Đảng csVN buộc phải tiếp tục “đốt lò” để tìm kiếm tính chính danh duy trì quyền lực. Nhưng có vẻ như không thế lực nào ngăn nổi toàn hệ thống cán bộ “luồn lách” ăn bẩn mọinơi: từ anh cảnh sát giao thông “thi hành luật trong góc khuất” đến cấp Ủy Viên Trung Ương đảng ăn chia tinh vi trong những dự án hàng chục ngàn tỷ đồng. . . Thực tế này đẩy không những chính sách Phục Hồi Kinh Tế sau đại dịch bị khựng lại, mà nhiều lãnh vực khác, kể cả giáo dục cũng “làm gian ăn bẩn”.

Tham nhũng ở Việt Nam liên tục diễn ra “không cấm vùng nào” chỉ là “biến thể” của chính sách đấu tố, mục đích giành lấy lợi quyền cho “phe ta”; được khởi sự thành “nề nếp” từ những đợt đánh tư sản mại bản – cướp mọi tài sản của dân Miền Nam để chia cho cán bộ ngay sau khi Bắc Việt chiếm Miền Nam, tháng 4 năm 1975. Từ đó, tham nhũng đã trở thành nếp sống ở mọi ngõ ngách trong giới cầm quyền. Bởi vì bất cứ ai, kể cả các công ty đầu tư ngoại quốc vốn FDI, khi có việc phải tiếp xúc với công quyền đều phải thuộc lòng thủ tục “đầu tiên” – không “bôi trơn” bất thành công việc!

Sau 48 năm tham nhũng lộng hành, csVN nhận ra niềm tin vào đảng trong đa số dân chúng bị khủng hoảng vì cán bộ mọi cấp trấn lột dân không chừa lại thứ gì: từ vu vạ để bỏ tù đến giết người cưỡng chiếm đất đai dân lành; chiếm đoạt tài sản ngoại kiều, gây tang thương cho hàng triệu dân oan, tù đầy oán than khắp nước. .  . Đảng nhận ra nếu không ngăn bớt đám cán bộ ăn bẩn quá lộ liễu, thì không thể củng cố lợi quyền của đám cán bộ cấp cao, nên mới chống tham nhũng.

Người chủ lò “được dán nhãn Giáo Sư” chuyên ngành Mác Lê – Nguyễn phú Trọng, luôn thích tạo dáng mô phạm – tiên phong với giáo điều “đấu tranh giai cấp” tàn bạo, đang kéo lê những ngày sống với thể lý mỏng dòn; hậu quả của cơn đột quỵ 4 năm trước mà đến nay dáng đi vẫn còn “nhọc nhằn” biểu hiện đôi nét “chấm phẩy”.

Một trong những lý do giúp ông Trọng tồn tại lâu trên 12 năm ở ngôi vị quyền lực cao nhất Việt Nam như vậy; bởi vì “bầy đàn” của ông Trọng ở Ba-Đình biết rằng vận may của họ gắn liền với người ưa “vỗ ngực xưng tên” huênh hoang về các thành tích Kinh Tế dưới tay mình, và hệ thống “đốt lò không vùng cấm”.

“Lò” của ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2013 cho tới nay vẫn cứ “cháy”. Đến cuối tháng 6 năm 2022, Việt Nam đã tổng kết chiến dịch chống tham nhũng trong 10 năm qua. Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng. Trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. [1]

Hôm 13 tháng Giêng 2023, Cổng thông tin điện tử chính Phủ xác nhận: Chỉ trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên tham nhũng, cố ý làm trái. Có 47 cán bộ thuộc Bộ Chính trị, tăng 14 trường hợp so với năm trước; bắt từ chức 5 Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII); 2 Phó Thủ tướng và 3 Thứ trưởng và nhiều cán bộ trung cấp ở các cơ quan và địa phương. Thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883 mẫu đất; xử lý hành chánh 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân vi phạm ở các cấp. Giữa tháng 5/2023, Theo báo cáo gửi Quốc hội trước Kỳ họp 5, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết trong nửa đầu năm 2023 đã khởi tố 459 vụ án về tham nhũng.

Theo tin của VOV.VN từ tháng 1/2023 đến 10 tháng 5/2023, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh….

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ, 2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án, 864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ Đạo Trung Ương theo dõi đã khởi tố 15 vụ án, 102 bị can, xét xử sơ thẩm 6 vụ án, 51 bị cáo: Khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, có tính hệ thống, tổ chức chặt chẽ liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả hai khu vực trong ngoài Nhà Nước, như các vụ tại Cục Đăng kiểm và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án gần xa đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Trong 6 tháng đầu năm, số vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tăng 36% (19.500 vụ). Sai phạm xảy ra phần lớn trong lãnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, đấu thầu, mua sắm tài sản công; lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng; cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ thuê “núp bóng” DN.

Mới nhất, sáng 11/7, báo Nhà Nước lại ồn ào tung hô các phiên toà sẽ kéo dài trong 1 tháng để xử vụ án 800 “Chuyến bay giải cứu” từng được báo Nhà Nước xưng tụng là “những chuyến bay giải cứu đầy ngạo nghễ và tự hào” của Việt Nam.

Theo mô tả của báo Nhà Nước, 54 bị can trong vụ án, mới 18 tháng trước từng được truyền thông của đảng tung hô là những “anh hùng đầy lòng vị tha” nay bị còng tay đưa ra xét xử với 5 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Người nhận hối lộ nhiều nhất là 253 lần với số tiền 42,6 tỷ đồng; người ít nhất cũng nhận 1,7 tỷ đồng. Trong số 54 bị cáo, có đến 18 người bị truy tố “án tử hình”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore thì chiến dịch “đốt lò” có những mặt tiêu cực: Gieo rắc bầu khí bất an trong bối cảnh chính trị. Nhiều quan chức sợ hãi trong việc phê duyệt dự án, ảnh hưởng đến chất lượng hoạch định chính sách cũng như cung cấp dịch vụ công; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chỉ đạt 68% kế hoạch; năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng cũng không được các địa phương, ngay cả các bộ ở trung ương, giải ngân sử dụng. Đến hết 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành trên toàn quốc chỉ đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỷ đồng. Kể từ năm 2020, hơn 40.000 công chức đã từ chức, ra khỏi bộ máy hành chính.

Có đến 4 lãnh vực quan trọng tăng trưởng âm trong 6 tháng qua, gồm: nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, chế xuất và bất động sản (BĐS).

Tính chung 6 tháng đầu năm, có tới 100 ngàn doanh nghiệp trong tinh trạng ngừng sản xuất, chia ra: 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. (https://vanhoimoi.org/?p=17586)

Trong tình huống nhiều doanh nghiệp thua lỗ, trong đó Bất động sản và Ngân Hàng lần lượt chiếm 44% và 30%; không xoay đủ tiền để thanh toán cho 223.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo năm 2023; riêng quý 3/2023, có khoảng hơn 75.900 tỷ đồng đáo hạn.  Giải pháp tốt nhất là công ty phát hành TPDN thương lượng để mua lại các trái phiếu đáo hạn; chờ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh, mới hy vọng có tiền chi trả cho các khoản nợ TPDN mua lại trước đó.

Giáo Sư chuyên nghiên cứu chính trị Đông Nam Á, Zachary Abuza cho rằng giờ đây, lãnh đạo Việt Nam dường như đã nhận thức được sự hỗn loạn chính trị trong chiến dịch “đốt lò” đã làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư. Các cuộc thanh trừng đụng đến các lãnh đạo cao nhất của Nhà Nước khiến giới doanh nhân bị giao động và làm xói mòn hình ảnh ổn định chính trị, vốn là ưu điểm của csVN.

Dựa vào những yếu tố phân tích ở trên, các chuyên gia của Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam từ mức 5,2% xuống 5%. Còn United Overseas Bank (UOB) điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,2% (từ dự báo trước đó là 6%).

Do tình trạng tính chính danh cầm quyền của đảng csVN bị suy giảm nghiêm trọng, hôm 15/6/2023 Bộ Chính Trị vội tung ra văn bản số 57-KL/TW nhằm “tăng cường thông tin đối ngoại” và “tăng cường, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại, đấu tranh dư luận”. Theo đó, csVN sẽ tung tiền ra mua chuộc, các cá nhân hay tổ chức, nối dài cánh tay tuyên truyền đánh bóng cho quyền lực của chế độ.  [2]   

Dù cho tình huống hiện nay đến như thế nào, thì TBT Nguyễn phú Trọng từng kiên định rằng “Hiến Pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng bậc nhất sau cương lĩnh của đảng”. Vì thế, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, sa vào ý thức hệ giáo điều trì hoãn thể chế hoá: chưa bao giờ csVN là nhà nước pháp quyền, chưa bao giờ có tam quyền phân lập. Việc điều hành quốc gia hoàn toàn theo ý của đảng csVN. Đó là lý do nếu hết tham nhũng thì csVN bị xóa sổ – hoăc không bao giờ chống được tham nhũng. Niềm ước mơ xây dựng “văn hóa thanh liêm” nơi cung đình của Giáo Sư Trọng như “đội đá vá trời”.

Như thế dân chúng vẫn phải tiếp tục cảnh sống trong “chảo lửa”. Mọi kế hoạch tương lai hướng đến năm 2030, đưa GDP bình quân đầu người Việt Nam lên 7.500 Mỹ kim do đảng csVN vẽ ra chỉ nhằm ru ngủ nhân dân.

Trần nguyên Thao
17 July

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62048605

[2] https://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-tac-thong-tin-doi-ngoai-gop-phan-nang-cao-vi-the-uy-tin-quoc-te-cua-viet-nam-641226.html

Bài liên quan:
  • Iran đã vạch ra lằn ranh đỏ với Israel
    Sina Toossi
  • HỘI LUẬN ngày 4/5/2024. Khủng hoảng tiếp theo khủng hoảng: Ai sẽ theo Huệ? Giải pháp ngừng bắn cho Gaza? Bão nổi Biển Đông!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Động cơ đằng sau đợt cải tổ quân đội mới nhất của Tập Cận Bình
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 28/4/2024. Tháng Tư Đen Sau 49 Năm: Đe dọa từ quan thầy phương Bắc, đấu đá tranh giành quyền lực trên thượng tầng, bài học nào cho VN?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • So sánh các chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông
    Thomas Lim & Eric Ang