__________________________

Nguồn: Ross Douthat, “Why It’s Hard to Explain Joe Biden’s Unpopularity,” New York Times09/03/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Joe Biden là một trong những tổng thống không được lòng dân nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Theo kết quả thăm dò của Gallup, tỷ lệ ủng hộ của ông thấp hơn so với bất kỳ tổng thống nào khác từng tham gia tái tranh cử, từ Dwight Eisenhower đến Donald Trump.

Tuy nhiên, một bầu không khí bí ẩn vẫn bao trùm xung quanh số phiếu bầu tệ hại của ông. Như Joe Simonson của Washington Free Beacon đã lưu ý gần đây, khi lướt qua hầu hết các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng của nước Mỹ, bạn có lẽ sẽ không nhận ra rằng tỷ lệ ủng hộ của Biden đang thấp đến mức khủng khiếp trong lịch sử, tệ hơn nhiều so với Trump vào cùng thời điểm trong nhiệm kỳ của ông ấy.

Ngoài những quan ngại về tuổi tác của tổng thống, thì giới trí thức vẫn chưa thể thống nhất lý do tại sao nhiệm kỳ của Biden lại là một thất bại chính trị. Đó có lẽ là nguyên nhân khiến người ta vội vàng tuyên bố rằng Thông điệp Liên bang của ông đã thành công vang dội, như thể tất cả những gì Biden cần làm để giải quyết vấn đề là đọc to một bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn trong hơn một giờ đồng hồ.

Thông thường, khi tình hình trở nên tồi tệ đối với nhà lãnh đạo, sẽ có một lý thuyết rõ ràng hơn để giải thích những gì đang xảy ra. Chẳng hạn, việc Trump không được ủng hộ được diễn giải là do tính cách hỗn loạn, điên rồ, và những quyết định mang tính độc tài của ông. Câu chuyện về tỷ lệ phiếu bầu giảm dần của George W. Bush xoay quanh Iraq và bão Katrina. Khi mức độ ủng hộ Barack Obama rơi xuống đáy, hầu hết các nhà quan sát đều đổ lỗi cho tỷ lệ thất nghiệp và phản ứng dữ dội trước Obamacare, còn khi Bill Clinton gặp khó khăn trong hai năm đầu nhiệm kỳ, truyền thông đã đưa tin về sự thiếu kỷ luật của ông và các vụ bê bối ở Nhà Trắng.

Nhưng với Biden, mọi chuyện hoàn toàn khác. Những quan điểm cho rằng khó khăn của ông chỉ đơn giản là do lạm phát thường bị bác bỏ kịch liệt, trong khi rất nhiều người chọn cách giải thích vấn đề của ông ấy theo hướng tiêu cực. Rất nhiều lời đổ lỗi nhắm vào sự phân cực đảng phái, dù Biden đã được đa số ủng hộ rõ ràng cách đây không lâu; và thậm chí vấn đề tuổi tác cũng chỉ mới trở thành tâm điểm trong vài tháng qua.

Một phần nguyên nhân của bí ẩn này đến từ sự thiên lệch của truyền thông tự do, được nhấn mạnh bởi các điều kiện đương thời – việc không sẵn lòng suy xét các vấn đề như nhập cư và biên giới, và sự do dự khi nói những điểm xấu của vị tổng thống vốn là thành trì duy nhất chống lại Trump.

Thật ra, chính bản thân tôi cũng đang cảm thấy khó hiểu. Tôi cho rằng bảng thành tích của ông ấy có nhiều lỗ hổng lớn và nền kinh tế không hề “màu hồng” như một số người ủng hộ ông tuyên bố. Nhưng ngay cả tôi, khi nhìn vào các chỉ số, cũng phải tự hỏi mình, “Tệ đến thế cơ à?”

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng kiểu bí ẩn truyền thông này là điều được mong đợi, nếu xét đến sự tái sắp xếp chính trị mà chúng ta đang trải qua, nơi cánh hữu và cánh tả ngày càng được phân chia theo giai cấp và trình độ học vấn, và chủ nghĩa chống thể chế cầm quyền đã dần chuyển sang cánh hữu.

Sự chuyển đổi này có nghĩa là những cử tri Cộng hòa chưa bao giờ ủng hộ Biden thường xa cách về mặt văn hoá với những người có xu hướng tự do hơn, so với các nhóm cử tri Cộng hòa dưới thời Clinton hay Obama. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là nhiều cử tri mà Biden đang để mất, những cử tri dao động khiến tỷ lệ ủng hộ của ông giảm xuống, cũng khá xa cách với giới cầm quyền văn hóa và truyền thông.

Một vài nhóm trong số này là những cử tri vỡ mộng và không thường xuyên đi bầu, những người rất khó để xác định nguyên nhân bất mãn của họ. Nhưng cũng có cả các cử tri thiểu số ôn hòa về mặt chính trị, đặc biệt là nhóm người gốc Tây Ban Nha và người gốc Phi thuộc tầng lớp trung lưu thấp, những người vốn đã có xu hướng thiên hữu vào năm 2016 và 2020, nhưng bây giờ, họ dường như đang bỏ rơi Biden với số lượng lớn hơn. Trong một bài đăng gần đây trên Substack, Ruy Teixeira đã mô tả quá trình tái sắp xếp chính trị kể từ năm 2012: “Trong cuộc bầu cử đó, Obama đã thu hút được các cử tri thuộc tầng lớp lao động (không có bằng đại học) không phải da trắng với số điểm khổng lồ là 67 điểm, trong khi thua ở nhóm người da trắng tốt nghiệp đại học với khoảng cách là 7 điểm.” Ngày nay, “Biden lại đang thể hiện khá tệ trước tầng lớp lao động không phải da trắng, chỉ dẫn trước 6 điểm; trong khi với những người da trắng tốt nghiệp đại học, ông ấy có lợi thế hơn Trump tận 15 điểm.”

Về lý thuyết, nỗ lực gần đây nhằm thúc đẩy sự đại diện về chủng tộc trong tầng lớp tinh hoa của nước Mỹ đáng lẽ phải khiến giới cầm quyền thấu hiểu hơn về những mối quan ngại của các cử tri không phải da trắng. Nhưng trên thực tế, sự thúc đẩy này có xu hướng xem đại diện và chính trị tiến bộ là hai thứ không thể tách rời, khiến những người không phải da trắng có quan điểm từ ôn hòa đến bảo thủ cũng dần trở nên khó hiểu – theo một cách nào đó, họ cũng khó hiểu như việc một người da trắng đội mũ MAGA trong một quán ăn ở vùng nông thôn.

Một lần nữa, tôi là một thành viên của thể chế hiện tại, và tôi không muốn giả vờ rằng mình hoàn toàn hiểu được nỗi lòng của những công nhân gốc Tây Ban Nha đã ủng hộ Biden vào năm 2020, nhưng giờ lại nghiêng về Trump.

Tuy nhiên, nếu lấy nhóm cử tri đó làm điểm khởi đầu, chúng ta có thể cố gắng hiểu rõ hơn về những khó khăn của Biden: chẳng hạn bằng cách suy nghĩ tại sao chi phí vay mượn cao cho nhà cửa và xe cộ lại gây khó khăn đặc biệt cho các cử tri đang cố gắng leo lên nấc thang kinh tế, hoặc về tại sao khuynh hướng tiến bộ văn hóa chi phối chính trị Dân chủ lại đẩy nhóm thiểu số bảo thủ văn hóa sang cánh hữu, ngay cả khi sự thức tỉnh chính trị đã đạt đến đỉnh điểm trong một số nhóm tinh hoa.

Đây chỉ là một số gợi ý, có lẽ sẽ có một lý thuyết khác tốt hơn. Nhưng bước đầu tiên để cứu nỗ lực tái tranh cử của Biden là thừa nhận sự cần thiết của một lý thuyết giải thích – vì sự mất lòng dân dù không thể hiểu được vẫn có thể khiến người ta mất ghế.

Ross Douthat
Phụ trách chuyên mục Bình luận trên tờ New York Times từ năm 2009. Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn sách “The Deep Places: A Memoir of Illness and Discovery.”

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/03/16/tai-sao-lai-kho-giai-thich-viec-biden-khong-duoc-ung-ho/#more-55307

Ảnh minh họa: Vận Hội Mới

Bài liên quan:
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer