____________________________

Bộ Trưởng Kế Hoạch & Đầu Tư (KH&ĐT) nhìn nhận cán bộ các cấp thừa hành đều làm việc trong tư thế “lãn công” khiến cho các chính sách phục hồi Kinh Tế – Xã Hội của Chính Phủ không thể “ngấm” vào nền Kinh Tế, gây ra tắc nghẽn nhiều lãnh vực: Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) lao dốc; nhiều đại Doanh Nghiệp (DN) “cạn nguồn lực” phải bán cho nước ngoài dưới nửa giá. Lợi nhuận của Khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) tăng trưởng âm, nợ xấu thêm “xấu hơn”, buộc Quốc Hội phải cấp bách cứu xét để đưa ra luật giải quyết nợ xấu trong kỳ họp tới . . . [1]

Vietnam Banks Association (VNBA) dẫn số liệu từ Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) xác định, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang trên đà gia tăng đáng ngại, mới đến cuối tháng 2/2023 đã lên gần 3% so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đến thời điểm hiện nay đã lên mức 5%. Thống kê của 27 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tính đến ngày 31-3, tổng nợ xấu nội bảng ở mức hơn 170,5 ngàn tỷ đồng, tăng 24,3% so với đầu năm. Trong đó, không ít NHTM có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% (cao hơn so với quy định). Một vài nhà băng nợ xấu tăng đột biến lên đến trên 4%. Cụ thể như BaovietBank 4,69%, VIB 3,64%. . . Như thế, rủi ro nợ xấu ngân hàng sẽ còn tăng lên khi TTCK, bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn chưa thể phục hồi, vì đây là các lĩnh vực chiếm tỷ lệ nợ xấu cao.

Do nợ xấu liên tục xấu thêm, NHNN phải đưa ra thông tư số 02/2023, hiệu lực từ 23 tháng 05, trong đó buộc các NHTM triển hạn thêm 12 tháng cho các món nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Đồng thời nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, hoặc thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Thông Tư mới này.

Hy vọng đẩy thêm tín dụng vào nền Kinh Tế, hôm 25 tháng 5, lần thứ ba trong 3 tháng qua NHNN giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%, đưa lãi suất điều hành xuống mức 3,5-5,5% tiệm cận vùng lãi suất thấp nhất trong lịch sử nên không gian giảm lãi suất không còn nhiều. Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4/2023, NHNN đã hai lần điều chỉnh một số chỉ tiêu lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 – 1%/năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Cùng ngày, nhiều nhà băng trong khối NHTM đua nhau giảm lãi suất gửi tiết kiệm từ 0,5%-1%. Đồng thời công bố giảm lãi suất cho vay ít nhất 0,5% tùy theo thời gian hợp đồng.

Về phương diện chuyên môn, động thái giảm lãi suất điều hành liên tục của NHNN cũng không có gì “hay ho”. Bởi vì nếu kể lãi suất là “giá” của dòng tiền thì có thể coi cung tiền giống như “thanh khoản”. Việc “giảm giá” dòng vốn nhiều lần trong khi “thanh khoản đóng băng” thì không đủ nguồn lực để “thấm đượm” vào nền Kinh Tế .

Trong một tài liệu ở Quốc hội, có số liệu tính đến năm 2021. Theo đó, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế năm 2021 là 13,61%, nhưng tín dụng rót vào một số lĩnh vực tiềm ẩn đều tăng vượt mức này. Chẳng hạn, tín dụng vào BĐS gần 15,4%, TTCK 23,85%, TPDN 17,65%.

Tỷ lệ tín dụng toàn nền kinh tế so với GDP ở mức cao, năm 2020 là 114,3%; 2021 là 113,2%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tín dụng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Nguồn cơn đẩy cỗ máy Kinh Tế vào “tắc nghẽn” là do khối nhân sự khổng lồ cả bên đảng lẫn Chính Phủ, trong đó, theo nhìn nhận của Bộ Trưởng KH&ĐT Nguyễn chí Dũng trước Quôc Hội hồi đầu tháng 5: các cấp cán bộ của chính chế độ đang “né tránh” đùn đẩy công việc, “thà bị phê bình vì chậm trễ còn hơn bị kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. . . Gặp hoàn cảnh này, DN không muốn cũng vẫn phải “bôi trơn” thì việc mới trơn, còn hơn là phải chờ các bên liên quan “đùn qua, đẩy lại” kéo dài ra từ 12 đến 24 tháng.

Hiện tượng “né tránh” công việc đang rấy lên như phong trào, vì 78 năm qua mọi cấp cán bộ đều thi nhau tham nhũng có hệ thống, cưỡng chế đất đai, tài sản, trấn lột dân chúng. . . Ngày nay, tham nhũng có phần bị giới hạn hơn trước, nên cán bộ các cấp đồng tình “mai phục” trong tư thế “lãn công”, khiến cho tình hình giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30/4/2023 chỉ được 110.633 tỷ đồng, khoảng 14,7% kế hoạch cả năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 trên 18,5%. Đây là điểm liên quan mật thiết với các yếu tố khác làm cho sản xuất đình đốn, trong khi DN thiếu vốn hoạt động thì trên 1 triệu tỷ đồng của Chính Phủ lại đang “nằm đắp chiếu” trong kho bạc, dẫn đến sự thể dưới đây: [2]

  • Ba tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn DN trong nước rút lui khỏi thị trường sản xuất.
  • Nhiều DN đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng công ty, bán cổ phần với mức thấp dưới 50% thực giá cho các đối tác nước ngoài.
  • Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp, được coi như “mũi nhọn” xuất cảng của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ; các động lực chính của tăng trưởng đều giảm và đang trên đà suy yếu như xuất cảng 4 tháng giảm 13%, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm lần lượt là 17,9% và 1,2%, sản xuất công nghiệp giảm 1,8%.

Thực tế trên chứng minh rằng, tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh [3] “vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” chỉ là khẩu hiệu, cách nói làm “mờ mắt” dân chúng nhằm đánh bóng chế độ. Thực chất con người cộng sản là dùng đấu tranh giai cấp đạt đến cùng đích; hậu quả đưa đến hiện tượng cán bộ hư hỏng xẩy ra khắp các nước tôn thờ Mác-Lê, không chỉ ở Việt Nam.

Do Kinh Tế thụt lùi gây ra nhiều trường hợp lẩn trốn nợ, hoặc chây ỳ, không hợp tác với các nhân viên đòi nợ chỉ với mục đích kéo dài thời gian trả nợ hay lẩn trốn trách nhiệm; còn có nhiều DN hết nguồn lực, điều này dẫn đến NHTM gặp khó khi thu hồi các khoản nợ.

Hiện tượng trên làm nảy sinh dày đặc trên mạng xã hội các từ khóa “xóa nợ xấu”, “xóa nợ từ gốc”. Những lời quảng cáo “lôi cuốn” như “Bạn đang bị nợ xấu giầy vò, bị làm phiền bởi những cuộc gọi đòi nợ, ảnh hưởng uy tín gia đình bạn bè, hồ sơ vay nợ bị tắc nghẽn. . . Hãy gọi chúng tôi để được hỗ trợ! Cam kết “gỡ sạch” mọi nhóm nợ ngay tại Credit Information Center – CIC, tức Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam. Nhiều người tin các quảng cáo trên mạng đã mất toi nhiều triệu tiền cọc, cuối cùng “tiền mất, nợ vẫn mang”.

Nhiều trường hợp vay nợ NHTM không xong phải xoay qua vay các công ty tín dụng đen với lãi suất cao từ 153,2%, đến cao nhất là 1.289,67%, mức lãi này gấp từ 7 đến 64 lần mức lãi suất cao nhất được quy định tại Bộ luật Dân sự. Mặc dầu tín dụng đen bị ngăn cấm và bị truy lùng, nhưng các công ty loại này vẫn hoành hành dưới nhiều hình thức tại Việt Nam.

Theo NHNN, lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 416.000 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42; trung bình khoảng 6.300 tỉ đồng mỗi tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 – 2017 trước khi văn bản vừa nói hiệu lực.

Nợ xấu ngày càng xấu thêm là nguồn cơn đưa 27 NHTM có trên sàn chứng khoán, theo số liệu báo cáo Tài Chánh hôm 16 tháng 5 năm 2023, lần đầu tiên trong 27 tháng qua đã giảm 1.053 nhân viên so với đầu năm. Bởi hai lý do: (i) Dù lãi suất tín dụng tại khối NHTM đang trên đà cắt giảm, trong đó ngân hàng Á Châu (ACB) từ cuối tháng 02/2023 đã loan báo giảm lãi suất đến 3% môt năm, nhưng tín dụng 4 tháng đầu năm vẫn đi vào nền Kinh Tế quá thấp; chỉ khoảng 3,24%; (ii) Lần đầu tiên lợi nhuận ròng tính đến ngày 19 tháng 5 năm 2023 của khối NHTM đã tăng trưởng âm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược dòng thời gian, tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2021, tài sản của khối NHTM đang trở thành mối quan ngại lớn đối với nền Tài Chánh quốc gia. Tổng nợ xấu của 27 ngân hàng ở mức trên 113 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm. Nợ xấu toàn khối NHTM được xác định tăng khoảng 8% cao gấp đôi chỉ trong 12 tháng. Nếu xét tới cả nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu tại các NHTM lớn hơn nhiều so với những gì được nói tới trong báo cáo Tài Chánh. ( https://vanhoimoi.org/?p=17007 )

Hiện trạng nợ xấu ngày nay được ví như “cục máu đông” làm tắc nghẽn dòng tiền trong huyết quản nền Kinh Tế khiến chế độ chuyên quyền lâm vào tình huống vật vã âu lo về viễn ảnh khủng hoảng tài chánh gần kề. Tình huống này nếu không giải quyết kịp thời thì tỷ lệ nợ xấu thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Bị thực tế thúc bách, Chủ tịch Quốc Hội, Vương đình Huệ yêu cầu Ủy Ban Thường Vụ xem xét cấp thời dự án luật giải quyết nợ xấu tại Các Tổ Chức Tín Dụng (TCTD) để đưa ra kỳ họp tới nhằm tránh khoảng trống pháp luật đối với hoạt động của NHTM, TCTD yếu kém, nợ xấu tăng cao . . .  Nếu Luật về giải quyết nợ xấu không được ban hành kịp thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả giải quyết nợ xấu, đồng thời sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Hiện nay, NHNN chưa có văn bản quy định cụ thể về điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng với từng nhà băng. Điều này khiến một số nhà băng có mức tăng tín dụng vượt trần do NHNN cho phép mà không có văn bản pháp lý nào để chế tài. Thí dụ: Ngân hàng Bản Việt vượt trần tín dụng gần 2,2%; Ngân hàng Bảo Việt được giao 5,5% nhưng thực tế tăng tới 31,82%. . .

Nợ xấu trong khối NHTM Việt Nam là chuyện rất xa xưa, nhưng trải qua nhiều thời, chưa có Nội Các nào chế ngư nợ xấu thành công, vì trong mạng lưới NHTM có nhiều ngõ ngách thế lực chằng chéo.

Trong hoàn cảnh khó khăn chung hiện nay, NHTM được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không phải chuyển nhóm nợ trong tối đa 12 tháng đối với các khoản nợ và khoản trả lãi đến hạn của người dân hay DN gặp khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều NHTM cho biết, chỉ cân nhắc triển hạn nợ với DN có khả năng phục hồi, vì bản thân NHTM phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu nới lỏng điều kiện tín dụng thì khó khăn của DN sẽ trở thành của NHTM.

Dù cho NHTM làm theo lệnh NHNN, thì về nguyên tắc các khoản nợ được gia hạn tự chúng đã là nợ xấu rất lâu trước đó, nay được gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ, đưa tiền đó đầu tư vào TPDN với mục đích cơ cấu lại nợ, nhóm nợ này sinh ra tiền lời hay mất vốn lại có những vấn nạn khác xẩy ra.

Trường hợp sau 12 tháng, tức ngày 23 tháng 5 năm 2024, khi thời gian gia hạn nợ trên các món nợ lần lượt hết hiệu lực, nợ xấu còn phình to hơn, vô phương che chắn. Lúc đó NHNN lại áp dụng giải pháp “Đông che Hè mở” triển hạn nợ nữa chăng ?

Trần nguyên Thao
30 May, 23

[1] https://petrotimes.vn/cap-bach-ban-hanh-luat-xu-ly-no-xau-685466.html

[2] https://cafef.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-ly-giai-nguyen-nhan-hon-1-trieu-ty-dong-ngan-quy-phai-gui-nha-bang-trong-khi-doanh-nghiep-van-dang-thieu-dong-tien-188230527112131074.chn

[3] https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/2903-vi-loi-ich-muoi-nam-trong-cay-vi-loi-ich-tram-nam-trong-nguoi.html

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen
  • HỘI LUẬN ngày 20/4/2024. Iran tấn công Israel: Chiến tranh trực diện đầu tiên bắt đầu? – Kênh đào Funan ở Cam Bốt: TC bao vây VN, sông Cửu Long cạn dòng? – Diện mạo chính trị Singapore thay đổi?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Vụ thanh trừng mới nhất của Tập vén màn bí mật khủng hoảng bất động sản
    Katsuji Nakazawa