_________________________

Người Việt không chỉ thích làm thơ, hay làm quan (hoặc cả hai) mà dường như còn rất ưa làm điệp viên nữa cơ. Bởi vậy, hết thế hệ này đến thế hệ khác – gần hai phần ba thế kỷ qua – họ bị nhà nước CHXHCNVN bắt bớ lu bù:

  • Nhân Dân (21/01/1960): Tòa Án Nhân Dân Hà Nội đã xử vụ gián điệp. Bọn gián điệp bị đưa ra xét xử gồm năm tên: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.
  • RFA: (03/07/2003): Phạm Quế Dương, Trần Khuê và Trần Dũng Tiến sẽ bị truy tố về tội làm gián điệp.
  • TTXVN (19/06/2003): Phạm Hồng Sơn bị phạt 13 năm tù về tội gián điệp.
  • Tuổi Trẻ (01/01/2004) : Nguyễn Vũ Bình bị phạt 7 năm tù vì tội gián điệp

Những nhân vật kể trên đều tham dự vào sinh hoạt của giới truyền thông (và đều nổi tiếng) nên tên tuổi của họ, cùng những phiên toà thượng dẫn, được dư luận hết sức quan tâm. Còn những kẻ vô danh khác, cũng vướng vòng lao lý (vì thứ tội danh hàm hồ tương tự) nhưng không mấy ai biết đến.

Ông Nguyễn Văn Phổ (NVP) là một trong số những người “vô danh” như thế. Thản hoặc, thiên hạ mới nghe đôi ba bạn tù nhắc đến tên ông: “Phổ Gián Ðiệp lầm lì ngồi bên Văn Thợ Mộc. Anh sống trong tù như một ốc đảo, không dính dáng với ai, không chơi với ai. Có người nói anh trước hoạt động trong nội thành, sau mất liên lạc với cấp chỉ huy.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. Văn Nghệ: California, 1997).

Bác Nguyễn Văn Phổ, con học giả Nguyễn Văn Vĩnh, bạn tù của tôi từ năm 1962, hoạt động quân báo nội thành cho cộng sản hồi chống Pháp. Năm 1955, bác bị vu vạ là gián điệp, bị xử 15 năm tù, nhà cửa, tài sản bị tịch thu hết.

Bác được giảm 5 năm, nhưng lại nằm tù 17 năm, một tháng, một ngày, mới được thả! Ra tù độ 7, 8 năm, tòa bí mật xử lại vụ án, và xác định là tất cả vô tội. Bác được bạn bè rỉ tai cho biết việc xử lại này. Bác đến tòa xin được văn bản tòa minh oan cho bác. Bác đã ở vào tuổi bát tuần, bác chỉ yêu cầu chính quyền trả lại ngôi nhà bị tịch thu trị giá khoảng sáu trăm ngàn đô la Mỹ.

Đơn từ gửi các nơi, năm này sang năm khác, không ai buồn giải quyết. Chúng tôi khuyên bác đưa việc này ra công luận thế giới. Cuối cùng tận năm 1995, bác tới nhà tôi nói một thiếu tướng quân đội tới nhà bác, đưa cho bác 100 triệu (gần 10 ngàn đô la Mỹ). Bác đành bằng lòng cho qua hết: ngôi nhà, đồ đạc, tiền bồi thường 17 năm tù oan. Mọi chuyện êm thấm! (Nguyễn Chí Thiện. “Phùng Cung.” Hỏa Lò. Tiếng Quê Hương & Người Việt: Virginia, 2019).

Theo lời một người bạn tù lâu năm khác thì sự việc – xem ra – cũng rầy rà lắm, chứ chả có “êm thấm” thế đâu:

“Tôi nhớ đến bộ quan áo số bạc mầu của anh Phổ. Tới mái đầu húi cua của Phổ. Tới cái gáo nước bằng tôn hoa thõng một bên tay khi anh đi làm, khi anh về trại. Tôi nhớ câu nói của anh làm nhói lòng tôi: ‘Tôi đi tù năm vợ tôi 33 tuổi. Năm nay vợ tôi 51 tuổi rồi.’

Tôi nhớ ngày tôi đến Thanh Xuân Bắc thăm anh khi cả hai chúng tôi đã được ra tù. Chúng tôi ôm lấy nhau. Câu đầu tiên tôi hỏi anh là hỏi về chị Phổ, người phụ nữ ‘chờ chồng từ năm 33 tuổi đến năm 51 tuổi vẫn chờ đợi và không chịu tuyệt vọng.’

  • Chị đâu rồi anh?
  • Nhà tôi vào Sài Gòn đi tu rồi.

Quá bất ngờ. Tôi chỉ muốn kêu trời. Hoặc thét lên một tiếng. Nhưng họng tắc nghẹn.

  •  Chị tu ở đâu. Anh cho tôi địa chỉ. Tôi sắp vào trong ấy. Để tôi đến thăm chị.

Phổ lấy giấy bút. Tôi nhìn theo tay anh: Sư cô Trí Tuệ, Tĩnh xá Tòng Lâm 260 Nguyễn Thị Minh Khai (Xô Viết Nghệ Tĩnh cũ) Quận 3. Thành phố Hồ Chí Minh.

Đưa tờ giấy cho tôi, anh hỏi:

  • Anh có đọc được không?
  • Tôi ngơ ngác, không biết anh hỏi gì.
  • Mắt tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi viết theo quán tính. Tôi nhận ra anh vì nghe giọng nói của anh.

Tôi khóc. Hôm ấy tôi đã không giữ được nước mắt. Những giọt nước mắt nóng bỏng. Những giọt nước mắt lặn vào trong. Suốt thời gian ở tù, cùng một toán, cùng là tổ trưởng, chưa một lần Phổ nói với tôi vì sao anh phải vào tù, vì sao anh tù lâu đến thế.” (Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2015).

Bùi Ngọc Tấn ra khỏi tù năm 1973, hơn ba mươi năm sau, những thắc mắc “vì sao” của ông đã được giải bầy phần nào trong loạt bài phóng sự (“Chuyện Về Một Chiến Sỹ Tình Báo Bị Tù Oan Hơn 17 Năm – Chuyện Buồn Nhưng Có Hậu”) của nhà báo Việt Hằng, đăng làm hai kỳ trên báo Gia đình & Xã hội, số ra ngày 7/8/2005 & 09/08/2005.

Xin trích dẫn đôi đoạn để rộng đường dư luận:

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Phổ mang toàn bộ tiền dành dụm của gia đình mua thuốc ảnh, máy móc ủng hộ kháng chiến và cùng công nhân theo báo Cứu Quốc lên Chi Nê (Hòa Bình) làm công nhân nhà in. Tháng 1 năm 1948, Cục Tình báo, thuộc Nha Liên lạc, Phủ Thủ tướng (nay là Tổng cục 2 – Bộ Quốc Phòng) tuyển Nguyễn Phổ vào mạng lưới tình báo quân đội và đưa về hoạt động nội tuyến với vỏ bọc là thợ làm ảnh kẽm tại nhà in ở Hà Nội.

Tại tổ tình báo ấy có một người bạn mà Nguyễn Phổ từng chơi rất thân là nhà văn Vũ Bằng (*). Nhiệm vụ của tổ là thu thập tin tức chuyển ra chiến khu qua hộp thư giao liên…

Sau ngày giải phóng thủ đô, một trong những nhiệm vụ của ngành công an là bóc gỡ những đường dây gián điệp Pháp, Mỹ cài lại và nhóm tình báo của ông Phổ (do Cục 2 – Bộ Quốc phòng quản lý) cũng bị công an Hà Nội đưa vào tầm ngắm (cũng dễ hiểu vì nhóm này có nhiều người quá nổi tiếng, một nhà văn bị mang tiếng “dinh tê” từ thời kháng chiến, một người lại từng làm nhân viên sở Mỹ).

Vì vậy, sau khi nhà văn Vũ Bằng vào Nam mà ông Phổ ở lại, ngày 29/9/1955, Nguyễn Phổ bị bắt khi đang làm việc ở Nhà in Tiến Bộ. Ngày đó, rất vô tình xưởng sản xuất ở nhà in bị cháy mà lại cháy từ tủ đựng đồ của Nguyễn Phổ. Khám nhà riêng của ông Nguyễn Phổ, người ta thu được máy và những vật liệu in ảnh kẽm. Vậy là với ba tội danh: Làm gián điệp Mỹ, nói xấu chế độ, đốt công xưởng và ăn cắp của công, ông Phổ bị tuyên bố 15 năm tù giam.

Khi mới bị bắt, ông đã kêu oan. Nhưng vào thời đó, chẳng ai chịu nghe lời kêu cứu của một người mắc tội tày trời là làm gián điệp. Còn những người chỉ huy thì không thể đứng ra minh oan cho ông, bởi nếu cứu được ông thì những người đang hoạt động trong lòng địch sẽ lộ. Đây chính là bi kịch của những người làm tình báo.

Mười bảy năm ông bị tù oan là 7 đứa con lần lượt lớn lên trong thiếu thốn và cả sự kỳ thị vì là con của gián điệp, với một lí lịch “đen”, chẳng ai được vào đại học dù học rất giỏi và phải vào đời bằng những con đường nhọc nhằn khác…

Ngày 30/10/1972, ông được trả tự do sau 17 năm 1 tháng 1 ngày ngồi tù, khi đã bước sang tuổi 56…  Những năm cuối đời, ông Phổ sống khá lặng lẽ. Các con ông dù phải vào đời bằng những con đường khá chật vật nhưng đều là những công dân tốt. Trong những câu chuyện với các con, ông ít khi nhắc lại chuyện cũ… Bây giờ nhắc lại những chuyện đã qua, các con ông vẫn bảo đời ông là câu chuyện buồn nhưng có hậu và tự động viên nhau rằng sống ở đời này đâu phải ai cũng đều gặp may mắn.

Không riêng gì NVP mà cả đình ông (gần cả chục thành viên) “chín người mười cuộc đời rạn vỡ/ bị ruồng bỏ và bị lưu đầy” – theo như cách diển tả của nhà thơ Phùng Quán. Vậy mà “các con ông vẫn bảo đời ông là câu chuyện buồn nhưng có hậu” được chăng? Sao “cái hậu” thời nay mỏng thế và bạc vậy? 

Tưởng Năng Tiến

(*) Chúng tôi cũng có vài trang sổ tay viết về nhà văn Vũ Bằng, cũng xuất bản trong năm 2023, trên diễn đàn này: tuongnangtien.wordpress.com

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 23/11/2024. Thượng đỉnh APEC & G20: Tác động ra sao đến Trung Đông, Ukraine; Vị thế của Hoa Kỳ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
    Michael Kimmage & Hanna Notte
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa