Nguồn: Việt Nam Thời Báo

Kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa (KTXHCN) bắt nguồn từ cái nôi phương Bắc đã bước vào ngã rẽ từ giã “thời hoàng kim”. Vì vậy, Ba-Đình phải tăng tốc “xin xỏ” để mong Mỹ cấp cho quy chế Kinh Tế Thị Trường (KTTT). Trong thời gian Mỹ đang cứu xét thì csVN lại can thiệp mạnh tay vào lãnh vực Tài Chánh, khiến nhiều Nghị Sỹ và Dân Biểu Hoa Kỳ viện dẫn những bằng chứng xác thực nhằm ngăn việc cấp quy chế KTTT cho csVN. . .

Hiện Việt Nam cùng 11 quốc gia khác nằm trong danh sách của Mỹ về nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Nga, Trung cộng và một số nước thuộc Liên Xô cũ. Trong hoàn cảnh này dù chẳng thể công khai nhìn nhận sai lầm, nhưng Giáo Sư Mác-Lê Nguyễn phú Trọng và bầy đàn lâu nay đã thất vọng nơi nền kinh tế XHCN, còn về phía Trung Nam Hải thì lại muốn cầm buộc Ba-Đình vào “cộng đồng cùng chung vận mệnh”.

Nay nhìn vào bản thân, Ba-Đình nhận thấy ngành bất động sản (BĐS) có tỷ trọng trên 20% so với tổng tài sản toàn nền kinh tế đang đóng băng giống như bên Tầu; khối ngân hàng thương mại (NHTM) có đến 33% suy nhược, đầy nợ xấu; dư nợ trong nền kinh tế năm 2024 có thể cao hơn tăng trưởng nội đia GDP đến 140%, dấu hiệu dẫn đến rủi ro trong kinh tế vĩ mô. (https://vanhoimoi.org/?p=20132)

Việc giải quyết nhóm NHTM yếu kém trở nên cấp bách đến độ ngay chiều 29 Tết Giáp Thìn (08 tháng 2 năm 2024) Chính phủ vội xuống lệnh cho NHNN phối hợp chặt chẽ kiểm toán khẩn cấp hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án giải quyết vụ Ngân hàng SCB đang bị kiểm soát do rút ruột tới 12 tỷ Mỹ Kim trong thời gian dài mà hệ thống toàn trị vẫn lờ đi như không biết.

Trước đó với quyết định can thiệp vào lãnh vực Tài Chánh, Tiền Tệ, phía Chính Phủ còn trực tiếp ra lệnh thanh tra khẩn cấp NHNN về chỉ tiêu và tỷ lệ phân phối tín dụng năm 2023. Cuộc điều tra NHNN về tín dụng diễn ra từ đầu tháng 12 năm 2023, cho đến nay giữa tháng 02 năm 2024 chưa công bố kết quả, nhưng NHNN đã bị “gỡ khỏi tay” nghiệp vụ phân phối tín dụng bình thường, để phải giao hết 15% tín dụng năm 2024 cho phía NHTM.

Nguồn: Việt Nam Thời Báo

Toàn cảnh khối NHTM trầm mình trong yếu kém và cung cách Ba-Đình can thiệp thô bạo vào chuyên ngành Tài Chánh & Tiền Tệ, chứng tỏ nhà nước vẫn “đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế”. Thực tế này rơi ngay vào các tiêu chuẩn cấm kỵ của nền KTTT, bị phía Lập Pháp Hoa Kỳ nêu ra.

Nhìn sang quan thầy phương Bắc, khoảng 400 triệu người trung lưu ở bên Tầu – nhóm dân số đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang mất mát gần hết tài sản do Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chìm trong khủng hoảng và thị trường chứng khoán (TTCK) đổ dốc vô phương cứu chữa.

Nước Mỹ hiện là thị trường xuất cảng thu lợi lớn nhất của Việt Nam, tới 96,8 tỷ Mỹ kim chỉ riêng năm 2023. Trong khi Việt Nam lại phải bỏ ra đến 111,6 tỷ Mỹ kim để mua mọi thứ hàng từ đồ điện tử đến chổi cùn giẻ rách của đàn anh phương Bắc. [1]

Hy vọng tránh bị trừng phạt mà chỉ thu lợi từ thị trường Mỹ, Ba-Đình mở chiến dịch vận động mọi ngõ ngách để xin Mỹ bỏ qua 6 tiêu chuẩn; 56 cuộc điều tra, trong đó có thao túng tiền tệ và 25 lệnh chống bán phá giá. . .  với khát vọng được Hoa kỳ sớm nhìn nhận “csVN là nền KTTT” – một nền kinh tế mà 20 năm trước tại diễn đàn Bắc Kinh ông Trọng từng bác bỏ, để tuyên nhận “kinh tế thị trường định hướng XHCN như quá trình tất yếu phù hợp với quy luật của thời đại và đáp ứng yêu cầu thực tiễn để phát triển nước Việt Nam”. Từ đó, ông Trọng đưa Việt Nam vào bế tắc về  kinh tế suốt gần 3 nhiệm kỳ do ông Trọng toàn quyền lãnh đạo. [2].

Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nguồn: Đàn Chim Việt

Trong bối cảnh có tính toán, Chiến dịch xin Mỹ cấp quy chế Kinh tế Thị Trường được Ba-Đình phát động từ những năm trước, đẩy đến “cao điểm” từ tháng 9 năm ngoái, Ba-Đình đã đệ đơn xin Mỹ cấp quy chế KTTT vào dịp nâng cấp ngoại giao với Mỹ lên bậc cao nhất “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện”, thời điểm được mô tả là “khá thuận tiện”. Cuối tháng 10 năm 2023, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ Department of Commerce (DOC) thông báo sẽ xem xét đơn của Ba-Đình trong khoảng 270 ngày qua thủ tục đánh giá sẽ bao gồm cả thời gian lấy ý kiến của công chúng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng khoảng tháng 6 hay tháng 7 năm 2024.

Trong khi Mỹ mới bước vào 90 ngày xét đơn đầu tiên, thì đột nhiên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng “lên giây cót” đòi Hoa Kỳ chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường” đối với Hà-nội. Và “đổ vấy” cho Mỹ qua cách nói: “việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn”. Lời phát biểu chính thức vừa dẫn, được ông Dũng đưa ra hôm 23 tháng Giêng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, giữa lúc Ba-Đình khổ công vận động Washington sớm chấm dứt cảnh nhiều thập niên qua csVN bị liệt vào hạng kinh tế phi thị trường.

Ngày mùng 01 tháng 2 truyền thông Nhà Nước dẫn thông tin từ Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Marc E. Knapper, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, đăc trách kinh tế Lê Minh Khái, ở Hà Nội vào chiều ngày 31 tháng 01 nói rằng, Phòng Thương mại Hoa Kỳ đang khẩn trương xem xét chi tiết vấn đề công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường; hy vọng thời điểm đó có thể vào tháng 6 năm nay.

Cho đến giai đoạn này, cách nói năng và loan tin của csVN có vẻ như đã “cầm chắc” trong tay quy chế KTTT.

Nhưng, hôm mùng 03 tháng 02, Đài VOA dẫn tin từ Quốc Hội Hoa Kỳ cho biết, hai nhóm Nghị Sỹ và Dân Biểu Mỹ gồm trên 30 vị vừa kêu gọi chính quyền Biden không cấp quy chế KTTT cho Việt Nam, với những lý do được viện dẫn sau đây:

Việt nam còn vướng vào 6 tiêu chuẩn:

(1) Nền Tài Chánh bị Nhà Nước kiểm soát;
(2) Công nhân không có nghiệp đoàn độc lập và trẻ em bị “ép buộc lao động”;
(3) Nhà Nước vẫn kiểm soát doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài (FDI);
(4) Việt Nam vẫn là một nước cộng sản với nền kinh tế tập trung, nhà nước “đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế”;
(5) Doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu đãi, bao gồm việc kiểm soát giá, đặc biệt với các ngành công nghiệp chủ chốt như “xăng dầu, thép, bê tông, vận tải, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và thiết bị y tế”;
(6) Hà-nội vẫn toa rập với Bắc Kinh để tránh các biện pháp thương mại và thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ. Và vì vậy, còn đang phải đối mặt với 25 lệnh chống bán phá giá và rất nhiều vụ điều tra nữa.

Các vị dân cử lưỡng viện Hoa Kỳ cảnh báo “quyết định vội vàng … sẽ làm suy yếu việc thực thi luật thương mại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, chỉ càng khuếch trương và tạo lợi thế cho Đảng cộng sản Trung cộng và Đảng cộng sản Việt Nam mà thôi”, đổng thời làm tổn thương các ngành công nghiệp cũng như người lao động ở Mỹ”. [3]

Giữa bối cảnh nước Mỹ sẽ tổng tuyển cử để chọn Tổng Thống và một phần thành viên lưỡng viện Quốc Hội vào tháng 11 năm nay, mà ngay bây giờ mới ở giai đoạn vận động nhưng đang khá gay go. Vào thời điểm này, qua các cuộc thăm dò, Tổng Thống đương quyền là ứng cử viên Biden thua điểm đối thủ là cựu TT Trump thấy rõ. Cho nên dù DOC hay Chính phủ Mỹ nói chung, có thẩm quyền xem xét để cấp quy chế KTTT cho quốc gia nào thích hợp với luật lệ thương mại của Mỹ. Nhưng, DOC vẫn phải quan tâm đến phản ứng của bên Lập Pháp trong hệ thống chính trị đa đảng.

Mục tiêu của Ba-Đình xin Mỹ cho quy chế KTTT biểu hiện rõ mưu toan thu lợi riêng cho đảng csVN: Ngoại thương chỉ muốn thêm tiền, nội trị lại khoái tăng quyền ép dân.

Trần nguyên Thao
Mùng 02 Tết Giáp Thìn

[1] https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-12-29/Tong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-hang-hoa-nam-2023-uoaburip.aspx

[2] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/2081/kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia—quan-niem-va-giai-phap-phat-trien.aspx

[3] https://www.voatiengviet.com/a/hon-30-nghi-si-my-phan-doi-viec-xet-cong-nhan-kinh-te-thi-truong-cho-viet-nam/7469363.html

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 23/11/2024. Thượng đỉnh APEC & G20: Tác động ra sao đến Trung Đông, Ukraine; Vị thế của Hoa Kỳ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
    Michael Kimmage & Hanna Notte
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa