Kính dâng các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
Chứng Nhân Anh Dũng của Chúa Kitô.

Theo bước chân 12 Thánh Tông Đồ tiên khởi, các vị thừa sai với lòng nhiệt thành theo sứ mệnh đã lãnh nhận từ Đức Kitô “đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc”. Việt Nam là một trong những điểm đến cho sứ mệnh truyền giáo của các ngài (1533).

Một trong những tài liệu có giá trị lớn về lịch sử của dân tộc Việt Nam là Bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục gọi tắt là Cương Mục thì Đạo Công Giáo có mặt một cách chắn chắn tại VN vào năm 1533. Các tác giả đã ghi chép lại lịch sử truyền giáo ở VN qua tài liệu của các Giáo sỹ Dòng Tên, đặc biệt là các giáo sỹ Alexandre de Rhodes (Cha Đắc Lộ), Giáo sỹ Giovanni Marini, Christoforo Borri, Philipphê Bỉnh và Bentô Thiện. Ngoài ra còn các tài liệu của các thừa sai ngoại quốc như Launay, Louvet, Marillier, cùng những sử liệu về truyền giáo của các cha Dòng Phanxico và Đa Minh. Thêm vào đó là các tạp chí trong và ngoài nước, các thư chung của Đại Diện Tông Tòa của các Giám Mục, tài liệu từ thư viện Bộ Truyền Giáo, Vatican. Công cuộc nghiên cứu lịch sử Giáo Hội tại VN còn căn cứ vào tài liệu tại các thư viện tại các Tòa Giám Mục và các Dòng tu trong và ngoài nước: Victor Emmanuel tại Rome; Dòng Đa Minh tại Manila, Madrid; Dòng Tên tại Rome, ở Lisboa; Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris và 2 thư viện quốc gia ở Hà Nội và Saigon.

Từ thế kỷ 15, khi thương thuyền của các nước Âu Châu, đặc biệt là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến những vùng đất mới và Đông Nam Á (ĐNÁ) với mục đích tìm kiếm thị trường thương mại. Ngoài việc buôn bán, người Bồ còn mang sứ vụ đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Một sử gia Người Đức nói về mục đích những chuyến hải hành của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha này trong bốn chữ: “Hạt tiêu và linh hồn”.

Trong các chuyến hải hành bao giờ cũng có Linh Mục, những thừa sai đi theo để lo việc đạo cho thủy thủ đoàn cũng như cho việc truyền giáo.

Dần về sau, các đoàn thừa sai tách rời những chuyến hải hành để bám trụ tại chỗ, chấp nhận mọi gian khó, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để thành lập các giáo đoàn ở địa phương nơi các ngài tạm ngụ.

Biển Việt Nam nằm vào vị trí trọng yếu của hải lộ quốc tế thuộc vùng Đông Nam Á. Cũng là đường giao lưu giữa các nền văn hóa của các dân tộc lân cận. Thương thuyền đi Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai . . . thường xuyên ghé các bến cảng Việt Nam để giao lưu trao đổi hàng hóa.

Mỗi cửa sông đều dẫn vào bến cảng. Thời điểm đó bến cảng là cửa ngõ duy nhất đón bước chân các các thừa sai đem Tin Mừng đến cho Dân Tộc Việt:

1)  Ninh Cường là địa danh đầu tiên được đón nhận Tin Mừng như trong lịch sử Công Giáo Việt Nam (CGVN). Một trong các Giáo sỹ vào truyền giáo tại đây là vị thừa sai Inêkhu (1533). Khâm Định Việt Sử đã đề cập đến ngài như sau: “Đạo Giatô: sách Dã Lục tháng ba, năm Nguyên Hòa thứ nhất đời vua Lê Trang Tông có người Tây dương tên Inêkhu lẻn vào đất Ninh Cường, Quần Anh, hạt Nam Chân đất Trà Lũ, hạt Giao Chỉ, âm thầm đem Giatô tà đạo truyền dạy”.

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo (Mc 16,15)

2)  Cửa Hàn thời đó là một hải cảng lớn, cũng là nơi mà Giáo sỹ Antonio De Feria đến truyền giáo năm 1535. Tiếp nối bước chân của ngài là các Giáo sỹ dòng Đa Minh, tiêu biểu như Cha Louis de Fonseca (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte (Pháp) từ Malacca đến giảng đạo (1580 – 1586).

3)  Nước Mặn là thủ phủ hành chính của Qui Nhơn và là thương cảng quan trọng thứ ba sau Hải Phố và Cửa Hàn. Tại đây năm 1618 đã diễn ra Đại Hội Các Nhà Truyền Giáo. Như thế vùng Cửa Hàn, Hải Phố và Nước Mặn là những trung tâm truyền giáo đầu tiên của Miền Trung thời các Giáo sỹ Dòng Tên truyền đạo tại Đàng Trong Việt Nam.

Cũng tại đây các Giáo sỹ Dòng Tên được Tổng Trấn Bình Định ưu đãi và đã giúp các Giáo sỹ xây Nhà Thờ Nước Mặn năm 1618. Bốn năm sau, 17/12/1624 Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và thêm 4 Giáo sỹ Dòng Tên khác được gởi đến nơi đây.

Cha Đắc Lộ cùng hoạt động và học tiếng Việt với Cha De Pina, vị thừa sai đã cùng cộng tác với Lm. Borri trong việc dịch bộ Kinh Thánh ra tiếng VN năm 1621. Cha De Pina cũng là người đã rửa tội cho một vương phi tại phủ chúa Sãi Vương ở Phúc An (Thuận Hóa). Bà là Minh Đức Vương Thái Phi (tên thánh Maria Madalena), mẹ của hoàng tử Nguyễn Phúc Khê. Cha Đắc Lộ đã nói về bà như sau: “Bà là chỗ nương tựa của giáo đoàn mới khai sinh. Gương mẫu và thế lực của Bà đã trợ giúp rất nhiều công việc truyền đạo cho lương dân, làm cho những người đã chịu phép rửa tội vững tin hơn”.

Công cuộc truyền giáo của các Giáo sỹ Dòng Tên ở Đàng Trong vào thời đó tiến triển tốt đẹp. Tính đến năm 1639 tại đây đã có 150.000 người lãnh phép Thánh Tẩy.

4) Hà Tiên là một trong những cửa biển đã đón bước chân các vị thừa sai thuộc Dòng Đa Minh từ Malacca (Malaysia) vào năm 1550, tiêu biểu như Giáo sỹ Gaspar De Santa Cruz và nhiều Giáo sỹ khác. Sau này có các Giáo sỹ Dòng Phanxico đến truyền giáo, trong đó có cha Jose Garcia (1735).

Cha Garcia đã có công xây dựng hai Nhà Thờ nơi vùng Hà Tiên mà Nhà Thờ thứ hai lấy Tên “Thánh Gia” niên hiệu (1745). Cha José Garcia qua đời năm 1761, hưởng thọ 75 tuổi. Mọi người rất quí mến cha. Quan trấn Mạc Thiên Tứ cho phép mai táng cha trong Nhà Thờ mà ngài đã xây cất.

5) Cửa Thị Nại thời đó chỉ về Qui Nhơn, nhưng hiện nay địa danh Thị Nại đã bị lấp dần thành những ruộng lúa phì nhiêu. Thị Nại là một bến cảng quan trọng từ thời vương quốc Champa và là “trung tâm truyền giáo”, là “Tòa Giám Mục” của địa phận Đàng Trong, nay thu hẹp lại là Giáo phận Qui Nhơn.

Những thừa sai đầu tiên đến Qui Nhơn là Lm. Francisco Buzomi (1615), Lm. Marquez và Cristoforo Bori cùng với một người Nhật, một người Ý đến trợ lực (1618). Cha Buzomi đã phục vụ tại đây trong suốt 24 năm và xứng đáng là “vị Thừa Sai Truyền Giáo của Qui Nhơn”.

6) Cửa Bạng (Thanh Hóa) là bến cảng quan trọng đưa Đạo Công Giáo vào Đàng Ngoài. Nơi đây hai cha Đắc Lộ và Pedro Marquez đã đặt chân đến (1627). Các Ngài gọi Cửa Bạng là Cửa Thánh Giuse vì tàu của Ngài khởi hành từ Macao, sau 8 ngày  lênh đênh nguy hiểm trên biển cả, đương đầu với bão lớn đã cập bến Cửa Bạng bình an vào đúng ngày 19/03/1627, là ngày Kính Thánh Giuse. Cha Đắc Lộ chính là người đã thành lập Hội Thầy Giảng và Giáo Hội CGVN tại Đàng Ngoài khởi sự từ Cửa Bạng.

7) Cửa Thần Phù là “cái nôi” nảy sinh hạt giống Tin Mừng từ buổi đầu thế kỷ 17. Thần Phù cũng là nơi Cha Đắc Lộ đã đến khi Cha từ Cửa Bạng ra Thăng Long (1627). Nơi đây Cha đã gặp chúa Trịnh Tráng. Em ruột của Trịnh Tráng chịu phép rửa tội và có tên thánh là Catarina. Bà đã có công khuyên bảo 17 người trong hoàng gia theo đạo Công Giáo. Nơi đây Cha Đắc Lộ đã rửa tội cho khoảng 200 người và đã xây dựng Nhà Thờ “đầu tiên” tại Bắc Kỳ.

8) Phố Hiến – Thị xã Hưng Yên ngày nay, là một thương cảng lớn nhất của Đàng Ngoài thời đó. Năm 1669, Giám Mục Pierre Lambert de le Motte đã đến Phố Hiến cùng với hai thừa sai. Vào đầu tháng Giêng 1670, Đức Cha Lambert đã phong chức Linh Mục cho 7 Thầy Giảng đầu tiên của VN, trên một chiếc thuyền trôi theo Sông Cái tại Phố Hiến. Cũng tại Phố Hiến đã diễn ra Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) ngày 14/02/1670 và 5 ngày sau (19/2) Đức Cha Lambert thành lập Dòng Mến Thánh Giá VN.

9) Lục Thủy – Nam Định là bản doanh của các Thừa sai Dòng Đa Minh từ 1685. Lục Thủy là nơi có chủng viện được thành lập năm 1686, cũng là nơi đã diễn ra Công Đồng Hà Bắc II vào năm 1753. Thánh bộ Truyền Giáo với văn thư ngày 12/01/1764 đã quyết định chọn Lục Thủy làm trụ sở vĩnh viễn cho Giám Mục Đại Diện Tông Tòa Địa Phận Đông Đàng Ngoài.

Qua những “bến cảng Tin Mừng” trên, bước chân của các vị Thừa Sai được nối tiếp hết đợt này sang đợt khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, Tin Mừng được lan tỏa khắp chốn trên đất Việt, từ Bắc vào Nam bất chấp mạng sống bị bách hại do nhiều lý do để thành lập, phát triển các Giáo Đoàn địa phương tiến đến một GHCGVN vững vàng, trưởng thành, lớn mạnh trên Đất Việt.

Từ năm 1659-1802 là thời kỳ truyền giáo của các Thừa Sai với các Giám Mục đại diện Tông Tòa kế tiếp nhau phục vụ GHCGVN. Tất cả đã kiên trì trong đời sống tông đồ với máu và nước mắt trộn chung để bảo vệ sự thật và dám chết cho Đức Tin.

Nhiều vị thừa sai nước ngoài cũng như các linh mục VN, cùng những Thầy Giảng đã bị giết hại dưới thời các chúa Trịnh Tạc (1657-1682), Trịnh Sâm (1767-1782) ở ngoài Bắc; chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) ở Miền Nam, thời vua Cảnh Thịnh (1782-1802) nhà Tây Sơn và thời Các vua Nhà Nguyễn (1802-1886).

Những hình phạt vô cùng dã man cho những ai bảo vệ Đức Tin như: Bá đao (xẻo thịt đủ 100 miếng; Lăng trì (chặt tay chân, chém đầu, phân xác ra làm 4); Thiêu đốt; trảm (chém đầu); Giảo (thắt cổ); Rũ tù (chết trong ngục); Giam đói, khát; Búa bổ.

Có rất nhiều lý do đẫn đến việc cấm đạo dưới các triều vua. Trước khi Đạo Thiên Chúa đến Việt Nam, thì phần lớn dân chúng chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Trung Hoa với “Đạo Khổng-Nho Giáo”, lấy sự thờ cúng, tế tự thần thánh, tổ tiên làm trọng. Trong khi Đạo Công Giáo dạy chỉ thờ một “Thiên Chúa duy nhất”, không mê tín dị đoan trong việc phụng tự. Đạo Công Giáo còn dạy những điều đi ngược lại với lối sống đã ăn sâu vào não trạng của người VN thời đó như vua là trên hết, thay trời trị dân “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Trong chế độ phong kiến người phụ nữ không được coi trọng, bị khinh miệt “Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô”; “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”. Đạo Công Giáo đã giới thiệu triết lý Nhân Bản cho Việt Nam từ thế kỷ thứ 15 (1533) với giáo lý một vợ, một chồng, nam nữ bình đẳng vì mọi người đều là con Thiên Chúa.

Sau khi các Thừa Sai người Pháp bị bắt (1843-1846), Pháp lấy lý do bảo vệ công dân của họ; đã tấn công bắn phá cảng Đà Nẵng ngày 15/04/1847. Vua Thiệu Trị ban hành sắc lệnh chống Công Giáo ngày 03/05/1847. Nhiều Nhà Nho đã tuyên truyền rằng theo Đạo Công Giáo là làm tay sai cho Pháp, phản bội dân tộc. Không ít người vào thời đó, cũng như cho tới hôm nay vẫn tin như vậy.

Thánh An Rê Nguyễn Kim Thông (1790-1855)

Sau khi vua Thiệu Trị băng hà, vua Tự Đức lên ngôi, triều đình ban nhiều sắc chỉ cấm đạo trong suốt các triều đại: 1848, 1852, 1854, 1855, nhất là năm 1857: “Giết ngay Tây dương đạo trưởng, bêu đầu 3 ngày ở những nơi công cộng và bị quăng xác xuống biển”. Sự kiện này đã khiến chiến tranh giữa Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam bùng nổ. Từ đây Pháp lần lần mở rộng việc xâm lược VN chiếm đóng các tỉnh Nam Kỳ, Bắc Kỳ và kinh thành Huế. Năm 1884, Hòa Ước Giáp Thân được ký, Pháp bảo hộ Bắc Kỳ, lục tỉnh Nam Kỳ là thuộc địa Pháp và Trung Kỳ thuộc quyền cai trị của triều đình Huế. Tham vọng của thực dân Pháp không dừng lại, cho nên giáo dân Công Giáo phải chịu hàm oan đau khổ tột cùng.

Tiếp theo việc cấm đạo của vua Tự Đức là phong trào Văn Thân (1864 – 1874) (*) của các Nho sỹ nổi lên, bắt đầu từ Nghệ An, Nam Định (1867) và lan ra nhất nhanh ở nhiều nơi trong nước, nhất là các tỉnh Miền Trung. Với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”, các sỹ phu hô hào dân chúng giết người Pháp, những người truyền đạo nước ngoài và những người Việt theo đạo Công Giáo vì cho rằng những người này cộng tác với thực dân Pháp. Tổng số người Công Giáo bị giết trong giai đoạn 1802-1886 gần 100.000 người.

Theo lẽ công bằng mà suy xét thì Pháp không vì bảo vệ tôn giáo mà đánh chiếm VN, nhưng đó chỉ là cái cớ để chiếm VN làm thuộc địa. Đây chính là nguyên nhân mà người Công Giáo bị giết vô tội vạ bởi phong trào Văn Thân. Một số sử gia đã ghép việc một vài Giám Mục thừa sai người Pháp như: P.de Béhaine (Bá Đa Lộc), Lefèbre, Pellerin, Retord, Puginier giúp đỡ thực dân Pháp với việc thực hiện việc xâm lược VN. Nhưng đó chỉ là vài cá nhân trong số hơn 200 giáo sỹ nước ngoài truyền giáo tại VN thời đó (thống kê GHVN 1889). Không thể dựa trên con số quá ít này mà “vơ dũa cả nắm” kết tội tất cả người Công Giáo VN làm tay sai cho Pháp.

Thánh Vinh Sơn Đỗ Yến, Linh mục dòng Đa Minh (1764-1838)

Bên cạnh những Nhà Nho quá khích cũng có những Nhà Nho có tâm huyết, nhìn nhận đúng giá trị của đạo Công Giáo như: Phan chu Trinh (1872-1926), Phan Bội Châu (1867-1940), . . Các vị này đã hô hào dân chúng sống tinh thần của người Công Giáo, học chữ Quốc Ngữ, chịu khó mở mang kiến thức của nền văn học Tây Phương.

Theo sử gia Trần Trọng Kim: “Khi đã quan hệ đến việc sùng tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho sự sùng tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan dung cho ai, rồi cứ phải dùng thế lực để đè nén nhau. Cũng vì thế cho nên về sau nước ta không chịu suy xét lẽ phải trái cho kỹ càng, làm lắm sự tàn ác đến nỗi mất cả sự hòa hiếu với các nước ở Tây dương và gây nên mối biến loạn cho nước nhà vậy”.

Nếu ngày đó (1533) hạt giống Tin Mừng không được đem đến, gieo trồng, nuôi dưỡng, vun xới bằng tất cả yêu thương, chăm sóc và hy sinh cả mạng sống của các Thừa Sai, cũng như những Dòng tu buổi ban đầu như Dòng Đa Minh (1550); Dòng Tên (1615); Hội Thừa Sai Paris (1664); Dòng Mến Thánh Giá (1670); Dòng Francisco (1735) . . . thì ngày nay không có GHCGVN phát triển và trưởng thành. Sát cánh với các Thừa Sai từ buổi đầu loan truyền Ơn Cứu Độ còn có các “Thầy Kẻ Giảng” người Việt Nam là những “tông đồ cho người Việt Nam”.

Cùng với việc truyền bá Tin Mừng, các Thừa sai đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang kiến thức phổ thông, văn hóa cho mọi tầng lớp thời đó qua việc hình thành chữ Quốc Ngữ mà Cha Đắc Lộ là người đã tiếp nối và hoàn chỉnh “hệ thống hóa” mẫu tự Latinh với sự giúp đỡ âm thầm của nhiều thức giả Việt Nam (1620-1659).  Sách “Phép Giảng Tám Ngày” là tác phẩm để đời của Cha Đắc Lộ, do Bộ Truyền Giáo Rôma ấn hành năm 1651. Sách này vừa là tài liệu dạy Giáo Lý, vừa là nguồn gốc cho các cuộc tìm hiểu nghiên cứu tiến trình cấu trúc và hình thành chữ Quốc Ngữ.

Thánh An Tôn Nguyễn Hữu Quỳnh (1768-1840)

Mặc dù Chữ Quốc Ngữ đã mang lại nhiều lợi ích trong đời sống giao tiếp, trong công cuộc bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân tộc và là một bước ngoặt lớn lao trong lịch sử, đánh dấu sự tách xa dần khỏi vòng đô hộ tinh thần của Trung Hoa trên Dân Tộc Việt nhưng chữ Quốc Ngữ cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc tàn sát người Công Giáo do đố kỵ, tự ái, ghen ghét luôn tiềm ẩn trong tâm thức của các Nho sỹ và quan lại. Vua, quan không chấp nhận tinh thần Nhân Bản Công Giáo; những cải tiến dân sinh nên coi đạo Thiên Chúa là “tả đạo’.

Dù phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công, thậm chí bị giết, số tín hữu vẫn gia tăng không ngừng (từ 320.000 năm 1800 lên 426.000 năm 1855) ở cả hai miền Nam, Bắc ngay trong những giai đoạn thử thách, cam go nhất.

Năm 1925, Tòa Thánh thiết lập Tòa Khâm Sứ ở Đông Dương và đặt tại Phủ Cam (Huế). Sau 400 năm Phúc Âm được rao giảng trên đất Việt (1533- 1933), Đức Thánh Cha (ĐTC) Piô XI đã tấn phong vị Giám Mục người Việt tiên khởi là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng vào ngày 11/6/1933 tại Đền Thánh Phérô ở Rome.

Ngày 19/6/1988 ĐTC Gioan Phaolô II đã tuyên Thánh cho 117 người đã hiến mạng sống mình để làm chứng cho Đức Tin tại Việt Nam (Tây Ban Nha:11; Pháp:10; Việt Nam: 96) dưới thời các vị vua (từ 1740-1883). Sau 12 năm, ngày 5/3/2000, ĐTC Gioan Phaolô II lại phong chân phước cho Thầy Giảng André Phú Yên, vị Tử Đạo tiên khởi ở VN (1644). Cũng không quên kể đến số rất đông người đã Tử Đạo “vô danh” trên khắp mọi miền đất nước. Trong thế kỷ 18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 ngàn người Công Giáo bị giết vì đạo.

Hiện nay còn hơn 10.000 hồ sơ các chứng nhân anh dũng Việt Nam đang được lưu giũ trong văn khố của Bộ Tuyên Thánh Rôma.

Công Giáo Việt Nam trải qua 490 năm thăng trầm theo mệnh nước nổi trôi, từ những hạt giống Tin Mừng được gieo khi xưa, được nuôi dưỡng bằng máu đào Tử Đạo, được lớn lên bằng mầu nhiệm ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội VN ngày nay là một Giáo Hội trưởng thành, độc lập và luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh.

Theo thống kê năm 2022 thì Việt Nam hiện có: 27 Giáo Phận, 47 Giám Mục, khoảng hơn 200 Dòng tu với hơn 31.000 Nam Nữ Tu Sỹ. GHCGVN là tôn giáo lớn ở VN với 7,2 triệu người (2022).

Người CGVN hôm nay cất cao lời ngợi khen và cảm tạ Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Và chỉ có Thiên Chúa mới là “KHỞI ĐẦU & CÙNG ĐÍCH – ALPHA & OMEGA” với những kế hoạch, chương trình mà Ngài đã định sẵn từ trước muôn đời. Chúa có thể thay đổi những điều tiêu cực nhất thành những thành quả tích cực mà con người không ngờ đến vì danh Đức Giêsu Kitô.

Maria Pascale Nguyễn Thuba


Nguồn tham khảo & tổng hợp:

Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim

Hành Hương Công Giáo Việt Nam – Lm Rôcô Nguyễn Tự Do, DC

Việt Nam Giáo Sử – Lm Phan Phát Huồn, CSsR

Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 2016 – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

(*) Phong trào Văn Thân tự phát mà không có lệnh chính thức của vua, cho đến năm 1885 thì nương theo nghĩa khí của Phong trào Cần Vương do Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi phát động. Nhưng có ý kiến cho rằng vì Văn Thân quá tay tàn sát bừa bãi người Công giáo cho nên về sau, Phong trào Cần Vương đã loại Văn Thân ra khỏi công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bài liên quan:
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • GIÁO DỤC CON KHI NÀO VÀ NHƯ THẾ NÀO?
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt