Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi and Putin share a trait – they cannot show weakness” Nikkei Asia, 22/02/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Cuộc họp kinh tế quan trọng của Trung Quốc đang bị hoãn lại cho đến khi Tập cảm thấy mình có thể thể hiện sức mạnh.
Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hồi đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Nhiều khả năng, lý do khiến ông làm vậy là vì ông biết Putin sẽ không ngần ngại khen ngợi chế độ của Tập trước chuỗi ngày nghỉ lễ dài. Không có nhà lãnh đạo của một cường quốc nào khác sẽ làm như vậy.
Cuộc gọi diễn ra vào ngày 8/2, và tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đăng tin về nó trên trang nhất vào ngày 9/2, một ngày trước khi kỳ nghỉ lễ bắt đầu.
Giữa Tập và Putin có một số điểm chung, như việc lãnh đạo một chế độ độc tài.
Tập là người đã đề xuất “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” và đã đưa việc hiện thực hóa một Trung Quốc hùng mạnh lên làm ưu tiên hàng đầu. Về phần mình, Putin cũng lãng mạn hóa những vinh quang của quá khứ, quay trở lại với Đế quốc Nga và phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hai năm trước dựa trên cách giải thích lịch sử một chiều của ông.
Một điểm chung khác của cả hai là họ rất sợ để lộ bất kỳ điểm yếu nào. Một dấu hiệu của sự yếu đuối, dù là nhỏ nhất, cũng có thể kích động các phong trào chính trị quy mô lớn làm rung chuyển cả đất nước.
Những tin tức gần đây ở Nga chính là một lời nhắc nhở sống động về nỗi lo sợ này.
Khi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài ở Trung Quốc chuẩn bị kết thúc, Alexei Navalny, một nhà vận động chống tham nhũng và là nhân vật đối lập hàng đầu của Nga, đã qua đời trong tù.
Dù các chi tiết về điều thực sự đã xảy ra sẽ khó có thể sớm được tiết lộ, nhưng một sự việc có thể giúp giải thích ý nghĩa chính trị đằng sau cái chết đáng ngờ của nhân vật được cho là người chỉ trích Putin gay gắt nhất: cuộc binh biến do Yevgeny Prigozhin tổ chức vào tháng 6 năm ngoái.
Prigozhin là lãnh đạo Tập đoàn Wagner, công ty quân sự tư nhân đã tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine của Putin.
Ngày 23/06/2023, từ biên giới Ukraine, quân Wagner băng băng tiến về phía Moscow. Một ngày sau, Wagner và chính phủ đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột giữa họ.
Putin đã hành xử thận trọng và không trừng phạt Prigozhin ngay lập tức, một quyết định bị các nước khác cho là vì Tổng thống Nga đang ở thế yếu.
Hai tháng sau, Prigozhin qua đời khi chiếc máy bay chở ông bị rơi. Vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về nguyên nhân gây ra tai nạn, nhưng các quan chức Mỹ và phương Tây khác tin rằng đây có thể là một vụ nổ được lên kế hoạch.
Một số nhà quan sát cho rằng Prigozhin đã bị ám sát theo lệnh từ trung tâm đầu não của chính quyền Putin.
Trong khi Prigozhin là một người trong cuộc, ủng hộ chính quyền Putin về mặt quân sự, thì Navalny lại là kẻ tham vọng đã dám trực tiếp thách thức Putin. Có vẻ không phù hợp khi so sánh cái chết của hai nhân vật này, nhưng chúng ta hãy thử đặt mình vào phòng chỉ huy chiến tranh của chính quyền Putin.
Trong hai tháng, chính quyền Putin đã tỏ ra yếu thế, đứng nhìn mà không trừng phạt Prigozhin vì cuộc binh biến của ông ta.
Trong trường hợp của Navalny, “chế độ đã cố tình đẩy ông ấy đến chỗ chết” trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3, một nguồn tin am hiểu về chính trị Nga đang cư trú tại châu Âu đã chỉ ra. Nguồn tin nói rằng “Đó là hành động phô trương sức mạnh, dựa trên những bài học rút ra từ cuộc nổi dậy của Prigozhin.”
Ở Nga, những ông trùm kinh doanh cực kỳ giàu có được chính quyền Putin công nhận có thể dùng tiền của mình để phô trương sức mạnh, nhưng không thể dùng nó để gây ảnh hưởng chính trị lên Điện Kremlin.
Việc các ông trùm kinh doanh cố gắng gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người nắm quyền là điều bị nghiêm cấm và cực kỳ nguy hiểm. Ngay cả những nỗ lực gián tiếp nhằm thúc đẩy chính trị theo một hướng nhất định cũng có thể bị trả đũa. Bất kỳ công dân nào đủ tuyệt vọng để thực hiện một nỗ lực như vậy đều biết rằng họ có thể sớm gặp phải cái chết.
Ở Nga, ý định của nhà lãnh đạo cao nhất thể hiện sự đồng thuận của người dân cả nước. Vì vậy, mong muốn của người lãnh đạo lớn hơn mọi lợi ích cá nhân nhỏ nhặt. Đây là cấu trúc truyền thống của chính trị Nga.
Đảng Cộng sản Trung Quốc – vốn tuyên bố đại diện cho lợi ích của tất cả người dân, tổ chức, và nhóm trong nước – vận hành một hệ thống chính trị tương tự.
Ở Trung Quốc, không có đảng đối lập thực sự nào tồn tại – và theo logic của ĐCSTQ, thì chúng thậm chí không cần phải tồn tại. Bất kỳ phong trào nào, dù chỉ mới manh nha xuất hiện và có khả năng trở thành phe đối lập trong tương lai, cũng sẽ bị dập tắt ngay lập tức.
Chưa bao giờ điều này đúng hơn lúc này, kể từ khi Tập trở thành nhà lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc.
Các chỉ thị về thành lập các tổ chức đảng nội bộ đã được ban hành cho mọi công ty, nhóm, và tổ chức trên khắp đất nước.
Một ví dụ điển hình về nỗ lực tăng cường kiểm soát của đảng là áp lực bất thường đang đè nặng trên gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Chính quyền Tập lo ngại rằng nếu Alibaba phát triển quá lớn, họ sẽ bắt đầu sử dụng sức mạnh tài chính của mình để tác động đến quyền lực chính trị của đảng.
Trong khi chính quyền Putin nỗ lực chứng tỏ sức mạnh của mình trước thềm bầu cử tổng thống, Tập cũng đang hành xử tương tự khi chưa triệu tập hội nghị trung ương ba của Ban chấp hành Trung ương khóa 20. Cuộc họp kinh tế quan trọng này lẽ ra phải được tổ chức từ cuối năm 2023.
Tại sao nó vẫn chưa được tổ chức? Đơn giản là vì Tập không thể để lộ điểm yếu.
Ông sẽ chỉ tổ chức hội nghị khi tự tin rằng mình có thể thể hiện sức mạnh.
Những manh mối hé lộ nguyên nhân Tập Cận Bình không thể tổ chức hội nghị trung ương ba có thể được tìm thấy trong tờ Nhân dân Nhật báo số ra ngày 9/2, cũng là số báo đưa tin về cuộc điện đàm giữa Tập và Putin.
Tin tức nói về một buổi chiêu đãi mừng Tết Nguyên Đán do Đảng và Quốc vụ viện đồng tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh một ngày trước đó. Tướng Ngụy Phượng Hòa, một nhân vật quân sự cấp cao về hưu, đã không xuất hiện tại sự kiện này. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy viên Quốc vụ (tương đương cấp phó Thủ tướng) suốt 5 năm cho đến tháng 3 năm ngoái.
Theo truyền thống, các lãnh đạo đương nhiệm của đảng sẽ chúc Tết các đảng viên lão thành đã về hưu. Nhưng Ngụy cũng vắng mặt trong danh sách các đảng viên đã nghỉ hưu được nhận lời chúc mừng năm mới Giáp Thìn.
Ngày càng có nhiều đồn đoán rằng Ngụy đang bị điều tra về vấn đề tham nhũng trong quân đội, giống như nhân vật kế nhiệm ông là Lý Thượng Phúc, người đã đột ngột bị cách chức Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy viên Quốc vụ hồi tháng 10 năm ngoái.
Nếu không chỉ Lý mà cả Nguỵ đều bị cuốn vào chiến dịch chống tham nhũng kéo dài của Tập Cận Bình, thì đó sẽ là một vấn đề lớn.
Sẽ rất khó để tổ chức hội nghị trung ương ba, nơi Tập cần thể hiện sức mạnh chính trị của mình trước các đảng viên cấp cao trong đảng, cho đến khi các vấn đề trong quân đội được giải quyết.
Nhiều khả năng, những thay đổi nhân sự quan trọng khác cũng sẽ được công bố tại hội nghị, nhưng Tập không muốn làm điều này trong khi các yếu tố gây bất ổn vẫn còn hiện diện trong quân đội.
Theo thông lệ, Trung Quốc sẽ quyết định các chính sách kinh tế trung và dài hạn lớn tại hội nghị trung ương ba. Vì thế, sự kiện này luôn thu hút sự chú ý của toàn cầu.
Tập cũng không muốn sự chú ý của quốc tế đổ dồn vào nền kinh tế Trung Quốc, nơi đang phải vật lộn với làn sóng các vấn đề lớn mang tính lịch sử.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn đang bỏ qua khía cạnh chính trị của hội nghị trung ương ba, có lẽ vì không nhận ra rằng những thông lệ trong quá khứ không nhất thiết phải được áp dụng trong thời Tập. Một lý do là chính quyền hiện nay đặc biệt coi trọng an ninh quốc gia, phần lớn do quân đội giám sát.
Dù Bộ Chính trị của đảng đã nhóm họp định kỳ vào cuối tháng 1, nhưng đến tận cuối tháng 2 vẫn chưa có thông báo nào về việc tổ chức hội nghị trung ương ba.
Thời gian diễn ra hội nghị và những gì sẽ được thảo luận có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, sẽ diễn ra vào ngày 5/3. Điểm mấu chốt là liệu Tập Cận Bình có thể một lần nữa thể hiện được sức mạnh tuyệt đối của mình hay không.
Bằng việc thể hiện sức mạnh của mình, Tổng thống Nga Putin gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử.
Còn ở Trung Quốc, nơi không có các cuộc bầu cử tổng thống, Tập sẽ phải đối mặt với một thách thức bầu cử quan trọng tại đại hội đảng toàn quốc tiếp theo vào năm 2027. Câu hỏi đặt ra là liệu ông có giành được nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc hay không. Màn mở đầu quan trọng cho đại hội đó sẽ chính là hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20, đến nay vẫn chưa có lịch trình cụ thể.
Katsuji Nakazawa
Nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/02/23/tap-va-putin-deu-quyet-khong-de-lo-diem-yeu-cua-minh/
Ảnh minh họa: Vận Hội Mới