LM Vũ Khởi Phụng

Tôi biết thân phụ và thân mẫu của cha Vũ Khởi Phụng là ông bà cố Vũ Thế Hùng trước khi biết cha. Hai ông bà sống tại số 36 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, thuộc giáo xứ Hàm Long từ trước năm 1945.

Năm 1987 lúc tôi vào tu tại Thái Hà thì hầu như tuần nào Ông Bà Cố cũng đến đây hành hương kính Đức Mẹ HCG và có khi đến ăn cơm nói chuyện với Cha Bích và tôi. Rồi khoảng gần 10 năm cuối đời Ông Bà Cố dọn vào tu viện sống chung với chúng tôi.

Cả hai Ông Bà Cố đều thuộc dòng dõi quý phái. Cả hai đều rất trí thức và có tâm hồn nghệ sĩ.  Ông Cố du học Pháp và sau đó trở về Việt Nam  học tiếp tại Trường Luật khoa Đông Dương. Ông Cố tốt nghiệp khóa đầu của Trường này, rồi được bổ nhiệm làm Tri phủ Tĩnh Gia Thanh Hòa cho đến năm 1945.  

Cả hai ông bà cố đều là những giáo dân trí thức dấn thân số một Miền Bắc. Cả hai đều là linh hồn của giới tinh hoa Công giáo Hà Nội từ năm 1954 cho đến đầu những năm 2000. 

Ông Cố bị cộng sản bắt đi tù 27 năm từ năm 1946 đến năm 1973. Chính vì Ông Cố bị bắt và bị đi tù sớm như vậy nên Bà Cố phải ở lại Miền Bắc, trong khi cả ba người con đều vào Nam: cha Vũ Khởi Phụng theo Nhà Dòng, còn hai người em ngài thì theo người cô ruột.

Khi ở tù ra thì Ông Cố gần như là cố vấn không chính thức  của ĐHY Khuê và sau đó là ĐHY Căn và sau này là ĐHY Tụng.

(Từ phải sang trái) Đức TGM Ngô Quang Kiệt (thứ nhì), LM Vũ Khởi Phụng, LM Nguyễn Văn Khải

Ông Cố giúp các ngài trong việc biên soạn các tài liệu bằng tiếng Tây hoặc tiếng Latin, đặc biệt trong việc dịch thuật và soạn thảo các tài liệu quản trị và giáo lý.  Ông Cố là dịch giả chính của Bộ Kinh Thánh do ĐHY Căn xuất bản từ năm 1980 đến năm 1985.

Để kiếm sống, Ông Cố dạy kèm pháp văn cho những ai muốn học, trong khi Bà Cố thì làm hoa giả và dạy các giáo sinh cách làm dụng cụ học tập và làm hoa giả. Bà Cố là nghệ nhân.

Ông Bà Cố coi tôi như con cháu trong nhà nên có chuyện vui buồn gì cũng chia sẻ, từ chuyện gia đình đến chuyện quốc gia, chuyện Giáo Hội.  Khi đi thăm thú trong thành phố cũng kêu tôi. Khi làm được bài thơ hay bài ca Huế cũng kêu tôi đến thưởng thức.

Lúc tôi còn ở Thái Hà, khi Ông Cố qua đời thì tôi là người viết tiểu sử. Lúc tôi ở Roma một thời gian thì Bà Cố qua đời, tôi cũng viết tiểu sử. Đến năm 2016, đến lượt Cha Vũ Khởi Phụng qua đời, tôi cũng viết tiểu sử ngài.

Đấy cũng là cách tôi tỏ lòng biết ơn các ngài. Vì nhờ ông bà cố Vũ Thế Hùng và cha Vũ Khởi Phụng mà tôi hiểu biết thêm bao nhiêu chuyện đạo đời xưa nay, đặc biệt là về văn hóa Đông Tây, lại còn tạo cho tôi thói quen thưởng thức chút văn thơ.

Trong DCCT thì cha Vũ Khởi Phụng là một trong vài cha mà tôi gắn bó nhất và cũng là một trong ba cha góp phần làm nên con người tôi hôm nay nhiều nhất.

Lúc tôi vào tu viện Kỳ Đồng năm 1989 thì ngài làm Giám đốc Dự tập của tôi. Lúc tôi lên Tập viện thì ngài là Bề trên Tu viện Kỳ Đồng nơi tôi sống. Lúc tôi làm sinh viên thần học thì ngài vừa là giáo sư và vừa là Giám học của chúng tôi.

Lúc tôi về Thái Hà thì ngài lại được bổ nhiệm ra Hà Nội làm Bề trên của tôi. Trong vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ chúng tôi, các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà mưu tìm công lý và sự thật dưới sự hướng dẫn của ngài và của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

Năm 2009 ngài đã tìm học bổng cho tôi đi du học bên Paris, nhưng sau đó tôi nhường phần học bổng đấy cho một cha khác. Những năm cuối đời, ngài sang bên Hoa Kỳ chữa bệnh, tôi thường xuyên liên lạc với ngài và cũng sang thăm ngài được vài lần.

Ngài là vị linh hướng của tôi từ năm 1989 cho đến khi ngài qua đời năm 2016. Sự ra đi của ngài khiến tôi cảm thấy choáng váng và hụt hẫng.

Cha Vũ Khởi Phụng- như tôi thấy- là một trong những linh mục dễ thương và  trí thức nhất đồng thời là một trong những nhà giảng thuyết cho giới linh mục tu sĩ được ưa thích nhất của Sài Gòn một thời.

Ngài cũng là linh hồn của giới Liên Tu Sĩ Sài Gòn từ năm 1975 cho đến đầu năm 2008 khi ngài rời Sài Gòn ra Hà Nội làm Bề trên Tu viện Thái Hà.

Ngài là một trong những linh mục đạo đức, thánh thiện, hiền hòa và sâu sắc nhất mà tôi gặp trong  đời.  Trong DCCT VN, không một ai được yêu mến và kính trọng hơn ngài.  Không một ai có ảnh hưởng trên đời sống và sứ vụ tông đồ của Nhà Dòng hơn ngài.

Khi ngài qua đời, tôi tra cứu tài liệu về ngài ở  Văn khố TW tại Roma và dựa vào trí nhớ của tôi để viết bản tiểu sử ngài. Tôi cũng viết một bài dài tưởng nhớ ngài.

Nhân dịp lễ giỗ ngài (02.03.2016-2023), tôi xin lần lượt đưa lên FB này để làm tài liệu và để quý vị thấy dung mạo của một trong hai vị (vị kia là Đức TGM Ngô Quang Kiệt) là linh hồn của biến cố  Thái Hà-Tòa Khâm Sứ hơn 10 năm trước.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

Bài liên quan:
  • Quan hệ Tập–Putin gặp nguy hiểm khi người Trung Quốc tràn vào Nga
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/3/2024. Bầu cử ở Nga: Putin nắm trọn quyền lực, tiêu diệt đối lập, đẩy nước Nga vào kiệt quệ, nhận chìm thế giới trong khủng hoảng, mở rộng đế chế Nga.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 23/3/2024. Đỉnh điểm đấu đá quyền lực: VN thay ngựa giữa dòng, bất chấp thể diện quốc gia!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nguyễn Phú Trọng đốt ‘Đoàn Phái’
    Ngô Nhân Dụng (VOA Tiếng Việt)
  • HỘI LUẬN ngày 23/3/2024. VN Đổi ngựa giữa dòng: CT Võ Văn Thưởng ngã ngựa. Tranh quyền hay Đốt lò? Putin thừa thắng xông lên, tiếp tục mở rộng đế chế Nga? Ấn Độ nhập cuộc chống TC!
    BS Nguyễn Trọng Việt