Tin Hoa Kỳ

Một Thị Trấn Của Hoa Kỳ Phản Đối Nhà Máy Sản Xuất Pin Của Trung Cộng

Một tấm biển công cộng ở góc phố ở Manteno, Illinois, hôm 13/12 ghi hàng chữ: “Hãy đứng về phía Manteno: Phản đối Gotion!”.

Thị trấn Manteno, ngoại ô của Chicago, là nơi đang bị dân chúng phản đối rầm rộ, được xem là chiến trường mới nhất đối với các công ty của Trung Cộng đang chuyển đến miền Trung nước Mỹ. Đó là công ty sản xuất pin cho xem điện mang tên Gotion. Đây là công ty con của tập đoàn Kỹ nghệ Cao Gotion (Guoxuan) của Trung Cộng.

Mặc dù một quyết định mới đây của ban quản trị Manteno nhằm thay đổi mục đích sử dụng của khu sản xuất có lợi cho Gotion đã giúp ngăn trở các đối thủ của công ty này nhưng cuộc chiến còn lâu mới kết thúc.

Hôm 22/12, một nhóm công dân của thị trấn Manteno vừa mới thành lập gần đây đã đáp trả bằng một vụ kiện nhắm vào Gotion và ban quản trị thị trấn này.

Ở Manteno và những thị trấn tương tự, người Mỹ đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc tranh đấu.

Ông Ryan McHeffey, một người phản đối Gotion, nói với The Epoch Times: “Nhà cầm quyền Trung Cộng không thích chúng ta. Hãy xem điều gì đã xảy ra với virus Corona… Nhưng đây là thị trấn của chúng tôi, không phải của họ, và chúng tôi sẽ chiến đấu để cứu lấy thị trấn này”.

Câu chuyện bắt đầu từ đầu tháng Chín, khi Thống Đốc tiểu bang Illinois J.B. Pritzker, một thành viên đảng Dân Chủ, đã đến Manteno để thông báo rằng Gotion sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin xe điện trị giá 2 tỷ USD tại đây.

Địa điểm được đề nghị là một khu đất rộng hơn 100 mẫu Anh (khoảng 40 hecta) tại số 333 đường S. Spruce, hiện đang có một trung tâm phân phối Kmart cũ. Khu đất nằm ở phía tây của Xa lộ Liên tiểu bang số 57 — trục đường bắc-nam kéo dài xuống Missouri Bootheel và chia đôi Manteno.

Thỏa thuận này đi kèm với khoản ưu đãi trị giá 536 triệu USD của tiểu bang Illinois. Quận Kankakee cũng đề nghị miễn trừ thuế đất cho công ty này trong 30 năm. Dự án cũng đủ điều kiện nhận tín thuế liên bang về năng lượng xanh.

Ông Pritzker cho biết trong một tuyên bố rằng dự án sẽ mang lại “2,600 việc làm mới được trả lương cao tại Manteno”.

Thị trưởng Timothy Nugent, người quản trị thị trấn với rất ít người phản đối kể từ giữa những năm 2000, đã mô tả thông báo của Gotion là một “chiến thắng to lớn”.

Mặc dù đã có những tin đồn về Gotion trong những tuần trước đó, nhưng thông báo hồi tháng Chín của ông Pritzker vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên — và thông báo này đã khơi dậy sự phản đối.

Bà Julie Holda, một cư dân ở Manteno, nói với The Epoch Times: “Đột nhiên, tất cả mọi người nhận được thông tin này”.

Bà Holda là một trong nhiều người dân địa phương vận động phản đối Gotion.

Một số nhà hoạt động Manteno nói chuyện với The Epoch Times đã nêu ra một loạt những lo ngại, trong đó có vấn đề về các vật liệu rất độc hại được sử dụng trong chu trình sản xuất pin lithium, việc sử dụng trợ cấp của người nộp thuế cho một công ty ngoại quốc, các mối đe dọa tiềm ẩn đối với thực vật và động vật, gây bất ổn cho sự phát triển của một thị trấn yên bình này, cũng như sự ảnh hưởng từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trong một bức thư hồi tháng Chín của Ủy ban Đầu tư Ngoại quốc vào Hoa Kỳ (CFIUS) gửi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen để yêu cầu Bộ Ngân khố xem xét kỹ lưỡng về Gotion, Nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cùng các viên chức đảng Cộng Hòa khác mô tả những điều được cho là có liên quan này.

Các nhà lập pháp viết: “Ông Li Zhen, sáng lập viên kiêm chủ tịch của công ty, là một thành viên của Liên đoàn Công Thương tỉnh An Huy, thuộc hệ thống Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng chịu sự chỉ thị của ĐCSTQ. Con trai của ông, Li Chen, là Tổng giám đốc của Tập đoàn Guoxuan, đồng thời cũng là thành viên của Ủy ban Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc quận Bao Hà, một cơ quan cố vấn của ĐCSTQ”.

Bà Annette LaMore, một người phát thư đã về hưu và là một nhà hoạt động phản đối Gotion, nói với The Epoch Times: “Chúng ta đang mời chào kẻ thù vào thị trấn của chúng ta”.

Ông Mike Barry, một huấn luyện viên bóng bầu dục trong vùng, đã đặt nghi vấn về tác động của giới hạn thuế địa ốc đối với chủ sở hữu nhà cũng như ảnh hưởng lâu dài của dự án này đối với giá trị địa ốc.

Ông hỏi: “Làm sao tôi có thể bán được căn nhà của mình… khi ở cạnh một nhà máy sản xuất pin lithium?”.

Trong một lần dẫn phóng viên của The Epoch Times đi tham quan một doanh nghiệp trong thị trấn, các nhà hoạt động đã giải thích lý do tại sao họ lại thận trọng đến vậy.

Một người trong số họ nói: “Vụ này đúng là mối thù không đội trời chung giữa đôi bên. Chúng tôi vừa đặt mình vào một bên”.

Cư dân Manteno, Marina Fisher cho biết: “Thật đau lòng. Việc này đã thực sự khiến thị trấn bị chia rẽ”.

Cô Fisher cho biết, cô chuyển đến Manteno để thoát khỏi mọi rắc rối ở thành phố Chicago. Bây giờ cô lo lắng rằng những vật liệu độc hại ở nhà máy đó có thể khiến ngôi nhà mới của cô trở nên không an toàn. Vấn đề là về lithium, vật liệu căn bản để sản xuất pin, và các hóa chất khác được sử dụng trong quá trình sản xuất pin.

Trong một đánh giá năm 2023 về tác hại pin lithium-ion đối với sức khỏe, các nhà nghiên cứu Ba Lan lưu ý rằng lithium từ lâu đã được kê đơn cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, có nghĩa là các nhà khoa học có một số hiểu biết sâu sắc về độc tính của lithium đối với con người. Chất này có thể gây nguy hại đến sự lành mạnh của thận, tuyến giáp, và tuyến cận giáp, ngoài ra còn liên quan đến các dị tật bẩm sinh.

Người dân địa phương đặc biệt lo ngại về một loại hóa chất khác, N-methylpyrrolidone (NMP), chưa rõ sẽ được sử dụng ở Manteno hay không.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã kết luận vào năm 2020 rằng việc sử dụng NMP trong việc chế tạo pin lithium-ion gây ra “những rủi ro không thể ngờ tới”. Cơ quan này đã đưa ra hậu quả của việc tiếp xúc với NMP là nhiễm độc thận, gan, thần kinh, v.v…

Mặc dù, các viên chức của thị trấn Manteno cho biết rằng “nguồn cung cấp nước cho khu dân cư sẽ không bị nhu cầu về nước của nhà máy Gotion gây ảnh hưởng”, viện dẫn lời bảo đảm của Aqua Illinois. Họ tuyên bố rằng nước thải của nhà máy sẽ có rủi ro thấp sau một vài cấp độ tiền xử lý phổ biến như các “các nhà máy sản xuất khác trong khu vực”.

Tuy nhiên cô Fisher vẫn lo lắng rằng ô nhiễm không khí và nước có thể khiến cô và các con nhỏ của mình nhiễm bệnh. Cũng như nhiều người khác, cô cảm thấy “bị ép buộc phải chuyển đi nơi khác” nếu Gotion đến thị trấn.


Đảng Dân Chủ Chỉnh Lý Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ

Các chuyên gia pháp lý cho rằng việc đảng Dân Chủ thúc đẩy áp đặt quy tắc ứng xử lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ là bởi vì họ mong muốn có một tòa án đưa ra phán quyết không theo ý của họ trong các vấn đề then chốt.

Trong hai năm qua, đảng Dân Chủ và các đồng minh vốn là những nhà hoạt động cánh tả đã vô cùng tức giận khi Tối Cao Pháp Viện trao lại vấn đề phá thai cho các tiểu bang, hạn chế hành động khẳng định trong tuyển sinh đại học, củng cố quyền sử dụng súng, và cầu nguyện công khai, ủng hộ quyền của một nhà thiết kế trang web trong việc không quảng bá cho một đám cưới đồng giới, và củng cố quyền sở hữu tư nhân đồng thời làm suy yếu quyền lực quản lý của chính phủ đối với môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, phe cánh tả không thể chấp nhận khối bảo tồn truyền thống chiếm đa số trong Tối Cao Pháp Viện, vì vậy họ sẽ tiếp tục kích động phản đối điều đó và tìm cách làm suy yếu tính hợp pháp của Tối Cao Pháp Viện trong mắt công chúng.

Cho đến nay, sự kích động này đã thúc đẩy Tối Cao Pháp Viện thông qua quy tắc ứng xử chính thức đầu tiên được ban hành hôm 13/11, nhưng đảng Dân Chủ cho rằng đó là một hành động vô dụng và sẽ không khắc phục được điều mà họ cho là Tối Cao Pháp Viện quá đồng tình với những lợi ích kinh doanh và những chính nghĩa theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng Viện Dick Durbin (Dân Chủ-Illinois) nói rằng, “Quy tắc ứng xử mới của Tối Cao Pháp Viện còn lâu mới đáp ứng được những gì chúng tôi mong đợi từ tòa án cao nhất của đất nước”.

“Mặc dù quy tắc ứng xử này cấm thể hiện hành vi không đúng mực nhưng lại cho phép thẩm phán xác định bằng cách riêng rằng liệu hành vi của chính họ có tạo ra biểu hiện như vậy trong tâm trí của ‘những người biết lẽ phải trong công chúng’ hay không. Đây là điều mà các thẩm phán đã nhiều lần không thể làm được trong vài năm gần đây”.

Để khắc phục điều được cho là cuộc khủng hoảng tại Tối Cao Pháp Viện, ông Durbin ủng hộ Đạo luật Đạo đức, Cáo tỵ, và Minh bạch của Tối Cao Pháp Viện (SCERT) năm 2023 do ủy ban của ông đề nghị và đã thông qua trong một cuộc bỏ phiếu theo đường hướng đảng phái hồi tháng Bảy.

Đề nghị này, bị đảng Cộng Hòa phản đối là vi hiến, sẽ tạo ra một định chế cho phép công chúng nộp đơn khiếu nại các thẩm phán vì vi phạm quy tắc ứng xử được đề xướng hoặc tham gia vào “hành vi làm suy yếu tính liêm chính của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ”.

Bên cạnh những điều khác, dự luật cũng sẽ áp đặt các tiêu chuẩn cáo tỵ bắt buộc và thành lập một hội đồng thẩm phán tòa án cấp dưới để điều tra các khiếu nại nhắm vào Tối Cao Pháp Viện.

Ông Steven J. Allen, một thành viên cao cấp xuất sắc tại Trung tâm Nghiên cứu Thủ đô, một tổ chức giám sát, cho rằng đảng Dân Chủ đang đề xướng bộ quy tắc ứng xử của họ “để họ có thể kiểm soát Tối Cao Pháp Viện”.

Ông Allen nói, “Họ đang làm điều này để loại bỏ một hoặc nhiều thẩm phán đảng Cộng Hòa được bổ nhiệm để họ có thể thay thế”.

“Điều đó gần như là định nghĩa của ‘cuộc chiến pháp lý’ — sử dụng hệ thống pháp lý để gây chiến với đối thủ của quý vị. Quý vị mở rộng Tối Cao Pháp Viện bằng cách loại bỏ một hoặc hai thẩm phán đảng Cộng Hòa”.

Ông Durbin, một người lâu nay luôn phản đối Thẩm phán Clarence Thomas — người được nhiều người xem là luật gia thiên về bảo tồn truyền thống xuất sắc của Tối Cao Pháp Viện.


Tối Cao Pháp Viện Bị Đẩy Vào Các Phán Quyết Đòi Loại Ông Trump Khỏi Lá Phiếu

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để can thiệp vào nỗ lực ở nhiều tiểu bang nhằm loại bỏ cựu Tổng thống (TT) Donald Trump khỏi cuộc bỏ phiếu năm 2024. Sau khi Tối Cao Pháp Viện Colorado ra phán quyết loại bỏ cựu TT Trump khỏi cuộc bỏ phiếu, đổng lý tiểu bang Maine cũng ra quyết định tương tự. Cả hai đều đã tạm dừng các quyết định của mình để chờ kháng cáo thêm.

Cả hai phán quyết ở Maine và Colorado đều dựa trên lập luận rằng cựu TT Trump đã tham gia vào cuộc nổi dậy bởi vì ông đã có lời thách thức kết quả của cuộc bầu cử năm 2020, được xem là kích động những người ủng hộ ông tham gia cuộc biểu tình gọi là “Ngừng Đánh cắp Cuộc bầu cử” và cuộc bạo loạn sau đó tại Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.

Một số chuyên gia Hiến Pháp trước đây đã cho biết Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể sẽ bác bỏ lập luận như vậy. Nhưng việc đưa ra một phán quyết như vậy sẽ bị cho là can thiệp vào cuộc bầu cử. Đó là điều mà các thẩm phán muốn tránh.

Theo ông Horace Cooper, thành viên cao cấp của Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách Công, từng giảng dạy luật Hiến Pháp tại Đại học George Mason, Chánh án John Roberts cố gắng né tránh các quyết định mang tính chính trị, và thậm chí là các quyết định gây ảnh hưởng quá mức đến các cuộc bầu cử.

Ông nói thêm, một số thẩm phán cao cấp hơn và thiên về bảo tồn truyền thống hơn, cũng muốn tránh những hành động có thể gợi nhớ lại sự can dự của Tối Cao Pháp Viện trong cuộc bầu cử năm 2000.

Tuy nhiên, dường như có một sự đồng thuận trong cộng đồng các học giả pháp lý rằng tòa án cấp cao nhất này sẽ phải giải quyết vấn đề tước bỏ tư cách. Nỗ lực tước bỏ tư cách tranh cử của ông Trump, do các viên chức đảng Dân Chủ và các tổ chức pháp lý liên kết với đảng Dân Chủ dẫn đầu, đã đưa đến một loạt các phán quyết trái ngược nhau ở cấp tiểu bang và liên bang, không chỉ ở Colorado và Maine, mà ngày càng lan rộng ra toàn quốc. Tối Cao Pháp Viện dường như là cơ quan duy nhất có khả năng phân xử việc áp dụng Tu chính án thứ 14.

Ông Cooper nói: “Tối cao Pháp viện rất có thể sẽ nhanh chóng thụ lý vụ này”.

Tuy nhiên, ông dự đoán rằng Chánh án Roberts sẽ can dự của tòa án ở mức tối thiểu. Ông nói, “Ông ấy sẽ cố gắng thực hiện điều đó theo cách tiết chế tối đa để không phải là một phán quyết mà quyết định ai có thể là ứng cử viên và ai không thể là ứng cử viên”.

Hôm 13/12, Pháp viện đã chấp nhận đơn kiện của ông Joseph Fischer, người bị buộc tội “cản trở một thủ tục tố tụng chính thức” vì tham gia vào sự kiện ngày 06/01.

Một số chuyên gia đã dự đoán Tối Cao Pháp Viện có thể giải thích luật này một cách tiết chế hơn, khiến cách giải thích này không thể áp dụng được đối với các bị cáo ngày 06/01. Điều đó cũng không thể áp dụng cho cựu TT Trump.

Ngay cả khi Tối Cao Pháp Viện không đưa ra phán quyết có lợi cho cựu TT Trump, thì quá trình tố tụng có thể trì hoãn phiên tòa xét xử ông Trump cho đến sau cuộc bầu cử, hủy bỏ tính cấp thiết về mặt chính trị của phiên tòa.


Quốc Hội Hoa Kỳ Cho Harvard Thêm Thời Gian Để Phúc Đáp Về Vụ Đạo Văn

Đại học Harvard đã được gia hạn thêm thời gian để phúc đáp cho ủy ban của Hạ Viện Hoa Kỳ, cơ quan đang điều tra hành vi đạo văn của viện trưởng.

Harvard President Claudine Gay
(photo: AP)

Ủy ban Giáo dục Hạ Viện đã yêu cầu Harvard đưa ra câu trả lời về vụ bê bối đạo văn trước ngày 29/12. Nhưng một phát ngôn viên của ủy ban nói với báo chí rằng thời hạn đó đã được hoãn lại. Vị phát ngôn viên này cho biết, “Trong bối cảnh dịp lễ và văn phòng đóng cửa, chúng tôi đang làm việc với Harvard để nhanh chóng chuẩn bị các tài liệu cần thiết”.

Đại học Harvard đã thừa nhận rằng viện trưởng Claudine Gay đã đạo văn trong luận án và các bài nghiên cứu khác. Hành vi đó bao gồm việc sử dụng ngôn ngữ trực tiếp từ công trình nghiên cứu của các học giả Lawrence Bobo và Franklin Gilliam mà không đặt những ngôn ngữ đó trong dấu ngoặc kép.

Tuy nhiên, bà Gay vẫn giữ được vị trí của mình, và ban quản trị Harvard, cho biết họ ủng hộ bà. Ban quản trị tuyên bố, “Sứ mệnh của Harvard là nâng cao kiến thức, nghiên cứu, và khám phá vốn sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội sâu sắc và thúc đẩy diễn ngôn mang tính xây dựng, đồng thời chúng tôi tin tưởng rằng viện trưởng Gay sẽ dẫn dắt Harvard tiến tới hoàn thành công việc quan trọng này”.

Trong một lá thư đề ngày 20/12, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Hạ Viện Virginia Foxx (Cộng Hòa-North Carolina) đã yêu cầu bà Penny Pritzker, người đứng đầu ban quản trị, cung cấp tất cả các tài liệu và các cuộc liên lạc liên quan đến việc xem xét các bài nghiên cứu của bà Gay, bao gồm cả biên bản và bản ghi cuộc họp.

Bà Foxx cũng yêu cầu tất cả tài liệu về cách mà trường đại học trả lời các câu hỏi của giới truyền thông về đạo văn, các cuộc liên lạc giữa Harvard và cơ quan kiểm định của trường liên quan đến cuộc điều tra cáo buộc đạo văn, và một danh sách các biện pháp kỷ luật được đưa ra đối với sinh viên hoặc giảng viên bị phát giác đạo văn từ 01/01/2019 đến nay.

Bà Foxx lưu ý rằng Harvard nhận được tài trợ của liên bang, rằng các tổ chức được công nhận phải “bảo đảm tính trung thực trong học thuật”, và các quy tắc được đưa ra phải được áp dụng công bằng cho sinh viên và nhân viên. Theo báo cáo thường niên của Harvard, chỉ trong một năm học gần đây, Harvard đã điều tra 42 vụ đạo văn và 58 vụ vi phạm quy tắc danh dự khác của trường và trừng phạt hàng chục sinh viên bị phát giác vi phạm quy tắc này.

“Mối lo ngại của chúng tôi là các tiêu chuẩn không được áp dụng nhất quán, dẫn đến các quy định khác nhau đối với các thành viên khác nhau trong cộng đồng học thuật. Nếu một trường đại học sẵn sàng bỏ qua và không buộc giảng viên phải chịu trách nhiệm về việc có hành vi không trung thực trong học thuật, thì trường đó đã hạ thấp sứ mệnh và giá trị giáo dục của mình. Sinh viên phải được đánh giá một cách công bằng, theo những tiêu chuẩn đã biết — và có quyền thấy giảng viên cũng vậy”.

Bà cho biết thêm rằng, các tài liệu được yêu cầu sẽ giúp “bảo đảm rằng Harvard áp dụng các tiêu chuẩn chung về tính trung thực trong học thuật một cách đầy đủ, phù hợp, và, quan trọng nhất là một cách bình đẳng”.

Bà Gay nói trên tờ báo của Harvard rằng trường sẽ cung cấp những tài liệu theo yêu cầu. Bà nói, “Qua tin tức, tôi hiểu rằng đang có một cuộc điều tra. Sau khi nhận được thông báo chính thức, chúng tôi sẽ tuân thủ mọi thông tin được yêu cầu”.

Một phát ngôn viên của trường cũng cho biết trường sẽ chia sẻ thông tin với ủy ban.

Những lời kêu gọi sa thải bà Gay cho đến nay đã vấp phải sự phản đối. Họ bắt đầu kêu gọi từ chức sau khi bà Gay làm chứng trước Hạ Viện hồi đầu tháng Mười Hai và từ chối cho biết liệu sinh viên kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm nội quy của trường hay không.

Bà Sally Kornbluth, Giám đốc Viện Kỹ nghệ Massachusetts, người cũng đã làm chứng, cũng vẫn giữ chức vụ của mình trong khi viên chức thứ ba xuất hiện trước các nhà lập pháp, viện trưởng Đại học Pennsylvania Elizabeth Magill, đã từ chức dưới áp lực.


Tin Thế Giới

Động Đất Có Cường Độ 7.0 ở Khu Vực Papua Của Indonesia

JAKARTA, Indonesia — Một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển vùng cực đông Papua của Indonesia vào sáng sớm Chủ Nhật (31/12) theo giờ địa phương, nhưng không có tin tức tức thời về thiệt hại trầm trọng hoặc thương vong.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết trận động đất mạnh 7.0 độ với tâm chấn cách Abepura, ở Jayapura, thủ phủ tỉnh Papua, 162 km về phía đông bắc. Tâm chấn xảy ra ở độ sâu 10 km (6 dặm).

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu, và Địa vật lý Indonesia cho biết không có nguy cơ xảy ra sóng thần, tuy nhiên cơ quan này cảnh báo về các dư chấn có thể xảy ra do trận động đất có tâm chấn thuộc đất liền.

Theo Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương tại Hawaii, không có nguy cơ sóng thần nào phát sinh từ trận động đất này.

Với dân số chỉ 62,250 người, Abepura là một trong những thị trấn ít cư dân nhất Indonesia. Hồi tháng Hai, một trận động đất khiến tỉnh này rung chuyển, làm cho bốn người thiệt mạng vì không thể chạy thoát khi một nhà hàng nổi đổ sập xuống biển.

Indonesia là một quần đảo rộng lớn với hơn 270 triệu dân, thường xuyên hứng chịu thiên tai động đất và núi lửa phun trào do nằm trên “Vòng đai lửa”, một vòng cung núi lửa cùng đường đứt gãy ở lưu vực Thái Bình Dương.


Tách Rời Khỏi Trung Quốc Là Điều Không Dễ Dàng

Chính phủ Biden đã để tâm vào an ninh quốc gia và sức ép của các nhóm lợi ích. Việc kinh doanh có những lý do riêng của nó. Tuy nhiên, những nỗ lực tách rời tỏ ra khó khăn hơn những gì người trong cuộc mong muốn hoặc hy vọng.

Ngoài các nhóm có lợi ích hẹp, Hoa Thịnh Đốn cũng muốn ngăn cản sự cạnh tranh của Trung Cộng với Hoa Kỳ trên các cấp độ kinh tế, ngoại giao, và quân sự. Để giảm bớt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào hàng nhập cảng và sản xuất của Trung Cộng nói chung và để thúc đẩy các nguồn sức mạnh kinh tế trong nước của Hoa Kỳ nói riêng, Tổng thống Joe Biden, trái ngược với những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông, đã giữ nguyên các mức thuế mà ông Trump áp lên hàng nhập cảng của Trung Cộng, vốn được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2018 và năm 2019.

Tòa Bạch Ốc cũng cấm xuất cảng chất bán dẫn tân tiến sang Trung Cộng và hạn chế mức độ mà người Mỹ có thể đầu tư vào kỹ nghệ Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng đã từ chối tín thuế xe điện đối với bất cứ chiếc xe nào được sản xuất ở Trung Quốc hoặc có chứa một tỷ lệ đáng kể các phụ tùng của Trung Quốc. Ngoài những chi tiết cụ thể này, Hoa Thịnh Đốn muốn hạn chế tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Mỹ nói chung nếu Bắc Kinh hạn chế xuất cảng các sản phẩm quan trọng, như họ đã làm trong đại dịch COVID-19 và thậm chí sau đó theo chính sách zero COVID.

Các doanh nghiệp Mỹ có cùng một vài trong số mối lo ngại này nhưng nhấn mạnh động cơ tách rời của họ một cách khác nhau. Một động cơ lớn tập trung vào câu hỏi về chi phí. Trong vài thập niên sau khi Trung Cộng lần đầu tiên mở cửa với thế giới vào những năm 1970, chi phí sản xuất thấp đã là lý do lớn để thuê hãng sản xuất và xây dựng cơ sở sản xuất ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay, tiền lương ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn những nơi khác ở châu Á và Mỹ Latinh. Trung Cộng đã không còn là nơi có chi phí thấp, và sự cân nhắc quan trọng về chi phí đó đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy các doanh nghiệp xem xét việc dời đi.

Độ tin cậy là một vấn đề khác. Trước đó, Trung Cộng được xem là rất đáng tin cậy, tôn trọng hợp đồng, và giao hàng đúng hạn. Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra đại dịch, và trong một thời gian dài sau đó, các nhà sản xuất Trung Cộng đã không giao hàng đúng số lượng hoặc đúng thời hạn theo các biện pháp ngăn chặn COVID-19 của Bắc Kinh. Hơn nữa, trong trường hợp khẩn cấp, Bắc Kinh đã cấm xuất cảng một số sản phẩm quan trọng, đặc biệt là dược liệu và khẩu trang phẫu thuật. Nếu những thất bại này là có thể hiểu được, thì các doanh nghiệp Mỹ muốn tránh những vấn đề tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, gần đây hơn, nỗi ám ảnh về an ninh quốc gia của lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã khiến người ngoại quốc gặp khó khăn hơn khi hoạt động ở Trung Cộng.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như những mối quan tâm chung này đang có những thay đổi đáng kể. Theo Cục Thống kê Dân số, các sản phẩm của Trung Cộng đã chiếm tới 22% tổng lượng hàng nhập cảng của Mỹ vào năm 2017, trong khi từ đầu năm đến nay, hàng Trung Cộng chỉ chiếm 13%. Nhưng những con số đáng chú ý này lại che giấu một số khó khăn mang tính thực tiễn đối với nỗ lực tách rời.

Vấn đề là người Mỹ — khi chuyển nguồn cung ứng sang Việt Nam, Indonesia, hoặc Mexico — đang phát giác ra rằng những cơ sở tốt nhất ở đó thường thuộc sở hữu của Trung Cộng. Có vẻ như khi chính phủ Trump áp thuế lần đầu tiên, nhiều công ty Trung Cộng đã thiết lập cơ sở ở các quốc gia khác để tránh thuế. Ví dụ, đầu tư trực tiếp của Trung Cộng vào Đông Nam Á đã tăng từ mức tương đương khoảng 7 tỷ USD vào năm 2013, trước khi thuế quan có hiệu lực, lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2022, giai đoạn gần đây nhất có dữ kiện đầy đủ.

Giờ đây khi các doanh nghiệp Mỹ đang nghiên cứu các lựa chọn thay thế, họ phát giác ra rằng các lựa chọn tốt nhất nằm ở Việt Nam, Indonesia, hoặc các nơi khác đều có mối liên hệ với Trung Cộng. Bất chấp quyền sở hữu thuộc về người của Trung Cộng, sản phẩm của các công ty này vẫn xuất hiện trong tính toán của Cục Thống kê, không phải trong tư cách là hàng xuất cảng từ Trung Cộng mà là trong vai trò hàng xuất cảng từ nước sở tại.

Theo thời gian, những nỗ lực tách rời của Hoa Kỳ sẽ khắc phục được những trở ngại này. Như có thể thấy rõ từ các xu hướng mua hàng và đầu tư cũng như các cuộc khảo sát về thái độ, mong muốn đa dạng hóa khỏi Trung Cộng của các doanh nghiệp Mỹ vẫn có sức bền lâu dài. Các công ty Mỹ sẽ tiếp tục rời xa các nguồn vẫn duy trì sự phụ thuộc vào Trung Cộng trong một thời gian. Trong khi đó, các cơ sở ở các quốc gia khác này — ngay cả những cơ sở thuộc sở hữu của Trung Cộng — sẽ ít phụ thuộc hơn vào Trung Cộng Trung Quốc một khi trở nên tiến bộ hơn.


Hoa Kỳ Xác Định Hồng Kông Là ‘Đối Thủ Ngoại Bang’

Hôm 14/12, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Ủy Quyền Quốc Phòng (NDAA) năm 2024, chỉ định Trung Cộng, Hồng Kông, và Ma Cao là “các đối thủ ngoại bang”, cùng với Bắc Hàn, Cuba, Iran, và Venezuela.

Hôm 22/12, Tổng thống Biden đã ký đạo luật NDAA, báo hiệu việc tăng 3% ngân sách quốc phòng, trong đó có các khoản tiền đáng kể hướng tới việc tăng cường khai triển quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng.

Hồng Kông, và Ma Cao hiện đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách “các đối thủ ngoại bang”, cùng với Bắc Hàn, Nga, Cuba, Iran, và Venezuela. Dự luật này xem Hồng Kông và Ma Cao như một phần của Trung Cộng, là hai đặc khu xem thường nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Dự luật này cũng phân bổ kinh phí để điều tra các tội ác tiềm ẩn như diệt chủng, tội ác chiến tranh, và tội ác phản nhân loại do các viên chức và doanh nhân Hồng Kông gây ra.

Dự luật này tiếp tục dành 14.7 tỷ USD cho các chiến lược răn đe và cạnh tranh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, gia tăng năng suất và quy mô hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Cộng trong khu vực này. Tổng thống Biden đã ký ban hành dự luật này trở thành luật.

Dân biểu Mike Rogers (Cộng Hòa-Michigan), Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ Viện, nhấn mạnh tầm quan trọng chưa từng có của việc ban hành đạo luật NDAA hôm nay. Hoa Kỳ và các đồng minh phải đối mặt với các mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng từ Trung Cộng, Nga, Iran, Bắc Hàn, và nhiều tổ chức khủng bố toàn cầu khác nhau. Ông Rogers nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hành động ngay lập tức để bảo vệ an ninh quốc gia và tăng cường trợ giúp quân sự.

Khi Hoa Kỳ thông qua đạo luật NDAA, Hồng Kông, Ma Cao, và các quốc gia khác như Bắc Hàn, Cuba, Nga, Iran, và Venezuela bị xếp vào phe “trục ma quỷ”.

Vào tháng Mười, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố một loạt lệnh trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và tổ chức trợ giúp các chương trình phi đạn và phi cơ không người lái của Iran. Trong số các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt này có ba công ty có trụ sở tại Hồng Kông và một cư dân Hồng Kông.

Hôm 18/10, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã mở rộng các lệnh trừng phạt, tập trung vào 11 cá nhân, 8 công ty, và một tàu liên quan đến việc trợ giúp Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran (Islamic Revolutionary Guard Corps) và sản xuất phi đạn và phi cơ không người lái. Các hoạt động này trải rộng khắp Iran, Venezuela, Trung Cộng, và Hồng Kông. Có ba công ty và một cá nhân từ Hồng Kông đã bị cáo buộc có hành động trợ giúp cho một công ty Iran mua phụ tùng điện tử từ Hoa Kỳ và Nhật Bản, với sự tham gia của một phụ nữ Trung Quốc.

Theo Bộ Ngân khố, các công ty có liên kết với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo, đã sử dụng các đại lý địa phương ở Iran để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển các phụ tùng điện tử có công dụng kép từ Hoa Kỳ và Nhật Bản đến Iran thông qua Hồng Kông. Một cá nhân của công ty TNHH Kỹ nghệ Nanxigu, ghi danh tại Hồng Kông, bị cáo buộc là một đặc vụ Iran liên quan đến việc mua phụ tùng điện tử của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Công ty TNHH Kỹ nghệ Dai Li RF Technology Co., Limited, có trụ sở tại Hồng Kông, bị cáo buộc nhận các khoản chuyển ngân liên quan đến khách hàng của Nanxigu và Iran.

Công ty TNHH Điện ICGOO, một công ty khác của Hồng Kông, bị buộc tội cung cấp các phụ tùng nhạy cảm, trong đó có cả hàng hóa có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, cho các công ty Trung Cộng bị trừng phạt trước đây.

Các viên chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ khẳng định rằng việc Iran tiếp tục phát triển những sản phẩm mang tính hủy diệt như phi cơ không người lái và vũ khí sẽ góp phần vào những cuộc xung đột toàn cầu đang diễn ra, trong đó có cả việc cung cấp phi cơ không người lái cho Nga để Nga dùng đánh bom thường dân ở Ukraine.

Hôm 05/12, Bộ Ngân khố đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với mạng lưới do doanh nhân người Bỉ Hans De Geetere kiểm soát, cáo buộc vị doanh nhân này mua các sản phẩm điện tử quân sự cho Nga. Mạng lưới này có các tổ chức và cá nhân ở Nga, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Thụy Điển, Hoà Lan, và Hồng Kông, trong đó có cả công ty “M&S TRADING” của Hồng Kông. Trong các cáo buộc, có việc mạng lưới này liên tục vận chuyển các thiết bị điện tử dùng cho mục đích quân sự sang Nga thông qua Hồng Kông, Trung Cộng, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông De Geetere phải đối mặt với cáo buộc từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vì xuất cảng trái phép kỹ nghệ quân sự nhạy cảm sang Trung Cộng và Nga.

Hôm 12/12, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ tiết lộ rằng một công dân Trung Cộng tên Hồ Hiểu Tấn (Hu Xiaoxun) đã sử dụng công ty quốc phòng tư nhân, công ty TNHH Jarvis (HK) có trụ sở tại Trung Cộng, để bán vũ khí và kỹ nghệ được sản xuất tại Trung Cộng cho Nga thông qua các công ty trung gian. Các mặt hàng bao gồm đạn dược, phi cơ không người lái tự sát, và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn, tổng giá trị hàng triệu dollar.


Argentina Chính Thức Từ Chối Gia Nhập BRICS

Hôm thứ Sáu (29/12), chính phủ Argentina tuyên bố, tân tổng thống Javier Milley đã gửi thư cho lãnh đạo các nước nhóm BRICS, chính thức từ chối lời mời tham gia tổ chức này. Đây là sự thay đổi chính sách lớn mới nhất kể từ khi ông Milley nhậm chức. Hành động này cũng thực hiện lời hứa “chúng tôi sẽ không liên minh với các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản” khi ông Milley tranh cử.

Trong thư gửi các nhà lãnh đạo năm nước nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi), ông Milley cho biết hiện tại chưa phải là “thời điểm” để Argentina gia nhập BRICS với tư cách thành viên chính thức. Trong thư ông viết rằng chính sách ngoại giao của ông “khác với chính phủ tiền nhiệm về nhiều mặt. Từ ý nghĩa này mà nói, một số quyết định của chính phủ tiền nhiệm sẽ được đem ra xem xét kỹ lưỡng”.

Bức thư đề ngày 22/12 nhưng chính phủ Argentina đã công bố thư hôm 29/12. Ông Milley nhậm chức tổng thống Argentina vào tháng Mười Hai, và đã đảo ngược lập trường thân cộng sản của tổng thống tiền nhiệm.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tổ chức hồi tháng Tám năm nay đã mời sáu quốc gia tham gia, trong đó có Argentina. Tư cách thành viên mới của sáu quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Tuy nhiên, ông Milley đã từng có lời hứa trong chiến dịch tranh cử rằng, ông sẽ không để Argentina gia nhập BRICS.

Ông nói trong chiến dịch tranh cử: “Lập trường chính trị vững chắc của chúng ta là liên kết với Hoa Kỳ và Israel. Chúng ta sẽ không liên kết với các quốc gia chủ nghĩa cộng sản”.

Quyết định chính thức công khai không gia nhập nhóm BRICS của ông Milley là một đòn giáng mạnh vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Từ lâu, việc mở rộng BRICS đã là mục tiêu của Đảng này, vì họ hy vọng BRICS sẽ trở thành lực lượng đối trọng với thế giới do Tây Phương thống lãnh.

Sau khi ông Milley thắng cử ở Argentina, Trung Cộng lo ngại Argentina sẽ từ chối gia nhập BRICS. Bà Mao Ninh (Mao Ning), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, nói rằng “bất cứ quốc gia nào quan tâm đều được mời trở thành thành viên của đại gia đình BRICS”.

Để lấy lòng vị tân tổng thống, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng tới tân tổng thống thông qua đại sứ Trung Cộng tại Argentina chưa đầy 48 giờ sau khi ông Milley đắc cử. Toàn bộ bức thư chúc mừng sử dụng kính ngữ, lôi kéo Argentina chia sẻ cái gọi là “lợi nhuận”.

Tuy nhiên, ông Milley bày tỏ thái độ sẽ không “thúc đẩy hay xúc tiến mối bang giao với những kẻ độc tài, những người theo chủ nghĩa cộng sản, những người không tôn trọng hòa bình hoặc xem trọng các giá trị dân chủ”.

Những lời này khiến Trung Cộng rất lo lắng, vì châu Mỹ Latinh là chiến trường giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ.

Thành viên nhóm BRICS gồm Brazil và Trung Cộng là hai đối tác thương mại lớn nhất của Argentina, trong khi đối tác thương mại lớn còn lại là Hoa Kỳ cũng không gia nhập BRICS. Vì vậy, Argentina phải duy trì mối bang giao tốt đẹp với ba quốc gia này. Tuy nhiên, là một nhà kinh tế đã từng cân nhắc việc thay thế đồng peso Argentina bằng đồng USD, ông Milley có dấu hiệu nghiêng về phía Hoa Kỳ hơn là Trung Cộng trong tương lai.

Bài liên quan:
  • Tác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/12/2024. Năm 2024: Những biến cố gây bất ổn, những thách thức, đối đầu tại Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường và chấm dứt chiến tranh Ukraine
    William Lippert
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt