Trần Nguyên Thao
Nền Kinh Tế, Tài Chánh Việt Nam đã lệ thuộc Trung cộng tính từ Mật Ước Thành Đô đến nay đã 33 năm. Hôm 11 tháng 9 vừa qua một phần nhờ có “đất hiếm” đã giúp Việt Nam nhảy 2 nấc, đưa ngoại giao Việt-Mỹ lên thang bậc cao nhất: Đối Tác Chiến Lựơc Toàn Diện. Biến chuyển này hứa hẹn về mặt Kinh Tế, sẽ đẩy nhanh nỗ lực của Việt Nam trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nạn “tham nhũng chẳng cấm vùng nào” vẫn tồn tại, thì Việt Nam khó “thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”. [1]
Mặc cho Trung Nam Hải trước đó liên tiếp kêu gọi Hà-nội “củng cố niềm tin chính trị”, Ba-đình vẫn “nâng ly Sâm Banh” với “kẻ cựu thù” trong tiệc mừng bước tiến ngoại giao hai bên vừa đạt tới nấc tột đỉnh. Sự kiện này diễn ra đúng lúc Bắc Kinh đang “vật vã” vì: hai nhóm ngân hàng và Bất Động Sản (BĐS) thi nhau vỡ nợ. Trong khi tài sản khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) Việt Nam cũng lại bất ngờ giảm đến 327 ngàn tỷ đồng vào tháng Bảy “mưa ngâu”… “Hầu bao” của khối NHTM xẹp xuống cũng ảnh hưởng xấu phần nào tới tăng trưởng GDP của Việt Nam bị World Bank (WB) dự báo chỉ ở mức 4,7% cho năm nay, thay vì 6,5% như mục tiêu đòi hỏi.
Vì muốn “lấy điểm”, Chủ Tịch Nước Việt Nam, ông Võ văn Thưởng phân bua rằng, không phải bây giờ, mà ngay từ 1946, chủ tịch Việt Nam lúc đó, ông Hồ Chí Minh “đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ, Harry Truman bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ ‘hợp tác đầy đủ’ với Mỹ”. Tuy nhiên, theo ông Thưởng, “do những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử, mong muốn ấy đã trải qua nhiều thác ghềnh, thử thách”. Vẫn theo ông Thưởng “chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như ngày nay, từ cựu thù trở thành Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện”.
Với thang bậc ngoại giao cao nhất, Hoa Kỳ ngày nay trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 5 của Việt Nam, bên cạnh Trung cộng, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Trong tiệc mừng, Tổng thống Mỹ dùng hai câu thơ ở chuyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để đáp lời của ông Thưởng “Vinh hoa bõ lúc phong trần / Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”. Báo Nhà Nước mô tả ý của Tổng thống Biden: “đây là ngày chúng ta có thể cảm nhận được vinh hoa và ấm áp của những cơ hội vô hạn mở ra trước mắt chúng ta”.
Cũng tương tự như mối ngoại giao “keo sơn” 16 chữ vàng giữa Ba-đình với Trung Nam Hải, cơ quan ngôn luận của đảng csVN, báo Nhân Dân thuật lời Ông Nguyễn phú Trọng mô tả mối quan hệ Việt-Mỹ với 16 từ “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Ông Trọng gọi 16 chữ này là “phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt-Mỹ”. [2]
Nhìn sang phương Bắc, trước đó, tuần lễ đầu tháng 9/2023 báo Bloomberg đưa ra nhận định, cũng còn khoảng 20 năm nữa, giữa thập kỷ 2040 Trung cộng mới hy vọng có khả năng vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng dự đoán này sẽ chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn trước khi bị “tụt lại phía sau”.
Theo dữ liệu từ Standard & Poor’s, Hoa Lục hiện có khoảng 50 doanh nghiệp BĐS đã trễ hạn thanh toán nợ trong 3 năm qua, trong đó có nhiều công ty vỡ nợ. Ước tính của công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Research, số nợ chưa trả được của các công ty phát triển BĐS bên Tầu hiện lến đến 390 tỷ Mỹ kim:
- Điển hình là hai đại Tập Đoàn BĐS: Country Garden và China Evergrande đều làm ăn thua lỗ lớn; đang trễ hạn thanh toán nợ trái phiếu quốc tế và đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh vỡ nợ.
- Zhongrong International Trust, công ty quản lý 85 tỷ USD tài sản, gần đây đã trễ hạn thanh toán cho nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư tới các văn phòng của Zhongrong ở Bắc Kinh để đòi tiền lại.
Tổng kim ngạch xuất nhập cảng của Tầu đều lao dốc. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hoa lục giảm hơn 80% ở quý II, so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Trung cộng giảm lần đầu tiên sau 2 năm – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Chỉ số Hang Seng Index của thị trường chứng khoán Hồng Kông, nơi có nhiều doanh nghiệp lớn của Trung cộng niêm yết cổ phiếu, tuần trước đã rơi vào trạng thái thị trường (bear market), giảm hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1.
Nhìn vào Việt Nam, hàng loạt các thành phố đầu tầu Kinh Tế đang “cài số lui” khiến cho nền Kinh Tế cả nước thụt lùi nghiêm trọng. Suốt từ đầu tháng 4 tới nay, các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Thế nhưng, dòng tiền chủ yếu gửi tiết kiệm trong khi nhu cầu vay vốn giảm khiến ngân hàng tồn kho tiền. Do đó, việc phải tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân thời điểm này cũng là 1 cách giúp ngân hàng “chữa bệnh” thừa tiền.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022. Như vậy, tiền gửi của dân cư tăng liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái. Trái ngược với dòng tiền người dân gửi vào ngân hàng liên tục tăng, dòng tiền cho vay của khối NHTM lại chậm đáng kể khiến tăng trưởng tín dụng thấp nhất 10 năm trở lại đây.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng cuối năm 2023, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng… NHNN giải thích là “doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay, đây là vấn đề rất khó giải quyết!”.
Viễn ảnh Kinh Tế u ám đang phủ bóng trên toàn Hoa Lục, đồng thời với nền Kinh Tế Việt Nam thụt lùi buộc csVN phải “mở đường” sang bến khác. Dựa vào “đất hiếm” với trữ lượng đứng thứ hai trên thế giới để sản xuất ra Chip bán dẫn – yếu tố này trở thành tâm điểm trong chuyến thăm Việt Nam của TT Biden trong 2 ngày 10 và 11 tháng 9.
Đài RFA hôm 11 tháng 9 dẫn tin của AFP cho biết, TT Joe Biden công bố Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã thống nhất thỏa thuận trị giá 10 tỷ Mỹ kim với Boeing mua 50 máy bay 737 Max của hãng này. Hãng Vietjet và tập đoàn tài chính Carlyle của Hoa Kỳ ký kết thỏa thuận tài trợ máy bay trị giá 550 triệu Mỹ kim. Cụ thể Công ty Carlyle Aviation Partners thuộc Tập đoàn Carlyle sẽ cung cấp tài chính cho loạt máy bay 737 Max thuộc đơn hàng 200 chiếc của Vietjet với Boeing.
Một số thỏa thuận kinh tế khác được công bố gồm dự án của hãng Microsoft về việc phát triển một giải pháp trên AI (trí tuệ nhân tạo) cho Việt Nam, và NVIDIA hợp tác với các hãng nội địa Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công nghệ đám mây, ô tô và lĩnh vực y tế.
Nhà Trắng cho biết một nhà máy trị giá 1,6 tỷ Mỹ kim do doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư sản xuất chip ở vị trí gần Hà Nội sẽ sớm đi vào hoạt động. Hiện công ty GlobalFoundries chuyên sản xuất các mạch tích hợp trên tấm bán dẫn cho điện thoại thông minh, xe hơi và các ứng dụng khác cũng có mặt trong phái đoàn Mỹ lần này.
Hướng đến các lãnh đao cao cấp của các đại công ty Hoa Kỳ, gồm: Google, Intel, GlobalFoundaries, Boeing, ông Biden kêu gọi, “Chúng ta cần phát triển và thúc đẩy sự hợp tác của mình. Chúng ta cần tạo dựng các mối quan hệ đối tác mới”.
Sự kiện một số đại tập đoàn công nghệ Mỹ chiếu cố Việt Nam, được Truyền Thông Nhà Nước tô vẽ: khắp đất trời Việt Nam sẽ là cả mùa Xuân, do nền Kinh Tế đang bước vào giai đoan hưng phấn mới vì “đại bàng” đã chọn Việt Nam để “làm tổ”.
Toàn cảnh đón tiếp, với rượu thịt linh đình, nhiều hợp đồng làm ăn được ký kết hòa quyện với những lời “văn vẻ chải chuốt” cùng với cách cư xử “đểu cáng” của Ba-đình trong khi vẫn “cầu tài” với “kẻ cựu thù” được đám bình dân diễn tả với nụ cười mỉa mai trong 8 chữ “nịnh hết nước chấm” và “đểu hết nước chấm”!
Trong tương lai hàng xuất cảng của Việt Nam hy vọng có phẩm chất cao hơn do tiếp cận được với công nghệ tân tiến. Công nghệ của Việt Nam hiện nay phần lớn thuộc loại hàng tái chế xuất, dùng quá nhiều sức lao động để sản xuất ra những loại hàng phẩm chất không cao.
Tuy nhiên, về phương diện Nhân Quyền cho Dân Tộc Việt Nam thì vẫn cần sự tranh đấu khôn ngoan và kiên trì của mọi giới. Bởi vì ngay trong lúc TT Biden còn ở Việt Nam, đã bị csVN ra lệnh cho Truyền Thông thuộc quyền “đục bỏ” những điều ông tuyên bố với tư cách Tổng Thống Hoa Kỳ lên tiếng cho Nhân Quyền.
Trần Nguyên Thao
Sept 12-2023
[1] https://vneconomy.vn/chia-khoa-nao-dua-viet-nam-thoat-bay-thu-nhap-trung-binh.htm
[2] https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-biden-lay-kieu-o-ha-noi-tbt-trong-danh-16-chu-vang-cho-quan-he-viet-my/7263223.html