Nhân vụ Intel hủy bỏ kế hoạch sản xuất chip tại Việt Nam, hãy nói về bẫy mà có lẽ đôi chân của Việt Nam đã bị kẹp cứng, chẳng thể nào thoát khỏi được. Đó là Middle Income Trap (gọi tắt là MIT), được dịch là “Bẫy Thu Nhập Trung Bình”. Đây là một khái niệm kinh tế liên quan đến cách phát triển kinh tế mà rất nhiều quốc gia đang phát triển đã vấp phải, khiến họ không thể nào trở thành một quốc gia có thu nhập cao.
Thực trạng phát triển của kinh tế Việt Nam:
Hiện nay 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) như Samsung, Formosa, Apple, Toshiba, Nidec, và rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác. Các công ty nước ngoài nầy đóng góp một tỉ lệ rất lớn trong Tổng sản lượng nội địa (Gross Domestic Product – GDP) của Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết loại hình đầu tư của họ chỉ là nhằm tận dụng nguồn nhân công rẻ của Việt Nam. Low Cost Country-LCC (quốc gia có chi phí sản xuất thấp) là vũ khí kinh doanh được các doanh nghiệp tại các nước có chi phí kinh doanh khá cao như Mỹ, Nhật, Singapore, Nam Hàn, Âu Châu,… tận dụng, nhằm hạ giá thành sản phẩm để có được lợi thế cạnh tranh. Các công ty nước ngoài nầy chỉ sử dụng nhân công rẻ Việt Nam vào các khâu lắp ráp, gia công, đóng gói, … mà không đầu tư vào các ngành có kỹ thuật cao, chế tạo, nhất là trong R&D (Nghiên cứu và Phát triển). Với loại hình đầu tư hiện nay, họ không mang vào Việt Nam các kỹ thuật, công nghệ, phát minh tiên tiến nào để họ có thể bị ràng buộc phải “chuyển giao” cho Việt Nam.
Tình trạng đa số sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam không tìm được việc làm phù hợp với năng lực và trình độ, đành phải đi làm công nhân lao động, chạy Grab, hay tiếp thị bia, hàng hóa tiêu dùng ở các nhà hàng, khu dân cư, … chính là do các doanh nghiệp trong nước lẫn đầu tư nước ngoài không có nhu cầu tuyển dụng người có khả năng, kiến thức cao.
Đã là một quốc gia không có các công ty với kỹ thuật cao thì mong ước trở thành một “quốc gia thu nhập cao” là điều không tưởng.
Các nguồn thu nhập khác được Việt Nam tính vào GDP là giá trị tăng cao của bất động sản (chủ yếu là giá trị mặt bằng), khai thác tài nguyên thiên nhiên, ngoại tệ mang về từ xuất khẩu lao động, hay do người Việt sống ở nước ngoài gởi về… Đây cũng là các đóng góp một phần không nhỏ trong GDP nhưng lại là những nguồn không ổn định và không lâu dài.
Việt Nam thường khoe GDP, tức tổng sản lượng nội địa, bao gồm cả của đầu tư nước ngoài, đều tăng lên mỗi năm. Việt Nam dựa vào đó để rồi tính toán lũy tiến để mơ rằng 5, 10, hay 20 năm nữa Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc kinh tế. Đây chỉ là cách tính ảo, không trung thực, mang tính mị dân.
Đối với các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài như Việt Nam thì GNP (Gross National Product) tức Tổng Sản lượng Quốc Gia (của riêng nước mình, không bao gồm phần của FDI như trong GDP), mới là con số phản ánh đúng mức thu nhập của người dân trong nước.
GNP được định nghĩa qua công thức: GNP=GDP + NR – NP
trong đó:
NR = Lợi tức mang về từ đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài và được cộng vào GNP
NP= Lợi tức của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam và họ chuyển về nước của họ, được trừ ra.
Ví dụ giá trị xuất khẩu năm 2022 của Samsung đạt 65 tỷ USD được cộng vào GDP nhưng phần lớn trong số nầy là lợi tức của Samsung và phải được khấu trừ trong cách tính GNP.
Hiện nay, NR của Việt Nam quá nhỏ vì không có nguồn lợi tức đem về từ nước ngoài. Nhiều người mơ rằng khi VinFast thành công ở các nhà máy sản xuất EV tại Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, … thì NR sẽ tăng mạnh. Đừng nuôi ảo vọng!
Hãy trả lời đúng câu hỏi đơn giản về nguồn cung linh kiện hay và phụ tùng của VinFast:
- Nơi nào đang và sẽ cung ứng linh kiện (part suppliers) cho VinFast?
- Việt Nam đã có thể làm được bộ phận nào trong một chiếc xe điện?
- Và linh kiện, phụ tùng có thực sự đến từ Việt Nam hay là từ các nước khác?
- Và nếu hầu hết linh kiện trong một chiếc xe của VinFast đến từ nước ngoài thì NR (do VinFast) mang về là bao nhiêu? NR của Việt Nam sẽ vẫn là con số rất nhỏ để được cộng vào. Trong khi đó NP của các doanh nghiệp FDI lại quá lớn. Sau khi khấu trừ nhân công rẻ, dịch vụ, thuế má,.. bao nhiêu lợi tức từ việc xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được họ chuyển về bản quốc (tức trừ ra khỏi GDP).
Tóm lại với công thức trên GNP của Việt Nam tất nhiên thấp hơn rất nhiều so với GDP.
Làm sao thoát ra khỏi Bẫy Thu Nhập Trung Bình?
Trên thế giới con số quốc gia vượt ra khỏi cái bẫy nầy không nhiều. Số lượng quốc gia được công nhận gần đây cũng khá ít, bao gồm: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Chile và Ba Lan. Đây là những quốc gia đã thành công trong việc chuyển đổi từ kinh tế có thu nhập trung bình sang kinh tế có thu nhập cao và trở thành những nền kinh tế phát triển.
Những nước này đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, khoa học và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ kỹ thuật và khả năng chuyên môn cho nguồn nhân lực nội địa, khuyến khích đầu tư và xúc tiến xuất khẩu sản phẩm của chính quốc gia mình. Họ cũng đã thực hiện các chính sách cải cách và mở cửa kinh tế để tăng cường sự phát triển và thu hút đầu tư có chọn lọc từ nước ngoài.
Còn Việt Nam thì sao?
Nhắc lại lý do Intel đưa ra để hủy dự án sản xuất chip tại Việt Nam và chuyển sang Malaysia.
Nguyên văn là:
“Intel had raised concerns about the stability of power supplies and excessive bureaucracy.”
(nguồn cung cấp năng lượng không ổn định và tình trạng quan liêu quá mức”)
Quan liêu, tham nhũng là căn bệnh trầm kha trong các xã hội độc tài, phi dân chủ. Môi trường kinh doanh bấp bênh, thể chế chính trị gò bó tự do kinh doanh, cơ sở hạ tầng yếu kém, trong đó có nguồn năng lượng cần thiết cho sản xuất (điện, gas, xăng dầu, …) Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là từ các nước tiên tiến có luật pháp rõ ràng và minh bạch, không thể bôi trơn, hối lộ vì hành vi đưa hối lộ trong kinh doanh sẽ bị chế tài bởi luật lệ của chính quốc gia họ. Các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Âu Châu gặp rất nhiều trở ngại trong vấn đề “lại quả” cho quan chức Việt Nam và do đó không thể hoạt động.
Tóm lại, con đường Việt Nam đang đi sẽ không thể đưa đất nước thoát khỏi cái “mức xoàng xoàng trung bình”. Niềm mong ước trở thành các nước có thu nhập cao quả thật là xa vời, nếu không muốn nói là cánh cửa nầy đã khép.
Đông Kha