______________________________

“Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi” (Ca dao).

Văn chương bình dân đã dùng hình ảnh trên để diễn tả cảnh vợ chồng gắn bó, quen thuộc với nhau.

Ngoài ra, trong ca dao còn có câu: “Vợ chồng đầu gối tay ấp”, hoặc: “Đôi ta chung chiếu chung giường” để nói rằng vợ chồng không những chia cơm xẻ áo, mà còn cả chung chiếu, chung giường nữa.

Đã là vợ chồng sống với nhau cùng một nhà, thì phải ăn cùng mâm, cùng bàn, và dĩ nhiên là ngủ cùng giường, ngoại trừ trong thời gian vắng nhà, hoặc vợ hay chồng bệnh tật mà bắt buộc phải ngủ riêng. Thánh Kinh đã nói về sự gần gũi thân mật của vợ chồng khi viết: “Người nam sẽ bỏ cha mẹ mình và quyến luyến với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một” (Sáng Thế Ký 2:24). Sau này trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Kitô đã nhắc lại, và thêm rằng: “Vì thế họ không còn là hai nữa, mà là một thân xác” (19:6).

Làm sao vợ chồng có thể “nên một” trong khi mỗi người một giường? Dưới cái nhìn tâm lý, vợ chồng ngủ chung mới hội đủ hai điều kiện chính yếu của tình yêu, đó là “nên một với người mình yêu” và “gần gũi với người yêu”.

Vợ chồng ngày nay với nhiều lý do, đang có xu hướng thích ngủ riêng. Ngủ riêng mỗi người một phòng, và chỉ sáp lại khi cả hai cần chuyện vợ chồng hoặc vì nhu cầu sinh lý. Theo một khảo cứu của National Sleep Foundation, có tới 25% cặp vợ chồng người Mỹ ngủ riêng. Và theo Đại học Toronto’s Ryerson, thì con số ấy tăng lên từ 30-40%. Vậy đâu là những lý do?

LÝ DO NGỦ RIÊNG

Những lý do theo National Sleep Foundation là vì giấc ngủ bị quấy rầy:

  • Người kia ngáy to.
  • Người này có các loại mùi hôi làm cho khó chịu.
  • Kéo chăn mền của nhau.
  • Hot flashes (triệu chứng gây ra do hậu quả của thời kỳ tiền mãn kinh cũng như trong thời gian mãn kinh của phụ nữ). Bắt đầu khi người phụ nữ bước vào tuổi 40. Thí dụ, trong người nóng nảy, toát mồ hôi, bực bội, cáu gắt, hơi thở dồn dập…
  • Thời khoá biểu và thói quen khác nhau, người đi ngủ trước, người ngủ sau.

Ngoài ra, hay thức giấc thường xuyên vì tiếng động, tiểu đêm, hoặc trằn trọc khó ngủ. Người đọc sách, người dùng điện thoại, Iphone, Ipad, chơi games, xem ti vi, mở đèn, hay gây tiếng động ồn ào khiến người kia không thể ngủ được.

Nhưng về mặt ích lợi, cũng có những người thích không khí yên tĩnh, thích hợp với việc sáng tác, viết lách, sưu tầm, khảo cứu. Kẻ lại ưa sự riêng tư, mến không gian riêng, hành động theo phong cách của mình, và không muốn bị ai làm phiền cũng như làm phiền người khác. Và đối với một số người thì nhu cầu sinh lý không còn đòi hỏi nữa nên không cảm thấy nhu cầu cần ngủ chung.

Tóm lại, việc vợ chồng ngủ riêng đối với nhiều người được coi là bình thường, thoải mái, riêng tư, và có lợi cho sức khỏe. Nhưng căn cứ vào con số thống kê trên, liệu việc vợ chồng ngủ riêng có phải là một hiện tượng xã hội thời nay hay không? Hay vì quan niệm hôn nhân, gia đình đang từ từ biến dạng ngay trên giường ngủ?…

ÍCH LỢI CỦA NGỦ CHUNG

Theo những nhà nghiên cứu chuyên môn, và theo kết quả một số cuộc khảo cứu mang tính chất khoa học về việc những cặp vợ chồng ngủ chung, thì trước hay trong khi ngủ, hành động yêu thương, âu yếm, hôn, đụng chạm, hay vuốt ve của họ sẽ tạo ra kích thích tố oxytocin, còn được gọi là kích thích tố tình yêu “love hormone”. Nó giúp cơ thể thư giãn, giảm huyết áp và cũng góp phần cho việc chữa bệnh. Theo tâm sinh lý và phân tâm học, không thỏa mãn chính đáng nhu cầu sinh lý có thể dẫn đến trầm cảm, hoặc tự cô lập, và một số căn bệnh về thể lý cho cả chồng cũng như vợ.

Thống kê theo the Sleep Foundation, 60 phần trăm các cặp vợ chồng người Hoa Kỳ ngủ chung. Theo kết quả khảo cứu, lên giường cùng giờ với nhau thường mang lại rất nhiều điều ích lợi về sức khỏe thể lý cũng như tâm lý. [1]

Một giấc ngủ ngon ban đêm còn ảnh hưởng tích cực trực tiếp đến các sinh hoạt ngày hôm sau của một cặp vợ chồng. Ngủ ngon làm gia tăng giá trị của cuộc sống. Các ông sẽ tỏ ra dễ chịu, các bà ít cáu gắt và dịu dàng với chồng hơn sau một đêm hạnh phúc bên nhau. Ngoài ra, khi nằm bên nhau, cảm giác “an toàn” khiến giấc ngủ sâu, không bị hồi hộp. Lo lắng, chập chờn, thường là nguyên nhân của mất ngủ. Ngủ chung cũng rất có lợi cho những người bị bệnh mất ngủ, mộng du, hay gặp ác mộng vì nếu có chuyện gì xảy ra, người phối ngẫu có thể giúp đỡ hữu hiệu.

NGỦ CHUNG VÀ VAI TRÒ SINH LÝ

“Bước vào hôn nhân không vì nhu cầu sinh lý nhưng cần thực hiện sinh lý 1 cách có ý thức và yêu thương.” Hôn nhân đi kèm với sinh lý, nên ngủ chung khiến việc chăn gối tiện lợi và giúp vợ chồng hạnh phúc hơn. Khoảng cách của việc riêng giường khiến cảm hứng chăn gối và tình cảm dễ đi đến chỗ nguội lạnh và tắt hẳn.

Nhu cầu sinh lý, không chỉ mang ý nghĩa truyền sinh, nó còn đóng vai trò hòa giải và làm tan biến nhiều khó khăn, hiểu lầm hoặc lạnh giá khi hai vợ chồng hòa hợp và tan biến vào nhau trong một hành động sinh lý với ý thức tình yêu. Ca dao Việt Nam có một câu rất thích hợp và ứng dụng trong đời sống tâm sinh lý, tình cảm của vợ chồng. Nó cũng là một bí quyết giữ chồng rất tâm lý:

“Đói thì thèm thịt thèm xôi,
Hễ no cơm tẻ thì thôi mọi bề”.

Ngủ chung tạo cơ hội cho hai tâm hồn dễ gần gũi và thông cảm nhau hơn. Họ có thể trao đổi, chia sẻ và hiểu nhau về những vấn đề cuộc sống. Cái giường vì thế được gọi là cái nôi êm ái của tình yêu vợ chồng.

“Trời cao xanh ngắt ô kìa
Hai con hạc trong bay về bồng lai.” (Tiếng sáo thiên thai, Phạm Duy)

Bồng lai của đôi hạc trắng chính là cái tổ, cũng như đối với cặp vợ chồng là chiếc giường êm ái. Vì ở trên cái giường mà:

“Chàng đưa tay trái cho tôi gối đầu,
đưa tay phải ghì chặt lấy tôi.” (Diễm ca 2:6)

Riêng đối với ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam, khi bước vào tuổi cao niên, thường là tuổi 60 như lời Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến: “Sáu mươi ông đã lão ru mà!” vợ chồng thường ngủ riêng. Lời giải thích chung chung vẫn là, chúng tôi đã già rồi, chẳng còn hứng thú về việc đó nữa nên ngủ riêng mỗi người một giường cho khỏe. Nhưng sinh lý được cho là sự thỏa mãn tình cảm của hai phái. 40% đàn ông trên 70 vẫn còn ham muốn chuyện vợ chồng. Tại Hoa Kỳ, qua cuộc khảo cứu của Indiana University’s Center for Sexual Health Promotion, 43% đàn ông và 22% đàn bà ở lứa tuổi trên 70 vẫn còn có hành động sinh lý.

Và dẫu cho dù không còn “chuyện ấy” với nhau đi nữa, thì việc vợ chồng ngủ chung vẫn là một biểu lộ tình yêu tha thiết và bền chặt: “Yêu nhau cho đến đầu bạc, răng long!”

VÀ HAI SẼ TRỞ NÊN MỘT

Trong hôn nhân, vợ chồng trở nên một: một tinh thần và một thân xác. Thánh Phaolô đã giải thích về vấn đề này trong thư gửi Côrinthô: “Vợ không có quyền trên thân xác mình nhưng là chồng. Cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình nhưng là vợ.” (1 Cor 7:4). Thân xác đã thuộc về nhau và là của nhau: “Xương của xương tôi, thịt của thịt tôi” (Sáng Thế Ký 2:23), không lẽ xương ngủ một nơi còn thịt ngủ một nơi.

Tóm lại từ căn bản Thánh Kinh đến những khảo cứu khoa học, cũng như từ những khám phá tâm lý, thì việc vợ chồng ngủ chung với nhau là một việc làm bắt buộc, và cần thiết. Nếu vì bất cứ lý do gì mà vợ chồng không ngủ chung với nhau thì đó chỉ là một giải pháp tạm thời cần phải giải quyết. Đã là vợ chồng chúng ta không có lý do gì để ngủ riêng.

TS Trần Mỹ Duyệt
(Hiệu đính từ bài viết đã được phổ biến ngày Nov.1, 2017)

____________

Tài liệu tham khảo:
Sleep Centers of Middle Tennessee
https://sleepcenterinfo.com › blog › should-i-go-to-bed-a..

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 23/11/2024. Thượng đỉnh APEC & G20: Tác động ra sao đến Trung Đông, Ukraine; Vị thế của Hoa Kỳ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
    Michael Kimmage & Hanna Notte
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa