Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Allstate Tăng Mức Phí Bảo Hiểm Xe Hơi Lên 30% Ở California

Trong một cuộc họp về thu nhập của công ty Allstate hôm 08/02, ông Mario Rizzo, chủ tịch phụ trách tài sản và trách nhiệm pháp lý, cho biết, công ty vừa nhận được mức tăng 30% phí bảo hiểm xe hơi từ Sở Bảo hiểm California.

Một phát ngôn viên của Allstate nói với The Epoch Times rằng mức tăng mới này sẽ giúp công ty phục hồi sau sự gia tăng tai nạn trong những năm gần đây.

Phát ngôn viên này nói trong một bức thư điện tử rằng: “Các khoản thanh toán của chúng tôi để giúp khách hàng phục hồi sau tai nạn và thảm họa đã tăng đáng kể trong vài năm qua và chúng tôi cần điều chỉnh mức phí để phản ảnh chi phí cung cấp cho số tiền bảo hiểm mà khách hàng của chúng tôi phụ thuộc vào”.

Một phát ngôn viên của sở bảo hiểm tiểu bang nói với nhật báo San Francisco Chronicle rằng mức phí mới của Allstate có thể đồng nghĩa với việc tăng từ 10% đến 55% đối với những người lái xe ở California.

Một phát ngôn viên của công ty này cho biết nhờ việc tăng mức phí mà giờ đây công ty có thể “cải thiện khả năng cung cấp bảo hiểm”.

Ngoài ra, Allstate đã tạm dừng các chính sách bảo hiểm nhà ở, chung cư, thương mại, ở California trong năm 2023, khi các cơ quan quản lý tiểu bang tìm cách nới lỏng các hạn chế đối với các công ty bảo hiểm.

Bà Janet Ruiz, một phát ngôn viên của Viện Thông tin Bảo hiểm — một tổ chức có trụ sở tại New York chuyên cung cấp thông tin bảo hiểm cho người tiêu dùng — nói với The Epoch Times rằng phí bảo hiểm xe hơi phần lớn đang tăng lên do lạm phát và chi phí phụ tùng xe hơi đang tăng. Các yếu tố khác bao gồm nhiều tai nạn hơn, đặc biệt là với những cơn bão gần đây ở California.

Bà nói, “Khi quý vị nhìn vào những chiếc xe hơi ngày nay, thì trước đây, việc thay thế một tấm cản trước tương đối rẻ tiền. Bây giờ họ có các bộ phận cảm biến, camera… có quá nhiều kỹ thuật trên xe hơi. Để sửa chữa những thứ này thì tốn kém hơn nhiều”.

Bà cho biết việc tăng mức phí ở California là bình thường và được tiểu bang này xem xét kỹ lưỡng.

Bà nói: “Sở Bảo hiểm sẽ xem xét các hồ sơ hoặc yêu cầu tăng mức phí đó một cách khéo léo và sẽ không cho phép các công ty bảo hiểm tính phí quá cao”.

Theo CalMatters, một hãng thông tấn bất vụ lợi đưa tin về chính sách của California, năm ngoái (2023), phòng bảo hiểm của tiểu bang đã phê chuẩn 111 lần tăng giá.

Ngoài ra, hôm 07/02, AllState đã mở bán lại bảo hiểm xe hơi trực tuyến hoặc qua điện thoại, sau khi tạm dừng hồi năm ngoái khi công ty bảo hiểm này chỉ cho phép bán bảo hiểm trực tiếp ngang qua một đại lý.

Trong khi đó, cuối năm ngoái, công ty này đã công bố những lần phê chuẩn tăng mức phí lần lượt là 14% và 20% ở New York và New Jersey, sẽ mang lại khoảng 1 tỷ USD.

Theo ông Rizzo, việc tăng mức phí xảy ra khi công ty này cố gắng bù đắp chi phí bảo hiểm cho người lái xe. Ông cho biết AllState sẽ “tiếp tục thu hẹp quy mô hơn” ở New Jersey, nơi mà mức tăng thấp hơn dự định, không giống như California và New York, đáp ứng với các yêu cầu của công ty.


Ông Newsom Bị Kiện Về Chính Sách Người Chuyển Giới, Giáo Viên Bị Buộc Phải Nói Dối

Các giáo viên đang kiện Thống đốc California Gavin Newsom và Tổng chưởng lý California Rob Bonta lên tòa án liên bang về các chính sách mà họ cho rằng bị buộc phải che giấu các bậc cha mẹ về tình trạng chuyển giới (LGBT) của những em học sinh chưa thành niên.

thống đốc California,
Gavin Newsom

Vụ kiện diễn ra sau khi Thống đốc ký một số luật hồi tháng 09/2023 trong đó mở rộng các biện pháp bảo vệ của California dành cho những cá nhân LGBT.

Một luật thiết lập các mốc thời gian cho cái gọi là đào tạo năng lực văn hóa bắt buộc cho giáo viên và nhân viên trường công lập. Một luật khác thành lập một cơ quan tư vấn để xác định nhu cầu của học sinh thuộc giới LGBT. Một luật khác yêu cầu các gia đình phải thể hiện sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của trẻ em được nhận chăm sóc nuôi dưỡng, bất kể xu hướng tính dục hay nhận dạng giới tính của đứa trẻ. Ngoài ra còn có một luật yêu cầu các trường tiểu học và trung học phải có phòng tắm không phân biệt giới tính dành cho học sinh.

Lúc ấy, ông Newsom nói rằng, “Khi nói đến bảo vệ và trợ giúp cộng đồng LGBTQ+ của chúng ta thì California tự hào có một số luật trong số những luật mạnh mẽ nhất trong nước, và chúng tôi cam kết tiếp tục thực hiện công việc này để tạo ra những không gian an toàn hơn, hòa nhập hơn cho tất cả người dân California”.

Đồng thời, Thống đốc đã phủ quyết dự luật buộc các thẩm phán đưa ra lệnh giám hộ và thăm viếng khi xem xét liệu một người cha hoặc mẹ có chấp nhận nhận dạng giới tính được xác nhận của một đứa con hay không.

Trong vụ kiện, các giáo viên khu vực San Diego gồm cô Elizabeth Mirabelli và cô Lori Ann West, những tín đồ Cơ Đốc Giáo mộ đạo, đã đệ đơn kiện để phản đối các chính sách mà họ cho là bị bắt buộc phải nói láo.

Đơn kiện pháp lý trong vụ kiện này, Mirabelli kiện Olson, ban đầu được đệ trình vào tháng 04/2023 tại Tòa án Địa hạt Liên bang cho Quận Nam California, kiện Khu học chính Escondido Union (EUSD), ở Quận San Diego, và các viên chức của Hội đồng Giáo dục Tiểu bang California.

Các chính sách mới đây của khu học chính K-8 vốn ảnh hưởng đến những học sinh chuyển giới đã dẫn đến vụ kiện này.

Hôm 29/01, những giáo viên này đã sửa đơn kiện, trong đó bổ sung ông Newsom và ông Bonta, vốn đều là thành viên đảng Dân Chủ, là bị đơn trong vụ kiện.

Theo đơn kiện thì EUSD yêu cầu tất cả các giáo viên tiểu học và trung học phải “không ngần ngại chấp nhận khẳng định của một đứa trẻ về nhận dạng giới tính hoặc chuyển giới, và… [để] ‘ngay lập tức bắt đầu đối xử với học sinh’ theo nhận dạng giới tính đã được khẳng định của các em”.

“Hoàn toàn không có chỗ cho việc thảo luận, hoặc đặt câu hỏi liệu đứa trẻ đó có thành thật hay hành động theo ý thích hay không. Một khi quá trình chuyển đổi xã hội của đứa trẻ bắt đầu, thì giáo viên tiểu học và trung học của EUSD phải bảo đảm rằng không cho cha mẹ biết”.

“Các chính sách của EUSD nêu rõ rằng ‘tiết lộ tình trạng chuyển giới của học sinh cho những cá nhân không có nhu cầu, mà không có sự đồng ý của học sinh’ đều bị cấm, và ‘cha mẹ hoặc người chăm sóc’, theo EUSD, là những cá nhân ‘không có nhu cầu chính đáng về thông tin này,’ bất kể độ tuổi của học sinh hoặc các sự việc cụ thể của tình huống đó”.

Đến nay chưa có phản ứng từ phía văn phòng của Thống Đốc về các vụ kiện này.


Câu Lạc Bộ Khí Hậu Toàn Cầu Bị Ảnh Hưởng Khi Jpmorgan Chase, Blackrock, State Street Rút Lui

Phong trào môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) vừa gặp phải một bước lùi lớn với việc ba công ty lớn nhất Wall Street rút lui khỏi một trong những câu lạc bộ hoạt động vì khí hậu nổi bật nhất hôm 15/02.

BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, và State Street, nhà quản lý tài sản lớn thứ ba thế giới, đã tuyên bố rút khỏi Climate Action 100+ (còn gọi là Hành Động Vì Khí Hậu 100+), một câu lạc bộ đầu tư cam kết “bảo đảm các công ty phát thải khí nhà kính lớn nhất thực hiện hành động cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.

Những người ủng hộ hành động trên toàn thế giới chống lại hiện tượng ấm lên toàn cầu đã ca ngợi Climate Action 100+ là nhân tố chính trong nỗ lực hội tụ các tổ chức tài chính hùng mạnh nhất thế giới đằng sau các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) được các tổ chức toàn cầu như Liên Hiệp Quốc và Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) tán thành. Vào thời kỳ đỉnh cao, câu lạc bộ khí hậu này tự hào có 700 thành viên là nhà đầu tư nắm giữ số tài sản trị giá 68 ngàn tỷ USD; tuy nhiên, với những tuyên bố rút lui vào tuần này (12-18/02), tổng tài sản của các thành viên tổ chức này đã giảm đi khoảng 16 ngàn tỷ USD.

Thành lập vào năm 2017, Climate Action 100+ buộc các thành viên của mình nhắm mục tiêu vào 170 “công ty trọng tâm” trong các ngành phát thải CO2 như sản xuất dầu mỏ và hàng không, đồng thời đe dọa sử dụng quyền bỏ phiếu của cổ đông để chống lại các công ty từ chối cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tổ chức này đã quảng bá sự thành công của họ về việc thu hút được 75% các công ty tham gia vào nghị trình.

Tuy nhiên vào tháng 06/2023, tổ chức này đã đi xa hơn khi yêu cầu các thành viên của mình công bố hồ sơ sử dụng quyền bỏ phiếu cổ đông của họ để chứng minh rằng trên thực tế, các thành viên đang tích cực thúc đẩy các mục tiêu về khí hậu chứ không chỉ là nói suông. Yêu cầu này đã đi quá xa đối với một số thành viên, những tổ chức đang phải đối diện với những cảnh báo và điều tra từ các tổng chưởng lý tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa và các thành viên Quốc Hội về việc họ có thể đang tham gia vào một hành vi thông đồng bất hợp pháp.

Tuần này (12-18/02), State Street Global Advisors tuyên bố, họ “đã kết luận rằng các yêu cầu giai đoạn 2 cao hơn của Climate Action 100+ đối với các bên ký kết không phù hợp với cách tiếp cận độc lập của chúng tôi đối với việc bỏ phiếu ủy quyền và can dự vào các công ty trong danh mục đầu tư”.

Những người ủng hộ nghị trình về khí hậu đã ra sức chỉ trích việc các công ty rời khỏi câu lạc bộ khí hậu này.

Kiểm soát viên Tài chính thành phố New York Brad Lander cho biết ba công ty đang “thu hút những người từ chối khí hậu”, đồng thời đe dọa sẽ “xem xét các lựa chọn quản lý các khoản đầu tư vào thị trường đại chúng của chúng ta”, có thể là chuyển tiền lương hưu cho các nhà quản lý quỹ hoạt động vì khí hậu tận tâm hơn.

Tuy nhiên, những người chỉ trích câu lạc bộ khí hậu này lại hoan nghênh việc rút lui.

Tổng Chưởng lý West Virginia Patrick Morrisey tuyên bố trên X, “JPMorgan Chase đã đưa ra quyết định đúng đắn khi rút khỏi liên minh nhà đầu tư lớn nhất tập trung vào việc thuyết phục giới doanh nghiệp hành động vì biến đổi khí hậu — Climate100+”.

Trên thực tế, rất nhiều công ty ngân hàng, bảo hiểm, và nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới tham gia nỗ lực ESG đã chứng tỏ là một điểm nghẽn hiệu quả về vốn, không chỉ làm giảm nguồn tài chính cho các ngành như khai thác than và thăm dò dầu khí mà còn kiểm soát được quyền bỏ phiếu của cổ đông công ty.

Ví dụ, tuần trước (05-11/02), Barclays, một trong những ngân hàng lớn nhất của Vương quốc Anh, đã thông báo rằng họ sẽ không còn cung cấp vốn trực tiếp cho các dự án dầu khí mới nữa. Họ cũng tuyên bố rằng họ sẽ cắt giảm việc cho vay đối với những công ty năng lượng nào vẫn đang mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Một nghiên cứu năm 2019 trên Harvard Business Review cho thấy các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm các nhà quản lý tài sản lớn, công ty bảo hiểm, ngân hàng, và quỹ hưu trí tiểu bang, đang sở hữu 80% cổ phần trong chỉ số S&P 500 của các công ty lớn nhất nước Mỹ.

Ngoài ra, báo cáo còn nêu rõ, “một trong số các công ty BlackRock, Vanguard, hoặc State Street là cổ đông lớn nhất của 88% số công ty thuộc S&P 500 [và] họ là ba chủ sở hữu lớn nhất của hầu hết các công ty thuộc DOW 30”. BlackRock, Vanguard, và State Street là những nhà quản lý quỹ lớn nhất thế giới, cùng nhau quản lý số tài sản trị giá khoảng 20 ngàn tỷ USD.

Như một phần của khái niệm mà tác giả báo cáo gọi là sự “sở hữu cổ phần theo chiều ngang”, báo cáo còn nêu thêm rằng một số ít các nhà quản lý quỹ hiện đang kiểm soát các công ty cạnh tranh trong nhiều ngành.

“Vanguard, BlackRock, Capital Research, Fidelity, và State Street là năm chủ sở hữu lớn nhất của Kroger, năm trong số sáu chủ sở hữu lớn nhất của Costco, và bốn trong số bảy chủ sở hữu lớn nhất của Target”, báo cáo cho biết. “Ba cổ đông lớn nhất của Apple cũng là ba trong số bốn chủ sở hữu (không phải là cá nhân) hàng đầu của Microsoft”.

Khi được tập trung vào tay một số công ty, quyền lực to lớn này đặt ra câu hỏi về hành vi độc quyền nhóm, đặc biệt là khi các công ty cùng theo đuổi các mục tiêu chính trị hoặc cam kết hành động thống nhất với tư cách là thành viên của các hiệp hội như Climate Action 100+, sáng kiến ​Các Nhà quản lý Tài sản Phát thải ròng bằng 0 (NZAM), hoặc Liên minh Ngân hàng Phát thải ròng bằng 0.

Tuy nhiên, mặc dù từng có sự đồng thuận giữa các tổ chức tài chính lớn trong việc có ác cảm với nhiên liệu hóa thạch, một số tổ chức đã bắt đầu phá vỡ hàng ngũ. Việc JPMorgan Chase, State Street, và BlackRock rời khỏi Climate Action 100+ trong tuần này xảy ra sau khi Vanguard, nhà quản lý quỹ lớn thứ hai thế giới, rời khỏi NZAM vào tháng 12/2022.


FBI Cảnh Báo Về Các Trò Lừa Đảo Mã QR Mà Kẻ Gian Sử Dụng Để Đánh Cắp Tiền

Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã đưa ra một cảnh báo mới cho người Mỹ rằng, nên thận trọng khi quét mã QR bằng điện thoại thông minh vì tội phạm mạng giả mạo mã này để đánh cắp thông tin đăng nhập và thông tin tài chính.

mã QR

Một mã QR — mã vạch hình vuông mà mọi người có thể quét bằng camera trên điện thoại thông minh — có thể cung cấp quyền truy cập nhanh chóng và thuận tiện vào một trang web hoặc thanh toán trực tiếp cho người nhận.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp sử dụng mã QR để cung cấp quyền truy cập trực tiếp vào các dịch vụ, cho phép truy cập vào các mục trong thực đơn nhà hàng trên điện thoại thông minh, sau đó thực khách có thể đặt hàng một cách thuận tiện.

Tuy nhiên, trong một cảnh báo ban đầu hồi cuối tháng Giêng, FBI cho biết họ đã phát giác rằng tội phạm mạng đã chế tạo mã QR giả mạo và dùng kỹ thuật digital để hoán đổi thành mã độc gây rủi ro cho người dùng khi được quét.

Bà Stephanie Walker, trợ lý trưởng Bộ phận Mạng của FBI, nói với ABC News hôm 16/02 rằng, “Thật không may, những việc này đang trở nên phổ biến”, trong khi FBI nhắc lại lời cảnh giác mọi người phải thận trọng khi quét mã QR.

Bọn tội phạm sử dụng kỹ thuật mã QR độc để hướng mọi người đến các trang web độc hại hầu đánh cắp dữ kiện của người dùng, đột nhập vào thiết bị của nạn nhân bằng cách gài nhu liệu độc hại vào thiết bị, hoặc chuyển hướng thanh toán để thu lấy tiền ngay lập tức.

Bà Walker cho biết, “Khi quý vị quét một mã QR nhằm mã độc thì có thể cấp cho tội phạm quyền truy cập vào điện thoại của quý vị, sau đó cho phép bọn chúng truy cập vào bất cứ ứng dụng nào quý vị thường sử dụng”. Bà nói thêm, “Việc đó cũng có thể đưa một nhu liệu vào máy điện toán để có thể thay đổi điện thoại của quý vị và đánh cắp thông tin đăng nhập”.

Trong cảnh báo trước đó, FBI giải thích rằng sau khi có được quyền truy cập vào thông tin đăng nhập của một người và thông tin tài chính khác, tội phạm mạng có thể sử dụng thông tin đó để rút tiền từ trương mục của nạn nhân.

FBI cảnh báo: “Cơ quan tư pháp không thể bảo đảm thu hồi số tiền bị mất sau khi tiền được chuyển”.

Hồi tháng 09/2023, bộ phận El Paso của FBI cho biết cơ quan này bắt đầu nhận được các báo cáo trong năm 2022 rằng mọi người đang trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo mã QR, trong đó lừa đảo tiền điện tử là một lãnh vực được đặc biệt quan tâm.


20 Công Ty Big Tech Công Bố Hiệp Ước Theo Dõi Cuộc Bầu Cử Năm 2024

Một nhóm gồm 20 công ty Big Tech đã cam kết ngăn chặn việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính lừa đảo và truy tìm những người tạo ra sự giả mạo này khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác tiến đến cuộc bầu cử vào năm 2024.

Các sản phẩm deepfake về các ứng cử viên chính trị, viên chức bầu cử, và “các bên liên quan” trong cuộc bầu cử năm nay sẽ nằm dưới sự giám sát của Adobe, Amazon, Anthropic, ARM, ElevenLabs, Google, IBM, Inflection AI, LinkedIn, McAfee, Meta, Microsoft, Nota, OpenAI, Snap, Stability AI, TikTok, TrendMicro, TruePic, và X (trước đây là Twitter).

Những đại công ty kỹ nghệ này, một vài công ty trong số đó đã bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi về việc kiểm duyệt các quan điểm chính trị không được ưa chuộng trong các cuộc bầu cử, đã ký một hiệp ước chống lại việc sử dụng AI mang tính lừa đảo trong cuộc bầu cử năm 2024. Hiệp ước này được công bố tại Hội nghị An ninh Munich (MSC), với sự tham dự của các nhà lãnh đạo toàn cầu và các viên chức an ninh hôm thứ Sáu (16/02).

Trọng tâm cụ thể của hiệp ước này là âm thanh, video, và hình ảnh do AI tạo ra được thiết kế để đánh lừa cử tri và thao túng các tiến trình bầu cử. Theo một thông cáo báo chí, những công ty này sẽ “làm việc bằng cách hợp tác với nhau” để dựa vào các nỗ lực hiện có của họ trong lãnh vực này.

Thông cáo báo chí lưu ý rằng thỏa thuận này được đưa ra khi hơn 4 tỷ người ở hơn 40 quốc gia dự định sẽ tham gia vào các cuộc bầu cử trong năm 2024.

Hiệp ước Kỹ nghệ vạch ra một loạt những cam kết, kể cả việc các công ty này sẽ làm việc cùng nhau để tạo ra những công cụ phát giác “và giải quyết” việc sử dụng deepfake — âm thanh, video, và hình ảnh do AI tạo ra có sức thuyết phục.

Nội dung nào cung cấp thông tin sai lệch cho cử tri về thời gian, địa điểm, và cách họ có thể bỏ phiếu cũng sẽ là mục tiêu của các công ty này.

Chủ tịch MSC Christoph Heusgen, người đã mô tả các cuộc bầu cử là “trái tim đang đập” của các nền dân chủ, đã ca ngợi “Hiệp ước Kỹ nghệ” là một “bước quan trọng trong việc thúc đẩy tính liêm chính trong bầu cử, tăng cường khả năng phục hồi xã hội, và tạo ra các thực tiễn kỹ nghệ đáng tin cậy”.

Ông nói trong một tuyên bố: “MSC tự hào cung cấp một nền tảng cho các công ty kỹ nghệ thực hiện các bước nhằm kiểm soát các mối đe dọa bắt nguồn từ AI trong khi đồng thời sử dụng kỹ nghệ này vì lợi ích dân chủ”.

Các công ty tham gia đã cam kết thực hiện 8 hành động trong “Hiệp ước Kỹ nghệ nhằm Chống lại việc Sử dụng AI Lừa đảo trong các Cuộc bầu cử năm 2024”.


Các Gia Đình Mỹ Đang Rơi Vào Bẫy Nợ

Các gia đình Mỹ dường như có trí nhớ ngắn hạn về tài chính. Hoặc là họ chưa học được — hoặc là họ có lẽ chỉ đơn giản không nhớ — các bài học về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008–2009. Nhiều gia đình Mỹ đang lặp lại những sai lầm tương tự như đã mắc phải hơn 15 năm trước. Cụ thể, họ đang chi tiêu mạnh tay và khiến nợ chồng thêm nợ vào đúng thời điểm mà lẽ ra họ nên cắt giảm cả chi tiêu và nợ một cách thận trọng.

Tiêu dùng cá nhân dành cho hàng hóa đã tăng 3.8% trong 3 tháng cuối năm 2023, vượt xa mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chung 3.3% của Hoa Kỳ. Việc chi tiêu nhiều hơn vốn dĩ sẽ chẳng có gì là sai nếu thu nhập tăng có thể đài thọ cho việc đó, nhưng đây không phải là những gì đang diễn ra. Theo dữ kiện từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA), trong năm 2023, chi tiêu cá nhân đã tăng hơn gấp đôi tốc độ tăng thu nhập cá nhân.

Mức tăng trong chi tiêu này không được chi trả bằng thu nhập mà là bằng nợ. Theo báo cáo hàng 3 tháng gần đây nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York về Nợ và Tín dụng Gia đình, đến cuối năm 2023, tổng nợ gia đình đã tăng lên mức cao kỷ lục 17.5 ngàn tỷ USD. Đây là một mức tăng 24% so với mức trước đại dịch vào cuối năm 2019, và cao hơn 3.6% so với chỉ một năm trước. Hầu hết số tiền (12.3 ngàn tỷ USD) trong khoản nợ này phản ảnh số dư nợ mua nhà, nhưng các khoản vay mua xe hơi và nợ sinh viên, mỗi khoản còn đóng góp thêm 1.6 ngàn tỷ USD, đồng thời số dư nợ thẻ tín dụng cũng đóng góp hơn 1.1 ngàn tỷ USD nữa vào khoản nợ tiêu dùng bổ sung.

Đáng chú ý, số dư thẻ tín dụng tăng 4.6% trong 3 tháng cuối năm 2023, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng đã chỉ tăng 0.7% — một dấu hiệu cảnh báo rằng người tiêu dùng đang căng thẳng và sử dụng nhiều nợ hơn để trang trải các khoản mua sắm thường nhật.

Điều khiến xu hướng này trở nên nguy hiểm không chỉ là tổng số nợ mà còn là thực tế rằng trong khi nợ gia đình tăng ở mức 5.5% mỗi năm (hơn 3 ngàn tỷ USD) kể từ năm 2019, thì thu nhập cá nhân thực chỉ tăng 1.9% mỗi năm trong cùng thời kỳ. Nói cách khác, các gia đình đang mắc nợ nhiều hơn cả về mặt tuyệt đối lẫn tương đối so với thu nhập của họ trước khi có cuộc suy thoái do phong tỏa vào năm 2020.

Các dấu hiệu khác cho thấy người Mỹ đang gặp khó khăn về tài chính bao gồm việc họ vừa dành ra ít tiền hơn trong thu nhập của mình để tiết kiệm vừa phải viện đến tiền tiết kiệm hiện có để trang trải cuộc sống. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của các gia đình Hoa Kỳ đã giảm từ 5.3% trong tháng Năm xuống 3.9% trong tháng Mười Hai. So với mức trên 8% đạt được trong thời kỳ trước đại dịch, những số liệu gần đây thể hiện tỷ lệ tiết kiệm cá nhân thấp nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi các gia đình căng thẳng vì các khoản nợ mua nhà có lãi suất điều chỉnh tăng cao mà họ chỉ đơn giản là không đủ khả năng chi trả.

Người Mỹ đang không chỉ tiết kiệm ít hơn mà còn đang làm cạn kiệt dần trương mục tiết kiệm của mình. Tổng tiết kiệm cá nhân đã giảm hơn 27% kể từ tháng 12/2019. Tình trạng này không thể tiếp tục lâu hơn nữa.

Sự mất cân đối này này xảy ra vào thời điểm gánh nặng trả nợ đối với nhiều gia đình tăng lên do phải tiếp tục hoàn trả nợ sinh viên. Quy định tạm dừng trả nợ liên bang của sinh viên được áp dụng vào năm 2020 đã kết thúc vào tháng 09/2023. Không có cách nào để biết liệu người tiêu dùng có thực hiện các khoản thanh toán này hay không vì theo báo cáo của Fed, “các khoản thanh toán nợ sinh viên liên bang bị bỏ lỡ sẽ không được báo cáo cho văn phòng tín dụng” cho đến 3 tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, có lý do để tin rằng nhiều sinh viên mắc nợ đã chậm thanh toán.

Với lãi suất tăng nhanh trong hai năm qua, chi phí dịch vụ nợ tiêu dùng cũng tăng theo. Vào tháng 02/2024, chi phí trung bình của nợ thẻ tín dụng hiện đã lên tới 28%, so với mức dưới 23% vào năm ngoái. Trong cả hai trường hợp, nợ thẻ tín dụng sẽ nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không được thanh toán. Các gia đình ở Hoa Kỳ đang ngày càng cảm thấy mắc kẹt trong một vòng nợ nần luẩn quẩn.

Chính sách kinh tế Biden (Bidenomics) đang có tác động tương tự đối với các gia đình cũng như đối với chính phủ Hoa Kỳ. Cả hai đối tượng này đều sống vượt quá khả năng trang trải của mình và đang tiêu những đồng tiền mà họ không sở hữu.


Trung Cộng Miễn Thị Thực Nhập Cảnh Nhằm Thu Hút Khách Du Lịch

Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy hoạt động thương mại du lịch đang sụt giảm của Trung Cộng bằng cách nới lỏng các quy định nhập cảnh và áp dụng các chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, du khách đến Trung Quốc cho biết các quy định nhập cảnh dễ dãi không hẳn là một tấm vé vàng. Du khách vẫn phải đối mặt với tình trạng quan liêu, rào cản ngôn ngữ, truy cập Internet thì khó khăn, và hệ thống thanh toán hầu như không dùng tiền mặt của Trung Cộng.

Trong khi đó, người Trung Quốc bản địa từ hải ngoại về thăm quê cũng lo ngại về hoạt động giám sát và thu thập thông tin khắp mọi ngóc ngách của quốc gia cộng sản này.

Dựa trên các dữ kiện do Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Cộng công bố và được CNN đưa tin, số lượng du khách ngoại quốc đến và rời khỏi Trung Quốc trong năm 2023 là 35.5 triệu người, con số này kém xa và chỉ bằng 36% của con số 97.7 triệu chuyến đã được thực hiện trong năm 2019 trước khi đại dịch bùng phát.

Các công ty du lịch cũng cho biết số lượng đặt chuyến đến Trung Quốc cũng ít hơn. Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Cộng, được tờ South China Morning Post đưa tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, các công ty du lịch Trung Cộng đặt 477,800 chuyến đi cho khách du lịch ngoại quốc vào Trung Quốc, giảm 6% so với cùng thời kỳ năm 2019, trước đại dịch.

Ông Steven Zhao, Giám đốc điều hành của công ty du lịch trực tuyến China Highlights, nói với tờ South China Morning rằng hầu như không còn khách từ các quốc gia Tây phương đặt chuyến, nên nhiều công ty ngừng sắp xếp lịch trình cho những du khách này.

Để đối phó với tình trạng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra một số chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp và du khách ngoại quốc.

Sau khi gỡ bỏ quy định điền thông tin vào tờ khai sức khỏe đối với du khách vào cuối năm ngoái (2023), Trung Quốc đã gỡ bỏ nốt yêu cầu đi lại cuối cùng liên quan đến COVID-19.

Hơn nữa, các du khách và doanh nhân từ hơn chục quốc gia Âu Châu và Á Châu hiện đã được miễn thị thực khi đến Trung Quốc. Trong sáu tháng qua, Trung Cộng đã đơn phương mở quyền miễn thị thực nhập cảnh cho du khách đến từ Brunei, Pháp, Đức, Ý, Hoà Lan, Tây Ban Nha, và Malaysia, trong vòng tối đa 15 ngày. Tháng 01/2024, ĐCSTQ tuyên bố đưa thêm Ireland và Thụy Sĩ vào danh sách miễn thị thực.

Mới đây, kể từ hôm 09/02, Trung Cộng và Singapore đã bắt đầu miễn thị thực song phương, cho phép công dân hai nước lưu trú trong vòng 30 ngày. Bắt đầu từ ngày 01/03, Trung Quốc và Thái Lan sẽ khai triển chương trình miễn thị thực vĩnh viễn cho công dân hai nước.

Du khách từ hơn 54 quốc gia khác cũng được miễn thị thực khi lưu trú ngắn hạn tại Trung Quốc trong thời gian từ 72 giờ đến 144 giờ.

Bất chấp căng thẳng giữa hai quốc gia, du khách từ Hoa Kỳ cũng sẽ cảm thấy việc đi du lịch Trung Cộng trở nên dễ dàng hơn phần nào. Mặc dù công dân Hoa Kỳ vẫn cần xin thị thực, tuy nhiên phía Trung Quốc không yêu cầu cung cấp bằng chứng đặt phòng khách sạn, vé phi cơ khứ hồi, cũng như thư mời. Tháng 12/2023, Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố sẽ giảm 25% phí xin thị thực nhập cảnh.

Có rất nhiều người Trung Hoa tại hải ngoại chia sẻ về trải nghiệm của họ trong chuyến đi Hoa lục gần đây. Hầu như ai cũng bị theo dõi bằng nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn, các hệ thống camera ở trên đường phố có khả năng nhận diện và truy tìm lý lịch cá nhân.


Học Giả Trung Cộng Thừa Nhận Có 4 Khoảng Cách Lớn Giữa Trung Cộng và Mỹ

Vài ngày trước, bài diễn văn của Giáo sư Zhu Feng, một học giả quan hệ quốc tế nổi tiếng của Đại học Nam Kinh, đã bị phổ biến ra ngoài. Ông Zhu nhắc nhở, không chỉ cần học cách nhìn các vấn đề từ phía Trung Quốc, mà quan trọng hơn là cần học cách nhìn Trung Quốc từ góc nhìn của thế giới. Mọi người cần có hiểu biết rõ ràng về hiện trạng của mối cạnh tranh Trung Cộng – Mỹ, cũng như sự tồn tại khoảng cách trong bốn lãnh vực. Cho dù bài diễn văn có lời ca ngợi Trung Cộng theo yêu cầu của đảng cộng sản, nội dung bài diễn văn của ông Zhu Feng đã tạo sự chú ý.

Hôm 08/02, trang web của Hội cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh loan tin, hội đã tổ chức Dạ tiệc mừng năm mới 2024 hôm 27/01. Ông Zhu Feng, Hội trưởng Hội Cựu Sinh Viên trường Nam Kinh thuộc Đại học Bắc Kinh, đã có bài diễn văn về chủ đề “Kinh tế Trung Quốc-Hoa Kỳ”.

Tài liệu cho biết, ông Zhu Feng hiện là Viện trưởng điều hành Viện Quan hệ quốc tế của Đại học Nam Kinh, Chủ nhiệm điều hành Trung tâm nghiên cứu hợp tác đổi mới Nam Hải của Đại học Nam Kinh, Ủy viên Ủy Ban Cố Vấn Hàng Hải của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, đồng thời là nghiên cứu viên đặc biệt của Trung Tâm Nghiên Cứu Thế Giới Đương Đại Liên Bộ của Trung Cộng. Do đó, ông còn được xem là một học giả được trọng vọng của đảng cộng sản Trung Cộng.

Ông Zhu Feng khẳng định: “Sẽ không có sự cải thiện căn bản nào trong bang giao Trung Cộng – Mỹ trong vòng 5 hoặc 10 năm tới”.

Ông nói rằng, chính sách đối với Trung Cộng của Hoa Kỳ đã thay đổi. Họ đã khóa chặt việc xem Trung Cộng là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất, mối đe dọa lớn nhất và là địch thủ tiềm tàng lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ 21.

Kết quả nghiên cứu của ông Zhu Feng cho thấy Hoa Kỳ dẫn trước Trung Cộng trong 4 lãnh vực chính.

Thứ nhất, Hoa Kỳ vẫn đang ở vị trí dẫn đầu về đổi mới kỹ nghệ và kỹ nghệ chế tạo kỹ thuật cao toàn cầu. Đứng thứ hai là châu Âu, Nhật Bản, và Nam Hàn, trong khi Trung Cộng xếp hạng thứ ba.

Thứ hai là địa vị bá chủ về tiền tệ và tài chính của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà đồng USD hiện vẫn là đồng tiền được lưu hành và dự trữ lớn nhất thế giới. Sự ổn định tài chính toàn cầu không thể tách rời khỏi đồng USD.

Ông Zhu thừa nhận rằng đồng nhân dân tệ đã được quốc tế hóa trong nhiều năm như vậy, nhưng tổng lượng lưu thông tiền tệ của đồng tiền này trên thế giới chỉ là 3.3%, trong khi tổng lượng lưu thông tiền tệ của đồng USD trên thế giới là 62.8%.

Khoảng cách thứ ba là Mỹ có 47 đồng minh cốt lõi trên khắp thế giới, bao gồm châu Âu, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác. Trong khi đó, các đồng minh của Trung Cộng là Iran, Bắc Hàn, Venezuela, Syria, v.v.

Khoảng cách thứ tư giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ là quyền lên tiếng. “Chúng ta đã làm rất tốt trong những năm qua, nói với khắp thế giới rằng Trung Cộng là tốt. Kỳ thực, bang giao quốc tế cũng giống như mối quan hệ xã hội, quý vị nói với khắp thế giới rằng mình là người tốt, liệu người khác có tin Trung Cộng là người tốt không”?.

Ông Zhu Feng nhấn mạnh: “Cuộc cạnh tranh quyền lực ngày nay giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ không phải đơn giản là so sánh lực lượng, mà quan trọng hơn là ảnh hưởng quốc tế”.


Trung Cộng Tuyển Dụng Quân Nhân Của Hoa Kỳ Và NATO

Theo Tướng James Hecker, chỉ huy Lực Lượng Không Quân tại châu Âu – Lực Lượng Không Quân tại châu Phi của Hoa Kỳ (USAFE–AFAFRICA), Trung Cộng đã nhắm mục tiêu vào các quốc gia NATO để tìm cách tuyển dụng các cựu quân nhân và quân nhân tại ngũ trong khối này.

NATO

Tin tức của Breaking Defense cho biết, hôm 12/02, trong một hội nghị bàn tròn về truyền thông tại Hội Nghị Chuyên Đề Chiến Tranh của Hiệp hội Lực Lượng Không Quân và Vũ Trụ ở Colorado, Tướng Hecker, cũng là chỉ huy Bộ Tư Lệnh Không Quân Đồng Minh của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã bình luận về nỗ lực tuyển dụng của nhà cầm quyền Trung Cộng.

Tướng Hecker nói, Trung Cộng “đã có những nỗ lực” trong việc tuyển dụng “từ nhiều quốc gia, trong đó, nhiều quốc gia thuộc NATO. Nhưng chúng tôi đã phát giác ra việc này khá sớm”.

“Và chúng tôi đã thành công trong việc tìm ra một số phi công đã tham gia vào loại công việc đó—chúng tôi đã có thể đưa họ trở lại. Hầu hết họ sẵn lòng quay lại, tùy thuộc vào quốc gia”.

Tướng Hecker cho biết một số quốc gia đã phải thay đổi luật để đưa một số quân nhân của họ trở về; ông không nêu rõ là quốc gia nào.

Ông nói rằng Hoa Kỳ và NATO đã bắt đầu một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, nhưng điều đó “không ngăn cản được” nỗ lực tuyển dụng của Bắc Kinh.

Tướng Hecker nói: “Vì vậy, chúng tôi tiếp tục cảnh báo để bảo đảm tất cả những quân nhân đã về hưu, đặc biệt là các phi công, biết âm mưu của Trung Cộng đang diễn ra, và điều đó là không thể chấp nhận được”.

Theo một tuyên bố của USAFE–AFAFRICA, ông nói với các phóng viên tại Hội Nghị Chuyên Đề Chiến Tranh rằng năm lãnh vực trọng tâm về hoạt động của bộ chỉ huy là “chống lại các khả năng loại trừ khu vực chống tiếp cận của địch thủ, tích hợp phòng không và phi đạn, chia sẻ thông tin và tình báo, chỉ huy và kiểm soát, và tuyển dụng chiến đấu nhanh”.

Tướng Hecker nói: “Khoảng sáu tháng sau khi nắm quyền chỉ huy, tôi đã đưa ra năm ưu tiên, và những ưu tiên đó vẫn chưa thay đổi”.

“Tôi nghĩ tất cả các quốc gia đều nhận ra rằng quý vị không thể tự mình giải quyết vấn đề này. Chúng ta sẽ làm việc tốt hơn nhiều với các đối tác và đồng minh. Việc này kết thúc ở chiến trường Âu Châu hay Phi Châu là điều không quan trọng”.

Để hạn chế vấn đề Quân Trung Cộng tuyển dụng quân nhân của liên minh NATO, hồi tháng trước (01/2024), một hội nghị có tên “Bảo vệ Chuyên môn Quân sự của Chúng ta trước các Địch thủ” đã được tổ chức tại Căn cứ Không Quân Ramstein ở Đức, trụ sở chính của Bộ Tư Lệnh Không Quân Đồng Minh NATO.

Theo tuyên bố hôm 08/02 của USAFE–AFAFRICA, hội nghị này có sự tham dự của quân đội, tình báo, và các bên liên quan khác đến từ Hoa Kỳ cùng 22 đồng minh NATO và các đối tác Ngũ Nhãn (Five Eyes), cũng như các đại diện của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ.

USAFE–AFAFRICA mô tả nỗ lực tuyển dụng của nhà cầm quyền Trung Cộng là một “mối đe dọa mới đối với an ninh của Hoa Kỳ và NATO”.

Theo lời tuyên bố, nhà cầm quyền Trung Cộng đã sử dụng các phương pháp “tuyển dụng công khai và bí mật” để nhắm vào các quân nhân là “phi công, nhân viên bảo trì, nhân viên trung tâm điều hành không quân, và nhiều chuyên gia kỹ thuật khác nhau thuộc nhiều ngành nghề có thể cung cấp sự hiểu biết sâu sắc về các chiến thuật, kỹ thuật, và quy trình trên không của Hoa Kỳ và NATO.


Nhật Bản Và Hoa Kỳ Cải Thiện Khả Năng Chiến Đấu Để Đối Đầu Với Trung Cộng

Gần đây, Nhật Bản đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự và mở rộng khả năng phòng thủ của mình. Quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản (USFJ) đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Nhật Bản để tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh tiềm ẩn, trong khi các cuộc tập trận phòng thủ tập trung vào vùng tiệm cận của Đài Loan. Các chuyên gia tin rằng những hành động như vậy được thực hiện với mục đích ngăn chặn Trung Cộng xâm chiếm Đài Loan.

Từ ngày 01 đến 08/02, Hoa Kỳ và Nhật Bản, với sự tham gia của lực lượng Úc Đại Lợi, đã tiến hành Chiến dịch Keen Edge, gồm một chuỗi các cuộc tập trận chỉ huy và huấn luyện thực địa tại các căn cứ ở Nhật Bản và Hawaii.

Ông Grant Newsham, đại tá Thủy Quân Lục Chiến đã về hưu và là nhà nghiên cứu cấp cao của Diễn Đàn Nghiên Cứu Chiến Lược Nhật Bản ở Tokyo, nói với Stars and Stripes rằng Chiến dịch Keen Edge “về bản chất, gần như là nhắm vào Trung Cộng”.

Các nhà lập pháp ở Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng các hầm tránh bom. Hôm 13/02, ông Yoshimasa Hayashi, Chánh văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản, nói với Ủy Ban Ngân Sách của Hạ Viện Nhật Bản rằng chính phủ sẽ đề nghị xây dựng các nơi trú ẩn di tản vào cuối tháng Ba để bảo vệ thường dân trong trường hợp bị ngoại bang tấn công.

Trong khi đó, Tokyo sẽ xây dựng một hầm tránh bom lớn dưới ga tàu điện ngầm Azabu-Juban trung tâm ở phường Minato của Tokyo. Thống đốc Tokyo Yuko Koike nói với nhật báo Japan Times, “Trước đây, chúng tôi đã chuẩn bị các cơ sở di tản khác, nhưng xét đến mức độ bất ổn của tình hình quốc tế hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải chuẩn bị cho mối đe dọa trầm trọng và đáng kể từ các hỏa tiễn đạn đạo”.

Hôm 12/02, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ mô phỏng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo vào đảo Ishigaki, nằm trong chuỗi đảo Nansei phía tây nam Nhật Bản, cách Đài Loan 286 dặm (460 km).

Hôm 14/02, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Minoru Kihara đã gặp Đại sứ Hoa Kỳ Rahm Emanuel. Hai viên chức này khẳng định cam kết của Nhật Bản và Hoa Kỳ là cùng hợp tác để tăng cường năng lực phòng thủ.

Hơn nữa, vào tháng tới (03/2024), quân đội Hoa Kỳ sẽ huấn luyện Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản cách sử dụng phi đạn hành trình Tomahawk mua từ Hoa Kỳ. Hôm 18/01, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận mua 400 phi đạn Tomahawk, có thể được sử dụng để tấn công các bãi phóng phi đạn của đối phương, giúp Nhật Bản củng cố khả năng đối phó.

Tại cuộc họp báo hôm 18/01, ông Emmanuel ca ngợi hành động này, nói rằng: “Khi những kẻ xâm lược ngày càng hung hãn, thì Nhật Bản sẽ là quốc gia đi đầu trong số các quốc gia tập hợp lại để bảo vệ hòa bình và thịnh vượng, và bắt buộc đối phương phải trả giá nhiều hơn cho cuộc xâm lược”.

Hồi tháng 10/2023, Tướng Charles Flynn, tư lệnh Lục Quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bày tỏ lo ngại về mối đe dọa của Trung Cộng trong thập niên tới.

Tại cuộc Đối Thoại Chiến Lược của Cường quốc Lục địa, do Hiệp Hội Lục Quân Hoa Kỳ và Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế đồng tổ chức, ông nói, “Những gì họ đã làm trong 10 năm qua, và ý định họ đã dự định làm trong 10 năm tới sẽ là điều đáng lo ngại đối với tất cả chúng ta”.  Tướng Flynn nói rằng Trung Cộng là mối đe doạ nguy hiểm. Ông nhấn mạnh “sứ mệnh quan trọng” của lục quân Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước hành động xâm lược ngày càng thách thức của Trung Cộng, Lục quân hiện đang bắt tay vào cuộc chuyển đổi lớn nhất trong nhiều thập niên.

Được công bố vào mùa thu năm ngoái, Lục Quân 2030 là bản kế hoạch kéo dài nhiều năm của quân đội Hoa Kỳ nhằm duy trì khả năng chiến đấu cũng như điều chỉnh trang thiết bị và tổ chức để đối phó tốt hơn với các địch thủ lớn. Kế Hoạch Lục Quân 2030 tuân theo các ưu tiên được đưa ra trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia và Chiến Lược Quốc Phòng Quốc Gia năm 2022, trong đó xác định Trung Cộng, Nga, Bắc Hàn, Iran, và nhiều nhóm khủng bố là những mối đe dọa trầm trọng và dai dẳng.

Lực lượng Đặc nhiệm Đa Miền (MDTF) của Lục Quân Hoa Kỳ được thiết lập để tăng cường khả năng khai triển ở khu vực Thái Bình Dương và ngăn chặn Trung Cộng mở rộng chiến lược đến họ mức có thể gây ra một cuộc chiến.

Bài liên quan:
  • Ukraine là tiền tuyến của một cuộc xung đột lớn hơn nhiều
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 27/4/2024. Ukraine phản công ngoạn mục! Tháng Tư Đen và CSVN sau 49 năm: Khủng hoảng lãnh đạo; Trang giành quyền lực; Tham nhũng ở thượng tầng; Hèn với giặc, ác với dân!
    BS Nguyễn Trong Việt
  • BA ĐÌNH LUYỆN KIẾM: “TÔ-VƯƠNG” đấu đá vừa phân tỏ!
    Trần nguyên Thao
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim