_________________________

Nguồn: Raphael S. Cohen, “The Iran-Israel War Is Just Getting Started,” Foreign Policy22/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chừng nào hai nước còn xung đột, họ sẽ còn đấu đá lẫn nhau – bất kể đồng minh của họ có khuyên gì.

Rạng sáng ngày 13/04, hai phép lạ đã xảy ra. Đầu tiên, để thể hiện sức mạnh kỹ thuật của mình, Israel – với sự giúp đỡ từ Anh, Pháp, Jordan, và Mỹ – đã đánh chặn khoảng 170 máy bay không người lái, 120 tên lửa đạn đạo, và 30 tên lửa hành trình bắn chủ yếu từ Iran về phía Israel, đạt tỷ lệ thành công 99%, giúp giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng và cơ sở hạ tầng. Thứ hai, sau nhiều tháng bị các phương tiện truyền thông đưa tin tiêu cực và phải gánh chịu áp lực quốc tế ngày càng gia tăng, Israel đã nhận được một số thiện cảm và tin tức tích cực. Với thành công kép khi vừa đẩy lùi cuộc tấn công vừa cải thiện hình ảnh cho Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã khuyên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: “Ông đã thắng. Hãy chấp nhận chiến thắng này đi.” Một loạt các đồng minh và chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên tương tự cho Israel.

Cuộc không kích ồ ạt của Iran vào lãnh thổ Do Thái và hỏa tiễn đánh chận hiệu quả của Do Thái trên bầu trời.

Tuy nhiên, Israel tỏ ra không mấy quan tâm đến lời khuyên này. Dù được cho là đã hủy bỏ một cuộc phản công ngay lập tức, và có vẻ hài lòng với việc “chậm lại” như Biden yêu cầu, các nhà lãnh đạo Israel – bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Israel Herzi Halevi, thành viên nội các chiến tranh Benny Gantz, và chính bản thân Netanyahu – tất cả đều hứa sẽ trả đũa. Đến sáng thứ Sáu ngày 19/04/2024, Israel đã tiến hành một cuộc phản công nhắm vào hệ thống phòng không của một căn cứ không quân ở Isfahan ở miền trung Iran. Dù cuộc tấn công phần lớn mang tính biểu tượng, nhưng nó vẫn đặt ra câu hỏi: Tại sao Israel lại chống đối Mỹ và các đồng minh khác thêm một lần nữa, nhất là sau khi những quốc gia đó vừa hỗ trợ cho Israel?

Có rất nhiều lý do giải thích tại sao Israel lại đáp trả. Nhưng trong đó có một lý do nổi bật và bao trùm, đó là thực tế rằng Israel và Iran vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và sẽ tiếp tục chiến tranh trong tương lai. Chừng nào xung đột còn tiếp diễn, thì logic vận hành của xung đột đó sẽ dẫn đến leo thang.

Đối với một số người, câu trả lời cho lý do tại sao Israel đáp trả chính là tham vọng của Netanyahu. Theo quan điểm này, Thủ tướng Israel chỉ đơn giản đang cố gắng cứu lấy chính mình. Netanyahu cực kỳ không được lòng dân ở Israel, với tỷ lệ ủng hộ chỉ 15%. Nguồn gốc của tính chính danh chính trị của ông – tuyên bố sẽ đảm bảo an ninh cho Israel – đã bị huỷ hoại sau vụ thảm sát ngày 7/10 của Hamas và những diễn biến xảy ra sau đó. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số các nhà quan sát, bao gồm cả chế độ ở Iran, cho rằng Netanyahu muốn gây chiến với Iran để khôi phục hình ảnh của mình trong nước – hoặc chí ít là để kéo dài thời gian chính trị sau thảm họa ngày 7/10 – và, trong quá trình đó, tăng cơ hội sống sót chính trị cho ông.

Netanyahu có thể là kẻ tuyệt vọng, nhưng động lực trả đũa không chỉ đến từ ông ta. Thật vậy, những tiếng nói kêu gọi phản công mạnh mẽ hơn lại đến từ các đối thủ chính trị của Netanyahu, chẳng hạn như Gantz, Gallant, và những người vốn có lợi ích chính trị cao nhất sau sự sụp đổ của Netanyahu. Theo kết quả thăm dò ý kiến, Gantz có thể sẽ trở thành thủ tướng nếu bầu cử được tổ chức ở Israel ngay ngày hôm nay.

Cũng chưa rõ việc tấn công Iran có phải một động thái chính trị tốt cho Netanyahu, hay cho bất kỳ ai khác. Theo cuộc thăm dò ý kiến được Đại học Do Thái công bố tuần trước, khoảng 74% người Israel phản đối một cuộc phản công “nếu nó làm suy yếu liên minh an ninh của Israel với các đồng minh.” Cuộc thăm dò cũng cho thấy 56% người Israel tin rằng đất nước mình “nên phản ứng tích cực trước các yêu cầu chính trị và quân sự từ các đồng minh” để “đảm bảo một hệ thống phòng thủ bền vững theo thời gian.” Ngay cả trong liên minh của Netanyahu, cuộc phản công có giới hạn của Israel cũng không phải là một chiến thắng chính trị rõ ràng. Chẳng hạn, Bộ trưởng An ninh Quốc gia cánh hữu Itamar Ben-Gvir đã chỉ trích trên mạng xã hội X rằng đây là một chiến dịch “vớ vẩn.”

Ngược lại, những lý do được công khai để ủng hộ việc phản công của Israel lại khá yếu ớt. Các quan chức Israel nói về sự cần thiết của việc “gửi một thông điệp” tới Tehran và “dạy cho họ một bài học.” Nhưng lịch sử gần đây của Israel đã cho thấy bạo lực ăn miếng trả miếng hiếm khi có tác dụng “dạy học” như mong đợi. Bốn chiến dịch quân sự có giới hạn của Israel ở Gaza trước thềm cuộc chiến hiện tại – với nhiều cuộc tấn công có giới hạn khác trong giai đoạn chuyển tiếp – đã không thể đánh bật hoặc ngăn chặn Hamas, như vụ thảm sát ngày 7/10 đã chứng minh một cách sống động. Và để biện minh cho cuộc tấn công của mình, Iran cũng sử dụng thứ ngôn ngữ gần tương tự – về việc “dạy” để Israel không tấn công các cơ sở của họ ở Syria hoặc nơi khác. Tất cả những điều đó đặt ra câu hỏi: Liệu Israel có đạt được mục tiêu khi cố gắng “dạy” Iran hay không?

Có một số ít trường hợp trong đó Israel thực sự đã thành công trong việc dạy cho đối thủ của mình một bài học. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là Chiến tranh Lebanon năm 2006, bắt đầu sau khi các thành viên Hezbollah xâm nhập vào Israel, giết chết 8 binh sĩ Israel và bắt cóc 2 người khác. Sau cuộc xung đột, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah nói với các phóng viên rằng ông rất hối hận vì đã tiến hành chiến dịch này. “Bạn hỏi tôi, nếu tôi biết trước rằng chiến dịch sẽ dẫn đến một cuộc chiến như vậy, tôi có làm không? Tôi sẽ nói không, chắc chắn là không.” Nhưng bài học này có liên quan đến một cuộc chiến toàn diện, kéo dài 34 ngày, với sức tàn phá cao, cướp đi sinh mạng của 121 binh sĩ Israel, cùng hàng trăm chiến binh Hezbollah, và hơn một nghìn dân thường, chưa kể đến hơn một triệu người sống ở hai bên biên giới đã phải di dời – nó chắc chắn khác với cuộc phản công có giới hạn mà Israel vừa tiến hành nhắm vào Iran.

Tất nhiên, có một động cơ cơ bản hơn đằng sau việc Israel muốn tấn công Iran: trả thù. Rốt cuộc thì, ngay cả khi chiến dịch không đạt hiệu quả, Iran đã ném hơn 60 tấn thuốc nổ trực tiếp vào Israel, phá vỡ điều luật bất thành văn về cuộc chiến trong bóng tối giữa hai nước, và khiến cả một quốc gia phải căng thẳng, dù chỉ trong một đêm. Có thể hiểu được tại sao một số người Israel muốn – và vẫn muốn – đáp trả.

Tuy nhiên, như Bret Stephens đã nhắc nhở độc giả trên tờ New York Times, “trả thù là món ăn ngon nhất khi để nguội.” Nhìn chung, những quyết định cảm tính không tạo nên một chiến lược thận trọng. Điều đó đặc biệt đúng trong trường hợp này, xét tới những rủi ro quân sự và ngoại giao đối với Israel cũng như toàn bộ khu vực nếu một cuộc chiến tranh khu vực nổ ra. Quả thật, cuộc tấn công nhắm vào Isfahan dường như đã được điều chỉnh một cách có chủ đích để không gây leo thang.

Hơn nữa, trong chừng mực nào đó, ngay từ trước cuộc tấn công vào Isfahan, Israel đã trả thù thành công. Trong cuộc tấn công của Israel vào khu phức hợp ngoại giao của Iran ở Damascus, Iran đã mất bảy thành viên của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), bao gồm cả Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi – thành viên cấp cao nhất của Lực lượng Quds bị giết kể từ khi Mỹ giết Qassem Suleimani ở Iraq vào năm 2020, nhưng Iran đã không gây ra bất kỳ tổn thất nào tương đương cho Israel.

Nếu có nhiều lý do tồi để giải thích các cuộc tấn công hiện tại và tương lai của Israel vào Iran thì có ít nhất một lý do tốt: Israel và Iran đang có chiến tranh. Trong những năm qua, cuộc chiến này phần lớn đã diễn ra bí mật, nhưng kể từ ngày 7/10, nó đã công khai. Mẫu số chung giữa Hamas, Hezbollah, Houthi, và các nhóm khác đã tấn công Israel trong hơn sáu tháng nay là tất cả đều được Iran tài trợ, huấn luyện, và trang bị ở những mức độ khác nhau. Do đó, khi bảy sĩ quan IRGC – bao gồm cả Zahedi, người điều phối quan hệ của Iran với Hezbollah và chế độ Assad – xuất hiện ở Damascus vào cuối tháng 3, Israel đã kết luận – có lẽ đúng – rằng nhóm người này không đến đó để nếm thử đồ ăn ở các nhà hàng Syria.

Sau đòn trả đũa của Iran và phản ứng của Israel, quyết định giờ đây đang ở trong tay Iran trong màn thi thố sức mạnh quân sự kỳ lạ này. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy Iran có lẽ sẽ để mọi chuyện qua đi, chí ít là trong thời điểm hiện tại. Nếu vậy, cả Mỹ và khu vực sẽ thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, thật không may, bất kỳ quãng nghỉ nào cũng khó kéo dài. Israel nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tấn công các đặc vụ Iran ở nước ngoài, để làm gián đoạn hoặc thậm chí cắt đứt nguồn hỗ trợ vật chất và chiến lược từ Iran tới các lực lượng ủy nhiệm của họ. Trái ngược với tuyên bố của Iran rằng “vấn đề có thể được coi là đã kết thúc,” chừng nào Iran tiếp tục hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm của mình và các lực lượng ủy nhiệm đó vẫn tham gia xung đột với Israel, thì nhu cầu thực hiện các cuộc tấn công giống như chiến dịch nhắm vào khu phức hợp ngoại giao của Iran ở Damascus sẽ vẫn còn.

Và nếu cuộc xung đột thông thường đang âm ỉ này không đủ để thúc đẩy hành động quân sự của Israel đối với Iran, thì có một lý do thậm chí còn lớn hơn đang rình rập: chương trình hạt nhân của Iran. Kể từ khi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung – còn được gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran – sụp đổ, Tehran đã tiến gần hơn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Các nhà lãnh đạo Israel từ lâu đã lo lắng rằng một Iran có vũ khí hạt nhân sẽ hăng hái tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm của mình, thậm chí sử dụng vũ khí để tấn công thẳng vào Israel. Đối với nhiều người Israel, cuộc tấn công của Iran cuối tuần trước chỉ càng củng cố thêm những lo ngại đó. Sau cùng thì, nếu việc Israel bị nghi ngờ sở hữu một kho vũ khí hạt nhân vẫn không đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Iran, thì tại sao Israel lại tin rằng họ có thể ngăn chặn Iran một khi nước này sở hữu vũ khí hạt nhân? Điều này khiến một hành động phủ đầu của Israel chống lại chương trình hạt nhân của Iran có nhiều khả năng xảy ra hơn, dù vẫn có những thách thức đáng kể về quân sự.

Từ quan điểm của mình, Israel sẽ cần tiếp tục tấn công các mục tiêu của Iran, ngay cả sau khi loại bỏ những động cơ chính trị đáng ngờ, tư duy răn đe nửa vời, hoặc chỉ đơn thuần là cảm xúc. Chừng nào Israel và Iran còn xung đột, họ sẽ còn tiếp tục đấu đá nhau – bất kể Mỹ và các đồng minh khác có khuyên Israel tránh leo thang đến thế nào.

Cuối cùng, nếu Mỹ và Châu Âu muốn ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực ở Trung Đông, họ sẽ phải thuyết phục Iran kiềm chế các lực lượng ủy nhiệm làm điều gì đó đối với chương trình hạt nhân của mình. Nếu không, xung đột sẽ tiếp tục leo thang.

Raphael S. Cohen
Giám đốc Chương trình Chiến lược và Học thuyết tại Dự án Không quân của Tập đoàn RAND.

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/05/02/chien-tranh-iran-israel-chi-moi-bat-dau/#more-56058

Ảnh minh họa: Vận Hội Mới

Bài liên quan:
  • BA-ĐÌNH ĐÒI GDP LÊN 2 SỐ! “MISSION IMPOSSIBLE”
    Trần Nguyên Thao
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 19/1/2025. Mở đầu quốc sách tinh gọn, VN chuẩn chi 5 tỷ USD: Giảm lãng phí hay tăng tham nhũng? Điểm nghẽn ở đâu? Đấu đá dành ghế sẽ lan xuống hạ tầng!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 18/1/2025. Israel & Hamas đạt thoả thận ngừng bắn! 4 Nhân vật với chức vụ hàng đầu trong nội các của TT Trump: Pete Hegseth, Marco Rubio, Pam Bondi, John Ratcliffe
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 18/1/2025. Tin vui cho Trung Đông: Israel & Hamas ngưng chiến! Những khuôn mặt nổi bật trong nội các của TT Trump. Quốc sách tinh gọn: VN chuẩn chi 5 tỷ đô, không giải quyết “điểm nghẽn”!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer