Hậu quả chiến dịch “đốt lò” của Tông bí Thư Nguyễn phú Trọng đang đẩy nền Khinh Tế Việt Nam khựng lại. Bởi vì bản chất của mọi diễn biến từng giúp dân chúng nhận ra: “đánh tham nhũng, bắt giữ những nhà thầu, những tay tài phiệt đỏ nhiều máu mặt” . . .  trong ý nghĩa nào đó khi nối kết với nhau, lại cho thấy, triệt hạ phe đảng hay sân sau của phía địch – chỉ hàm ý “ghét ai thì nhai cho ra bã”.  

Mỗi nhiệm kỳ 5 năm của đảng csVN lại có một đám sân sau kinh tài cho các quan đỏ trên thượng tầng kiến trúc. Các sân sau lại tổ chức “dàn đàn em” theo từng nhóm tỏa ra như vòi bạch tuộc. Từ mỗi “gốc” chúng liên kết với những phe cánh khác để chia chác lợi quyền. Đàn anh ngồi trên càng lâu thì sân sau càng vững mạnh.

Đám sân sau dựa vào thế “nhà mặt phố, bố làm quan” cạnh tranh bất chính để lãnh những gói thầu béo bở; chèn ép khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) từ sản xuất thành phẩm đến tín dụng. Gần 600 ngàn DNNVV hàng năm đóng góp đến 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động”. . . khiến cho khối DNNVV phải liên tục la làng kêu cứu để tự tồn trước bầy sói dữ.

Phần chìm của tảng băng là những nhóm lợi ích chằng chịt do các ông trùm trong chế độ đương quyền “chỉ đạo” hiện được bao che vững chắc trước các “đợt triều cường” của chiến dịch “đốt lò”, ít nhất là cho đến lúc đám đàn anh “ngã ngựa” trong cuộc đấu đá thư hùng vẫn âm thầm diễn ra nơi cung đình của csVN.

Dư âm những cú đánh vỗ mặt từng làm sửng sốt dư luận mà nhiều nhà bình luận thấy qua những vụ “xin thôi chức” của chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam tháng Giêng 2023 chưa phải đã qua đi. Bởi vì hình ảnh của những người vừa kể, phần nào được cộng đồng kinh doanh tin cậy và được coi như những quản gia tốt cho nền kinh tế. Khi họ buộc phải “ngã ngựa” đã làm giới đầu tư xôn xao, lên ruột, đồng thời làm sói mòn niềm tin về ổn định Chính Trị – một trong những yếu tố sống còn để bất cứ nước độc tài nào kêu gọi đầu tư.

Từ lúc sự kiện trên diễn ra đến nay đã 6 tháng, giới quan sát thời sự không thấy có cuộc bầu bán bổ túc nào để điền thế mấy ghế trong Bộ chính trị đã bị gạt ra ngoài hồi Tháng Giêng, khiến cho số người trong cơ chế chóp bu của đảng csVN có số người ít nhất kể từ năm 1986 đến nay. Điều này cho người ta cảm tưởng các cuộc điều đình chia ghế còn đang bị bế tắc giữa nhiều phe cánh khác nhau trong đảng csVN.

Khoảng 7,500 cán bộ đảng viên cao cấp của chế độ chuyên quyền, gồm cả Chủ Tịch Nước, nhiều Ủy Viên Bộ Chính Trị hoặc bị ép từ chức, hoặc bị bỏ tù trong khoảng gần một thập niên qua đã đưa đến kết quả là chiến dịch chống tham nhũng làm tê liệt cả các chính sách muốn thi hành, điển hình nhất là giải ngân vốn đầu tư công. Khối cán bộ các cấp đương chức nhìn “người trước lâm nạn” thì phải tìm cách né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khiến cho nền kinh tế từ tăng trưởng cao mấy năm trước nay đang khựng lại thấy rõ trong nửa đầu năm 2023:

Cán bộ đảng viên ở mọi tầng nấc lâu nay “né tránh” đưa ra các quyết định vì sợ bị quy chụp một tội trạng nào đó. Tình trạng này khiến việc chấp thuận các hợp đồng mua sắm, đặc biệt nhập cảng, bị đình trệ, và ngay cả những ngân khoản đã được cơ cấu chóp bu đảng chấp thuận cho các dự án đầu tư công cũng không được các địa phương, ngay cả các bộ ở trung ương, giải ngân sử dụng.

Dù cho Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, nhưng cho đến hiện nay 4 bộ và 2 Trường Đai Học có tỷ lệ giải ngân là 0%, gồm: Đại học quốc gia Saigon, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Quốc Phòng, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã Hội.

Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành trên toàn quốc chỉ đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỷ đồng. [1] Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng GDP theo ngành thì có đến 4 lãnh vực tăng trưởng âm trong 6 tháng qua, gồm: nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, chế xuất và bất động sản (BĐS).

Mối nguy trước mặt là trong lãnh vực BĐS, nơi có $10.7 tỷ Mỹ kim trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn cuối năm nay với nguy cơ trong số tiền đó, có tới $4.8 tỷ Mỹ kim không trả nổi nợ cho trái chủ. Bộ Công an cuối năm ngoái đã dọa rằng còn nhiều người sẽ bị bắt trong lãnh vực BĐS mà một số chức sắc điều hành công ty hay tập đoàn đã bị gọi thẩm vấn và nhiều phần bị tịch thu hộ chiếu.

Tính chung 6 tháng đầu năm, có tới 100 ngàn doanh nghiệp trong tinh trạng ngừng sản xuất, chia ra: 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.

Ngày 19 tháng 6, NHNN đã hạ lãi suất điều hành đến lần thứ 4 nội trong năm nay, khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) thi nhau hạ lãi suất cả cho vay và huy động. Nhưng theo số liệu của NHNN công bố, đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14% – 15%.

Chỉ số ngành sản xuất của Việt Nam, Manufacturing Purchasing Managers’ Index (PMI) do S&P Global theo dõi trong tháng 6 vẫn thấp ở mức 46.2 điểm. Đây là mức thấp liên tiếp trong 4 tháng PMI nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm.

Theo S&P Global, chỉ số PMI suy yếu liên tục cho thấy bức tranh khá ảm đạm về các điều kiện kinh doanh trong nửa đầu năm nay. Tình trạng thiếu đơn đặt hàng làm giảm số công nhân, tăng lượng hàng tồn kho . . .  là những hệ quả dây chuyền trong các doanh nghiệp đưa đến nhiều hoàn cảnh phải ngược xuôi, đầu xuống trôn lên mới kiếm được miếng ăn!

Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài nhất từ đầu mùa Hè đến nay ở các tỉnh miền Bắc và Miền Trung Việt Nam nhiều nơi nóng từ 35-36 độ, có lúc lên tới 40 độ C gây ra tình trạng cúp điện liên miên khiến ngành sản xuất cũng bị ảnh hưởng trong kế hoạch cắt điện 50%.

Vấn nạn khác đang chực chờ Việt Nam khi mà Nhà cầm quyền csVN đang đối diện với khả năng có thể không trả nổi nợ đáo hạn vào Tháng 11 tới đây cho các nhà đầu tư Nhật Bản và Kuwait, thuộc liên doanh đầu tư xưởng lọc dầu Nghi Sơn. Xưởng lọc Nghi Sơn (Hà Tĩnh) sẽ phải tạm dừng sản xuất hai tháng từ Tháng Tám để bảo trì, khiến tình cảnh thiếu xăng dầu sắp báo động.

Tình hình trên khiến cho thu ngân sách nhà nước tháng 6 sụt giảm sâu 27,5% so với cùng kỳ kéo tổng thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm giảm 7,8%, đạt 875,8 nghìn tỷ đồng.

Số liệu lạm phát cơ bản tăng 4,54% chính là ẩn số cho việc điều hành ổn định vỹ mô của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2023.

Lạm phát cơ bản (Core inflation) là sự thay đổi giá cả của hàng hóa và dịch vụ, ngoại trừ thực phẩm và năng lượng do giá của chúng thường xuyên biến động.

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam cũng gặp phải các khó khăn như cuộc chiến Nga – Ukraine đang tiếp diễn, gánh nặng lãi vay của doanh nghiệp, xuất cảng phụ thuộc đến 74% vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Do các yếu tố trên, Tổng Cục Thống kê được báo điện tử đảng csVN dẫn thuật hôm cuối tháng 6/2023, theo đó GDP 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam chỉ tăng 3.72%, [2] do GDP quý II/2023 tăng gần thấp nhất trong 13 năm qua.

Từ giữa tháng 04/2023 công ty Chứng Khoán hàng đầu Việt Nam, VNdirect Securities Corporation (VNDIRECT), đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ ở mức 5,5%, giảm trên 31% so với năm ngoái, nhưng với Oxford Economics thì GDP của Việt Nam năm nay chỉ ở mức 4,2% thấp hơn năm ngoái ngót 50%. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trong kỳ tham vấn cho giới cầm đầu Kinh Tế Tài Chánh của Ba-Đình cũng dự đoán GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ tăng trưởng chừng 4.7% dù xuất cảng hồi phục được phần nào nhờ các chính sách nới lỏng nội địa.

Trước đó, Quốc Hội với số phiếu 465/466 đòi chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 phải đạt 6,5%; GDP bình quân đầu người là 4.400 Mỹ kim.  (https://vanhoimoi.org/?p=16872)

Lần thứ tư trong vòng 6 tháng, sau khi đọc báo cáo chuyên đề của 26 đoàn công tác, bầu đàn thê tử thuộc Nội Các Pham Minh Chính lại họp bàn với các địa phương nhìn nhận tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, . . . Một lần nữa Chính Phủ lại hứa sẽ tháo gỡ khó khăn cho doang nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất. [3]

Nguyên nhân chính làm Kinh Tế, Tài Chánh Việt Nam khủng hoảng là lợi ích phe nhóm chồng chéo. Mà theo Giáo Sư Zachary Abuza, chuyên ngành an ninh chiến lược tại Học viện Chiến Lược Quân Sự (U.S. National War College) Washington, thì ông Trọng và vây cánh của ông ta hiện chưa thể “nhai nát” các phe đối thủ một cách công khai ít ra trong thời điểm trước mặt. Tuy nhiên họ đang cố áp lực lên gia đình, những hệ thống đỡ đầu và các đối tác kinh doanh của phe địch.

Trong hiện trạng, đảng csVN bắt buộc phải tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng, vì đó là cách “gỡ gạc” tính chính danh để cầm quyền. Tuy nhiên, Luật về quyền sở hữu đất đai hay tài sản ở Việt Nam hiện rất mù mờ, thiếu yếu tố pháp lý, nguồn nhân, vật lực để thực thi pháp luật đối với các cuộc điều tra đám cán bộ cấp cao. Cho nên động lực và cơ hội để đám quan chức thượng tầng mặc sức tham nhũng vẫn rất thênh thang.

Do vậy, chống tham nhũng thì không ngừng, còn “ăn bẩn” thì không cấm vùng nào. Bị bắt chỉ là những “đồng chí phe kia” bị lộ.

Trần nguyên Thao
July 04

[1] https://vov.vn/kinh-te/6-bo-co-quan-trung-uong-co-ty-le-giai-ngan-von-dau-tu-cong-0-post1029225.vov

[2] https://dangcongsan.vn/kinh-te/6-thang-dau-nam-2023-tang-truong-gdp-dat-3-72-640819.html

[3] https://tapchitaichinh.vn/se-ban-hanh-nghi-quyet-chuyen-de-ve-thao-go-kho-khan-cho-san-xuat-kinh-doanh.html

Bài liên quan:
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer
  • 1975 – Khi Xuân Về: Phước Long khởi đầu hoàng hôn của VNCH
    TS Nguyễn Tiến Hưng