Tuy xuất cảng dựa vào Doanh Nghiệp nước ngoài – Foreign Direct Investment (FDI) đến 74%, nhưng Ba-Đình vẫn hãnh diện là “điểm mạnh” của Nền Kinh Tế, thì nay đang đi vào suy yếu. Nơi Ba-Đình “cậy dựa” nhiều nhất cả về Chính Trị lẫn Kinh Tế là Trung Cộng lại đang lâm vào giai đoạn xuống dốc nhất kể từ Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp khó khăn lớn hơn bởi chính những vấn đề nội tại của mình, trong đó có thị trường Bất Động Sản (BĐS) và những quy định chồng chéo khiến sản xuất bị khựng lại ảnh hưởng trên nền Kinh tế.

Hôm mùng 04 tháng 04, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu – Asian Development Bank (ADB) dự báo xuất nhập cảng của Việt Nam sẽ giảm xuống 7% trong năm nay và năm tới. Tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1% GDP trong năm nay.

Chỉ số PMI (Purchasing Managers Index) đã tuột xuống dưới ngưỡng trung bình 50 điểm trong bốn tháng liên tiếp do lĩnh vực tái chế xuất hàng xuất cảng và sản xuất hàng tiêu dùng đều giảm, nên không thể hỗ tương cho nhau. Chỉ số PMI sau đó đã hồi phục từ 46,4 vào tháng 1 năm 2023 lên 51,2 vào tháng 02, nhưng sang tháng 03, lại rơi xuống mức 47,7 điểm.

Do cả sản lượng lẫn số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm; khiến bộc lộ những khó khăn của doanh nghiệp trong nước về khôi phục sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng cho thấy điểm mạnh xuất cảng của Việt Nam tính đến cuối năm 2022 vẫn dựa vào FDI trên 74% nay đang bước vào thời kỳ suy yếu.

Số liệu mới nhất cho biết, gần 75% Doanh Nghiệp, đặc biệt loại Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Liên đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) hôm 12 tháng 4 nêu ra, có tới 12,5% số doanh nghiệp tìm đến các nguồn tín dụng đen với mức lãi suất trung bình là 46,5%, cao gấp khoảng 5,5 lần so với lãi suất trung bình của các khoản vay từ ngân hàng. [1] Gánh nặng cho Doanh Nghiệp còn là chi phí bảo hiểm lao động tại Việt Nam lại đòi hỏi ở mức khá cao. Số liệu từ Trading Economics cho biết, chi phí bảo hiểm các loại đều do công ty phải trả tính theo lương là 21,5%. Tỷ lệ này của các nước trong vùng như Indonesia là 7%, Malaysia là 13%, Singapore là 17%. Riêng Trung cộng là 28%.

Tình hình xuất cảng sau đây mô tả hầu hết các thị trường đều giảm tỷ lệ mua hàng hóa của Việt Nam trong Quý I/ 2023. Tuy vậy, Hoa Kỳ vẫn là nơi Việt Nam bán được nhiều hàng nhất, khoảng 20,57 tỷ Mỹ kim, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất cảng và giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung cộng 11,54 tỷ Mỹ kim, giảm 13,8%; thị trường EU đạt 10,37 tỷ Mỹ kim, giảm 10,8%; thị trường ASEAN đạt 8,34 tỷ Mỹ kim, tăng 2%; Hàn Quốc đạt 5,8 tỷ Mỹ kim, giảm 5,5%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ Mỹ kim, tăng 0,9%.

Tổng kim ngạch xuất nhập cảng của Việt Nam thuộc quý I năm 2023 chỉ được 154,27 tỷ Mỹ kim, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành Công Nghiệp được dự báo sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% vào năm 2023, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Lĩnh vực xây dựng sẽ khá hơn nếu các dự án đầu tư công thuộc cơ sở hạ tầng lớn không bị trì trệ, ỳ ạch như năm 2022.

Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ Mỹ kim trong năm nay, trong đó 90% đã được giao cho các Bộ và Tỉnh để giải ngân từ tháng 1/2023. Nếu như Việt Nam giải ngân được hết 30 tỷ Mỹ kim sẽ đóng góp khoảng 1% vào GDP của cả nước. Mấy tháng nay, Thủ Tướng Chính rong ruổi khắp nơi để thúc bách giải ngân vốn đầu tư công, nhưng Bộ Tài Chánh mới cho biết, trong 2 tháng đầu năm chỉ giải ngân được lối 6,55%, bằng 49.247 tỷ đồng. Tỷ lệ này nếu tăng đều mỗi tháng thì kết quả khá kiêm tốn!

Homedy cảnh báo bong bóng BĐS có nguy cơ bùng phát vào năm 2023. Bộ Trưởng Kế hoạch & Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, bong bóng BĐS là “có thể nhìn thấy” do các yếu tố: (i) dòng tiền có xu hướng đầu tư vào thị trường BĐS, (ii) công tác quản lý đất đai, quy hoạch và thành phần môi giới đã “thổi giá” tạo nên cơn sốt đất, và (iii) trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn trong quý 2/2023 là hơn 70.000 tỷ đồng, cao hơn 127% so với quý 1. Trong đó, nhóm BĐS đứng đầu chiếm gần 40%. Hiệp hội TPDN Việt Nam (VBMA) tính chung TPDN đáo hạn trong năm 2023 là 289.819 tỷ đồng; và 2024 là 360.500. Tổng công 2 năm tới  650.319 tỷ đồng.

Vào 2 năm 2020 và 2021 tỷ lệ cung tiền và tín dụng trên GDP (M2/GDP) của Việt Nam lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5 đưa đến dấu hiệu báo động rất sớm của hiện tượng bong bóng giá BĐS.  Do đó, Đại Học Kinh Tế Quốc Dân đề xướng 2 giải pháp cấp thời: (i) kiểm soát chặt chẽ lãi suất, tín dụng từ phía ngân hàng để ngăn chặn bong bóng BĐS năm 2023. (ii) Đồng thời các địa phương cần công khai quy hoạch, tiến độ phát triển của các dự án, cơ sở hạ tầng. [2]

Các số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài đang từ chậm lại đến “tĩnh lặng”, mà Bộ Kế hoạch & Đầu Tư vừa công bố đến ngày 20/2/2023 là gần 3,1 tỷ Mỹ kim, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.  Còn vốn thực hiện của dự án FDI cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái gần 5%, tương đương 2,55 tỷ Mỹ kim.

Đài RFI thuật kết quả khảo sát từ Phòng Thương Mại Châu Âu công bố hôm 11 tháng 04 cho biết, 55% các nhà đầu tư nước ngoài không kỳ vọng có sự thay đổi lớn nào về đầu tư tại Việt Nam trong quý II năm 2023, sau khi dòng vốn bị suy giảm trong (3) tháng đầu năm. Nguyên nhân do những bất ổn về chính trị gần đây ở thượng tầng kiến trúc quôc gia, cũng như tình trạng pháp lý ở Việt Nam khiến nhiều nhà quản lý nước ngoài phải thận trọng. 

Trước đó, cuối tháng 03 vừa rồi, 52 đại tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam gần 1 tuần lễ, họ được nghe “đầy tai” những lời tán tụng “đại bàng hạ cánh” và quảng bá rầm rộ môi trường đầu tư thuận lợi vô vàn ở Việt Nam. Kết cuộc “đại bàng đã bay đi”, mà không thấy báo Nhà Nước nói đến có “dấu vết” gì do đai bàng để lại.

Số liệu được Việt Nam công bố cho thấy, tăng trưởng trong quý I/2023 là 3,32% giảm nhiều so với mức 5,92% cùng kỳ năm 2022. Hàng nghìn lao động đã bị cắt giảm trong các ngành gia công giày dép và may mặc của Việt Nam, một trong những điểm gia công hàng đầu thế giới cho các hãng lớn như Adidas và Nike của Đức. 

Thời điểm này Việt-Mỹ đang tấp nập kỷ niệm 10 năm ngoại giao có thể hướng đến nâng cấp thành Đối Tác chiến Lược với Hoa Kỳ, thì hai bờ eo biển Đài Loan và Hoa Lục sôi sục không khí chuẩn bị chiến tranh, trong khi Ba-Đình cũng nhận ra rằng, chỗ dựa là Bắc Kinh đang có số liệu tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa. Chính sách phong tỏa zero-Covid của Bắc Kinh kéo dài trên cả năm đã hủy hoại nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Hậu quả còn là phá hủy niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Lĩnh vực bất động sản – rất quan trọng với kinh tế Trung cộng – vẫn chìm trong khủng hoảng. Vị thế công xưởng thế giới của Bắc Kinh phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực dồi dào và rẻ mạt đang dần suy yếu theo đà dân số suy giảm kể từ 62 năm qua (1961). Năm 2022, dân số Trung cộng là 1,411 tỷ người, giảm khoảng 850.000 người so với năm 2021.

Trên thực tế Ba-Đình biết tỷ lệ dân Việt Nam chống Trung cộng lúc nào cũng đứng ở vị trí hàng đầu châu Á và Đông Nam Á.

Sự kiện này bắt nguồn từ lịch sử một ngàn năm Việt Nam bị người Tầu xâm chiếm, cai trị và người Việt đã đứng lên để chống lại sự xâm lược từ đó.

Đến nay, Việt Nam tiếp tục bị Băc Kinh “đô hộ” dưới những hình thức khác về ngoại thương, công nghệ và các dự án đội vốn, kéo dài tiến độ, chèn ép ở Biển Đông khiến Việt Nam mất gần hết nguồn lợi Kinh Tế biển gồm cả ngư nghiệp và dầu khí làm tiêu hao nguồn lực Kinh Tế Việt Nam.

Trong hiện tình, Việt Nam có 20.713 sinh viên du học tại Mỹ, niên khóa 2021-2022; tài sản gồm bất động sản hay công xưởng của cán bộ và hàng ngũ sân sau khá nhiều. . . Mỹ còn là nơi Việt Nam thu được nhiều Mỹ kim nhất do xuất cảng được nhiều hàng hóa nơi thị trường này. Mỹ cũng đang mở ra rất nhiều cơ hội để hai nước Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao từ Đối Tác Toàn Diện 10 năm qua thành Đối Tác Chiến Lược, đưa hai nước lên mức “đồng minh hiệp ước” trong năm nay.

Ba-Đình biết rất rõ tình hình thế giới và khu vực đang đổi thay, nếu lần này Ba-Đình từ chối cơ hội thì đúng là định mệnh của Việt Nam.[3]

Trần nguyên Thao
12 Apr. 2023

[1] https://cafef.vn/nhieu-doanh-nghiep-phai-vay-tin-dung-den-lai-suat-toi-465-de-ton-tai-188230412203040741.chn

[2] https://homedy.com/news/bong-bong-bat-dong-san-va-lo-ngai-nguy-co-no-trong-nam-nay-ne6053

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65123223

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen