_______________________________________

Giáo Hội Công Giáo Hoan Vũ sẽ có thêm 21 vị tân Hồng Y, do Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô tấn phong trong Công Nghị được Ngài loan báo triệu tập vào ngày thứ Bảy 30 tháng 9 năm 2023 tại Roma. Lần tấn phong Hồng Y thứ (8) này sẽ nâng tổng số Hồng Y lên 243 vị, trong đó có 139 vị còn trong hạn tuổi làm “cử tri” để bầu vị Giáo Hoàng tân nhiệm. Tính theo tỷ lệ thì có 71% do ĐTC Phanxicô bổ nhiệm, 22% do ĐTC Biển Đức XVI và 7% do ĐTC Gioan Phaolô II.

Theo ĐTC Phanxicô, tính phổ quát của Giáo hội được thể hiện qua nguồn gốc xuất thân của các vị tân Hồng Y, qua đó Giáo hội tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người trên trái đất.Đồng thời, việc bổ nhiệm các tân Hồng Y vào giáo phận Roma chứng tỏ mối liên hệ không thể tách rời giữa Toà Thánh Phêrô và các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới.”

Biến cố này được Truyền Thông Quốc Tế theo dõi và đưa ra nhiều phân tích đáng quan tâm: trong đó, chiều hướng “đề cao đối thoại” và những vị có cùng đường lối hoạt động như ĐTC đương kim, hoặc quan tâm cải tổ Giáo Hội Công Giáo theo đường lối “Chứng nhân chứ không phải công chức” (Testimoni, non funzionari) được ĐTC ưu tiên tuyển chọn trong “bảo mật và bất ngờ”.

Trong số 21 vị Hồng Y tân tuyển có 3 tân Bộ Trưởng thuộc Giáo Triều, gồm: Bộ Giám mục, Bộ Giáo Hội Đông Phương và Bộ Giáo Lý Đức Tin. ĐTC cũng sẽ phong Hồng Y cho 2 vị Giám mục Châu Á, Giám mục của Penang (Malaysia) và của Hồng Kông.

Lần đầu tiên trong lịch sử vị Thượng Phụ Công Giáo La-tinh, Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa, ở Giêrusalem được chọn làm Hồng Y là điểm “bất ngờ” hơn cả. Ngoài ra trong lần này các vị Hồng Y tân cử đều không ai biết trước sẽ lãnh “mũ đỏ” vào cuối tháng 9.

Với các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, giới quan sát có thể đoán được vị Giám Mục nào sắp làm Hồng Y, nhưng với ĐTC Phanxicô, điều này rất khó. Ngài thường không nhất thiết chọn lên Hồng Y những vị Tổng Giám Mục đang trách nhiệm các giáo phận, hoặc những chức vụ vốn do Hồng Y đảm trách.

Vì thế vị Tổng Giám Mục hiện thời của giáo phận Milano, lớn nhất Âu Châu, cho đến nay vẫn không được chọn làm Hồng Y, hay như Tổng giáo phận Los Angeles lớn nhất tại Mỹ, hoặc Tổng giáo phận Lima, thủ đô Peru. Tuy nhiên Đức tân Tổng Giám Mục Cabo Cano giáo phận Madrid, Tây Ban nha, vừa từ Giám Mục Phụ tá lên làm Tổng Giám Mục chính tòa, sắp trở thành Hồng Y vào ngày 30 tháng 9 tới đây.

Hay như người có cùng đường lối hoạt động, hoặc như ĐTC mong muốn: Đó là trường hợp Đức Cha Francois-Xavier Bustillo, 54 tuổi, người Tây Ban Nha đã nhập quốc tịch Pháp, thuộc dòng Phanxicô Viện Tu, Giám Mục giáo phận Ajaccio nhỏ bé, thủ phủ đảo Corse ở Pháp. Ngài là tác giả cuốn sách tựa đề “Chứng nhân chứ không phải công chức” (Testimoni, non funzionari), được ĐTC chú ý và nhân dịp lễ làm phép dầu hôm thứ 5 Tuần Thánh năm ngoái, 2022, ĐTC đã tặng các linh mục và giám mục hiện diện cuốn sách này.

Một trong những sứ vụ quan trọng của các vị Sứ Thần Tòa Thánh là chọn ứng viên Giám mục. Vì vậy, báo chí cho rằng ĐTC đã chọn 2 vị Sứ Thần Tòa Thánh ở 2 nước có hàng Giám mục đông đảo nhất là: Mỹ và Ý, để sau này các vị Sứ Thần áp dụng cách chọn ứng viên Giám Mục theo cùng đường hướng của ĐTC. Sứ thần Toà Thánh tại Mỹ là Đức Hồng Y Christophe Pierre, người Pháp; Sứ thần Tòa Thánh tại Ý là Đức Hồng Y Emil Paul Tscherrig, người Thụy sỹ. Cả hai vị đều đã quá 75 tuổi, tuổi về hưu. Nhưng khi phong làm Hồng Y, ĐTC muốn hai vị tiếp tục ở lại nhiệm sở bao lâu ngài muốn.

Đối với Giáo Triều Phanxico “Đối Thoại” là con đường cần được theo đuổi. Vì vậy ĐTC đã chọn Đức Cha Stephano Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), Dòng Tên, Giám mục Hồng Kông, làm Hồng Y, người có lập trường khác hẳn với Đức Hồng Y lão thành Giuse Trần Nhật Quân.

Tân Hồng Y Chu Thủ Nhân, từ khi còn là Giám Mục đã chủ trương đối thoại với Nhà nước Trung cộng, vì mới tháng Tư năm nay, ngài đã viếng thăm Đức Cha Lý Sơn (Li Shan), Tổng Giám Mục thủ đô Bắc Kinh, thuộc Hội Công Giáo Yêu Nước, như một dấu chỉ tiếp tục đối thoại, và Đức Cha Chu Thủ Nhân đã mời Đức Tổng Giám Mục Lý Sơn đến thăm Hồng Kông, để tiếp tục con đường “hiệp nhất” trong hàng Giám Mục ở Hoa Lục.

Khi quan sát vùng Nam Bán Cầu, Truyền Thông quốc tế ngờ rằng ĐTC đã “bỏ quên” nước Úc chăng?  Từ 20 năm nay, Giáo Hội tại Australia chỉ có Đức Tổng Giám Mục Georg Pell, Tổng Giám Mục giáo phận Sydney, nơi có 667 ngàn tín hữu Công Giáo, được ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2003. Năm 2014, ngài được mời về Vatican làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và qua đời ngày 10 tháng Giêng năm nay (2023), Giáo Hội tại Australia không có thêm Hồng Y nào nữa.

Tại New Zealand (Úc châu)  có Đức Hồng Y John Atcherley Dew, 75 tuổi (1948) nguyên Tổng Giám Mục Wellington, và 1 Hồng Y ở đảo Tongo là Soan Patita Paini Mafi, năm nay 62 tuổi (1961), thuộc dòng Đức Mẹ (S.M), được bổ nhiệm làm Hồng Y hồi năm 2015, chủ chăn của 13 ngàn tín hữu Công Giáo tổng số 100 ngàn dân cư, phần lớn là Tin Lành, sống rải rác tại 53 hải đảo.

Đối với trường hợp nước Đức đang có “Con Đường Công Nghị”, theo nhận xét của Giáo Sư Massimo Faggioli, thuộc Đại học Villanova, Pennsylvania, Hoa kỳ nói với đài Domradio ở Koeln bên Đức rằng “Công Giáo Đức bị ĐTC Phanxicô phạt khi bổ nhiệm Hồng Y”, có thể vì ĐTC thấy Giáo Hội này quá “duy ưu tú và học thuật”, như ngài đã nhận xét về “Con đường công nghị” của Giáo Hội Đức. ĐTC Phanxico không ủng hộ tiến trình đang được theo đuổi trong Công Giáo Đức.

Mặt khác, Huấn thị mới của Bộ Giáo Sĩ về canh tân giáo xứ trong Giáo Hội hoàn vũ, ban hành hôm 20 tháng 7 năm 2020, được các nơi ủng hộ và đón nhận như những chỉ dẫn quí giá, nhưng tại nước Đức, có nhiều phản ứng tiêu cực và coi đó là một cản trở chương trình đưa giáo dân vào vị trí coi sóc các giáo xứ mà nhiều giáo phận tại nước này đang theo đuổi.

Với đợt bổ nhiệm này, từ ngày 30/9 tới đây, tổng số Hồng Y cử tri lên tới 139 vị, tức là nhiều hơn 16 vị so với con số tối đa 120 vị do ĐGH Phaolô VI ấn định. Trong số các Hồng Y cử tri này có 99 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm, 31 vị do Đức Biển Đức XVI và 9 vị do ĐGH Gioan Phaolô II. Giới báo chí Ý nhận định rằng trong trường hợp có mật nghị bầu Giáo Hoàng mới, trong số các Hồng y Ý sắp được bổ nhiệm, không có vị cử tri nào là Giám Mục Giáo Phận tại Ý.

Từ nay đến cuối năm 2023, sẽ có thêm 7 Hồng Y tròn 80 tuổi; tới 2024 có thêm 12 Hồng Y tròn 80 tuổi nữa, nâng tông số các vị Hồng Y hết tuổi “cử tri” bầu Giáo Hoàng là 19 vị. Như vậy, nếu năm 2024 có diễn ra việc bầu vị Giáo Hoàng mới thì số cử tri Hồng Y cũng vẫn là 120 vi.

Như thế trong trường hợp ĐTC đương kim từ chức hay qua đời, thì Tông Hiến “Universi Dominici Gregis” (22.02.1996) quy định bầu phiếu kín “per scrutinium” (x. UDG 62) được mật nghị bầu vị Giáo Hoàng mới áp dụng. Các vị Hồng Y dưới 80 tuổi tính đến ngày ĐTC đương kim từ chức hay qua đời đều trở thành cử tri bầu cử, và có khả năng trở thành vị Giáo Hoàng tân cử nếu vị đó hội đủ 2 phần 3 số phiếu bầu.

Căn cứ vào hiện tình này, giới Truyền Thông dự đoán rất nhiều khả năng một trong những vị Hồng Y trong số 71% thuộc Hồng Y Đoàn, do ĐTC đương kim chọn lưa sẽ đắc cử. Và vì vậy, mới có suy luận rằng, đường hướng tương lai của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ chịu ảnh hưởng phần nào từ ĐTC Phanxico.

Trên thực tế, sự kiện Tòa Thánh Vatican đạt “thỏa thuận” với Bắc Kinh ngày 22 tháng 09 năm 2018, cũng nằm trong chủ trương “Đối Thoại”, đã khiến cuộc sống 12 triệu người Công Giáo trong tổng số 104 triệu Kitô hữu tại Trung cộng lâm vào hoàn cảnh đầy thử thách đau khổ khôn nguôi. Biến cố này trở thành niềm đau của số người Công Giáo lớn tuổi ở khắp nơi, kể cả người Công Giáo Việt Nam cũng rất quan tâm đến tình huống này.

Simon Caldwell viết trên tờ The Catholic Herald, ngày 17 tháng 7 năm 2023: Khi trao đổi thương thảo, chắc chắn các nhà ngoại giao Công Giáo đã hy vọng rằng thỏa thuận năm 2018 sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc về quyền tự do thờ phượng ở Trung cộng, nơi cai trị bởi Chính Phủ vô thần. Nhưng, thực tế thì những “lạc quan” ban đầu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi vì chẳng bao lâu sau đó, năm 2019, Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai kế hoạch 5 năm nhằm “Hán hóa” Kitô giáo; thắt chặt các hạn chế đối với quyền của các Kitô hữu, những người nằm trong khoảng 5% dân số 1.4 tỷ người, đồng thời vi phạm thỏa thuận ban đầu với Tòa thánh, được gia hạn vào năm 2020 và lần mới nhất gia hạn ngày 22 tháng 10 năm 2022.

Hãng tin Reuters thuật lời ĐTC Phanxico nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, Ngài tin “thỏa thuận đang tiến hành tốt đẹp”- “the agreement is moving well”. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, Vatican đã buộc phải thừa nhận trái lại rằng, thỏa thuận này thực sự đang diễn ra rất tồi tệ. [Within just four months, however, the Vatican was forced to concede that the agreement was, on the contrary, moving very badly indeed.] [2]

Sự thể này liệu có phá vỡ niềm hy vọng của ĐTC cho rằng, thỏa thuận mà Ngài đã gia hạn lần thứ 2 vào năm 2022 mang lại kết quả tích cực?

Tuy nhiên, thật khó để có thể kiểm chứng một cách độc lập các điều khoản bí mật trong thỏa hiệp với bất cứ nhà cầm quyền cộng sản vô thần nào, dù họ ở Trung Nam Hải hay Ba-Đình cũng vẫn là những thế lực tội ác. Họ chỉ khai thác những những bí mật của thỏa thuận với Tòa Thánh Vartican nhằm hủy hoại Niềm Tin của Người Tín Hữu Công Giáo.

Kiên Chính
(Tổng hợp)

[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-07/duc-thanh-cha-cong-bo-tan-phong-21-tan-hong-y-vao-ngay-30-9.html

[2] https://catholicherald.co.uk/just-how-much-faith-should-rome-place-in-a-deal-with-china-which-is-routinely-flouted/

 

Bài liên quan:
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • PHÉP RỬA: ĐƯỜNG DẪN ĐẾN NƯỚC TRỜI
    TS Trần Mỹ Duyệt