____________________________

Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) từng trầm mình nhiều phiên trong “chảo lửa”, giảm trên 40%, được xếp vào loại TTCK tuột dốc mạnh nhất thế giới; dẫn đến 4 tháng đầu năm 2023 VN-Index vẫn nhì nhằng ở biên độ hẹp 1.030 – 1.060 điểm. TTCK chờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngấm vào nền kinh tế đẩy chứng khoán nhích lên, nhưng 5 tháng gần qua, chứng khoán vẫn mang chỉ dấu “vô vọng”. Do Chính Phủ mới xác nhận “cán bộ mọi cấp thừa hành né tránh, đùn đẩy không làm gì” khiến cho các dự án vực dậy nền kinh tế “không nhúc nhíc”.

Mọi biến động trên TTCK đều có thể tác động đến nền kinh tế và các nhà đầu tư. Vì đây là “máng” dẫn nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế và cũng là nơi đầu tư tiềm năng của công chúng. Năm 2022, TTCK Việt Nam liên tục đỏ rực trong thời gian dài. Lúc đó chứng khoán Việt Nam thê thảm nhất thế giới. Chỉ số VN-Index đã giảm từ mức đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm xuống mức thấp nhất 911,9 điểm, mất khoảng 40,34% giá trị chứng phiếu.

Hiện nay, có nhiều cổ phiếu bị giảm giá chỉ ngang bó hành lá ngoài chợ! Như trường hợp Licogi (LCS) giao dịch trên UPCoM, ngày 15-5-2023 giá tham chiếu là 2.200 đồng mỗi cổ phiếu. Phiên giao dịch hôm 18 tháng 5, công ty thủy sản kỳ cựu đã khai lỗ đến 565 tỷ, âm vốn chủ hơn 500 tỷ.

Trọn năm 2023, số lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn phải thanh toán vốn và lãi cho trái chủ là 300.000 tỷ đồng (tăng 90% so với 2022). Trong đó bất động sản và tài chính – ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40%. Nếu không đủ tiền thanh toán thì xã hội sẽ rơi vào nhiễu loạn. Trong khi chính sách hỗ trợ của chính phủ chờ mãi chưa ngấm vào nền Kinh Tế thì cũng đồng thời mang nỗi tuyệt vọng vào TTCK.

Điểm “sáng” duy nhất trên TTCK là các nhà đầu tư mới trong nước đã mở hơn 1,8 triệu trương mục trong nửa đầu năm 2022, vượt qua con số kỷ lục 1,5 triệu trương mục trong cả năm 2021. Tổng số các nhà đầu tư “non trẻ” lao vào ăn thua như thiêu thân trong 6 tháng đầu năm 2022 chiếm đến 1/3 tổng số trương mục chứng khoán trong hơn 22 năm hoạt động.

Nhưng hiện tượng ở mặt “tối rất tối” lại xuất hiện hàng loạt tên tuổi chứng khoán từng ngất ngưởng ở “đỉnh danh giá” một thời trong nhóm BĐS, Ngân Hàng Thương Mại (NHTM), sắt thép. . . đã rơi xuống hàng “chứng khoán cộng hành”. Số lượng cổ phiếu “dưới mệnh giá” cũng tăng vọt chỉ sau chưa đầy một năm. Nhiều công ty thua lỗ không có cổ phiếu nào lội ngược dòng, dù chỉ trong một vài phút phù du trên “chảo lửa”!

Năm ngoái, vụ điều tra, bắt bớ và khởi tố một số đại gia trong doanh nghiệp BĐS lớn liên quan đến các sai phạm về phát hành Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) đưa nhà đầu tư vào mối lo chung, tạo tâm lý thận trọng, tác động đến dòng tiền trên thị trường. Sự thể đang bày ra trước mắt mọi người cho thấy TTCK Việt Nam khác hoàn toàn tâm lý “hoan ca” khắp đất trời là cả mùa Xuân được làng báo Nhà Nước thêu diệt vào đầu năm 2022.

Tổng giá trị TPDN thuộc BĐS chiếm 36% trên tổng giá trị TPDN mọi ngành trên cảớc. Trong đó, có khoảng 29% giá trị TPDN thuộc BĐS không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Sự thể này mang tiềm ẩn rủi ro như “bom nổ chậm” không những cho riêng ngành BĐS, mà còn cả cho nền Kinh Tế quốc gia. (https://vanhoimoi.org/?p=13566)

Nhiều Doanh Nghiệp BĐS lớn gảm 50% lực lượng lao động hoặc phải giảm lương, tác động đến an sinh xã hội và cuộc sống người lao động.  (https://vanhoimoi.org/?p=15539)

Các diễn biến sau đây chứng minh rằng, niềm hy vọng vào chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Chính Phủ cho hai năm 2022 -2023 với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tháng 1/2022 đang “rấy lên” nỗi tuyệt vọng:

  • Tại Quốc Hội mới đây, Bộ trưởng Kế Hoạch & Đầu Tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đổ lỗi cho khó khăn chủ yếu từ bên ngoài, nhưng bên trong, khó nhất là “tâm lý thị trường, niềm tin xã hội, né tránh trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp”. [1]
  • Chứng minh cho tình trạng này, ông Dũng dẫn số liệu “né tránh trách nhiệm” chỉ riêng thành phố Saigon – đầu tầu Kinh Tế của cả nước, cho thấy: năm 2022, Saigon gởi về Trung Ương 584 văn bản hỏi han toàn những điều thuộc thẩm quyền của địa phương, khiến cho Bộ KH&ĐT phải trả lời bằng 604 văn bản. Điều này chứng tỏ, đia phương muốn “tránh né” những việc thuộc quyền giải quyết tại chỗ, đùn đẩy cho Trung Ương bằng văn bản, gây tắc nghẽn cho Kinh Tế.
  • Vài ngày sau, công khai “phân bua” trên báo chí, Chủ Tịch thành phố Saigon Phan Văn Mãi cho rằng, có nhiều vấn đề phát sinh mà quy định pháp luật chưa có cách giải quyết; những vấn đề đã có quy định nhưng luật này khác luật kia; khiến cho cách hiểu còn khác nhau nên phải hỏi. Lại có thực tế cơ quan thanh tra nói thế này, kiểm tra nói thế khác. Và những vấn đề bộ phận nghiên cứu tìm ra chưa chắc chắn nên cũng phải hỏi.

Do hiện trạng tham nhũng khó khăn hơn trước, cán bộ các cấp đồng tình “mai phục” trong tư thế “lãn công” như nhận định của Bộ KH&ĐT, khiến cho tình hình giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30/4/2023 chỉ được 110.633 tỷ đồng, khoảng 15,65% trong kế hoạch của Chính Phủ, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 trên 18%.

Tăng trưởng tín dụng cho cà nền Kinh tế, tính đến cuối tháng 04/2023, chỉ đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, bằng 2,57% so với cùng kỳ năm 2022 tăng trưởng tín dụng là 6,46%. Cuối tháng Giêng 2023, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) loan báo: “định hướng tín dụng năm 2023 tăng khoảng 14%-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.”

Ngay đối với gói 40 ngàn tỷ từng được báo chí Nhà Nước ca tụng hết lời, dành hỗ trợ lãi suất 2% cho Doanh Nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV). Hôm 16 tháng 5 năm 2023, theo số liệu của NHNN cho biết, đến hết tháng 2/2023, số tiền hỗ trợ 2% lãi suất chỉ đạt 0,64% tổng quy mô gói hỗ trợ, bằng 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng, trong tổng số 541.753 DNNVV (số liệu từ Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam).

Dòng vốn tắc nghẽn như thượng dẫn, ảnh hưởng đến sản xuất tại Việt Nam. Công ty S&P Global đã trưng dẫn chỉ số Manufacturing Purchasing Managers’ Index – PMI của Việt Nam tháng 4/2023 giảm xuống mức 46.7 so với 47.7 điểm của tháng 3. Chỉ số PMI giảm liên tục cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ 5 dưới ngưỡng trung bình (50%) trong suốt 6 tháng qua, và lần giảm này mạnh nhất trong năm tính đến nay. Do vậy, các nhà sản xuất phải hạ giá bán thành phẩm, dẫn đến giảm nhân viên lao động trong các nhà máy. [2]

Các diễn biến trên đẩy khối NHTM vào hoàn cảnh không thể thu hồi nợ, cũng đồng nghĩa tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao hơn khi Bộ KH&ĐT được báo Nhà Nước hôm mùng 9 tháng 5, dẫn thuật: “nhiều doanh nghiệp lớn đã cạn nguồn lực, phải bán gần hết tài sản, chỉ với giá 50% giá thực cho nước ngoài”. [3]

Hậu quả trên đã đưa 28 NHTM có trên sàn chứng khoán, theo số liệu báo cáo Tài Chánh hôm 16 tháng 5 cho biết, lần đầu tiên trong 27 tháng qua khối NHTM đã giảm 1.053 nhân viên so với đầu năm. Do hai lý do: một là tín dụng cho vay toàn ngành NHTM thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2022, như trên đã dẫn; một khác là  lợi nhuận ròng quý 1/2023 của ngành NHTM đã tăng trưởng âm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. [4]

Do các diễn biến trên khiến thanh khoản TTCK khá trầm lắng. Lượng tiền khách hàng gởi tại các Công Ty Chứng Khoán tiếp tục giảm, tính đến cuối quý I/2023 chỉ còn khoảng 58.000, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng.  Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường đạt khoảng 11.300 tỷ đồng mỗi phiên. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu gần 5,4 triệu tỷ đồng, so với cuối năm 2022, tương đương 56,7% GDP của nền Kinh Tế.

Sản xuất kém, thất nghiệp cao, một phen nữa dân chúng thi nhau cầu may qua cuộc “đỏ đen” trên sàn chứng khoán, khiến cho số lượng nhà đầu tư tham gia tính đến cuối tháng 2/2023 lên gần 7 triệu tài khoản, tăng 1,45% so với cuối năm 2022.

Diễn biến TTCK từ nay đến cuối năm 2023 vẫn còn u ám ở cả hai thời điểm:

  • Giai đoạn từ nay đến hết quý II, thị trường sẽ tiếp tục đi ngang gần giống 18 ngày của tháng 5 năm 2023, với biên độ hẹp (1039-1060 điểm), dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, thanh khoản ở mức thấp. Mức độ rủi ro trên thị trường cổ phiếu có phần giảm song vẫn ở mức phải cẩn thận đắn đo. Chiến lược hợp lý cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp là đừng “mua cảm xúc trong các cuộc đỏ đen cầm chắc phần thua”, mà nên “trú ẩn” đồng tiền vào kênh an toàn hơn như tiết kiệm, hoặc dành một phần nhỏ danh mục để nắm giữ cổ phiếu có lợi suất cao.
  • Đến quý III/2023, nếu chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm khơi thông nguồn vốn, ổn định thị trường tài chính, tiền tệ và BĐS được kỳ vọng phát huy tác dụng trong nửa cuối năm, TTCK khi đó sẽ “rõ nét” hơn, nhà đầu tư tay ngang mới tạm nhìn thấy cơ hội “lướt sóng”.

Kể từ phiên giao dịch đầu tiên của TTCK diễn ra vào ngày 28/07/2000 đến nay trên 22 năm đã trải qua nhiều cuộc thăng, trầm. . . Sau tháng Giêng năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO mở đầu cho thời điểm đẩy TTCK lên đỉnh. Nhà nhà “đổ xô” đi đầu tư chứng khoán, câu chuyện đầu tư chứng khoán len lỏi từ quán trà đá ngoài chợ đến mâm cơm trong gia đình. Việc kiếm tiền quá dễ dàng qua cổ phiếu làm cho những bà Mẹ xưa nay quen tay ấp tay bồng con thơ cũng trở thành nhà đầu tư giống như bên Tầu, trong thời vàng son chứng khoán.

Ngày nay, nhiều nhà đầu tư đang nghĩ đến dùng ChatGPT và một số công cụ Artificial Intelligence – AI vào mục đích phân tích thị trường chứng khoán cho các chiến lược đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, đối với TTCK Việt Nam, việc dùng ChatGPT để phân tích, dự đoán giá cổ phiếu sẽ rất khó chính xác. Bởi các thông tin về thị trường chứng khoán chưa nhiều, độ nhiễu thông tin rất cao do đó ChatGPT và các công cụ AI có thể đưa ra kết quả không đáng tin cậy. Bởi vì trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ đưa ra lời giải đoán dựa vào những gì được “học” trước đó khi tiếp nhận dữ liệu đầu vào do người dùng cung cấp. Vì vậy, đôi khi ChatGPT cho ra những câu trả lời nghe tương đối xuôi tai như kiểu giải đáp của nhà tướng số, hiểu cách nào cũng được.

Trong ngắn hạn, khả năng rất cao chỉ số VN-Index sẽ cầm cự ở vùng 1.055-1.060 điểm. Nếu mọi điều kiện diễn ra theo hướng thuận lợi nhất thì TTCK có hy vọng nhích lên mức 1150 – 1250 điểm vào cuối năm. Tuy nhiên, mức TTCK lui về thấp nhất cũng không dưới 1000 điểm.

Vào lúc kết thúc bài này, phiên giao dịch ngày 18 tháng 5 năm 2023, cổ phiếu thay nhau lài lài đổ dốc, hát mãi điệp khúc “sáng tăng, trưa giảm chiều đến tịt ngòi”, đẩy VN-Index vào vùng cầm cự 1060 điểm.

Trần nguyên Thao
18 May

[1] https://baomoi.com/van-de-lon-nhat-hien-nay-la-can-bo-ne-tranh-dun-day-khong-lam/c/45766798.epi

[2] https://vira.org.vn/tin/Ban-tin/PMI-nganh-san-xuat-cua-Viet-Nam-trong-thang-4-2023-tiep-tuc-giam.html

[3] https://dantri.com.vn/tam-diem/thay-gi-tu-chuyen-nhieu-doanh-nghiep-lon-ban-gan-het-tai-san-20230511001923534.htm

[4]https://cafef.vn/so-luong-nhan-su-trong-linh-vuc-tai-chinh-ngan-hang-lan-dau-sut-giam-sau-gan-3-nam-miet-mai-tang-truong-188230516160528479.chn

Bài liên quan:
  • GDP Việt Nam trong Bức Tranh Tương Phản
    Trần nguyên Thao
  • Vụ thanh trừng mới nhất của Tập vén màn bí mật khủng hoảng bất động sản
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/4/2023. Tranh giành quyền lực ngày càng khốc liệt, đầu lãnh Hà Nội chạy cầu cứu quan thầy!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chính sách chống trì trệ kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 13/4/2024. Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Phi: Đứng mũi, chịu sào! Thống nhất lằn ranh đỏ cho Trung Cộng ở Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt