________________________________

Cứ mỗi lần gặp một cặp vợ chồng đang trong thời gian thử thách để mong hàn gắn đổ vỡ, những câu nói thường xuyên mà tôi nghe, phần lớn là từ phía phụ nữ, đại khái: Chồng tôi/chồng em thuộc loại người trăng hoa, dễ bị say nắng, và có những liên hệ tình cảm với nhiều phụ nữ khác. Hoặc, đàn ông là thứ ham mới, nới cũ, thích của lạ, dễ bị hút hồn bởi những thiếu nữ, những đàn bà trẻ đẹp. Ngoài ra còn có những lý do khác như thiếu thông cảm, thiếu hiểu biết, gia trưởng, lười biếng, vô trách nhiệm, vũ phu, và tứ đổ tường… là những yếu tố được cho là những nguyên nhân gây ra khủng hoảng, và đổ vỡ trong hôn nhân.

Trong khi đó, phái mày râu lại cứ cho rằng, những chuyện như thế, những phàn nàn như thế là “chuyện nhỏ!” Đàn ông, con trai thấy gái đẹp ai mà chả nhìn, chả thích. “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, xã giao vài ly có sao đâu, nàng chỉ hù dọa vậy thôi, bỏ sao được mà bỏ. Nghĩ thế rồi cứ mải vui với chiến thắng của mình mà không ngờ rằng, “Phụ nữ ngày nay chủ động ly dị nhiều hơn nam giới!” Để hiểu tại sao, sau đây là kết quả của một vài khảo cứu trong lãnh vực tình yêu, hôn nhân, và gia đình mong rằng quý ông để giờ đọc cẩn thận và suy nghĩ, trước khi mọi sự đã quá muộn.      

NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ

Trong một bài phân tích tựa đề, “Why Women Initiate Divorce More Often Than Men” (Tại Sao Phụ Nữ Chủ Động Ly Dị Nhiều Hơn Nam Giới), được thực hiện do Divorce.com phổ biến ngày 19 tháng 12, 2023 [1] đã đưa ra một số thống kê cho thấy, tuy nam giới bị cho là nguyên nhân gây ra những vụ lộn xộn, tranh cãi trong gia đình, nhưng họ lại là những người ít ra không chủ động ly dị nhiều hơn so với nữ giới:

Ai đâm đơn ly dị nhiều hơn?

-31% nam giới.
-69% nữ giới.

 Ngoại tình của người phối ngẫu:

-35% phụ nữ. Ngoại tình của chồng là lý do chính đưa đến ly dị.
-20% nam giới. Ngoại tình nhiều hơn 13% so với nữ giới.

Hành hạ thể xác và tinh thần:

-6,3% những lần hành hạ thể xác là hậu quả của sự lạm dụng tình cảm trước đó. 
-22% bị thương tích do hành hạ thể xác.
-24% những cuộc ly dị vì bạo hành gia đình.

Đời sống tình dục:

a-Không ân ái một năm trước đó:

-26,7% nữ giới
-15,2% nam giới.

b-Không trao đổi tình dục 5 năm hoặc lâu hơn:

-17,5% nữ giới.
-8,7% nam giới.

Những lý do khiến phụ nữ chủ động:

1.Những nhu cầu không được thỏa đáng.
2.Thiếu quân bình giữa công việc và cuộc sống.
3.Thiếu chung thủy của chồng.
4.Người chồng tứ đổ tường.
5.Bị hành hạ thể xác và tinh thần. 
6.Tìm sự nâng đỡ tốt hơn.
7.Người chồng ít khi hối hận.

KẾT LUẬN CỦA KHẢO CỨU

Từ những con số và những lý do trên, cuộc khảo cứu đã dẫn đến những kết luận tại sao phụ nữ chủ động ly dị như sau:  

1-Những nhu cầu về đời sống tình yêu, tình cảm, tình dục không được thỏa đáng. Không có sự quân bình giữa các trách nhiệm trong gia đình. Ngoại tình, rượu chè, nghiện hút, và bạo hành gia đình. Nhất là phụ nữ tin rằng sau ly dị, họ sẽ có một cuộc sống khá, được tôn trọng hơn.
2-Những nhàm chán trong hôn nhân mỗi ngày một nhiều, sức ép của xã hội và thiếu sự cảm thông, thiếu tình cảm tích cực.
3-Đàn ông hưởng lợi nhiều hơn trong hôn nhân, vui vẻ và có đời sống hạnh phúc sẽ đóng góp vào chỉ số ly dị thấp hơn so với phụ nữ.
4-Khi người đàn ông chủ động ly dị là vì đã có những nguồn vui khác, thiếu sự kính trọng, ngoại tình, mất hứng thú về sinh lý, và ở trong giai đoạn mid-life-crisis (hồi xuân).

Tiến Sỹ Sebastian Ocklenburg, Ph.D, trong bài phân tích “8 New Findings on Love and Its Fragility” (8 Khám Phá Mới Về Tình Yêu và Sự Dễ Vỡ Của Nó) dựa trên khảo cứu của Saurabh Bhargava, kinh tế gia, Giảng Sự Phụ Giảng Đại Học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ, công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý, cũng đưa ra những kết luận nổi bật: Phụ nữ yêu dễ, chán nhanh hơn nam giới. [2]

Mong muốn kết hôn là một bản năng cơ bản và nguyên thủy của phụ nữ, nhưng ngược lại, trong họ cũng có một thôi thúc khác: được độc thân trở lại. Theo đó, trong bản năng yêu và nhu cầu tình cảm, phụ nữ cho thấy họ có cảm giác yêu gần như gấp đôi so với nam giới. Tuy nhiên, về lâu về dài, đời sống giữa hai vợ chồng, nhìn chung, tình cảm phụ nữ lại suy giảm cảm giác nhiều hơn so với nam giới. Phải chăng:

“Yêu là chết trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu,
Người ta phụ, hoặc thờ ơ chẳng biết.”
Yêu – Xuân Diệu

Tiếp theo sau đó:

-Phụ nữ cảm thấy yêu dễ dàng hơn nam giới.
-Những cặp vợ chồng kết hôn lâu năm thường cảm thấy sự lãng mạn của tình yêu bị giảm sút.
-Tình yêu lãng mạn bị giảm sút mạnh hơn nơi nữ giới so với nam giới.
-Sau khi kết hôn, tình cảm bị mờ phai nhanh hơn đối với nữ giới.

HÃY LÀ BẠN ĐƯỜNG CỦA NHAU

Những chỉ số cho thấy sự suy giảm hoặc mất dần tính chất lãng mạn, tình cảm mặn nồng nơi phụ nữ dẫn đến sự lạnh nhạt trong hôn nhân. Tuy nhiên, “Không có lửa làm sao có khói”. Và điều này chứng minh lỗi không phải hoàn toàn do nữ giới.

Phụ nữ ngày nay, vẫn theo phân tích của Divorce.com, sở dĩ chủ động ly dị nhiều hơn trước vì họ có nhiều cơ hội có được những công việc cao hơn, thu nhập nhiều hơn, vì thế việc ly dị không phụ thuộc nhiều vào đàn ông như trong quá khứ.

Ngoài ra xã hội cũng tạo những dễ dãi hơn trong việc hợp pháp, hợp hiến việc ly dị, ngay cả đơn phương ly dị. Cái nhìn về phụ nữ độc thân, những người mẹ đơn thân không còn bị khinh miệt, hoặc coi thường như trước. Trong khi phần đông nam giới hưởng lợi nhiều hơn trong đời sống hôn nhân như được lo lắng, săn sóc, phục vụ hơn. Ngược lại, nhiều phụ nữ phải vất vả gấp đôi, hoặc gấp ba sau khi lập gia đình. Họ vừa chăm nuôi con cái, vừa săn sóc gia đình, vừa làm vui lòng chồng. Thêm vào đó, họ cũng có những đòi hỏi và bổn phận ngoài xã hội. Vì thế, việc phụ nữ ngày nay chủ động ly dị không còn là một điều khó hiểu, và bị kết án nặng nề. M. Rosenfeld tại Đại Học Stanford, đã nhận ra rằng trong 2.000 cặp vợ chồng tham gia cuộc khảo cứu của ông, hầu hết đến 69% những cuộc ly dị là do phụ nữ chủ động.  

Gần đây, trong một bữa ăn tối tại gia đình chúng tôi, khi mọi người trao đổi thân mật và cởi mở với nhau về đời sống hôn nhân, và những trách nhiệm liên quan trong gia đình, một người bạn đã kể câu chuyện sau đây như một lý do khiến đời sống vợ chồng trở nên khó khăn, làm cho sự trung thành của nhau gặp nhiều sóng gió và thử thách.

Chị họ của anh là một người được đi du học từ năm 15 tuổi, có bằng cấp cao tại Hoa Kỳ. Chị có công ăn việc làm tốt, và lương bổng cũng cao hơn lương của chồng chị. Rất tiếc, chồng chị là người cực kỳ mang tính quan liêu, gia trưởng, và chủ quan. Không kể những chức vụ mà chị có ngoài xã hội, khả năng học vấn, khi về đến nhà, chị bị đối xử như một người làm công rẻ tiền. Không có quyết định, không có tiếng nói, và dĩ nhiên, cũng không được chồng tôn trọng. Bất hạnh hơn nữa cho chị, là chị sinh được ba đứa con trai, tất cả chúng đều đối xử với chị như bố của chúng vậy. Mọi người trong gia đình, bạn bè, anh chị em đều cảm thấy bất mãn và thương hại cho chị. Câu chuyện được kết luận với câu hỏi là trong trường hợp như vậy, lỗi tại ai? Và liệu một cuộc hôn nhân như thế có đem lại hạnh phúc không?

Dĩ nhiên một cuộc hôn nhân như vậy là một cuộc hôn nhân bệnh hoạn, không có những yếu tố để xây dựng hạnh phúc. Phần lỗi là do ông chồng nhiều hơn ở chị vợ, mặc dù cả hai đều có lỗi.

Về phía người chồng, anh ta đã thiếu hẳn sự hiểu biết về tình yêu, giá trị hôn nhân, và về giá trị cũng như phẩm giá của người phụ nữ. Theo cái nhìn tâm lý, anh ta là một người thiếu trưởng thành trong đời sống cá nhân, gia đình, và trong lãnh vực giáo dục con cái. Anh là một con người tự ty, tiêu cực, và ích kỷ.

Đối với người vợ, chị ta đã hiểu sai về hai chữ hôn nhân, và chung thủy. Ở một khía cạnh nào đó, chị cũng là người thiếu trưởng thành về tâm lý, và có cái nhìn tiêu cực, bi quan, tự kỷ về mình. Đúng ra, chị phải chứng tỏ cho người chồng biết chị là ai? Nhân phẩm, giá trị và khả năng của chị là gì? Và quan niệm của chị thế nào về một cuộc hôn nhân, và một gia đình hạnh phúc. 

Tình trạng hôn nhân như trên không thiếu nhất là tại Việt Nam hiện nay, khi mà những quan niệm ấu trĩ, thiếu trưởng thành, thiếu hiểu biết về phái tính, tình yêu, tính dục, hôn nhân, gia đình và trách nhiệm vẫn còn tồn tại nơi nam giới. 

Hành trình hôn nhân để được hạnh phúc, là một cuộc lữ hành mà hai bạn đường cùng sánh bước bên nhau: 

Don’t walk in front of me…
I may not follow.
Don’t walk behind me…
I might not lead.

Just walk beside me
and be my friend.

Tạm dịch:

Đừng đi trước tôi…
Tôi không muốn lẽo đẽo theo sau.
Đừng đi sau tôi…
Tôi không phải người cằm tay dắt bạn.

Nhưng hãy sóng bước bên tôi,
và là bạn đường của nhau.

TS Trần Mỹ Duyệt

__________

Tài liệu tham khảo:

1. https://divorce.com/blog/who-initiates-divorce-more/

2.https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-asymmetric-brain/202312/8-new-scientific-insights-on-love-and-how-it-fades-away

Bài liên quan:
  • “Tinh Gọn” đưa đến “Ba Đào”, “Mập mờ thương chiến” lẽ nào lại ngưng (?)
    Trần nguyên Thao
  • Chương trình “BÊN NHAU ĐI NỐT CUỘC ĐỜI”: THƯ CẢM ƠN và LỜI NGỎ của LM Phạm Cao Quý, CSsR
    LM Phạm Cao Quý, CSsR
  • Tập không có câu trả lời cho vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc
    Lizzi C. Lee
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/12/2024. Khủng hoảng chính trị tại Nam Hàn: Những thách đố của một nền dân chủ non trẻ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tham vọng Trung Đông của Nga đối diện thách thức lớn
    Hanna Notte