_____________________________

Nguồn: Craig Singleton, “Why Xi Is Ghosting Biden,” Foreign Policy, 17/05/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Việc Bắc Kinh từ chối đối thoại với Washington là một phần trong cuộc chiến nhằm làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngó lơ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thật vậy, đã sáu tháng trôi qua kể từ lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo nói chuyện với nhau – Bắc Kinh đổ lỗi rằng lịch trình bận rộn, và thậm chí là vụ khinh khí cầu bay lạc, đã khiến tương tác giữa hai vị lãnh đạo bị trì hoãn. Nhưng trong suốt thời gian đó, Tập lại gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow và tiếp đón các phái đoàn ngoại giao cấp cao từ Pháp, Đức, và Brazil. Sau khi sử dụng hết mọi lý do có thể, Trung Quốc gần đây đã thừa nhận rằng họ đơn giản là không muốn nói chuyện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết vào tháng 3, “Việc liên lạc [với Mỹ] không nên được thực hiện chỉ vì [các bên muốn] liên lạc.”

Nói cách khác: Đừng gọi cho chúng tôi, và chúng tôi cũng sẽ không gọi cho các vị.

Việc mất liên lạc giữa Washington và Bắc Kinh không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Sự sụp đổ này đã bắt đầu từ hai năm trước – và chỉ là một triệu chứng, chứ không phải là nguyên nhân, của vòng xoáy đi xuống trong quan hệ Mỹ-Trung. Thật vậy, quan hệ vẫn sẽ xấu đi chừng nào các chính sách của Nhà Trắng vẫn được xác định dựa trên các khẩu hiệu chính sách đối ngoại kiểu như “cạnh tranh để cùng tồn tại” với Trung Quốc, trong khi rõ ràng Tập Cận Bình đang cạnh tranh để giành chiến thắng. Nếu Washington còn muốn nối lại liên lạc, thì đã đến lúc cân nhắc thay thế những luận điệu hoa mỹ về “cùng tồn tại” và “các hàng rào bảo vệ” bằng thứ ngôn ngữ duy nhất mà Bắc Kinh thực sự hiểu: có đi có lại.

Đáng tiếc, chính quyền Biden không có một chính sách Trung Quốc  duy nhất, mà có một số chính sách mâu thuẫn nhau. Đôi khi cứng rắn, nhưng đôi khi thường mang tính hòa giải, khuôn khổ cạnh tranh thiếu sót của chính quyền Biden đã nhầm lẫn phương tiện với mục đích, hoàn toàn né tránh nhiệm vụ khó khăn là xác định kết quả cuối cùng mà Mỹ mong muốn ở Trung Quốc. Điểm đáng chú ý là Biden chưa từng có một bài phát biểu nào phác thảo tầm nhìn của chính ông về quan hệ Mỹ-Trung. Thay vào đó, ông đã chuyển việc gửi thông điệp cho nhiều quan chức khác nhau – nổi bật là các bộ trưởng ngoại giao, thương mại, và tài chính – những người đã tiếp cận nó từ địa vị của họ. Kết quả là một quy trình hoạch định chính sách bị rạn nứt, tạo ra những tuyên bố mâu thuẫn nhau, thường góp phần dẫn đến bối rối, chứ không phải sự rõ ràng.

Trường hợp điển hình: Ngoại trưởng Antony Blinken đã tìm kiếm một “sân chơi bình đẳng” và “công bằng” trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan ủng hộ việc sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để duy trì “khoảng cách dẫn trước Bắc Kinh càng lớn càng tốt.” Hai mục tiêu này bao hàm hai quan hệ rất khác nhau: Blinken nói về cạnh tranh, Sullivan lại nhắc đến ngăn chặn công nghệ. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã gợi ý rằng quan ngại về an ninh quốc gia nên được ưu tiên hơn những cân nhắc về kinh tế trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng bà cũng tuyên bố rằng những hạn chế đó không nhằm mục đích mang lại cho Mỹ “lợi thế cạnh tranh về kinh tế,” dù các đồng nghiệp của bà, chẳng hạn như Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, rõ ràng đã đề xuất điều ngược lại.

Tất nhiên, các hành vi cạnh tranh của chính quyền Biden không chỉ giới hạn ở chất bán dẫn và chuỗi cung ứng. Chúng đang ngày càng được sử dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng liên quan đến an ninh và chủ quyền, đáng chú ý nhất là trong vấn đề Đài Loan. Chẳng hạn, sau những câu nói hớ hết lần này đến lần khác của Biden, về việc Mỹ cam kết (hoặc không cam kết) bảo vệ hòn đảo tự trị, cũng như để đối phó với các cuộc khủng hoảng xuyên eo biển khác, Nhà Trắng đã nhắc lại rằng Washington “tìm kiếm sự cạnh tranh chứ không phải xung đột” với Bắc Kinh – sử dụng loại ngôn từ ngoại giao không rõ ràng. Điều này và các thông điệp không rõ ràng khác về Đài Loan đã thuyết phục Bắc Kinh rằng Washington đang cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng. Theo đó, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai lực lượng ngày càng gần bờ biển Đài Loan, trong thực tế là thu hẹp vùng đệm và theo đó làm thu hẹp phạm vi được mắc sai lầm đã từng tồn tại trước đây ở Eo biển Đài Loan.

Không có ví dụ nào minh họa rõ cách tiếp cận khó hiểu của chính quyền Biden đối với Trung Quốc hơn là phản ứng của họ đối với vụ khinh khí cầu gián điệp hồi đầu năm nay. Những mâu thuẫn này cho thấy rõ sự thiếu kỷ luật về truyền tải thông điệp, với việc Blinken lên án Trung Quốc vì đã “vi phạm chủ quyền của nước Mỹ” dù rằng Biden đã hạ thấp sự cố, nói rằng nó không phải là một “vi phạm lớn.” Mâu thuẫn cũng nằm ở việc Bộ Ngoại giao cố tình ngăn chặn các nỗ lực buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm của các cơ quan khác của Mỹ, bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc kiểm soát xuất khẩu liên quan đến nhân quyền nhắm vào các mục tiêu ở Trung Quốc. Các biện pháp như vậy được cho là đã bị gạt sang một bên, để tránh ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương, dù chính Trung Quốc đã coi thường luật pháp quốc tế và từ chối đưa ra lời xin lỗi.

Tệ hơn nữa, trong những tháng sau khi xảy ra vụ khí cầu gián điệp, chính quyền Biden đã nhiều lần đề xuất cử các phái đoàn cấp cao đến Bắc Kinh, có lẽ hy vọng rằng việc cùng nhau tuyên bố ý định hòa bình có thể giải quyết những khác biệt cơ bản giữa hai quốc gia. Những lời đề nghị này – mà Tập đã từ chối – được đưa ra khi chưa có đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi thái độ, chứ chưa nói đến việc đạt được cam kết ngừng xâm phạm bầu trời nước Mỹ. Sau khi đi đến kết luận rằng bản thân ông không thể sai, Tập Cận Bình đã vũ khí hóa những lời kêu gọi liên lạc của chính quyền Biden. Các quan chức Trung Quốc, chẳng hạn như Ngoại trưởng Tần Cương, đã sử dụng đến đòn thao túng chính trị, khi nói bóng gió rằng Washington đã phản ứng thái quá trước vụ xâm nhập táo bạo của Bắc Kinh và rằng “xung đột” là không thể tránh khỏi trừ phi Mỹ – chứ không phải Trung Quốc – chịu thay đổi hướng đi.

Tuy nhiên, lỗ hổng chết người trong chiến lược Trung Quốc còn thiếu sót của Biden không nằm ở việc ông tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng giữa hai siêu cường bằng bất cứ giá nào, hay việc chiến lược này đã dựa trên những khẩu hiệu rỗng tuếch. Thay vào đó, vấn đề là Washington đã đoán sai các mục tiêu địa chính trị của Tập. Cụ thể hơn, Biden cho rằng việc cùng tồn tại lâu dài phù hợp với tầm nhìn của Tập Cận Bình về một trật tự thế giới mới, lấy Trung Quốc làm trung tâm, và rằng các chính sách cực kỳ thận trọng của Mỹ đã giúp ngăn thảm họa xảy ra. Không nhận định nào trong số này là chính xác. Sau cùng, sự kiên định của chính quyền Biden đối với các hàng rào bảo vệ đã dẫn đến động lực hiện tại giữa hai siêu cường, trong đó sự thụ động của Trung Quốc đang khiến Mỹ không thể ra quyết định. Khi xem Trung Quốc là một cường quốc không thể bị kiểm soát, chính quyền Biden đã tiếp cận đàm phán theo cách khác thường, là dung hòa và bình thường hóa hành vi của Trung Quốc. Cách tiếp cận như vậy hoàn toàn trái ngược với chiến lược có đi có lại, trong đó Washington sẽ thể hiện sự kiên quyết, đồng thời báo hiệu sự sẵn sàng hợp tác khi và chỉ khi Trung Quốc chịu hợp tác.

Trong khi đó, tính toán của Tập rất rõ ràng: Can dự với Washington chỉ vì mong muốn can dự sẽ kéo dài thời gian tồn tại còn lại của trật tự thế giới tự do. Khác với những tuyên bố của chính quyền Biden, cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa hai hệ thống xã hội, kinh tế, và chính trị hoàn toàn không tương thích này sẽ không thể kết thúc trong bế tắc hoặc cùng tồn tại. Cuộc đấu tranh đó cũng không nhất thiết phải kéo dài. Tập dường như ngày càng tự tin rằng kết quả của cuộc chiến giành ưu thế địa chính trị sẽ được quyết định trong vài năm, chứ không phải vài chục năm tới. Thay vì chấp nhận cạnh tranh để cùng tồn tại và có nguy cơ rơi vào những cái bẫy tương tự như khi Liên Xô bị kiềm chế, Tập Cận Bình đang thực hiện các bước để đảm bảo Trung Quốc sẽ sớm vượt lên dẫn đầu. Tâm lý người dẫn đầu của Tập đã được tiết lộ trong nhận xét gần đây của ông với Putin, rằng “sẽ có những thay đổi địa chính trị – những thay đổi mà chúng ta chưa từng thấy trong 100 năm qua – và chúng ta là những người cùng nhau thúc đẩy những thay đổi đó.” Thật vậy, “thế giới hỗn loạn” mới của Tập, một mô hình dựa trên chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin, chỉ có thể được hiện thực hóa thông qua bành trướng liên tục – điều giải thích tại sao Tập lại nỗ lực lôi kéo càng nhiều quốc gia vào quỹ đạo của Trung Quốc càng tốt.

Với suy nghĩ đó, Tập đã bắt đầu tích cực thúc đẩy một cấu trúc quốc tế thay thế, tránh xa các giá trị phổ quát, đồng thời tìm cách loại trừ Mỹ. Cấu trúc mới nổi này – được thể hiện qua các sáng kiến Văn minh Toàn cầu, Phát triển Toàn cầu, và An ninh Toàn cầu của Trung Quốc – đã chuyển từ hệ thống luật lệ toàn cầu do phương Tây thống trị sang hệ thống do chính phủ các quốc gia tự định hình. Thay vì để các quốc gia “áp đặt các giá trị hoặc mô hình của nước họ lên các nước khác,” hệ thống của Tập nhấn mạnh sự tôn trọng đối với các giá trị dân tộc và truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia – được thể hiện thông qua hình ảnh chính phủ. Mô hình này, vốn được Bắc Kinh thử nghiệm suốt 20 năm qua tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà độc tài, từ các nước phương Nam, và cả từ một số đối tác của Mỹ, như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả sau cùng sẽ là thay thế hệ thống hiệp ước của Liên Hiệp Quốc bằng một hệ thống chắp vá về ý thức hệ, phản ánh các giá trị và lợi ích của Trung Quốc. Rõ ràng là những nỗ lực này cấu thành một cuộc chiến ngoại giao nhằm tiêu hao ảnh hưởng của Washington.

Tương tự, Tập Cận Bình đã đẩy nhanh các kế hoạch cố tình phân tách khỏi Mỹ – chiến lược được ông đưa ra lần đầu tiên vào năm 2012, khi ông cảnh báo rằng người Mỹ đã khống chế nền kinh tế Trung Quốc. Theo chính sách tự lực cánh sinh, Tập gần đây đã trao quyền giám sát chưa từng có cho các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc để nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp nước ngoài và thu giữ tài sản trí tuệ của họ, mở đường cho một loạt các cuộc đột kích bất ngờ vào các công ty phương Tây. Tập cũng cắt đứt quyền truy cập của nước ngoài vào các cơ sở dữ liệu khác nhau liên quan đến thông tin đăng ký công ty, bằng sáng chế, tạp chí học thuật, và thậm chí cả niên giám thống kê chính thức. Những biện pháp này đã dựng lên một bức tường xung quanh nền kinh tế Trung Quốc cùng với những biện pháp vốn đã tạo ra một môi trường nhiều rủi ro, thiếu thân thiện cho các doanh nghiệp phương Tây hoạt động tại Trung Quốc. Về bản chất, Tập đang đóng cửa đất nước của mình trước ảnh hưởng của Mỹ, bất chấp những rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Giờ đây, Bắc Kinh đang có hành động cân bằng tối thiểu. Tập sẽ chỉ cho phép đối thoại song phương giới hạn trong các lĩnh vực có ý nghĩa sống còn đối với Bắc Kinh, nhưng từ chối hợp tác có ý nghĩa trong hầu hết các vấn đề quan trọng đối với Washington. Canh bạc của Tập giả định rằng chính quyền Biden, vốn gắn liền với chính sách hòa dịu và mong muốn tiếp xúc, sẽ chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc mà không khiến họ phải trả bất kỳ cái giá nào. Xét trên nhiều khía cạnh, chiến lược của Tập dường như đã mang lại thành quả. Các quan chức Mỹ, bao gồm cả Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns, đã bắt đầu cầu xin Bắc Kinh “hãy thỏa hiệp với chúng tôi” – điều mà Tập sẽ không có ý định làm trừ khi Washington báo hiệu kế hoạch cắt đứt liên lạc về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển ngắn hạn của Trung Quốc, chẳng hạn như cho phép Trung Quốc tiếp tục tiếp cận thị trường vốn Mỹ.

Công bằng mà nói, Tập sẽ không thể tránh mặt Biden mãi mãi, sớm muộn gì hai nhà lãnh đạo cũng sẽ phải liên lạc với nhau. Nhưng chừng nào những can dự mở này vẫn được kết hợp với chính sách cùng tồn tại hơn là chính sách có đi có lại, thì càng có nhiều khả năng chúng dẫn đến sự đổ vỡ mà chính quyền Biden đang cố tránh. Nhằm tối đa hóa đòn bẩy của mình, Washington nên nói ít hơn, chứ không phải nhiều hơn, với Bắc Kinh. Điều đó có nghĩa là nên ngừng đối thoại về các vấn đề mà Trung Quốc quan tâm nhất, để buộc Tập trở lại bàn đàm phán và thảo luận về các vấn đề khác.

Craig Singleton
Nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) và từng là nhà ngoại giao của Mỹ.

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2023/05/29/tai-sao-tap-ngo-lo-biden/#more-51245

Hình minh họa: Vận Hội Mới

Bài liên quan:
  • Quan hệ Tập–Putin gặp nguy hiểm khi người Trung Quốc tràn vào Nga
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/3/2024. Bầu cử ở Nga: Putin nắm trọn quyền lực, tiêu diệt đối lập, đẩy nước Nga vào kiệt quệ, nhận chìm thế giới trong khủng hoảng, mở rộng đế chế Nga.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 23/3/2024. Đỉnh điểm đấu đá quyền lực: VN thay ngựa giữa dòng, bất chấp thể diện quốc gia!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nguyễn Phú Trọng đốt ‘Đoàn Phái’
    Ngô Nhân Dụng (VOA Tiếng Việt)
  • HỘI LUẬN ngày 23/3/2024. VN Đổi ngựa giữa dòng: CT Võ Văn Thưởng ngã ngựa. Tranh quyền hay Đốt lò? Putin thừa thắng xông lên, tiếp tục mở rộng đế chế Nga? Ấn Độ nhập cuộc chống TC!
    BS Nguyễn Trọng Việt