Nguồn: “The Wagner Group halts its march on Moscow”, The Economist, 24/06/2023.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vladimir Putin dường như đã sống sót qua mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ của ông. Nhưng trong bao lâu nữa?
Mối đe dọa từ cuộc binh biến chống lại Vladimir Putin đã biến mất vào ngày 24 tháng 6 một cách đột ngột và kịch tính như khi nó nổ ra. Vào buổi sáng, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đã đưa các đội hình xe bọc thép của mình tham gia cuộc hành quân 1.000 km tiến về Moskva, tuyên bố đã áp sát trong vòng 200 km và gây ra báo động ở Điện Kremlin. Nhưng đến tối, ông ra lệnh cho các cựu chiến binh thiện chiến của mình quay trở lại, nói rằng ông không muốn làm đổ máu người Nga. Các báo cáo trên mạng xã hội cho thấy các chiến binh của ông đang bắt đầu rút lui. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết ông Prigozhin sẽ tới Belarus.
Chính xác những gì ông Prigozhin hy vọng đạt được thông qua cuộc nổi dậy của mình, và những gì ông ấy thực sự có thể đã đạt được, vẫn chưa rõ ràng. Một cách diễn giải là Prigozhin đã cúi đầu trước sức mạnh của nhà nước Nga và may mắn sống sót. Mặt khác, nếu xét sự dễ dàng bất ngờ trong việc ông ta hành quân tiến về Moskva, ông ta có thể đã đạt được một số thỏa thuận chưa được công bố rõ ràng, chẳng hạn như về giới lãnh đạo quân sự. Dù theo cách nào, Putin đã cho thấy ông không còn có thể duy trì được trật tự giữa các lãnh chúa của mình. Ông đã bị suy yếu rất nhiều bởi thách thức này—và trong thế giới của ông, sự yếu đuối có xu hướng dẫn đến bất ổn hơn nữa.
Cáo buộc quân đội chính quy tấn công lực lượng của mình, Wagner đã nổi dậy một ngày trước đó, vào ngày 23 tháng Sáu. Với rất ít hoặc không hề có đổ máu, họ đã giành quyền kiểm soát trụ sở của Quân khu phía Nam ở Rostov – một trung tâm chỉ huy và hậu cần cho cuộc chiến ở Ukraine – và nhanh chóng lên đường hành quân về Moskva. Video trên mạng xã hội sau đó cho thấy giao tranh lẻ tẻ với quân đội chính quy ở vùng Voronezh, cách đó khoảng 600 km về phía bắc. Các báo cáo chưa được xác nhận cho rằng Wagner đã bắn hạ một số máy bay quân sự của Nga. Gạt phăng những chiếc xe tải đặt trên đường để cản đường họ, các đơn vị của Wagner được cho là đã di chuyển đến vùng Lipetsk, nơi các video cho thấy máy xúc đang đào đường để làm chậm đà tiến đoàn xe của Wagner.
Trong một bài phát biểu được sắp xếp vội vàng trước toàn quốc, vị tổng thống đang trong cơn bối rối đã cáo buộc Wagner “đâm dao sau lưng” quân đội đang chiến đấu ở Ukraine và thề sẽ có một phản ứng “mạnh mẽ”. Prigozhin vặn lại rằng binh sĩ của ông là “những người yêu nước” chiến đấu vì tương lai của nước Nga. Tại Moskva, Quảng trường Đỏ đã bị đóng cửa khi thị trưởng Sergei Sobyanin tuyên bố “các chiến dịch chống khủng bố”. Điện Kremlin bác bỏ suy đoán rằng ông Putin đã rời Moskva, sau khi dữ liệu theo dõi máy bay cho thấy máy bay của tổng thống đã bay về phía bắc trước khi tắt bộ phát đáp và không còn có thể theo dõi được nữa.
Sự xáo trộn trong hàng ngũ của Nga đã khiến Ukraine vui mừng. Liệu các lực lượng của họ có thể khai thác nó về mặt quân sự hay không vẫn còn chưa rõ ràng. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, nói rằng “những người chọn con đường xấu xa sẽ tự hủy hoại chính mình”. Cuộc phản công của Ukraine, được phát động vào đầu tháng này, chỉ đạt được tiến bộ chậm chạp. Nga tuyên bố quân đội Ukraine đang “lợi dụng sự khiêu khích của Prigozhin” bằng cách tập trung vào cuộc tấn công gần Bakhmut, nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh đẫm máu có sự tham gia của Wagner. Các chỉ huy Ukraine cho biết họ vẫn chưa triển khai phần lớn lực lượng của mình và vẫn đang thăm dò các điểm yếu của Nga. Tuy nhiên, có vẻ như họ đã gây đủ áp lực lên Nga để gieo rắc sự hỗn loạn giữa các chỉ huy quân sự của nước này.
Mâu thuẫn giữa ông Prigozhin và bộ chỉ huy quân sự Nga đã rõ ràng trong nhiều tháng. Prigozhin đã phát triển một sự sùng bái cá nhân đối với bản thân, đặc biệt là trong số những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc. Lực lượng của ông, ban đầu được sử dụng cho các chiến dịch quân sự ở Châu Phi, Syria và các nơi khác, đã đảm nhận một vai trò nổi bật ở Ukraine khi cuộc xâm lược của Putin bị đình trệ. Cùng với những cựu tù nhân được hứa hẹn sẽ được ân xá trong tương lai, những tân binh của Wagner thường tỏ ra là những chiến binh giỏi hơn các đơn vị chính quy của Nga. Trong các đoạn video, Prigozhin cáo buộc những người như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov là bất tài, hèn nhát và cố tình không cung cấp vũ khí và đạn dược cho Wagner (ông thường cẩn thận không chỉ trích trực tiếp tổng thống Putin). Căng thẳng trở nên tồi tệ hơn rõ rệt sau khi Wagner tuyên bố đã chiếm được Bakhmut hồi tháng Năm. Những người lính đánh thuê rút khỏi mặt trận khi quân đội cố gắng kiểm soát họ.
Tuy nhiên, các video của ông Prigozhin vào ngày 23 tháng 6 rất đáng chú ý ngay cả khi xét đến các tiêu chuẩn thiếu tế nhị của ông. Ông đặt câu hỏi về cơ sở cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin, cách Nga gọi cuộc xâm lược, nói rằng không có mối đe dọa thực sự nào đến từ Ukraine. Thay vào đó, các lãnh đạo Nga đã đưa đất nước vào chiến tranh vì lý do tham nhũng và hư vinh. Ông cũng khẳng định rằng các lực lượng Ukraine đang có bước tiến, trái với tuyên bố của Nga là đã đẩy lùi cuộc phản công; và rằng nhiều người Nga đã chết hơn con số mà Điện Kremlin thừa nhận.
Cơn thịnh nộ của ông trở nên đáng ngại khi ông tuyên bố rằng hàng nghìn chiến binh Wagner đã bị giết bởi một cuộc tấn công bằng tên lửa không phải do Ukraine tiến hành ở mặt trận, mà là “từ phía sau”, bởi các đơn vị quân đội Nga. Thề rằng Wagner sẽ “đáp trả sự ác ôn này”, ông tuyên bố một cuộc “hành quân vì công lý” chống lại quân đội Nga, nhưng vẫn cẩn thận nói rằng đó không phải là một “cuộc đảo chính” chống lại ông Putin. Thay vào đó, ông chỉ đích danh ông Shoigu, tuyên bố rằng ông này đã ra lệnh thực hiện cuộc không kích được cho là nhằm vào Wagner và sau đó “bỏ chạy như một con chó đẻ để tránh phải giải thích lý do tại sao ông ta cử trực thăng đến tiêu diệt các chàng trai của chúng ta”.
Prigozhin thề sẽ đưa 25.000 chiến binh đến nói chuyện phải quấy với kẻ thù của mình. “Cái ác do giới lãnh đạo quân sự đất nước mang lại phải bị ngăn chặn.” Và không nói chính xác mình sẽ làm gì, ông nói thêm: “Tôi yêu cầu không ai chống lại. Chúng tôi sẽ coi tất cả những ai chống cự là mối đe dọa và tiêu diệt họ ngay lập tức.” Các nguồn tin quân sự Ukraine ước tính rằng ông Prigozhin có khoảng 30.000 chiến binh dưới quyền, trong đó có lẽ 5.000 người đã tham gia vào cuộc nổi dậy.
FSB, cơ quan an ninh chính của Nga, tuyên bố sẽ truy tố ông Prigozhin “vì kêu gọi nổi dậy vũ trang”. Tướng Sergey Surovikin, phó chỉ huy chiến dịch Ukraine của Nga (có thời điểm là người chỉ huy toàn bộ chiến dịch), ngồi với khẩu súng trường tấn công trên đầu gối khi cầu xin các đơn vị Wagner: “Tôi yêu cầu các bạn dừng lại. Kẻ thù đang mong đợi tình hình chính trị ở đất nước chúng ta trở nên tồi tệ hơn.”
Nhưng không có kết quả. Sau khi nắm quyền kiểm soát trụ sở quân sự ở Rostov vào ngày 24 tháng 6, Prigozhin đã xuất hiện trên video mắng các tướng lĩnh Nga là “những tên hề”. Ông tuyên bố rằng họ sẽ được phép tiếp tục tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, nhưng yêu cầu các Tướng Shoigu và Gerasimov đến nói chuyện với ông.
Sau vài giờ trì hoãn, Putin đã xuất hiện trên truyền hình. Ông cho biết đã liên lạc với các chỉ huy quân đội và an ninh, đồng thời tố cáo “sự phản bội nhân dân chúng ta” xuất phát từ các “tham vọng và lợi ích cá nhân quá đà”.
Ở một đất nước nơi lịch sử được đánh dấu bằng các cuộc nổi dậy và cách mạng vũ trang, ông Putin đã gợi lại bóng ma của cuộc cách mạng Bolshevik và những năm nội chiến sau khi đế quốc Nga rút khỏi Thế chiến I. “Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra lần nữa”, ông Putin tuyên bố.
Ông Prigozhin nhanh chóng trả lời: “Tổng thống đã mắc sai lầm sâu sắc khi nói về tội phản quốc. Chúng tôi là những người yêu nước, chúng tôi đã chiến đấu và đang chiến đấu vì tổ quốc. Chúng tôi không muốn đất nước tiếp tục sống trong tham nhũng, dối trá và quan liêu.”
Khi các nhà lãnh đạo phương Tây theo dõi tình hình, một số người lo ngại về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân Nga, vốn do tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng kiểm soát. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo phương Tây về “bất kỳ ý định nào nhằm lợi dụng tình hình trong nước của Nga để đạt được các mục tiêu bài Nga của họ”.
Đến tối, các sự kiện dường như đang đến hồi gay cấn. Các báo cáo cho rằng các chiến binh Chechnya – cho đến nay vẫn trung thành với ông Putin – đang tiến vào Rostov. Các nhà ga trong và xung quanh thành phố chật ních người cố gắng rời đi. Trong khi đó, bên ngoài Moskva, quân đội vội vã thiết lập các trạm kiểm soát và chất các bao cát bên ngoài thành phố.
Sau đó, tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, một đồng minh của Nga, người có nguy cơ mất quyền lực nếu ông Putin bị lật đổ, tuyên bố ông đã làm trung gian cho một thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng do “việc tiến hành một cuộc thảm sát đẫm máu trên lãnh thổ Nga là không thể chấp nhận được”. Wagner đã đồng ý dừng cuộc hành quân của mình và “thực hiện các bước tiếp theo để giảm căng thẳng”, ông nói; Wagner đã được cung cấp một “lựa chọn hoàn toàn có lợi và có thể chấp nhận được”, và các chiến binh của họ được đảm bảo an ninh.
Bản thân ông Prigozhin ngay sau đó đã phát đi một đoạn băng ghi âm tuyên bố “hiểu được trách nhiệm nếu làm đổ máu người Nga ở bất cứ bên nào, chúng tôi đang quay đầu các đoàn xe của mình và quay trở về doanh trại dã chiến theo kế hoạch.” Kế hoạch đó có thể là gì vẫn còn là một bí ẩn. Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, cho biết các cáo buộc hình sự đối với ông Prigozhin sẽ được bãi bỏ và nhà lãnh đạo Wagner sẽ tới Belarus. Không có điều kiện nào được nêu ra. Các chiến binh Wagner không tham gia cuộc nổi dậy sẽ được đưa vào quân đội.
Prigozhin tuyên bố ông không có ý định lật đổ ông Putin mà muốn cải cách ban lãnh đạo quân đội. Liệu ông có thể đòi được Tướng Shoigu hay Gerasimov ra đi như một phần của thỏa thuận rút quân hay không vẫn chưa rõ ràng. Có thể thấy, họ đã không xuất hiện trong suốt cuộc khủng hoảng và việc loại bỏ được một trong hai người sẽ là một thành công đối với Prigozhin. Các câu hỏi khác chưa được trả lời là liệu Wagner có duy trì được bất kỳ sự tự trị nào hay không và liệu Prigozhin có tiếp tục đóng vai trò trong lực lượng đó hay không.
Cho đến nay, Putin đã cho phép Prigozhin một mức độ tự do bất ngờ trong việc chỉ trích chiến dịch của mình ngay cả khi những người gọi nó là một “cuộc chiến tranh” đang bị bỏ tù. Giờ đây, Wagner dường như đã có thể tổ chức một cuộc nổi dậy vũ trang và bị Putin gọi là kẻ phản bội mà không hề phải chịu hậu quả – ít nhất là cho tới lúc này. Giống như một sa hoàng đứng trước những cậu bé ngỗ ngược, ông Putin có thể thích các cấp dưới của mình kèn cựa lẫn nhau hơn là quay lại nhắm với ông sau nhiều thất bại trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng 24 giờ nổi loạn vừa qua chắc chắn không phải là những gì ông tưởng tượng. Lần đầu tiên kể từ khi trở thành người cai trị nước Nga vào năm 2000, Putin dường như đã kề cận việc đánh mất vương miện của mình.
The Economist
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2023/06/26/nhin-lai-toan-canh-cuoc-binh-bien-cua-tap-doan-wagner/#more-51626
Ảnh minh họa: Vận Hội Mới