_______________________________________

Chỗ dựa của csVN là Bắc Kinh, nhưng nền Kinh Tế Bắc phương đang lộ ra nhiều nhược điểm “mang tính cấu trúc”.  Cũng tương đương như Việt Nam, lĩnh vực bất động sản (BĐS) của Trung cộng chiếm từ 20-30% trị giá nền Kinh Tế đang trầm mình vào vòng xoáy đầu tư quá mức bằng những khoản nợ, trong đó cùng với nợ công của Trung cộng đã trên 300% GDP. . . Đẩy nền Kinh Tế nước Tầu từ tăng trưởng lâu dài nay phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả hiện tượng suy giảm nhân khẩu học. Những tín hiệu này cho thế giới thấy nền Kinh Tế Hoa Lục và csVN về mặt cơ cấu dường như cần xem xét lại.

Băc Kinh đang đối mặt với nền kinh tế quy mô 18.000 tỷ Mỹ kim đang thụt lùi nghiêm trọng. Người tiêu dùng ngại chi tiêu. Xuất khẩu đi xuống. Giá cả giảm và hơn 20%, người trẻ đang thất nghiệp. Country Garden – công ty BĐS tư nhân lớn nhất nước với 3.000 dự án đang có nguy cơ vỡ nợ. Quỹ đầu tư Zhongzhi Enterprise Group – một trong những ngân hàng ngầm lớn nhất nước Tầu – cũng đang bị khách hàng phản đối vì chậm trễ thanh toán.

Hôm 31 tháng 8, qua dẫn thuật của BBC, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mô tả nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một “quả bom hẹn giờ”.  Trước đó, các nhà lập pháp ở Quốc Hội Mỹ đã đưa ra luật yêu cầu chính quyền Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình trong các tổ chức quốc tế để tước bỏ tư cách là một quốc gia đang phát triển của Trung cộng. [1]

Hôm 28 tháng 8, BBC loan tin, sau khi đã mất 99% giá trị trong 3 năm trước, cổ phiếu của công ty BĐS Evergrande bên Tầu đang giảm khoảng 80% khi họ bắt đầu giao dịch tại Hong Kong lần đầu tiên sau một năm rưỡi ngưng hoạt động. Trước đó (1) ngày, 27 tháng 8, công ty loan báo đã lỗ 33 tỷ nhân dân tệ, bằng 4,5 tỷ Mỹ kim trong sáu tháng đầu năm. Biến cố này đẩy Evergrande vào tâm điểm của cuộc khủng hoảng thị trường BĐS, đe dọa toàn Hoa Lục – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. [2]

Nhìn vào kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua nhắm vào mô hình tăng năng suất. Trong đó 3 lĩnh vực trọng tâm Chính Phủ ra sức chỉnh đốn để yểm trợ sản xuất cho đến nay vẫn luôn nhì nhằng, ì ạch: (i) Giải ngân vốn đầu tư công được coi là “chìa khóa” tăng trưởng GDP thì 7 tháng qua chỉ đạt được 37,85% kế hoạch. (ii) Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty này vẫn thua lỗ. (iii) Nợ xấu của 27 Ngân hàng Thương Mại (NHTM) vẫn ở tỷ lệ cao, trong đó ngân hàng Quốc Dân NCB – mã chứng khoán: NVB, có nợ xấu đến 26,65%.

Cũng giống như bên Tầu, khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) là nơi cung ứng vốn chính cho nền Kinh Tế, lại cho ngành BĐS vay nhiều hơn các ngành nghề khác. Do vậy, khi BĐS gặp khủng hoảng, thì đương nhiên khối NHTM chẳng những mất thu nhập mà còn đầy nợ xấu. Khi đó, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) lại phải cho “khoanh nợ”, “giãn nợ” để giữ tiếng là nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.

Quy mô tài sản BĐS của Việt Nam năm 2020 trên tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỷ Mỹ kim); ước tính đến năm 2025 là 21,2% (462,7 tỷ Mỹ kim) rồi đến năm 2030 sẽ là 22,0% (1232,29 tỷ Mỹ kim). Năm 2022, ngành BĐS Việt Nam đã có trên 1200 công ty phá sản.

Tính đến đầu tháng 8 năm 2023 ngành BĐS Việt Nam giảm 16,2%, kéo theo xây dựng giảm 19,8%. Riêng Saigon, nơi có quy mô BĐS lớn nhất nước; 6 tháng đầu năm nay lâm vào tình trạng tăng trưởng âm (giảm 11,58%) so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ BĐS cũng giảm 8,3% so với cùng kỳ. Đây là 2 lĩnh vực có mức giảm lớn nhất trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu.

Riêng tín dụng dành cho BĐS đã chiếm 25% và tăng trưởng tín dụng dành cho BĐS năm 2022 cũng đã vượt qua con số hơn 20%. Đây là điểm khác biệt rõ ràng về bản chất ngành BĐS ở Việt Nam với các quốc gia phát triển, và do đó cũng là điểm yếu, rủi ro cho nền Kinh Tế. Nền Kinh Tế có thể rơi vào bẫy “con tin”, nếu quá lệ thuộc vào BĐS đang thời kỳ “khủng hoảng”.

Thời điểm cuối năm 2022 câu chuyện “giải cứu” BĐS của Nội Các Pham minh Chính là chủ đề gây rất nhiều tranh cãi, là lúc các doanh nghiệp BĐS đều rơi vào khủng hoảng về thanh khoản, mà vấn đề lớn nhất là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong đó vốn vay trái phiếu của ngành BĐS chiếm tỷ trọng lớn hơn cả tỷ trọng tín dụng ngân hàng.

Theo FiinRatings, TPDN đáo hạn vẫn là mối quan tâm chính của thị trường do khoảng 45% lượng trái phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2022 sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024. TPDN của các nhà phát triển BĐS chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số TPDN đáo hạn khoảng 51,0% vào năm 2023 và 50,5% vào năm 2024.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global theo dõi từ đầu năm 2023, lần lượt với số điểm: tháng Giêng 47,4; tháng Hai 51,2; tháng Ba 47,7; tháng Tư 46,7; tháng Năm 45,3; tháng Sáu 46,2; tháng Bảy 48,7. Kết quả này cho thấy ngoại trừ tháng Hai PMI Việt Nam ở trên ngưỡng trung bình 50 điểm, 6 tháng còn lại có số điểm dưới ngưỡng trung bình; diễn tả điều kiện hoạt động sản xuất vẫn thấp liên tục đưa đến tình trạng công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm vào lúc lạm phát cơ bản tăng 4,57%, đẩy nhu yếu phẩm và nhiên liệu tăng giá đuổi theo chỉ số lương tăng của công chức cán bộ từ đầu tháng 7.   Mặc cho thiên tai, ngành du lịch Việt Nam gần 8 tháng qua đã đón gần 8 triệu du khách quốc tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 6-8%. Trong khi cũng thời tiết nắng nóng làm thiếu hụt điện năng; giảm sản xuất, gây thiệt hại cho Việt nam lối 1,4 tỷ Mỹ kim.

Nhìn từ trong nước, khu vực tài chính đang đối mặt với những rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương ngày càng lớn, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ và tiến hành đổi mới. Trong khi hàng tháng trung bình có khoảng 20 ngàn doanh nghiệp phá sản, ngưng sản xuất thì Chính Phủ lại cố sức “ép” khối NHTM giảm lãi suất cho vay; khiến tín dụng chảy vào vùng chứng khoán và bất chấp có khủng hoảng, đồng tiền “rẻ” vẫn lọt qua khe BĐS.

Cùng hoàn cảnh, Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 trong 3 tháng gần đây. Tại Việt Nam, NHNN từng “bóng gió phân bua” nhưng cũng đã hạ lãi suất điều hành 4 lần (15/3; 03/04; 25/5 và 19/6), đồng thời còn áp lực khối NHTM cắt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm để làm hài lòng ông Chính.

Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3.72% nửa đầu năm 2023, mức độ thấp nhất trong suốt một thập niên qua. Tổng kim ngạch xuất, nhập cảng hàng hóa trong 8 tháng của năm 2023 đạt 435,23 tỷ Mỹ kim, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất cảng giảm 10%, nhập cảng giảm 16,2%. Trong tình huống này, thay vì giảm mục tiêu tăng trưởng, ông Chính lại thúc ép cả chính phủ và NHNN chạy đua để đạt tăng trưởng khoảng 9% cho các tháng còn lại của năm 2023.

Mục tiêu thủ tướng Chính đề ra cho giai đoạn nửa cuối năm nay “còn có vẻ xa vời”. Bởi vì “bất kỳ nghiệp vụ tài chánh nào, chẳng hạn như  ông Chính đã thúc NHNN “cắt giảm lãi suất điều hành rất nhiều lần, ép các NHTM hạ lãi suất cho vay . . . không phải là “đôi đũa thần” mà nó chỉ là “công cụ hỗ trợ” cho tăng trưởng GDP nên rất cần có thời gian để dòng tiền trải qua các vòng quay mới thẩm thấu được vào nền kinh tế”.

Đa số những vùng được phong là “đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước” từ trước đến nay lại bất ngờ tăng trưởng chậm lại, thậm chí thụt lùi là “rất đáng ngại”, trong đó có nơi tăng trưởng rất chậm là Saigon tăng trưởng 0,7%; Cần Thơ, Bình Dương chỉ có 1,15%. Các vùng tăng trưởng thụt lùi là Bà Rịa – Vũng Tàu -4,75%; Bắc Ninh -11,85%, Vĩnh Phúc -2,7%; Quảng Ngãi -1,07. . . Các vùng vừa kể là các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, xuất cảng đồng thời có tốc độ đô thị hóa cao và quy mô dân số cũng như kinh tế lớn. Thực tế này chứng tỏ rằng “sức khỏe” doanh nghiệp của cả nước đang như cơn bệnh “trầm kha”, do đó ảnh hưởng rất xấu trên tăng trưởng GDP của cả nước.

Từ đầu năm đến nay nền Kinh Tế Việt Nam đi giật lùi nên nhiều phần sẽ không đạt chỉ tiêu 6.5% như đảng csVN đề ra. Cho đến lúc này WB và nhiều Ngân Hàng uy tín quốc tế dự báo GDP năm 2023 của Việt Nam chỉ quanh mức 4,7%, [3] thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Sự thể này là lý cớ đưa đến các cuộc “đấu đá” tranh giành quyền lực ở nội bộ Ba-Đình, được giới bình dân gọi là hiện tượng “GATO = ghen ăn tức ở” trong đám cán bộ cao cấp từng xuất thân từ “cái nôi” hận thù “đấu tranh giai cấp”.

Trong khi thường dân ở Việt Nam phải chịu đựng cảnh trấn áp, mất tích, cưỡng bức từ tay lực lượng an ninh csVN “gần như thường xuyên” và “ngày càng nghiêm trọng” thì tại thượng tầng kiến trúc quốc gia Nội Các Pham minh Chính đang chèo chống vô vọng với nền Kinh Tế thụt lùi – nguyên cớ dẫn đến bài phân tích thời sự Việt Nam của báo tài chính Bloomberg ngày Thứ Hai 28 Tháng 8 ngụ ý rằng: “Sinh mệnh chính trị của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đang chênh vênh theo chiều “đi xuống”./-

Trần nguyên Thao

(01 Sept 2023)

[1] https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-co-con-la-mot-nuoc-dang-phat-trien/7246815.html

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c8v5gnp5dj1o

[3] https://vietnamnet.vn/gdp-tag10452949236185584692.html

Bài liên quan:
  • Nhật Bản có thể là nơi trú ẩn rủi ro Trung Quốc trong bao lâu?
    The Economist
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 5/5/2024. Israel-Hamas sẽ ngừng bắn? Số phận của con tin Do Thái? TC tấn công tàu tuần duyên Philippines: Bão lớn trên Biển Đông?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trung Quốc thực sự có bao nhiêu đòn bẩy trước Iran?
    Christina Lu
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 4/5/2024. Khủng hoảng lãnh đạo chưa từng có ở VN: Từ ‘Đốt lò’ sang ‘Đốt nhà’! Công an nắm quyền?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Iran đã vạch ra lằn ranh đỏ với Israel
    Sina Toossi