Nền Kinh tế Việt Nam đang ở vào hoàn cảnh bị Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự báo, GDP năm 2023 chỉ ở mức 4,7%. Trong khi tín dụng lại ứ đọng vì sản xuất đình đốn; doanh nghiệp biết lãi suất dù thấp vẫn “dửng dưng”, buộc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) phải tìm cách hút tiền về. Thừa tiền, nhưng Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) lại “rung lắc” khiến cho giới chuyên gia cũng không hiểu tại sao tiền vẫn dư mà cổ phiếu lại giảm điểm mạnh.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 28 tháng 9 cho rằng, đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam đã bị chững lại do các “cơn gió nghịch” tác động mạnh tới nền kinh tế vào cuối năm 2022 và trong nửa đầu năm 2023 nên tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam sẽ chỉ quanh mức 4,7%. Trước đó, hôm 10 tháng 8, World Bank cũng đã dự báo, môi trường bên ngoài khó khăn và nhu cầu trong nước suy yếu, GDP Việt Nam trong năm nay cũng chỉ ở mức 4,7%. 

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III năm 2003 tăng lên 5,33%, nhưng vẫn không thể nào đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay, do nhu cầu xuất khẩu yếu, sản xuất đình đốn được minh chứng bằng chỉ số nhà quản trị mua hang – Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam, lần đầu tiên sau nhiều tháng giảm liên tiếp, nay đã được 49,7 điểm, gần tới ngưỡng trung bình trong tháng 9. Kết quả này, mô tả các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam vẫn còn suy giảm,  mặc cho NHNN đã giảm lãi suất điều hành đến 4 lần.

Nội Các Pham minh Chính trông cậy vào giải ngân vốn đầu tư công như cột trụ góp phần cải thiện tình thế. Vì vậy ông Chính ra sức thúc đẩy các cơ quan thuộc quyền giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại năm 2023 để giúp tăng trưởng GDP lên 9% nhằm bù đắp vào GDP thấp từ các tháng trước. Nhưng cho đến nay hết 9 tháng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công toàn quốc chỉ được 363.310,6 tỷ đồng, đạt 47,75% kế hoạch. Có tới 30 bộ, ngành và địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% kế hoạch. Tại 57 địa phương còn 298 dự án chỉ giải ngân được dưới 10%. Và tới 109 dự án tại 41 địa phương chưa giải ngân đồng nào. Trước thực tế này, Bộ Tài chính đề nghị, cắt giảm vốn đã phân phối cho bất cứ dự án nào, nếu đến ngày 30/10 vẫn chưa giải ngân.

Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thị trường Lao động đã khảo sát gần 10,000 xí nghiệp với hơn 233,400 công nhân trong 3 tháng gần đây để đưa ra dự báo khoảng 1,200 công ty lớn nhỏ mọi ngành nghề ở Sài Gòn dự trù cắt hoặc giảm công nhân trong năm nay do kinh tế tiếp tục đình đốn, đặc biệt là khu vực chế xuất và dịch vụ như: xây dựng, sửa chữa xe, vận tải, buôn bán.

Tổng cục Thống kê hôm 29 Tháng 9 cho biết, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm mất 8.3% so với năm ngoái. Nguyên nhân, theo cơ quan này thì “khu vực xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.”

Mục tiêu thủ tướng Chính đề ra cho giai đoạn nửa cuối năm nay “có vẻ xa vời”. Bởi vì “bất kỳ nghiệp vụ tài chánh nào, chẳng hạn như  ông Chính đã thúc NHNN “cắt giảm lãi suất điều hành rất nhiều lần, ép các NHTM hạ lãi suất cho vay . . . không phải là “đôi đũa thần” mà nó chỉ là “công cụ hỗ trợ” cho tăng trưởng GDP nên rất cần có thời gian để dòng tiền trải qua các vòng quay mới thẩm thấu được vào nền kinh tế”.

Tổng kim ngạch xuất, nhập cảng hàng hóa trong 8 tháng của năm 2023 đạt 435,23 tỷ Mỹ kim, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất cảng giảm 10%, nhập cảng giảm 16,2%. Trong tình huống này, thay vì giảm mục tiêu tăng trưởng, ông Chính lại thúc ép cả chính phủ và NHNN chạy đua để đạt tăng trưởng khoảng 9% cho các tháng còn lại của năm 2023. (https://vanhoimoi.org/?p=18205)

Chỉ trong Tháng Chín, Ba-Đình “đã ban hành 6 nghị định, 13 nghị quyết”. Riêng ông thủ tướng Chính đã đưa ra “2 quyết định và 8 công điện” hối thúc. Cộng chung lại, Ba-Đình đã đưa ra “67 nghị định, 175 nghị quyết” và riêng ông thủ tướng đã “ban hành 25 văn bản lập quy, nhiều quyết định cá biệt và 24 chỉ thị” nhằm đẩy cỗ máy sản xuất kinh tế chạy đua với chỉ tiêu nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Nền Tài Chánh Việt Nam hiện nằm vào cả 4 trường hợp:

  • [1] Tính đến đầu tháng 10, trong 9 phiên giao dịch vừa qua, NHNN tiếp tục hút tiền đồng ra khỏi hệ thống NHTM, chào thầu thành công tổng cộng gần 110.600 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
  • [2] Dù NHNN rút thêm tiền khỏi hệ thống NHTM, lãi suất liên ngân hàng qua đêm vẫn ở mức thấp trong thời gian dài là sự kiện bất thường, đến ngày 29 tháng 9 vừa qua, mức lãi suất này lại tuột xuống mức siêu thấp chỉ còn 0.19%/năm. Tuy nhiên đến hôm 02 tháng 10 lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên 0,55% từ mức 0,19% ghi nhận vào phiên trước đó (29/9).
  • [3] Lần đầu tiên sau 3 năm, khối ngân hàng thương mại (NHTM) lại thấy hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Tính đến 20 tháng 9, tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế chỉ đạt 5.73%, thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm 2022; và mới bằng khoảng 41% so với định hướng tín dụng cả năm 2023 là 14%-15%.
  • [4] Trong báo cáo phân tích gần đây, công ty chứng khoán BSC cho biết, số tiền đồng dư ra tại hệ thống NHTM đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng.

Cả (4) hiện tượng trên cho thấy nền Kinh Tế không thể hấp thụ nổi mức tín dụng trung bình theo với thời gian, dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trên toàn hệ thống Tài Chánh của khối NHTM.

Trong lúc tỷ giá đồng bạc Xanh so với tiền Việt nam vẫn tăng liên tục: ngày 05 tháng 10 giá mua, bán mỗi Mỹ kim hiện nằm trong khoảng từ 23.400 – 25.300 đồng. Tiền đồng Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã mất giá trên 3% so Mỹ kim. Tình trạng tỷ giá Mỹ kim liên tục tăng có thể tác động tới hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vay bằng Mỹ kim, xuất nhập khẩu có thể gặp sự thay đổi ngay trong quý 3. [1]

Biến chuyển này đã thúc đẩy NHNN mua vào 9 tháng qua trên 6 tỷ Mỹ kim, trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam trước đó vào khoảng 88 tỷ Mỹ Kim. Như vậy Việt Nam vẫn đủ ngoại tệ cho nhu cầu nhập cảng, và có thể can thiệp vào thị trường tỷ giá.

Lãi suất cho vay đã giảm liên tục, xuống tương đương thời kỳ dịch Covid-19, cho dù NHTM “thừa tiền” nhưng doanh nghiệp khó “chạm tay”. Nhiều doanh nghiệp kêu ca, với các doanh nghiệp nhỏ việc vay vốn ngân hàng rất khó vì thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt hồ sơ vay tiền khá dài. Hồ sơ tín dụng ngắn hạn cũng phải mất 1-3 tháng mới xong, với khoản vay trung hay dài hạn trung bình mất 3 tháng, có trường hợp lên đến 6 tháng hoặc hơn.

Trong 9 tháng qua, đã có tới 135 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sản xuất, bình quân một tháng có 15 ngàn.  Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 1,65%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 – 2023.

Nhìn sang Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) Việt Nam hiện thanh khoản tụt xuống đáy 5 tháng. Sau những nỗ lực hồi phục bất thành, lực bán mạnh dâng cao trong phiên chiều mùng 5 tháng 10 đã khiến chỉ số chính nhanh chóng mất điểm, lùi sát về khu vực 1.110 điểm. Khối ngoại mạnh tay bán ròng hơn 700 tỷ đồng trong phiên 5/10 khiến VN-Index giảm 15 điểm. Tâm điểm bán tháo xuất hiện tại dòng cổ phiếu chứng khoán, bất động sản khi đồng loạt nằm sàn khiến thị trường giảm nhanh chóng, “chọc thủng” ngưỡng phòng thủ ngay vài ngày trước. [2]

Qua hiện thực trên, nếu Ba-Đình muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho năm 2023, thì tăng trưởng GDP quý IV cần đạt trên 12% – mơ ước này được ví như sợi chỉ mành đong đưa trước gió. Bởi vì các giải pháp của Chính Phủ đối với nền Kinh Tế, Tài Chánh đang yếu kém đưa lại kết quả khá khiêm tốn. Như thế, hy vọng đạt mục tiêu GDP của năm 2023 là ngoài tầm với của Ba-Đình.

Trần nguyên Thao
05 Oct, 2023

[1] https://congthuong.vn/ty-gia-usd-hom-nay-5102023-gia-do-hom-nay-usd-vcb-tiep-tuc-da-tang-manh-276507.html

[2] https://cafef.vn/khoi-ngoai-manh-tay-ban-rong-hon-700-ty-dong-trong-phien-vn-index-giam-15-diem-188231005152913668.chn

Bài liên quan:
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt