Hạ tuần tháng Ba, Truyền thông Nhà Nước vào cuộc tô điểm một “mùa Xuân nở rộ” về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, khi hăm hở loan tin có đến 52 đại công ty Mỹ đã ghé Việt Nam để “ngắm nghía” cho tương lai đầu tư vào một nước vừa chính thức có 100 triệu dân. Cũng là nơi mới dịp Tết Nguyên Đán lâm vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở thượng tầng kiến trúc quốc gia. Và là nơi Bắc Kinh luôn tìm đủ mưu mô, kể cả phô trương sức mạnh quân sự ép các đại công ty dầu khí quốc tế bỏ cuộc . . . Hậu quả là Ba Đình phải nằm gọn trong bàn tay “bẻ ghi” của Trung Nam Hải.

Các đại tập đoàn công nghệ Mỹ sang Việt Nam lần này (21/03) ngay vào dịp Truyền Thông Việt Nam nô nức tô vẽ nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối Tác Toàn Diện với Mỹ, trong tầm nhìn khi tỏ, lúc mờ cho ước vọng nâng quan hệ ngoại giao với Mỹ lên thành “Đối Tác Chiến Lược”, đưa hai nước lên mức “đồng minh hiệp ước”.

Từ năm 2013, csVN đã mong muốn thiết lập quan hệ Đối Tác Chiến Lược với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC). Vậy mà sau 10 năm, mới có hai thành viên thường trực là Anh (2010) và Pháp (2013) có quan hệ “Đối Tác Chiến Lược” với csVN. Trước đó, hai thành viên khác cùng gốc gác Mác-Lê có quan hệ “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” với csVN là Trung cộng (2008), Nga (2012).

Hoa Kỳ là thành viên duy nhất trong UNSC chỉ có quan hệ “Đối Tác Toàn Diện” với Việt Nam từ năm 2013 đến nay.

Tỷ lệ phần trăm (%) của Bắc Kinh đè lên Ba-Đình gấp nhiều lần so với tỷ lệ ước vọng thiết lập bang giao ở cấp độ “Đối Tác Chiến Lược” với Mỹ.

Từ 21 đến 24 tháng 03, thời gian 52 đại tập đoàn công nghệ Mỹ, trong đó có Công ty Boeing, Tập đoàn Công nghiệp Quốc Phòng Lockheed Martin, Tập đoàn Công nghệ SpaceX hay những cái tên quen thuộc như Apple, Coca-Cola, Ford, Netflix. . . đến Việt Nam xem xet cơ hội làm ăn. Nhưng trước đó, hôm 16 tháng 03 phía Bắc Kinh đã đưa số lượng tầu hải quân gấp ba lần bình thường hoạt động ngang dọc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, chỉ cách bờ biển Tỉnh Quảng Ngãi có 60 hải lý (111 cây số). Trong số lượng tàu bè đông như “lá tre” của Bắc Kinh, có cả tàu khảo sát nặng 2.600 tấn mang tên Hải Dương Địa chất 4 cũng rẽ sóng ngay trong vùng EEZ của Việt Nam. [1]

Hãng tin Reuters ngày Thứ Hai 27 Tháng Ba dẫn dữ kiện theo dõi hoạt động hàng hải toàn cầu nói rằng một tàu KN-278 của Ba-Đình theo dõi tàu Hải cảnh số CCG 5205 của Bắc Kinh ở khu vực bãi Tư Chính, nơi các công ty của Nga hợp tác với Việt Nam khai thác các mỏ khí đốt.

Lược đồ và lời dẫn giải của ông Powell, phân tích gia tại đại học Stanford, California cho thấy, tàu KN-278 bám theo CCG 5205. Do cố ý [?] CCG 5205 có lúc đợi cho tàu KN-278 bắt kịp thì quay ngoắt lại, khi thì cách nhau lối 200 mét, nhưng vào lúc 07 giờ sáng ngày 26 thang 03 thì có lần hai tàu chỉ cách nhau chưa tới 10 mét, sau đó tàu CCG 5205 rời khỏi khu vực hai tàu vờn nhau.

Dữ kiện tổng hợp lại cho thấy các tàu Hải cảnh và tàu khảo sát đại dương của Bắc Kinh hiện diện thường trực suốt cả năm qua ở khu vực bãi Tư Chính, vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) cả Việt Nam và Trung cộng đều tham gia ký kết công nhận.

Từ mùa Thu năm 2020, BBC đã dẫn nhận định của GS Carl Thayer lo ngại rằng, ngành dầu khí Việt Nam không có đủ nguồn lực tài chánh để tự mình phát triển tại vùng biển quanh Bãi Tư Chính, trong khi các nhà đầu tư tiềm năng không cảm thấy được khuyến khích bởi vì “Họ không được đảm bảo sẽ gặt hái được gì nếu đầu tư dài hạn ở Việt Nam”, do hàng loạt dẫn chứng dưới đây:

  • 2017: Việt Nam phải tạm ngưng hoạt động thăm dò khai tác dầu của Repsol (Tây Ban Nha) tại vùng biển gần Bãi Tư Chính sau khi Trung cộng được cho là đe dọa.
  • 2018: Việt Nam chính thức chấm dứt hợp đồng với Repsol.
  • 2019: Băc Kinh đã đưa giàn khoan Hải Dương 8 tới khảo sát bên trong EEZ của Việt Nam, đồng thời quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 (Nhật Bản) và quấy rối các tàu đang tiến hành thăm dò Lô 06- 01 theo hợp đồng của Việt Nam với Rosneft (Nga).
  • 2020: Tàu thăm dò Hải Dương 8 của Băc Kinh quay lại EEZ của Việt Nam vào tháng Sáu. Tiếp đó vào tháng Bảy, tàu 5402 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung cộng (CCG) đã vào khu vực mỏ khí Lan Đỏ thuộc Lô 06-01 để theo dõi hoạt động của nhà giàn tại mỏ khí Lan Tây. Bốn ngày sau, có thông báo rằng hợp đồng của Noble Clyde Boudreaux với Việt Nam đã bị hủy bỏ. [2]

Một sự kiện mới được công bố vào hôm thứ Hai 14 tháng 03 tại San Diego, gắn kết ba nước Úc, Anh và Mỹ (AUKUS) trong một liên minh an ninh và quốc phòng quan trọng về “dự án tàu ngầm hạt nhân” nhằm đối phó với sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương [3]  đã khiến cho Bắc Kinh “canh chừng” cẩn thận mọi “nhúc nhích” của Ba-Đình trong cả ngoại giao và mở cửa tìm kiếm thêm đầu tư từ Hoa kỳ.

Suốt cuộc tiếp rước với hoa tươi, cơ xí  và “rượu thịt linh đình”, 52 tập đoàn, tổng công ty kỹ nghệ hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội cả về đầu tư sản xuất cũng như bán sản phẩm công nghệ. Các đại Tập Đoàn Công Nghệ của Mỹ đã nghe “đầy tai” những lời cổ võ của các cơ quan thúc đẩy hợp tác kinh doanh, nhưng chưa thấy đôi bên có hợp đồng nào được loan báo!

Quan chức cầm đầu về kinh tế của Ba-Đình cũng như các đại diện Mỹ ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ thương mại song phương, từ con số khiêm tốn vài trăm triệu Mỹ kim khi mới được Mỹ hậu thuẫn cho gia nhập tổ chức Thương Mại thế giới (WTO), đến năm 2022, tăng trưởng thương mại của 2 nước đã tăng 360 lần. Cũng năm 2022 mậu dịch hai chiều đạt hơn 123 tỷ Mỹ kim mà thặng dư thương mại nghiêng về phía Việt Nam tới 116 tỷ Mỹ kim. Cho đến nay, GDP Việt Nam tăng gấp 13 lần sau hơn 20 năm, nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo, dân vẫn đói, 14 Tỉnh phải xin trợ cấp gạo để chịu đựng qua ngày.

Điểm qua các chuyển biến tình hình như đã dẫn việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa scVN và Hoa Kỳ lên mức Đối Tác Chiến Lược chỉ được giới ngoại giao của Ba-Đình nói úp mở rằng, việc đó sẽ xảy đến “vào thời điểm thích hợp”.

Tuy nhiên theo hãng thông tấn Reuters được BBC dẫn thuật hôm 24 tháng 03 cho biết, việc Mỹ thúc đẩy nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong năm nay đang vấp phải sự kháng cự từ Hà Nội, do điều mà các chuyên gia cho là có những quan ngại của Trung Nam Hải có thể xem đây là động thái chống đối, vào thời điểm căng thẳng giữa hai siêu cường Trung cộng và Mỹ. Do vậy, việc nâng cấp quan hệ chính thức trong năm nay “không còn được coi là thực tế nữa”.

Còn về phương diện đầu tư các đai công ty Mỹ nhìn sự việc thực tế hơn: Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đơn cử như việc cần đầu tư sâu hơn vào các cảng biển, cảng hàng không, hệ thống logistics (gồm bốc rỡ, kho bãi …) Đồng thời Việt Nam phải cải thiện được thể chế, đặc biệt là việc thông qua Luật Đất Đai, không thể áp đặt “lằn ranh đỏ”, duy trì một bộ luật “đất dân, quyền quan” như hiện tại. Đây là yếu tố quan trọng để khơi thông tắc nghẽn đang tồn tại trong nền Kinh Tế Việt Nam.

Vấn đề thiết thân khác của toàn dân, là hàng ngũ lãnh đạo thượng tần kiến trúc quốc gia không thể mãi nhu nhược để xẩy ra những nhượng bộ quá đáng với Bắc Kinh, làm tổn hại đến nền Kinh tế Việt Nam, phúc lợi của nhà đầu tư quốc tế như từng xẩy ra vào các năm từ 2017 đến 2020.

Trần nguyên Thao
28 March

[1] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-ships-swarming-vietnamese-waters-think-tank-says-03162023162615.html

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53426783

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz5pmdyxe0go