___________________________
  • Năm 1995, Ba-Đình từ bỏ quyền phủ quyết [veto power] vốn đã có trong Hiệp ước Uỷ Ban Sông Mekong- MRC từ năm 1957 thời Việt Nam Cộng Hoà.
  • Ba-Đình làm ngơ để Nhóm Lợi Ích hùn vốn xây dựng một số đập thuỷ điện ở Lào và Cambodia, bồi thêm cho quá trình tự huỷ hoại vùng Cửu Long.
  • Nhiều “công trình Thế Kỷ” cống đập làm nghẽn dòng chảy, 116 cơ sở gây ô nhiễm khắp vùng.
  • 240.215 mẫu lúa, 18.335 mẫu hoa màu, 104.106 mẫu cây công nghiệp; 4.641 mẫu thủy sản cùng với 20 triệu người khốn đốn, vì ngập mặn.
  • Ước tính tổng thiệt hại năm ngoái lên đến gần 6.000 tỷ đồng.

Ngót 40 ngàn cây số vuông, 56% sản lượng lúa gạo toàn quốc; chiếm 90% lượng gạo xuất cảng, 60% thủy sản xuât cảng, cùng với 20 triệu con người đang chết dần mòn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBCL) do mỗi năm nước mặn lại xâm nhập vào sâu hơn trong đất liền.  Năm nay, riêng vùng đất hai bờ Tiền Giang, ngập mặn vào sâu đến 90 cây số. Tai họa này lập lại hàng năm là do csVN phạm phải lỗi lầm chiến lược phát sinh từ thiếu hiểu biết và lòng tham vô độ.

Khởi đầu từ tháng 12 năm ngoái đến hết tháng Ba, có nơi hết tháng 04 năm 2023, gần 20 triệu cư dân phải sống vật lộn với nước mặn tràn vào khắp 13 Tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBCL), ảnh hưởng lớn đến hàng trăm ngàn mẫu lúa và hoa màu phụ trong vùng.

Thảm cảnh này liên tục tái diễn hàng chục năm nay, vì csVN đã phạm phải sai lầm chiến lược khi ra lệnh cho Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm ký Hiệp Định Uỷ Hội Sông Cửu Long, Mekong River Commission-MRC năm 1995 từ bỏ quyền phủ quyết [veto power] vốn đã có trong Hiệp ước Uỷ Ban Sông Mekong- MRC từ năm 1957 thời Việt Nam Cộng Hoà. [1]

Sau ngày định mệnh của Việt nam, năm 1975 đã trải qua ngót nửa thế kỷ, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, bị hoàn toàn bất lực, không những không làm gì được để ngăn chặn bất cứ một dự án thuỷ điện nào phía thượng lưu – mà chính các công ty quốc doanh Việt Nam – trên thực tế là các nhóm lợi ích, đã đồng loã tiếp tay, góp vốn xây dựng một số đập thuỷ điện ở Lào và Cambodia, bồi thêm cho quá trình tự huỷ hoại vùng đất phì nhiêu bao la, nguồn lợi dồi dào của Dân Tộc Việt.

Hạ lưu sông MêKông

Dòng chảy sinh thái sông Mekong – Cửu Long dài 4.800 cây số phát nguyên từ Tây Tạng xuyên qua Trung cộng, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia rồi đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. ĐBCL là vùng cuối nguồn từng chịu hậu quả từ nhiều đập thủy điện nơi thượng nguồn cộng với những cống đập lớn được csVN khoe khoang là “công trình thế kỷ” do Việt Nam xây dụng lâu nay tại vùng ĐBCL, khiến dòng chảy tự nhiên của Cửu Long Giang thành bất thường gây ra cảnh triều cường ngập lụt trong dân cư tại nhiều Tỉnh trong vùng và làm cho nước mặn tràn vào các vùng trồng lúa, hoa mầu phụ và nơi cư dân sinh sống. 

ĐBCL có 13 Tỉnh, Thành với tổng diện tích 39.194,6 cây số vuông, có dân số ước lượng khoảng 20 triệu. Cho đến nay khoảng 2 triệu người, đã rời bỏ quê hương tha phương cầu thực. Chỉ riêng lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; chiếm 90% gạo xuất cảng. Thủy sản chiếm 70% diện tích, 60% xuất cảng so với cả nước. . . Năm trước sơ kết cho biết có đến 240.215 mẫu lúa, 18.335 mẫu hoa màu, 104.106 mẫu cây công nghiệp; 4.641 mẫu thủy sản bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại lên đến gần 6.000 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người tại ĐBCL chỉ ở mức mức 54 triệu đồng mỗi năm! Theo kế hoạch “mò cua trong lỗ” của Chính Phủ thì đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người sẽ vượt trên 270%, khoảng 146 triệu đồng, tương đương 6.300 Mỹ kim! Trong khi theo nghị quyết của đảng csVN, GDP bình quân đầu người năm 2030 sẽ là 7.500 Mỹ kim.

Tổng Cục Thủy Văn TCTV) dự báo, từ nay đến hết tháng 3 năm 2023, riêng vùng Vàm Cỏ, Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng trong tháng 3 kéo dài đến 23-4. Lượng nước mặn 4 gam trong mỗi lít nước ảnh hưởng sâu trong đất liền khác nhau, được dự báo: 60-70 cây số ở sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 40-48 cây số; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 50-56 cây số; sông Hậu là 40-45 cây số và sông Cái Lớn là 20-25 cây số. Vùng đất thuộc Tỉnh Tiền Giang ven sông Tiền có nơi ngập mặn vào sâu tới 90 cây số.

Từ ngày 2/2, mặn bắt đầu xuất hiện và lên nhanh tại Bến Tre từ kỳ triều cường rằm tháng Giêng và đã xâm nhập các xã như: Long Thới, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn (huyện Chợ Lách)… với độ mặn cao nhất 2,8%. Do triều cường kết hợp với gió chướng nên đẩy mặn lên nhanh hơn.

Trong năm 2022-2023, vẫn theo TCTV, vào thời điểm ngập mặn cao nhất ảnh hưởng bao trùm đến 60.000 mẫu lúa của 4 Tỉnh ven biển. Trong đó, Tiền Giang khoảng 11.900 mẫu; Bến Tre 12.000 mẫu; Trà Vinh 15.000 mẫu và Sóc Trăng là 20.000 mẫu.

Nhiều Tỉnh thuộc ĐBCL như Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. . . 338.849 gia đình phải xây hồ, đào giếng, ngăn các tuyến kênh nội đồng, đào ao, dùng túi chứa nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Có nơi không trữ được nước ngọt, dân phải mua 200,000 đồng một thước khối nước sông.

Lý do làm nghẽn dòng chảy sinh thái thiên nhiên, ảnh hưởng xấu trên nông, ngư nghiệp tại các nước ở hạ lưu vực của dòng Cửu Long là 11 đập thủy điện vĩ đại do Bắc Kinh xây ở vùng thượng nguồn Mekong. Xuống đến Lào, tài liệu của Kỹ Sư Phạm Phan Long, Việt Ecology cho biết, công ty quốc doanh Dầu khí Việt Nam (PVPC / PetroVietnam Power Co.) đã được Ba-Đình bật đèn xanh cho đem vốn sang làm chủ đầu tư cho con đập dòng chính Luang Prabang 1.460 MW lớn nhất trên lãnh thổ Lào.

Ngay tại tỉnh Bến Tre, Đập Ba Lai được Nhà Nước khoe là “công trình Thế Kỷ”, xây dựng tốn kém ban đầu dự trừ 67 tỷ, vận hành năm 2002. Đập Ba Lai không ngăn nổi nước mặn do trong vùng còn nhiều sông rạch chằng chịt không có cống, nên nước mặn từ sông Cửa Đại vẫn theo sông Giao Hòa, sông Hàm Luông và kênh Chẹt Sậy đổ vào, khiến nước sông Ba Lai bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Sau hơn 21 năm [2002-2023], hiệu quả công trình cống đập Ba Lai không đạt mục đích. Dự trù còn phải chi thêm 900 tỷ đồng nữa để “nạo vét bồi lấp” cho những hệ luỵ từ ban đầu gây ra.

Mực nước xuống thấp, sông khô cạn

Báo Điện Tử Chính Phủ ngày 27 tháng 2 năm 2023 đã phát hiện tại 7 Tỉnh trong vùng ĐBCL gồm, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Trà Vinh có thêm 116 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều nhất là tỉnh Long An với 70 cơ sở.

Nhà máy bột giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang của Trung cộng và 14 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than được coi là gây ô nhiễm nghiêm trọng cả vùng phía Tây Nam sông Hậu bao gồm Tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh và một phần Thành phố Cần Thơ. [2]

Suốt 48 năm từ sau 1975, một chuỗi những sai lầm từ hệ thống nhà nước csVN đã thiết lập vội vã nhiều dự án lớn – mà họ gọi là các “dự án trọng điểm” hay cả trăm dự án cơ sở– rất tốn kém với tham vọng “cải tạo” ĐBCL, nhưng lại làm ngập mặn cả vùng, xả thải độc hại, đa phần là can thiệp rất thô bạo, gây tác hại toàn hệ sinh thái với sông ngòi chằng chịt cả một vùng châu thổ phì nhiêu của Châu Á. Và đẩy vựa lúa phì nhiêu của Việt Nam với nguồn lợi bao la, dồi dào của cả nước nay đang đi vào cạn kiệt, phải chấp nhận cái chết dần mòn!

Ngoài ra, các năm 2009, 2010 còn có hai đại tập đoàn Vinashin, Vinalines được một thời vinh danh là “quả đấm thép” tồn tại chẳng bao lâu đã tan chảy. . .  Cuối cùng Vinashin còn nợ các tổ chức tín dụng gần 19.900 tỷ đồng, còn Vinalines nợ đến 43.000 tỷ đồng. Các đại tập đoàn “mũi nhọn” phá sản được Ba-Đình lợi dụng như “cái cớ” để thượng tầng quyền lực đấu đá nhau, chẳng ai chịu trách nhiệm. [3], [4]

Những đại dự án thượng dẫn do csVN chủ động trong nền Kinh Tế, trong đó nông ngư nghiệp của vùng châu thổ Cửu Long như trên trình bầy được chính báo Nhà Nước nhìn nhận là lỗi lầm nghiêm trong do cả một hệ thống cố tình làm sai để chia chác, tham nhũng của công. Khiến Dân Tộc Việt Nam phải oàn vai gách chịu mỗi đầu người gần 40 triệu tiền nợ công.

Trần nguyên Thao

https://vanhoimoi.org/

Mar 02

[1] https://www.voatiengviet.com/a/nua-the-ky-cai-tao-lam-can-kiet-tai-nguyen-mot-dbscl-dang-chet-dan/6952111.html

[2] https://tuoitre.vn/14-nha-may-nhiet-dien-vay-dong-bang-song-cuu-long-1181694.htm

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2010/07/100701_vinashin_restructuring

[4] https://vnexpress.net/vu-vinalines-la-hoi-chuong-canh-bao-tinh-trang-no-viet-nam-2736750.html

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen