Nguồn: Maya Wang, “Hong Kongers Are Purging the Evidence of Their Lost Freedom,” New York Times, 26/03/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
“Tôi nên làm gì với số báo Apple Daily đó?”
Một người Hong Kong mà tôi vừa trò chuyện qua điện thoại dạo gần đây đã đột nhiên hạ giọng khi hỏi câu này, nhắc tới tờ báo ủng hộ dân chủ mà chính phủ Trung Quốc buộc đóng cửa vào năm 2021.
“Tôi nên ném chúng đi hay gửi chúng cho bà?”
Những cuộc trò chuyện của tôi với những người bạn Hong Kong giờ đây tràn ngập những lời thì thầm như vậy. Tuần trước, thành phố này đã ban hành một luật an ninh hà khắc – cuộc tấn công qua kênh lập pháp thứ hai đối với các quyền tự do của Hong Kong kể từ năm 2020. Được gọi là Điều 23 (Article 23), đạo luật mới mở rộng Luật An ninh Quốc gia và hình sự hóa những hành vi mơ hồ như sở hữu thông tin “có lợi trực tiếp hoặc gián tiếp cho thế lực bên ngoài.”
Hong Kong từng là một nơi mà người dân không phải sống trong sợ hãi. Thành phố có nền pháp trị, giới báo chí sôi động, và một cơ quan lập pháp bán dân chủ để đối trọng với chính quyền. Kết quả là một thành phố với năng lượng tự do chưa từng có ở Trung Quốc. Bất cứ ai lớn lên ở Trung Quốc trong thập niên 1980 và 1990 đều có thể hát những bản Cantopop của các ngôi sao Hong Kong như Mai Diễm Phương, và đó chính là vấn đề đối với Bắc Kinh: tự do là thứ quyến rũ, đáng khao khát.
Khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, người dân thành phố này đã thiện chí chấp nhận lời hứa của Bắc Kinh rằng hệ thống tư bản và lối sống của họ sẽ không thay đổi trong suốt 50 năm, và thành phố sẽ tiến tới phổ thông đầu phiếu trong việc bầu cử lãnh đạo.
Nhưng lời hứa đã không trở thành hiện thực. Giờ đây, người dân Hong Kong đang âm thầm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ sách vở, áo phông, đoạn phim, tập tin máy tính và các tài liệu khác từ thời kỳ hoàng kim, khi trung tâm tài chính quốc tế này vẫn được biết đến nhờ khát vọng tự do cuồng nhiệt của người dân.
Tôi thường nói đùa rằng mình chẳng bao giờ phải xem những loạt phim viễn tưởng như Chuyện Người tuỳ nữ và Đấu trường Sinh tử. Là một người đã sống và làm việc nhiều năm ở Hong Kong và Trung Quốc, tôi biết rõ cảm giác chìm dần vào sự đàn áp và nhớ về cuộc sống tự do của ngày xưa là như thế nào.
Vì Bắc Kinh liên tục thất hứa suốt nhiều năm, người dân Hong Kong đã xuống đường để bảo vệ quyền tự do của mình gần như vào mỗi mùa hè oi ả. Năm 2003, các cuộc biểu tình của nửa triệu người đã buộc chính phủ Hong Kong phải từ bỏ nỗ lực trước đó nhằm áp dụng Điều 23. Năm 2014, hàng trăm nghìn người đã chiếm đóng một cách hòa bình các khu vực của thành phố trong 79 ngày, để phản đối các động thái của Bắc Kinh nhằm đảm bảo rằng chỉ những ứng viên mà Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận mới có thể tranh cử làm lãnh đạo cao nhất của Hong Kong.
Nhưng người Hong Kong đã không chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chủ tịch Tập Cận Bình, kiến trúc sư của một cuộc đàn áp đáng sợ khác ở xa đại lục.
Năm 2017, tôi bắt đầu nhận được báo cáo rằng người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác đang bị đưa vào các trại “giáo dục chính trị” ở vùng tây bắc Tân Cương. Những người may mắn trốn thoát được kể với tôi rằng biên giới Tân Cương đột nhiên bị đóng cửa, việc rời đi trở nên bất khả thi, và những lời nói hoặc hành vi từng được chấp nhận – chẳng hạn như việc cầu nguyện ở nhà hàng xóm – có thể khiến bạn bị bỏ tù. Các quan chức sẽ vào nhà để kiểm tra kệ sách và đồ trang trí. Người Duy Ngô Nhĩ đã phải vứt bỏ các bản sao Kinh Quran hoặc sách viết bằng tiếng Ả Rập, vì sợ chúng sẽ khiến họ “bị biến mất” hoặc bị bỏ tù vì không đủ lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một người đàn ông nói với tôi rằng anh đã đốt một chiếc áo phông có bản đồ Kazakhstan trên đó – nhiều cư dân Tân Cương là người tộc Kazakh, có thành viên gia đình đang sống ở bên kia biên giới – bởi vì bất kỳ mối liên hệ nào với nước ngoài đều tiềm ẩn rủi ro.
Khi những câu chuyện về sự đàn áp và nỗi sợ hãi xuất hiện từ Tân Cương, chúng ngay lập tức được nhận ra ở Hong Kong. Năm 2019, chính quyền thành phố đề xuất một dự luật cho phép dẫn độ sang đại lục. Nỗi sợ hãi và giận dữ – và cảm giác rằng người Hong Kong cần phải chiến đấu đến cùng khi còn có thể – đã bùng nổ thành những tháng ngày biểu tình.
Một trong những khẩu hiệu biểu tình của năm 2019 – “Tân Cương hôm nay là Hong Kong ngày mai” – đối với tôi vào thời điểm đó nghe có vẻ hơi cường điệu. Năm năm sau ngày ấy, nó lại trở nên như một lời tiên tri. Ngày nay, chính người Hong Kong đang vứt bỏ những cuốn sách và áo phông “nguy hiểm.” Một số người tôi biết đã âm thầm rời khỏi một nhóm trò chuyện trực tuyến có các tổ chức và cá nhân nước ngoài, bởi điều đó có thể khiến các thành viên Hong Kong của nhóm gặp nguy hiểm. Những người khác đang dần từ bỏ mạng xã hội, và hàng chục ngàn người thậm chí đã rời khỏi Hong Kong.
Sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong vào năm 2020, họ đã sử dụng luật này để tiêu diệt phong trào ủng hộ dân chủ của thành phố bằng cách bỏ tù các nhà lãnh đạo phong trào. Hơn 1.000 người trong số này vẫn ở trong tù. Lo sợ bị bắt giữ, các liên đoàn lao động độc lập và các cơ quan truyền thông đã giải tán. Các thư viện đã thu hồi hàng trăm cuốn sách khỏi kệ. Phim ảnh và kịch đều bị kiểm duyệt. Công chức không còn có thể giữ thái độ trung lập và buộc phải cam kết trung thành với chính phủ.
Cả Luật An ninh Quốc gia và Điều 23, được thông qua vào tuần trước, đều là những công cụ có phạm vi rộng, mơ hồ và thô bạo, nhằm gây tổn hại nghiêm trọng đến các quyền tự do dân sự và biến các thể chế bảo vệ quyền tự do của người dân thành công cụ đàn áp. Theo Điều 23, bất kỳ ai bị kết tội tham gia cuộc họp của một “tổ chức bị cấm,” hoặc tiết lộ “bí mật nhà nước” được định nghĩa mơ hồ một cách “bất hợp pháp” đều có thể phải đối mặt với án tù 10 năm.
Bắc Kinh đã mô tả sự đàn áp này bằng những thuật ngữ như “pháp quyền,” và những người khách đến thăm Hong Kong thường không thể nhận ra những biến đổi đang diễn ra bên dưới vẻ hào nhoáng của thành phố. Điều đó khiến phần còn lại của thế giới bị tách rời khỏi thực tế ở Hong Kong – không thể thông cảm với các nạn nhân của Bắc Kinh, không thể nhận ra họ đang thoi thóp dưới sức nặng ngày một lớn này.
Một người quen ở Hong Kong nói với tôi rằng những người mà anh ấy biết đã trở nên thờ ơ với việc đột ngột bị mất tự do, và chỉ lạnh lùng đứng nhìn thành phố và những giá trị của nó bị hủy hoại. Tuy nhiên, những người khác, dù đã trải qua nhiều năm bị đàn áp, vẫn bày tỏ hy vọng và thái độ thách thức. Sự đoàn kết được rèn giũa qua gần hai thập kỷ hoạt động dân chủ sâu rộng sẽ không dễ dàng chết đi. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew trong tháng này cho thấy hơn 80% người Hong Kong vẫn muốn có dân chủ, bất kể khả năng đó có vẻ xa vời đến đâu ở thời điểm hiện tại.
Chính phủ Trung Quốc muốn thế giới quên đi Hong Kong, quên đi thành phố này đã từng như thế nào, quên đi những lần thất hứa của Bắc Kinh. Nhưng người dân Hong Kong sẽ không bao giờ quên. Đừng nhìn đi chỗ khác.
Maya Wang
Quyền giám đốc chi nhánh Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/04/04/nguoi-hong-kong-dang-xoa-bo-tan-tich-qua-khu-tu-do-cua-ho/#more-55559
Ảnh minh họa: Vận Hội Mới