giới

Trong 2 năm 2021 và 2022 hàng ngàn xe tải chở nông sản từ VN mắc kẹt ở biên giới Trung cộng kéo dài nhiều tháng, dù Việt Nam đã có trên 50 cuộc hội đàm với Bắc kinh về việc này, Nhưng mọi chuyện vẫn nhì nhằng nhiều tháng khiến tài sản nông dân bị thiệt hại trên 4000 ngàn tỷ đồng và trên 6000 người ngày đêm chịu cảnh giá lạnh vất vưởng theo xe tải (https://vanhoimoi.org/?p=13082).

Ngày 08 tháng Giêng 2023, Bắc kinh mở cửa biên giới để hàng ngàn xe tải chở nông sản của Việt Nam vào bán ở thị trường Trung cộng, thì trước đó ít ngày, chóp bu csVN lẫn Quốc Hội đều họp các phiên bất thường để đưa ra quyết định cho “về vườn” hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam những người được cho là “kỹ trị” và từ tế hiếm hoi còn lại trong guồng máy cầm quyền. Biến cố bất thường này khiến bàn dân thiên hạ nghi ngờ việc nội trị của Việt Nam cũng đầy ắp áp lực từ phương Bắc.

Theo số liệu nghiên cứu thị trường, tính đến hết tháng 11 năm 2020 Trung cộng đứng ở vị trí thứ 3 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Mới gần hết năm 2020, Trung cộng đã đầu tư tổng cộng 18 tỷ Mỹ kim vào Việt Nam cho 3.087 dự án. FDI của Trung cộng có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam. Riêng các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) có đến 20% các công ty FDI của Trung cộng.

Số liệu cả năm cho thấy Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt được hơn 109 tỷ Mỹ kim. Phúc lợi Việt Nam kiếm được nhiều từ thị trường Mỹ có thể giảm thiểu, vì Hoa Kỳ đang quan ngại hai việc: (i) Washington đang theo dõi chặt chẽ các loại hàng hóa nhập cảng vào Mỹ, đặc biệt là quần áo và pin năng lượng mặt trời có thể mang xuất xứ từ Tân Cương, nơi bị cáo buộc là Bắc Kinh bóc lột sức lao động của người sắc tộc thiểu số Uyghur. Và (ii) Mỹ gia tăng xem xét Việt Nam về thao túng tiền tệ. Cả hai nếu bị kết luận “là vi phạm” sẽ là tai họa cho Việt Nam.

Về ngoại thương với Trung cộng, năm 2022, Việt Nam nhập cảng hàng hóa từ Trung cộng đến 119.3 tỷ Mỹ kim, trong khi chỉ xuất cảng sang Tầu có 58,4 tỷ Mỹ kim. Như thế, Viêt Nam đã bị nhập siêu từ Tầu 60,9 tỷ Mỹ Kim. Dân Việt Nam nhận ra bị Tầu ép phải mua đủ mọi mặt hàng, kể cả chổi cùn, ghẻ rách đem về bán tràn ngập thị trường Việt Nam.

So sánh số liệu năm 2022 cho thấy Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt ước tính khoảng hơn 109 tỷ Mỹ kim, còn Trung cộng lại là thị trường nhập cảng lớn nhất, ước tính kim ngạch đạt hơn 119 tỷ Mỹ kim. [2]

Về Giáo Dục, năm học 2020-2021, do bị đại dịch CoVid-19, nên Việt Nam chỉ gởi đến Mỹ có 20.713 sinh viên, học sinh, đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 721 triệu Mỹ kim. Trước đó, niên học 2018-2019 là 24.392.

Niên học 2020-2021, số sinh viên Việt Nam du học ở Trung cộng là 11.299 người. Cùng thời điểm số sinh viên người Trung Hoa chọn du học ở  Mỹ là 290.086 người, chiếm 31% tổng số sinh viên quốc tế.

Do Việt Nam thu về hàng năm trên một trăm tỷ Mỹ kim qua xuất cảng hàng hóa sang Mỹ. Đồng thời trong giao thương mở rộng, Việt Nam được hưởng rất nhiều lợi ích khác về văn hóa và giáo dục, nên Bắc Kinh ra sức áp đặt chính sách nhất quán, ép Ba-Đình nằm trong vòng tay Bắc Kinh. Vì nếu Việt Nam nghiêng về Tây phương, Mỹ có thể áp dụng thế “Palanca” [*] gây sức bật Ngoại Giao và Kinh Tế làm giảm bớt uy lực của Bắc Kinh trong vùng.

Một cuộc khảo sát hàng năm của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), công bố hôm mùng 09 tháng Hai cho thấy mức độ “bất tín nhiệm” của người dân Đông Nam Á đối với Bắc Kinh, ghi lại kết quả lần lượt như sau: ở Việt Nam (65,4%), Philippines (62,9%), Campuchia (44%), Malaysia (41,7%), Indonesia (35,7%) và Singapore (35,0%). [3]

Do cân đo sơ lược thế “tay ba” Việt-Mỹ-Trung như trên, khởi đi từ hồi tháng 8 năm 2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, rồi lần lượt đến Thứ trưởng Ngoại giao Daniel Kritenbrink, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin và cả Đại sứ Marc Knapper luôn “mở đường” cho hướng nâng cấp quan hệ song phương Việt-Mỹ từ Đối Tác Toàn Diện (25 tháng 7 năm 2013) lên Đối Tác Chiến Lược.

Hôm 14 tháng Hai, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai trực tiếp nói với Thủ Tướng Pham minh Chính rằng, Hoa Kỳ luôn xem Việt Nam là “đối tác quan trọng ở khu vực” cũng như “mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương”.

Ngoại giao Việt-Mỹ còn phải trải qua 2 cấp độ nữa mới tới được Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện mà csVN đã thiết lập với Trung cộng từ tháng 5 năm 2008.

Ngày mùng 04 tháng Hai vừa rồi, quân đội Mỹ bắn rơi kinh khí cầu do thám của Băc Kinh trên Đại Tây Dương. Sự kiện này làm chuyến công du Bắc Kinh của Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken được dự trù trước đó bị hủy bỏ. Bằng một hành động “đáp lễ”, 5 ngày sau lúc 11:01 tối mùng 9 tháng 2, Không Quân Mỹ từ Căn cứ Không gian Vandenberg, California đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III (không trang bị vũ khí), nhằm báo hiệu cho Bắc Kinh rằng, Mỹ luôn sẵn sàng với vũ khí hạt nhân. Đồng thời chính quyền Mỹ cũng cấm hẳn các dự án đầu tư vào một số công ty kỹ nghệ Trung cộng, trong đó có kế hoạch ngăn hàng tỷ Mỹ kim của các công ty Mỹ đổ vào các lĩnh vực nhạy cảm của Băc Kinh.

Các biến cố quan trọng trên diễn ra song hành với số lượng các cuộc tập trận quốc tế và lượng tuần hành của Mẫu hạm nguyên tử thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ, USS Nimitz quanh quẩn trên Biển Đông cả tháng buộc đảng csVN phải nhìn ra vận hội mới – kỷ nguyên techno-politics, đang chờ đợi Việt Nam.

Lần “nhỡ tầu” năm 2023 về nâng cấp ngoại giao Việt-Mỹ nếu như do Bắc Kinh “lập lại” trò cản phá thành công, thì quả là một định mệnh với Việt Nam, nhất là vế Kinh Tế Tài Chánh. Như thế, trong óc của người cầm đầu Bắc Bộ Phủ chỉ “muốn tự tồn trong vai vế bề dưới” của Bắc Kinh đến mãn đời.

Trần nguyên Thao
17 Feb

[1] https://baodautu.vn/kho-tang-san-luong-khai-thac-dau-khi-d183302.html

[2] https://nguoiquansat.vn/tinh-hinh-xuat-nhap-khau-hang-hoa-cua-viet-nam-nam-2022-71332.html

[3] https://nghiencuulichsu.com/2023/02/13/anh-huong-cua-my-o-dong-nam-a-tang-len-ngay-ca-khi-trung-quoc-van-duoc-coi-la-co-anh-huong-nhat/

 [*} Palanca được dùng như “thế đòn bẩy”

Bài liên quan:
  • Pháp và Anh đang đổi chỗ cho nhau trong chính trị châu Âu
    Gideon Rachman
  • Quyết định lịch sử của Joe Biden đặt ra thách thức cho Kamala Harris
    Edward Luce
  • SBTN Nhận Định Thời Cuộc ngày 21/7/2024. Đại hội toàn quốc đảng Cộng Hòa: An ninh biên giới, Chấm dứt lạm phát, Tự túc về năng lượng, Tăng cường và hiện đại hóa quân đội…
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Các chiến lang của Trung Quốc đã tuyệt chủng?
    Tyler Jost
  • SBTN Nhận Định Thời Cuộc ngày 20/7/2024. Chấn động nước Mỹ: Phát súng định mệnh nhắm vào TT Trump đã thay đổi cục diện chính trị và tâm thức người dân tại Hoa Kỳ ra sao?
    BS Nguyễn Trọng Việt