TIN THẾ GIỚI.

Mỹ viện trợ quân sự thêm 2,3 tỉ đô la cho Ukraina (RFI)

Hoa Kỳ thông báo khoản viện trợ quân sự mới trị giá 2,3 tỉ đô la cho Ukraina, trong đó có tài trợ mua thiết bị phòng không và vũ khí chống tăng. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Lloyd Austin, hôm 02/07/2024 thông báo như trên với đồng nhiệm Ukraina, Roustem Oumerov, khi đón tiếp ông tại Lầu Năm Góc.

Thông báo của bộ Quốc Phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các căn cứ quân sự của Ukraina thường xuyên bị hỏa lực Nga nhắm tới. Cũng trong ngày 02/07, theo Reuters, Matxcơva tuyên bố tiêu diệt được 5 chiến đấu cơ SU-27 của Ukraina và làm hư hại 2 chiếc khác trong vụ tấn công bằng tên lửa Iskander-M nhắm vào sân bay Myrhorod trong khu vực Poltava của Ukraina. Kiev cho biết đúng là sân bay đã bị tấn công nhưng phía Nga đã phóng đại thành tích. Tuy nhiên, Ukraina không cho biết chi tiết về thiệt hại.

Việc Nga tấn công các sân bay của Ukraina đang làm dấy lên những câu hỏi về khả năng liệu Ukraina có bảo đảm được an ninh cho các sân bay để tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo hay không. Các nhà phân tích quân sự nhận định Nga tấn công cơ sở hạ tầng sân bay của Ukraina, có thể là nhằm làm phức tạp hóa việc tiếp nhận và sử dụng phi cơ quân sự mà phương Tây hứa tài trợ cho Kiev. Một phát ngôn viên lực lượng vũ trang Ukraina thừa nhận, các vụ tấn công của đối phương có thể gây ra “một số vấn đề” nhưng không phải là trở ngại để Ukraian tiếp nhận và triển khai chiến đấu cơ F-16.

Theo dự kiến, các chiến đấu cơ F-16 sẽ được giao cho Ukraina trong tháng 07/2024, nhưng không rõ sẽ được đặt tại đâu. Hôm thứ Năm tuần trước 27/06, sau khi đã oanh kích sân bay Starokostiantyniv, phía Nga tuyên bố nhắm đến các sân bay có thể tiếp nhận F-16.

Dnipro : 4 người chết, 28 người bị thương do Nga oanh kích ồ ạt

Tại thành phố lớn Dnipro, vùng trung đông Ukraina, sáng nay 03/07, ít nhất 4 người chết và 27 người bị thương trong một đợt oanh kích của Nga bằng tên lửa và drone mang chất nổ. AFP trích dẫn thông cáo của chỉ huy không quân Ukraina, Mykola Olechtchouk, cho biết sáng hôm nay, lực lượng Nga đã phóng 7 tên lửa hành trình và tên lửa dẫn đường, 5 drone mang chất nổ và 1 drone trinh sát đến vùng Dnipropetrovsk mà Dnipro là thủ phủ.

Không quân Ukraina đã bắn hạ được 5 tên lửa và toàn bộ drone của Nga. Nhưng một trung tâm thương mại và một trạm xăng đã bị nhắm trúng. Chính quyền thành phố Dnipro thông báo để tang các nạn nhân vào ngày mai 04/07.

Truyền thông Ukraina nhắc lai trung tâm thương mại bị oanh kích lần này cũng từng bị Nga oanh kích bằng tên lửa hồi tháng 12/2023. Nằm cách đường chiến tuyến với Nga khoảng 100 km đường chim bay, Dnipro thường xuyên bị Nga oanh kích. Hồi tháng 01/2023, một tòa nhà dân sự trúng tên lửa khiến 46 người chết.

Trong đêm qua rạng sáng nay, tại các vùng Donetsk và Kharkiv ở miền đông, cũng có 2 thường dân đã thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Nga.


Các nước NATO cam kết viện trợ quân sự 40 tỷ euro cho Ukraine (VOA)

Các đồng minh NATO đã đồng ý viện trợ quân sự 40 tỷ euro cho Ukraine với vào năm tới, hai nhà ngoại giao Tây Âu nói với Reuters hôm 3/7, một tuần trước khi các nhà lãnh đạo của liên minh gặp nhau tại Washington.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã yêu cầu các đồng minh thực hiện cam kết cho nhiều năm, để duy trì viện trợ quân sự cho Kyiv ở mức tương tự như mức trước đây kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện Ukraine hồi năm 2022, gộp chung lên tới khoảng 40 tỷ euro mỗi năm.

Mặc dù các nước thành viên NATO không ủng hộ yêu cầu ban đầu của ông Stoltenberg là cam kết viện trợ nhiều năm như vậy, thỏa thuận này bao gồm điều khoản để xem xét lại mức đóng góp của các đồng minh tại các hội nghị thượng đỉnh NATO trong tương lai, theo một nhà ngoại giao.

Nhà ngoại giao này giấu tên này cũng cho biết các nước thành viên cũng quyết định sẽ soạn thảo hai phúc trình trong năm tới để xác định nước nào cung cấp thứ gì cho Ukraine, nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch hơn về việc chia sẻ gánh nặng giữa các nước trong liên minh.

Các quốc gia thành viên ‘đặt mục tiêu đáp ứng cam kết này thông qua các khoản đóng góp tương xứng’, thỏa thuận cho biết.

Cam kết tài chính này nằm trong gói hỗ trợ Ukraine lớn hơn mà các nhà lãnh đạo NATO sẽ nhất trí khi họ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh Washington từ ngày 9 đến ngày 11/7.

Hồi tháng 6, các đồng minh đã quyết định rằng NATO sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn trong điều phối cung cấp vũ khí cho Ukraine, để thay cho Mỹ trong nỗ lực giữ cho việc này không bị ảnh hưởng khi ông Donald Trump, người hoài nghi về NATO, đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai.

Sau cuộc xâm lược của Nga hồi năm 2022, Mỹ đã tập hợp các nước có cùng chí hướng tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức để tạo thành một khối các nước mà hiện có khoảng 50 thành viên nhóm họp thường xuyên để đáp ứng yêu cầu vũ khí của Kyiv.

Cái gọi là nhóm Ramstein này sẽ tiếp tục tồn tại với tư cách là diễn đàn chính trị do Mỹ dẫn đầu nhưng NATO sẽ tiếp quản ở cấp độ làm việc quân sự vốn bao gồm điều phối cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, các đồng minh vẫn còn mâu thuẫn trước thềm hội nghị thượng đỉnh Washington về việc liệu có nên và làm thế nào để củng cố ngôn từ của NATO về tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong liên minh.

Quan điểm chính thức của NATO là Ukraine sẽ được kết nạp vào một ngày nào đó, nhưng không phải trong lúc nước này đang có chiến tranh. “Tương lai của Ukraine là ở NATO,” các nhà lãnh đạo khối tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius hồi năm ngoái.

Một số đồng minh muốn cách nói này được làm mạnh hơn để thể hiện rằng hội nghị thượng đỉnh tuyên bố con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine là ‘không thể đảo ngược’, theo các nhà ngoại giao.


Vòng 2 bầu cử Quốc Hội Pháp: Hơn 210 ứng viên rút để dồn phiếu ngăn chặn cực hữu (RFI)

Bốn ngày trước vòng 2 quyết định của cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp trước thời hạn, hôm 02/07/2024, hơn  210 ứng cử viên lọt vào vòng hai tự nguyện rút lui để dồn phiếu bầu cho đối thủ của ứng viên phe cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), ngăn chặn đảng này về đầu hoặc có đa số tuyệt đối tại Quốc Hội.

Sau 18 giờ chiều hôm 02/07, hạn chót nộp ứng cử vòng 2, danh sách chính thức chỉ còn lại hơn 1100 ứng cử viên tham gia vòng đua cuối giành ghế dân biểu ở Quốc Hội. Cánh tả trong liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới đã rút 130 ứng viên. Liên minh với đảng cầm quyền Phục Hưng – Renaissance rút 82 ứng viên tại các nơi có các cuộc đấu tay ba, nhằm dồn phiếu cho các ứng cử viên đối đầu với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Như vậy, ở vòng hai ngày 07/07, số lượng các cuộc đấu tay ba chỉ còn lại dưới 100 thay vì 311 sau vòng một hôm 30/06.

Ở vòng đầu, có hơn 4000 ứng viên của các đảng phái ra tranh cử. 76 ứng viên đắc cử ngay, trong đó có 39 người thuộc phe cực hữu.

Để có được đa số tuyệt đối, phe cực hữu RN phải giành được ít nhất 289 ghế ở Quốc Hội sau vòng hai. Mặc dù về đầu ở vòng một với hơn 30% phiếu bầu, nhưng phe cực hữu đang đứng trước một tình huống mới, rất khó có thể đạt được đa số quá bán khi các đảng cánh tả và liên minh cầm quyền đã ồ ạ rút ứng viên khỏi các cuộc đấu tay ba ở những khu vực tranh cử mà đảng RN có nhiều khả năng thắng.

Trong khi đó, các cuộc đấu tay ba còn lại phần lớn là tại các địa điểm mà các ứng cử viên của phe cánh tả thuộc liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới và của liên minh cầm quyền Renaissance đã giành được tỷ lệ phiếu bầu cao hơn các ứng viên cực hữu.

Bắt đầu từ hôm 3/7, các chính đảng còn ba ngày để thực hiện các cuộc vận động nước rút, chủ yếu đó sẽ là các cuộc mặc cả liên minh liên kết với nhau, trước khi bước vào vòng đấu quyết định ngày Chủ nhật 07/07.


Bầu cử Vương quốc Anh 2024: Điều gì đang bị đe dọa và điều gì sẽ xảy ra? (Trích BBC)

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã thông báo rằng cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của đất nước sẽ được tổ chức vào ngày 4/7. Điều này sớm hơn dự báo, nhiều người từng dự báo cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào mùa thu.

Khi nào tổng tuyển cử diễn ra

Cuộc tổng tuyển cử năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 4/7/2024.

Một nhiệm kỳ chính trị ở Vương quốc Anh kéo dài 5 năm. Vì Đảng Bảo thủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào tháng 12/2019, nên cuộc tổng tuyển cử kế tiếp, theo luật, phải diễn ra trước tháng 1/2025.

Vương quốc Anh được chia thành 650 khu vực, được gọi là khu vực bầu cử. Cử tri ở mỗi khu vực bầu cử này bầu một nghị sĩ vào Hạ viện để đại diện cho người dân địa phương.

Hầu hết các ứng cử viên đều đại diện cho một đảng chính trị nào đó, nhưng cũng có một số ứng viên độc lập.

Tại sao ông Rishi Sunak kêu gọi bầu cử sớm?

Ông Rishi Sunak đã thông báo về cuộc bầu cử dưới cơn mưa nặng hạt ở London.

Đảng Bảo thủ của ông Sunak đã mất dần sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận kể từ năm 2021.

Theo ông Chris Mason, biên tập viên chính trị của BBC, một số chính trị gia trong đảng “cảm thấy rằng mọi thứ có thể đã không được cải thiện nhiều, và rằng xét thấy cử tri muốn bầu cử sớm nên bất kỳ thất bại nào của Đảng Bảo thủ có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu cuộc tổng tuyển cử bị dời lui”.

“Hay nói cách khác, làm ngay bây giờ nếu không mọi chuyện có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn,” ông Mason nói. “Thủ tướng cũng có thể chỉ ra rằng ít nhất một số mục tiêu của ông đã hoàn thành hoặc có vẻ như đang gần hoàn thành. “Chỉ số lạm phát hiện nay có thể coi là thành công. Tất nhiên nó không hoàn toàn nhờ vào hành động của chính phủ. Nhưng các chính phủ thường bị đổ lỗi khi tỷ lệ này tăng cao, vì vậy cũng hợp lý khi cho rằng họ có công khi lạm phát giảm – và thực tế là như vậy.

“Nhìn rộng ra, bức tranh kinh tế cũng dường như sáng sủa hơn một chút.”

Các đảng đang ở đâu trong các cuộc thăm dò

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy Đảng Bảo thủ của ông Sunak bắt đầu chiến dịch tranh cử với khoảng cách rất xa so với đối thủ chính – Công đảng (tức Đảng Lao động).

Đó gần như là bức tranh trên thực tế trong 12 tháng qua, khi Công đảng liên tục có tỷ lệ ủng hộ trên 40%.

Tất nhiên, các cuộc thăm dò dư luận có thể sai và ông Sunak sẽ hy vọng rằng việc lạm phát giảm tốc gần đây và việc tập trung vào chính sách của các đảng sẽ giúp Đảng Bảo thủ xoay chuyển tình thế trong quá trình tranh cử. Tuy nhiên, khi mọi thứ ổn định, Công đảng bắt đầu chiến dịch với vị trí dẫn đầu trong cuộc thăm dò ý kiến.

Đảng Cải cách Vương quốc Anh – một đảng cánh hữu chống nhập cư – đang ở vị trí thứ ba, nhưng với sự ủng hộ bị rải đều khắp đất nước, thật khó để biến sự ủng hộ đó thành các ghế trong Quốc hội.

Đảng Dân chủ Tự do – trước đây là đảng lớn thứ ba trong nước – có tỷ lệ ủng hộ khá ổn định ở mức trung bình khoảng 10%. Họ hy vọng rằng bằng cách tập trung vào các ghế mục tiêu, họ có thể giành được một số ghế trong cuộc bầu cử này.

Các ứng cử viên chủ chốt là ai?

Hai đảng được dự báo sẽ giành được tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất hiện nay là Đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng.

Thủ tướng Rishi Sunak, 44 tuổi, lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Ông đảm nhận vị trí thủ tướng Anh Quốc vào năm 2022 lúc 42 tuổi, trở thành người giữ chức này trẻ nhất trong thời hiện đại. Ông cũng là người gốc Anh gốc Ấn Độ đầu tiên làm thủ tướng nước này.

Lãnh đạo Công đảng là Sir Keir Starmer, 61 tuổi. Ông được làm lãnh đạo đảng này vào năm 2020. Ông trước đây là người đứng đầu Cơ quan Công tố Hoàng gia và Giám đốc Cơ quan Công tố.


Thủ tướng Hungary Viktor Orban lần đầu tiên đến Ukraina (RFI).

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 02/07/2024, đến thăm Ukraina lần đầu tiên kể từ khi Nga mở ở cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữu hai nước do ông Orban có lập trường thân Matxcơva và vẫn chống lại việc yểm trợ Kiev chống quân Nga.

Chuyến đi Ukraina của thủ tướng Voktor Orban diễn ra chỉ một ngày sau khi Hungary đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong 6 tháng. Cho tới nay, thủ tướng Hungary vẫn có lập trường hoàn toàn khác biệt với các lãnh đạo khác của Liên Âu trên vấn đề Ukraina. Ông Orban thường xuyên ngăn chận viện trợ của Liên Âu cho Ukraina và không ngừng kêu gọi một cuộc ngừng bắn. Vào đầu năm nay, thủ tướng Hungary đã phủ quyết khoản viện trợ 50 tỷ euro cho Kiev. Khoản viện trợ này sau đó cũng đã được thông qua, nhưng với sự chậm trễ, khiến các lãnh đạo Ukraina rất bất bình.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và TT Zelensky trong cuộc họp báo ở Kyev

Lãnh đạo chính phủ Hungary cũng kiên quyết chống lại việc thương lượng để tiếp nhận Ukraina vào Liên Hiệp Châu Âu, cho rằng nước này chưa sẵn sàng. Chỉ đến tháng 12 vừa qua, ông Orban mới  chấp nhận tạm rời khỏi bàn hội nghị, đủ thời gian để 26 lãnh đạo còn lại của Liên Âu quyết định mở thương lượng về kết nạp Kiev vào khối này. 

Trong khi các nước phương Tây trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh Ukraina thì thủ tướng Orban vẫn thân với tổng thống Vladimir Putin và tăng cường quan hệ với Matxcơva. Ông cũng đã nhiều lần xem cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina chỉ là “chiến dịch quân sự đặt biệt” như cách gọi của điện Kremlin. Lãnh đạo chính phủ Hungary đã gặp tổng thống Putin ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái để thảo luận về hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng. 

Trong khi đó quan hệ giữa ông Orban với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vẫn rất lạnh nhạt. Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, lãnh đạo Ukraina đã chỉ trích thủ tướng Orban thiếu yểm trợ Kiev.

Theo hãng tin AFP, các quan chức Ukraina cho biết từ nhiều tháng qua hai bên đã thảo luận về việc tổ chức cuộc gặp giữa hai ông Orban và Zelensky. 

Trong cuộc gặp với thủ tướng Hungary hôm nay, tổng thống Zelensky đã nhấn mạnh là phải có một « nền hòa bình công bằng » cho Ukraina, đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu duy trì viện trợ quân sự cho Kiev.

Về tình hình chiến sự, bộ Quốc Phòng Nga hôm nay khẳng định đã phá hủy 5 chiến đấu cơ Su-27 tại một căn cứ không quân ở Ukraina. Hãng tin AFP cho biết họ chưa thể kiểm chứng thông tin nói trên và phía Ukraina cũng chưa có bình luận gì. Dầu sao, thông tin này gây quan ngại về khả năng của Kiev bảo vệ các sân bay trước khi không quân Ukraina tiếp nhận các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo. 


Hoa Kỳ: Donald Trump được hưởng quyền “miễn trừ truy tố hình sự của tổng thống” (RFI)

Phán quyết của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ, hôm 01/07/2023 được coi là một thắng lợi cho Donald Trump khi chấp thuận cho cựu tổng thống được hưởng quyền miễn trừ truy tố đối với những hành động công vụ. Tòa cũng hoãn lại phiên xử cựu tổng thống Hoa Kỳ bị cáo buộc cố đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 một cách trái phép, với vụ hỗn loạn tại đồi Capitol năm 2021.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

« Theo Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ, hay ít nhất là theo đa số gồm 6 thẩm phán bảo thủ mà một nửa trong số này là do Donald Trump bổ nhiệm, các tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống phải được hưởng quyền giả định miễn trừ đối với các hành động công vụ. Và thậm chí là cả quyền miễn trừ tuyệt đối về việc bị bộ Tư Pháp điều tra. Đây là một trong những yếu tố cáo buộc mà công tố viên Jack Smith nêu ra (trong nỗ lực truy tố cựu tổng thống vì vụ bạo loạn ở đồi Capitol năm 2021).

Vẫn theo định chế này, tòa sơ thẩm có trách nhiệm xác định hành động nào là công vụ và các tổng thống không được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự đối với các hành động cá nhân. Cần phải có thời gian để xác định điều này và các quyết định mà tòa sơ thẩ có thể bị kháng cáo. Như vậy, thời gian xét xử sẽ bị kéo dài và vụ xét xử có thể bị dời lại sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 05/11/2024.

Donald Trump hoan nghênh « thắng lợi lớn cho Hiến pháp và cho nền dân chủ ». Nhưng không phải ai cũng có cùng quan điểm như vậy, đặc biệt là 3 thẩm phán tự do, đã bỏ phiếu chống, tại Tòa Án Tối Cao. Trong một văn bản riêng biệt, 3 thẩm phán này xác nhận rằng, từ nay trở đi, không gì có thể ngăn cản tổng thống huy động lực lượng đặc nhiệm tiêu diệt đối thủ và điều này sẽ là một mối nguy hiểm cho nền dân chủ.

Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng chia sẻ lập trường này. Ông Biden cảnh báo rằng kể từ nay, các giới hạn truy cứu trách nhiệm hình sự do người dân định ra chứ không phải tư pháp. Phát biểu này được đưa ra vài ngày sau cuộc tranh luận đầu tiên trong khuôn khổ cuộc vận động tranh cử tổng thống, mà ông Biden bị cho là lép vế so với ông Trump và làm dấy lên những đồn đoán về khả năng ông rút lui, không ra tái tranh cử. »


Lãnh đạo Trung Cộng và Nga tới Kazakhstan dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (RFI).

Hôm 03/07/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình có mặt tại Kazakhstan để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 Tổ chức Hợp tác Thượng hải (OCS), một định chế hợp tác kinh tế khu vực mà Bắc Kinh và Matxcơva hy vọng phát triển thành một tổ chức cạnh tranh với phương Tây.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 03 và 04/07 tại thủ đô Astana của quốc gia Trung Á. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hiện có 9 quốc gia thành viên (Trung Cộng, Ấn Độ, Iran, Nga, Kazakhstan, Kirghizstan, Ouzbékistan, Pakistan, Tadjikistan). Đây là tổ chức hợp tác kinh tế được Trung Cộng và Nga đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hai nước đều đang đối đầu quyết liệt với phương Tây.

Tuy nhiên, nhiều bất đồng vẫn tồn tại giữa các thành viên OCS. Dù cả hai ông Tập và Putin đều mong muốn có được mặt trận chung đối đầu với phương Tây, nhưng Bắc Kinh và Matxcơva lại là đối thủ cạnh tranh trên phương diện kinh tế, đặc biệt trong khu vực Trung Á giàu tài nguyên khí đốt và khoáng sản và là tuyến đường giao thông hàng hóa trọng yếu giữa Á và Âu.

Trung Á, dẫn đầu là Kazakhstan, là mắt xích trọng yếu trong dự án con đường tơ lụa mới được ông Tập Cận bình khởi xướng từ hơn chục năm nay. Khu vực này được Nga, Trung Cộng và gần đây cả Thổ Nhĩ Kỳ ve vãn lôi kéo. Matxcơva muốn duy trì ảnh hưởng với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khi  Trung Cộng đang thắt chặt quan hệ với các nước đó bằng những dự án kinh tế lớn.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteres cũng sẽ tới Astana dự hội nghị. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vắng mặt.

Dự kiến hội nghị lần này sẽ kết nạp Belarus, một đồng minh chủ yếu của Nga, làm thành viên thứ 10 của OCS. Ngoài các thành viên chính thức, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải còn có 14 nước đối tác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.


Tranh cử tổng thống Mỹ: Sức ép đòi Biden rút lui ngày càng gia tăng trong nội bộ đảng Dân Chủ (Tổng hợp)

Tại Mỹ, cho dù vẫn có được sự ủng hộ của nhiều thành viên có uy tín trong đảng Dân Chủ, trong đó có hai cựu tổng thống Barack Obama và Bill Clinton, phó tổng thống Kamala Harris, hay cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, nhưng ứng viên tổng thống Joe Biden ngày càng chịu sức ép trong nội bộ đảng do những lo ngại về tình trạng sức khỏe.

Hôm 02/07/2024, năm ngày sau cuộc tranh luận trên truyền hình giữa Joe Biden và Donald Trump, lần đầu tiên có một dân biểu thuộc đảng Dân Chủ công khai kêu gọi ông Bien rút lui khỏi cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2024.

Trước những lời bàn tán, lo ngại về tình trạng sức khỏe của ứng viên Joe Biden (81 tuổi), Nhà Trắng hôm 02/07 khẳng định việc kiểm tra sức khỏe tâm thần của ông Biden là không cần thiết. Về phía tổng thống Mỹ, theo AFP, ông Biden hôm qua thanh minh là ông đã có nhiều chuyến công du nước ngoài ngay trước cuộc tranh luận. Ông Biden thừa nhận lịch trình như vậy là “không được khôn ngoan cho lắm”, bởi chính điều đó đã khiến ông gần như “ngủ gục” ở trường quay.

Trong khi đó, cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho rằng việc đề nghị kiểm tra sức khỏe của ông Biden là chính đáng, nhưng bà nhấn mạnh, cả ứng viên Donald Trump (78 tuổi) cũng cần được kiểm tra.

Từ Atlanta, thông tín viên Edward Maille cho biết thêm :

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC, bà Nancy Pelosi khẳng định những lo ngại về tình trạng trí tuệ của ông Joe Biden là chính đáng : “Ông ấy đã trải qua một buổi tối tồi tệ. Chuyện này chỉ thoáng qua hay là một tình trạng kéo dài ? Tôi nghĩ đặt ra câu hỏi này là chính đáng. Và việc mọi người nêu lên câu hỏi này là chính đáng, nhưng liên quan đến cả 2 ứng cử viên”.

Sau khi ca ngợi thành tích của tổng thống Biden, bà Nancy Pelosi nói rằng bà ủng hộ một cuộc kiểm tra để xác định khả năng trí tuệ của Joe Biden, một cuộc kiểm tra mà Donald Trump cũng nên làm. Theo bà, “cả 2 ứng cử viên cần phải tham gia bất kể cuộc kiểm tra nào quý vị muốn, xét cả về mặt trí tuệ và sức khỏe thể chất”.

Bà Pelosi cũng đề cập trở lại về sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân Chủ liên quan đến việc ông Joe Biden ra tranh cử. Bà nói : “Mọi người rất lo ngại, đang có một sự chia rẽ. Một số người tự hỏi thủ tục sẽ thế nào và điều gì có thể được thực hiện. Một số người khác thì nói “Joe là người của chúng ta, chúng ta yêu quý ông ấy”.

Thế nhưng, những lời chỉ trích ngày càng mạnh mẽ. Hôm thứ Ba (02/07), dân biểu bang Texas, Lloyd Doggett, là dân biểu đầu tiên của đảng Dân Chủ công khai đòi Joe Biden rút lui. 

Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Biden đang cân nhắc rút lui khỏi cuộc tái đấu với ông Trump, lần đầu tiên kể từ năm 1956 hai ứng cử tổng thống của hai đảng đối đầu nhau trong hay kỳ bầu cử liên tiếp.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đang hành động để dập tắt những lo ngại về tư cách ứng cử viên của ông Biden. Ông đã lên lịch tổ chức một cuộc gặp, chủ yếu là trực tuyến, vào ngày 3/7 với tất cả các thống đốc Dân chủ để đảm bảo với họ rằng ông đủ khả năng về thể lực và trí tuệ trong khoảng thời gian bốn tháng vận động nước rút quyết liệt cho đến ngày bầu cử và ông có thể đánh bại ông Trump một lần nữa.


Trung Cộng: Tập Cận Bình loại trừ đối thủ trong đảng trước Hội nghị trung ương 3 (RFI)

Sau nhiều lần bị rời lại, hôm 27/06 vừa qua, đảng Cộng sản Trung Cộng thông báo họp Hội nghị Trung ương 3, khóa 20 từ ngày 15 đến 18/07/2024. Việc chuẩn bị cho hội nghị diễn ra, đã thành lệ như nhiều năm trước, là dịp để ông Tập Cận Bình đẩy mạnh thanh lọc mạng lưới được cho là đe dọa quyền lực của cá nhân ông, bằng chiêu bài chống tham nhũng. RFI trích giới thiệu bài phân tích đăng trên trang Asialyst.com của Alex Payette, nhà nghiên cứu chính trị người Canada.

Sau cuộc họp của Bộ Chính Trị hôm 30/04 năm nay phát động « chiến dịch giáo dục kỷ luật đảng », cuộc chiến chống tham nhũng có chiều hướng tăng tốc ở Trung Cộng. Từ đó đến nay, đã có hàng chục lãnh đạo cấp thứ bộ trưởng và lãnh đạo địa phương ở cấp tỉnh bị rơi vào tầm ngắm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng. Đó là chưa kể đến nhiều lãnh đạo bị kết án, khai trừ khỏi đảng.

Nhà nghiên cứu Alex Payette nhận định, trong chiều hướng này, có vẻ như Bắc Kinh vẫn quyết tâm ưu tiên an ninh chính trị, khiến các cuộc đấu đá nội bộ thêm căng thẳng và gây hại cho sự ổn định trước thềm Hội nghị Trung ương 3. Đồng thời, những cuộc tấn công không ngừng từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn đối với Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Cộng, thời gian gần đây, đã không còn có thể tìm được những cán bộ sẵn sàng ngoan ngoãn phục vụ đường lối chính trị của mình. Nhưng điều đó không ngăn cản Tập Cận Bình tập trung vào cuộc đấu tranh chống các « mối nguy hiểm chính trị », chủ yếu là đối với ông, nhằm loại bỏ những gương mặt đang lên hay theo những phe nhóm cũ cũng như mới trong đảng.

Vụ thanh lọc cựu bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng Ngô Anh Kiệt ( Wu Yingjie) hôm 16/06 vừa rồi là một thí dụ điển hình trong bối cảnh đó.

Ông Ngô đã rời vị trí lãnh đạo cao nhất vùng vào tháng 10 năm 2021 để được bầu làm phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Quốc Hội. Tháng 3 năm 2023, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Ủy ban văn hóa, dữ liệu và nghiên cứu lịch sử của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Cộng (CPPCC). Ngô Anh Kiệt được thay thế Trần Toàn Quốc làm người đứng đầu khu tự trị Tây Tạng vào năm 2016, vào thời điểm đó việc tiến cử này được coi là bước đi đúng hướng trong việc quản lý Tây Tạng. Là người đi lên từ địa phương, ông Ngô am hiểu địa bản và nhất là văn hóa, phong tục của địa phương Tây Tạng.

Kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc này giải thích tại sao nhiều người tin rằng việc Ngô Anh Kiệt lên đứng đầu bộ máy đảng vùng tự trị sẽ giúp Bắc Kinh cai trị vùng Tây Tạng nhẹ nhàng hơn một chút và thực tế đã diễn ra như vậy.

Ngô Anh Kiệt bị án kỷ luật sau khi Ủy ban Kỷ luật đảng đã cho bắt một loạt gần chục lãnh đạo của khu tự trị Tây Tạng.

Việc ông Ngô Anh Kiệt ngã ngựa không thể phân tích trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng rộng rãi nhằm vào chính quyền khu tự trị. Đa phần những người bị bắt đều là do đấu đá nội bộ.

Tác giả Payette cho biết, người đầu tiên là Vương Kim Sơn, bị khai trừ khỏi đảng tháng 10/2014, từng là người thân cận của tướng Từ Tài Hậu, một người thuộc phe cánh của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông Dương bị cuốn vào trong những căng thẳng giữa Tập Cận Bình và chỉ huy cao cấp trong quân đội.

Một nhân vật khác, Lạc Đại Khắc (Le Dake) cựu lãnh đạo an ninh quốc gia của Tây Tạng cũng đã bị hạ bệ hồi tháng 06/2015 trong khi  Tập Cận Bình tiến hành quét dọn bộ máy an ninh xung quanh ông.  Ông Lạc là người có thâm niên trong hệ thống an ninh, và nắm các chức vụ lãnh đạo lĩnh vực này trong một thời gian dài ở Tân Cương. Ông này là người gắn bó lâu năm với các nhân vật như Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) , từng là cánh tay phải của Giang Trạch Dân. Nhân vật này bị rớt đài không phải vì vụ việc liên quan đến Tây Tạng.

Trong danh sách các quan chức Tây Tạng bị bắt còn có Đổng Vân Hồ ( Dong Yunhu), lãnh đạo tuyên truyền của khu tự trị.  Ông là tay chân của ngôi sao tuyên giáo Trung Cộng, Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), bị bắt chủ yếu vì lý do có mối liên hệ với bộ máy tuyên truyền không mấy thiện cảm với Tập Cận Bình. Thực tế ông ông Đổng chỉ có thời gian 4 năm ở Tây Tạng trước khi được thuyên chuyển về Thượng Hải năm 2015 theo yêu cầu của Giang Trạch Dân.

Hầu hết các nhân vật lãnh đạobị nhắm tới  trong những tháng gần đây đều bị ủy ban kỷ luật đưa ra những cáo buộc tham nhũng liên quan đến những chức vụ của họ ở những lĩnh vực khác từ nhiều năm trước đó. Nhưng họ đều có những điểm chung là có liên quan đến các phe cánh lãnh đạo cũ từ thời Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào.

Theo tác giả, cách diễn giải lý do cuộc chiến chống tham nhũng ở Tây Tạng là không thuyết phục đối với trường hợp của ông Ngô Anh Kiệt cũng như đối với các trường hợp khác.

Đa số trong số họ đều bị triệt hạ vì lý do liên kết với một số lãnh đạo cấp cao trong cuộc đấu đá nội bộ đảng chứ không phải lý do dính dáng gì đến Tây Tạng. Trường hợp của ông Ngô cũng nằm trong logic đó.

Ngô Anh Kiệt, cũng như Trương Vĩnh Trạch (Zhang Yongze) , là người của cựu phó thủ tướng, ủy viên Bộ Chính Trị, Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua). Thời gian gần đây một loạt vây cánh của ông Hồ Xuân Hoa ở khu tự trị Nội Mông cũng bị ủy ban kỷ luật nhằm tới.  Vì thế trường hợp Ngô Anh Kiệt không có vẻ gì là ngẫu nhiên.

Tấn công vây cánh của một nhà lãnh đạo cấp cao đang nổi lên nhằm làm suy yếu ông ta là một chiến lược khá cổ điển trong các cuộc đấu đá nội bộ đảng Cộng sản Trung Cộng.

Gần đây ông Tập đã tìm cách hạ bớt uy tín của  Hồ Xuân Hoa, nhân vật đang nổi lên. Dường như Tập Cận Bình lo ngại nguy cơ chính trị tiềm ẩn của ông Hồ mặc dù ông này trên thực tế đã bị cho ngồi chơi rồi.  

Tập Cận Bình dường như còn hy vọng ông Lý Hi, lãnh đạo Ủy ban kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Cộng tìm được lý do nào đó để buộc tội Hồ và hủy hoại danh tiếng của ông trước Hội nghị trung ương 3. Ở Trung Cộng đã có tin đồn về việc ông Hồ có dính vào vụ Evergrande đổ bể. Nhưng những nỗ lực đó đến hiện tại vẫn không có tác dụng. Tuy nhiên vụ triệt hạ Ngô Anh Kiệt có thể có ý nghĩa biểu tượng vì Ông Hồ và ông Ngô có quan hệ mật thiết với nhau.

Nhìn các quan chức như Ngô Anh Kiệt, Trương Vĩnh Trạch bị loại trừ, là một người kỳ cựu trong bộ máy lãnh đạo đảng, ông Hồ hiểu rằng đó là là một cuộc bao vây, chỉ còn một bước nữa ông sẽ bị cô lập và buộc phải rút lui khỏi chính trường. Có vẻ như ông Tập Cận Bình muốn vô hiệu hóa mạng lưới ủng hộ ông Hồ, giống như ông đã làm với Vương Kỳ Sơn.

Đảng Cộng sản Trung Cộng vẫn ra rả nhắc lại một điều : «  không cho phép hình thánh các phe nhóm, bè cánh cũng như các lợi ích hoặc trao đổi lợi ích ». Nhưng  thục tế thì diễn ra hoàn toàn khác.


TIN VIỆT NAM.

Thêm 37 nhà lập pháp Mỹ yêu cầu không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam (VOA)

Một nhóm các thành viên của Ủy ban Thép tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ quan ngại của họ tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ về việc bộ này xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường theo yêu cầu của quốc gia này, mà các nhà lập pháp này cho là “một trong những quốc gia kinh doanh thép không công bằng tai hại nhất thế giới.”

Việt Nam bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường trong hơn 20 năm qua và Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 9 đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại tình trạng này khi cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá. Chính quyền Biden vào tháng 10 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa ra quyết định trong vòng vài tuần nữa.

Trong bức thư chung gửi Bộ trưởng Gina Raimondo, 37 thành viên của ủy ban lưỡng đảng, đại diện cho các khu vực có các nhà sản xuất thép, tại Quốc hội Mỹ viết rằng Việt Nam “vẫn là một ví dụ điển hình về nền kinh tế do chính phủ kiểm soát từ trên xuống và đã trở thành mối đe dọa đáng kể đối với các nhà sản xuất thép theo định hướng thị trường ở Hoa Kỳ.”

Theo các dân biểu của ủy ban, vốn thúc đẩy lợi ích của ngành công nghiệp và công nhân luyện thép Hoa Kỳ, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và với sự trợ cấp lớn của chính phủ, ngành thép Việt Nam đã chuyển đổi “thành một nhà sản xuất thép lớn và là một trong những nước kinh doanh thép không công bằng tai hại nhất trên thế giới.”

Trích dẫn dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các nhà lập pháp Mỹ cho biết một nửa sản lượng thép của Việt Nam là dành cho xuất khẩu.

“Ngành sản xuất thép của Mỹ đã chứng kiến những tác động tàn khốc từ việc mở rộng công suất thép phi thị trường của Việt Nam,” các nhà lập pháp nói trong bức thư. “Năm 2010, lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ chưa đến 40.000 tấn. Đến năm 2018, lượng nhập khẩu từ Việt Nam vượt 1 triệu tấn.”

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Cộng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á.

Theo nhóm các dân biểu Mỹ của Ủy ban Thép tại Quốc hội, Việt Nam là nơi các nhà sản xuất thép từ các quốc gia khác như Trung Cộng tìm cách dịch chuyển sản xuất đến đây để tránh các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Do đó, theo lập luận của họ, trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà không xem xét đầy đủ và công bằng theo các yếu tố được quy định trong Đạo luật Thuế quan Hoa Kỳ năm 1930 sẽ là “quá sớm và không chính đáng.”

Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết qua email hôm 3/7 rằng “Bộ đã nhận được bức thư và sẽ trả lời qua các kênh thích hợp.”

Bộ Thương mại Mỹ vào năm 2020 đã khởi xướng một cuộc điều tra về nghi ngờ rằng các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam là thép Trung Cộng được gia công tại quốc gia Đông Nam Á để xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Chủ tịch Liên minh Các công ty Sản xuất Hoa Kỳ (AAM) Scott Paul nói với VOA trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây rằng “có nhiều chỉ dấu cho thấy Trung Cộng có thể đang sử dụng Việt Nam làm nền tảng để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và điều này rõ ràng khiến các công ty ở [Mỹ] lo ngại”. AAM cũng đã gửi phản đối lên Bộ Thương mại Mỹ về việc xem xét cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường.

Hàng chục nghị sĩ Mỹ trước đây cũng đã đưa ra quan điểm tương tự về việc Bộ Thương mại xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ đã kêu gọi Bộ này không nâng cấp Việt Nam lên kinh tế thị trường khi cho rằng việc này sẽ làm trầm trọng thêm những sự méo mó thương mại đang diễn ra cũng như đe dọa người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ.

Dù các nhà sản xuất thép và tôm ở Mỹ phản đối nhưng các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác ủng hộ việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Nếu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ được giảm thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Tại buổi điều trần hồi tháng 5, ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nơi ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam, nói rằng “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường.”

Việt Nam đã lập luận khi yêu cầu Mỹ đưa ra khỏi danh sách 12 nước bị coi là kinh tế phi thị trường rằng họ đã có những cải cách về kinh tế trong những năm gần đây. Các quan chức Việt Nam, gồm cả Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, đã nói rằng việc giữ lại Việt Nam trong danh sách này là điều không tốt cho mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa giữa hai nước, mà Washington coi là đối trọng với Trung Cộng.

“Chúng tôi hiểu mong muốn lớn hơn của Chính quyền trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác để giải quyết những thách thức do hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Cộng trong khu vực và trên thế giới,” các thành viên của Ủy ban Thép tại Quốc hội Mỹ viết trong bức thư. “Nhưng cả luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ cũng như các ngành công nghiệp và người lao động phụ thuộc vào chúng đều không nên được coi là công cụ mặc cả cho những nỗ lực đó. Sinh kế của những người Mỹ làm việc chăm chỉ, bao gồm nhiều cử tri của chúng ta, phụ thuộc vào điều đó.”

Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết việc đánh giá NME “đòi hỏi phải phân tích chuyên sâu thực tế về 6 yếu tố mà luật pháp yêu cầu chúng tôi phải đánh giá để xác định mức độ tham gia của chính phủ vào nền kinh tế, dẫn đến hoạt động phi thị trường.” Bộ cho biết họ sẽ xem xét tất cả các ý kiến được gửi đến.

(Bản tin được cập nhật với phần trả lời của Bộ Thương mại Mỹ)


Các hãng khổng lồ có kế hoạch chuyển đầu tư khỏi Việt Nam

Những tập đoàn toàn cầu lớn, gồm Intel, LG Chemical, AT&S, Samsung và SMC, đang bỏ qua Việt Nam để đầu tư vào những nước khác hay đang xem xét không đầu tư thêm vào Việt Nam.

Mạng báo The Investor thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài Việt Nam (VAFIE) vào ngày 3/7 dẫn nguồn từ Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Chính phủ Hà Nội về cảnh báo vừa nêu.

Cánh báo được đưa ra trong một báo cáo liên quan dự thảo nghị định về Quỹ Hỗ trợ Đầu tư sắp được công bố.

Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam, chính sách hiện nay của Chính phủ Hà Nội chỉ có hỗ trợ giới hạn với ưu đãi dựa trên thu nhập; trong khi đó Thuế Tối thiểu Toàn cầu (GMT) sẽ tác động bất lợi lớn đối với Việt Nam.

Khung pháp lý lỗi thời của Chính phủ Hà Nội đã khiến những tập đoàn khổng lồ toàn cầu từng có đề nghị đầu tư lớn vào Việt Nam bỏ qua thị trường này để đầu tư vào những nơi khác.

The Investor nêu vài trường hợp đáng chú ý.

LG Chemical từng đề nghị dự án sản xuất pin tại Việt Nam với yêu cầu hỗ trợ 30% chi phí sản xuất bằng tiền mặt; cuối cùng hãng quyết định chọn đầu tư dự án này tại Indonesia.

Intel cũng có đề nghị dự án đầu tư sản xuất chip vốn 3,3 tỷ USD với yêu cầu Việt Nam trả 15% bằng tiền mặt; cuối cùng dự án được quyết đầu tư tại Ba Lan.

Tập đoàn AT&S của Áo chuyên sản xuất bảng bo mạch in cao cấp từng tiến hành khảo sát và đưa ra đề nghị đầu tư với Chính phủ Hà Nội, nhưng rồi quyết định đầu tư tại Malaysia vì Việt Nam không thể đáp ứng những hỗ trợ đầu tư và công nhân lành nghề cho dự án. (RFA)

Mời Quý độc giả đọc thêm nhiều bài Thời Sự Kinh Tế liên quan đã dăng trên Vanhoimoi.org:

https://vanhoimoi.org/?p=20821https://vanhoimoi.org/?p=21629; https://vanhoimoi.org/?p=21346


Việt Nam nhập siêu từ Trung cộng đến 40 tỷ USD

RFA thuật tin từ báo Nhà Nước cho biết, theo Tổng Cục Thống kê Việt Nam, tính đến đầu tháng 7, Việt Nam nhập siêu từ Trung cộng trong 6 tháng đầu năm 2024 chạm mốc 40 tỷ Mỹ kim. Mức nhập siêu của nửa đầu năm nay hiện chỉ kém nhập siêu của cả năm ngoái 10,2 tỷ Mỹ kim.

Số liệu cụ thể cho thấy Trung cộng tiếp tục là thị trường nhập cảng lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 67 tỷ Mỹ kim, tăng gần 35%. Suốt cả năm ngoái, Việt Nam nhập siêu từ Trung cộng 49,4 tỷ Mỹ kim.

Những nhóm hàng nhập cảng lớn từ Trung cộng vào năm ngoái được cho biết gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đạt hơn 23 tỷ Mỹ kim; máy móc, thiết bị, dụng cụ và những phụ tùng khác đạt 22,5 tỷ Mỹ kim; vải 8,3 tỷ Mỹ kim; điện thoại và linh kiện 7,3 tỷ Mỹ kim; sắt, thép 5,7 tỷ Mỹ kim; sản phẩm từ sắt thép 3,4 tỷ Mỹ kim; sản phẩm từ chất dẻo 4 tỷ Mỹ kim; sản phẩm hóa chất 3,4 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 3,1 tỷ Mỹ kim; hóa chất 2,9 tỷ Mỹ kim; dây điện & dây cáp điện 1,5 tỷ Mỹ kim; xơ, sợi dệt 1,3 tỷ Mỹ kim; thủy tinh & các sản phẩm thủy tinh 1,1 tỷ Mỹ kim.

Tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam sang Trung cộng đạt gần 28 tỷ Mỹ kim. Cụ thể máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,7 tỷ Mỹ kim; hàng rau quả hơn 2,3 tỷ Mỹ kim…


Việt Nam nhận 15 tỷ USD để giảm khí thải, nhưng lại xây thêm nhà máy điện than

Năm 2021, tại Thượng đỉnh khí hậu (COP26) ở Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đầy tham vọng nhưng “vội vàng” rằng, Việt Nam sẽ giảm một nửa công suất nhà máy than vào năm 2035 và loại bỏ dần điện than vào năm 2044 để đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Nhưng việc thiếu điện trầm trọng hiện nay đã khiến Việt Nam tiếp tục cho tái khởi động các dự án nhà máy điện than đang dang dở, trong đó có nhà máy điện Sông Hậu 2. Việc Việt Nam tiếp tục xây dựng nhà máy điện than Sông Hậu 2 càng cho thấy rõ hơn những hạn chế của mô hình JETP, theo nhận định của Bloomberg.

Nguy hiểm hơn, công suất điện than mà nhà máy Sông Hậu 2 mang lại sẽ đặt Việt Nam vào nguy cơ vi phạm các giới hạn được thiết lập bởi gói tài trợ quốc tế trị giá 15 tỷ USD – theo thỏa thuận JETP.

Cuối năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ USD, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero emission) vào 2050.

Theo thỏa thuận này, Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã đồng ý huy động 7,75 tỷ Mỹ kim viện trợ và cho vay, cùng với 7,75 tỷ Mỹ kim từ các nhà đầu tư, tổng cộng là hơn 15 tỷ Mỹ kim, để giúp Việt Nam về mặt tài chính nhằm thực hiện cam kết cắt giảm điện than, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Các nước tài trợ nằm trong nhóm International Partners Group, bao gồm các quốc gia thuộc khối G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.

Thỏa thuận JETP có quy định rằng Việt Nam sẽ không vượt quá 6 GW công suất điện than mới.

Đáng chú ý là, dữ liệu của GEM cho thấy Việt Nam hiện đang có 5 dự án điện than chưa được tài trợ có công suất dự kiến vượt quá 6 GW nói trên, bao gồm Long Phú 1, Na Dương 2, Quảng Trạch 1, Vũng Áng 2 và Sông Hậu 2.

Năm nhà máy này đã được gia hạn đến tháng 6/2024 để quyết định hoặc tiếp tục triển khai hoặc hủy bỏ.

“Chính sách này đặt ngành công nghiệp than vào sự xung đột với quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thay vì tạo ra một cơ chế hợp tác trơn tru và bình đẳng,” bà Lucy nói với BBC.

Trong các bản kế hoạch trên giấy tờ, Việt Nam được đánh giá là đang đi đúng hướng trên lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi và minh bạch của quá trình này, nhất là khi Việt Nam gần đây đã cho bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường hàng đầu – những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện cam kết đầy tham vọng của Việt Nam như thượng dẫn.

Ngoài bà Ngụy Thị Khanh mới được trả tự do sau 16 tháng tù, hiện một số nhà hoạt động môi trường khác vẫn đang ngồi tù, như ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Minh Hồng và bà Ngô Thị Tố Nhiên.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ và các đối tác quốc tế khác tiếp tục khuyến khích Việt Nam theo đuổi các mục tiêu nêu ra trong JETP để triển khai năng lượng tái tạo và chuyển đổi khỏi năng lượng than, theo Bloomberg.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố thêm “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về khả năng xây dựng và vận hành thêm nhà máy than, điều này có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực nói trên. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện những cải cách cần thiết, loại bỏ dần việc sản xuất điện đốt than, tăng cường năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện, đồng thời huy động nguồn tài chính đã cam kết để đạt được những mục tiêu này.”

Jake Schmidt, giám đốc chiến lược cấp cao về khí hậu quốc tế tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, cho biết: “Không phải là một dấu hiệu tốt nếu một quốc gia như Việt Nam tiếp tục đầu tư vào than”. (Trích BBC)


Công an chưa lên tiếng về việc người nhà trình báo sư Thích Minh Tuệ mất tích

Hôm 1/7, nhiều tài khoản YouTube và Facebook ở Việt Nam lan truyền các video và hình ảnh thể hiện rằng người em trai của nhà sư Thích Minh Tuệ mới nộp đơn trình báo với công an ở tỉnh Gia Lai về việc nhà sư mất tích nhiều ngày qua. VOA liên lạc với công an ở đó nhưng họ chưa khẳng định hay phủ nhận về lá đơn.

Một đoạn video dài hơn 10 phút ghi hình một người đàn ông được mô tả là em trai của nhà tu hành Thích Minh Tuệ nói về việc nhà sư mất tích đã được đăng trên các trang YouTube Tiến Vlog, trang Facebook Nguyễn Xuân Diện, những nhóm Facebook Góc nhìn Báo chí-Công dân, Nhóm Chúng tôi Ghét Lừa Dối và nhiều trang khác.

Những người sử dụng mạng xã hội cũng chia sẻ các ảnh chụp lá đơn dài 2 trang được cho là của em trai nhà sư gửi đến Công an Huyện Ia Grai và Công an Xã Ia Tô thuộc tỉnh Gia Lai, được ký hôm 30/6/2024.

Nhà sư Thích Minh Tuệ

Nhà sư Thích Minh Tuệ được biết tiếng rộng rãi và được sùng kính trên khắp Việt Nam trong những tháng gần đây về việc ông đi bộ chân trần dọc ngang đất nước để tu hành theo lối khổ hạnh và khất thực. Hàng chục nghìn người đã đứng dọc đường để chiêm bái khi ông đi qua.

Đầu tháng 6, nhà chức trách Việt Nam loan báo họ đã “gặp gỡ, trao đổi” với nhà sư và sau đó ông “tự nguyện dừng đi khất thực” và “sẽ ẩn tu” mà một phần lý do là để bảo đảm “sự ổn định xã hội”.

Khi nhà sư trở về căn nhà của gia đình ông ở tỉnh Gia Lai trong cùng tháng, rất đông người tiếp tục kéo đến chiêm bái.

Theo thông tin trong video và ảnh được lan truyền trên internet hôm 1/7, người có tên là Lê Anh Thìn cho biết ông là em trai ruột của công dân Lê Anh Tú tức nhà sư Thích Minh Tuệ và ông vừa trình báo về việc nhà sư “bặt vô âm tín” gần 20 ngày qua.

Lá đơn với chữ ký thể hiện tên ông Thìn có đoạn viết rằng vào tối ngày 12/6/2024, nhà sư thông báo với gia đình rằng do nhiều người tụ tập gây mất an ninh trật tự nên nhà sư nhận được lời đề nghị “phối hợp tạm di chuyển đi nơi khác từ 5 đến 7 ngày để tình hình trật tự ổn định”. Tuy nhiên, theo lá đơn, gia đình nhà sư không rõ người đề nghị đó là “từ bên nào”.

“Nhưng đến bây giờ, sau gần 20 ngày, thông tin của ông Lê Anh Tú vẫn bặt vô âm tín. Không biết ai đưa ông Tú đi đâu, hiện đang ở đâu, có an toàn không, sức khỏe và tinh thần có ổn định không”, một đoạn khác của lá đơn viết.

Người làm đơn viết thêm rằng gia đình tự tìm hiểu, điều tra và “được nghe là ông Tú được xe ô tô đưa đi đến huyện Măng Yang”.

Vẫn theo lá đơn, gia đình ông Tú tức nhà sư Thích Minh Tuệ đang rất hoang mang, lo lắng, đề nghị công an và toàn thể người dân “hỗ trợ tìm kiếm”. Điều này cũng được nhắc lại trong đoạn video được chia sẻ trên YouTube và Facebook.

VOA cố gắng liên lạc với gia đình nhà sư để xác nhận thông tin trong lá đơn nhưng chưa kết nối được.

Trong khi đó, chủ tài khoản YouTube Tiến Vlog, ông Đoàn Hải Lâm, khẳng định với VOA rằng ông ấy chính là người đã phỏng vấn ông Lê Anh Thìn vào sáng 1/7 và đăng lên đoạn video được nhiều người chia sẻ.

Ông Lâm mô tả thêm với VOA rằng vẫn có những nhóm người “lai rai” đến thăm ngôi nhà của gia đình sư Thích Minh Tuệ và công an cũng hiện diện ở đó.

VOA liên lạc qua điện thoại với Công an huyện Ia Grai để đề nghị họ xác nhận việc gia đình nhà sư nộp đơn trình báo, một sỹ quan trực ban trả lời: “Cái đấy hỏi lãnh đạo chứ tôi không thể trả lời được”. Vẫn người trực ban đề nghị phóng viên đến cơ quan công an để làm việc trực tiếp.

VOA cũng cố gắng liên lạc với cơ quan công an qua email nhưng chưa nhận được hồi đáp. Tính đến thời điểm bài viết này được đăng, Công an huyện Ia Grai chưa có tuyên bố chính thức gì về việc họ đã tiếp nhận đơn trình báo của gia đình nhà sư Thích Minh Tuệ hay chưa. Báo chí Việt Nam cũng chưa đăng tin gì về vấn đề này.(VOA)


Lương tăng không đuổi kịp vật giá leo thang.

Việt Nam điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng lên 15%, thực hiện cùng thời điểm tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng bắt đầu từ ngày 1 tháng Bảy.

Tuy nhiên, gần như tất cả những người đang hưởng lương hưu và cả các công chức đang làm việc được VOA phỏng vấn lại cho biết rằng họ… không muốn được tăng lương vì nhiều lý do khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, một cán bộ về hưu sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết khi nghe đến việc lương hưu của bà chuẩn bị được tăng 15% từ đầu tháng 7 tới, bà thực sự lo lắng. Bởi lương tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hoá tiêu dùng, bao gồm cả những mặt hàng thiết yếu, sẽ tăng theo.

“Đương nhiên giá cả tăng rồi. Bây giờ thậm chí mới có nghe là sẽ lên lương thì giá cả đã tăng rồi. Mọi thứ đều đắt lên cả. Trước thịt lợn có 11 thôi thì giờ lên tới 14 rồi.” Bà Hương cho biết.

Trong suốt 10 năm nghỉ hưu, theo lời bà Hương, lương hưu của bà thực tế chỉ đủ trang trải một số hoá đơn thiết yếu của gia đình như tiền điện, tiền nước, Internet… “Giờ được tăng thêm 15% nhưng không biết có còn đủ trang trải trước mức tăng của hoá đơn các loại dịch vụ này trong thời gian tới.”

“Bây giờ thì điện tăng giá đắt nhé, nước cũng đắt lên nhé. Trong khi nhu cầu sinh hoạt của một gia đình trong dịp mùa Hè thì cũng tăng nữa. Điện cũng tốn hơn. Nên giờ có khi chỉ đủ trả tiền điện thôi. Điện giờ cũng tốn đến 3 triệu/tháng rồi. Mà đấy là tiết kiệm đấy, chỉ dám mở điều hoà một tiếng lúc buổi trưa và tối 11 giờ đi ngủ mới dám bật đấy.” Bà Hương than thở.

Cùng trong hoàn cảnh cán bộ về hưu như bà Hương, bà Nguyễn Thị Trâm, một cư dân cũng sinh sống tại Hà Nội thì lại tỏ vẻ thờ ơ khi được hỏi về câu chuyện tăng lương đầu tháng Bảy này. Nhưng bà cũng tỏ ra thông cảm với nỗi lo của những người hưởng lương hưu khi “lương tăng không theo kịp giá”.

“Là vì mình còn làm thêm, làm đủ thứ. Chứ còn rất nhiều người, người ta nhờ vào đồng tiền lương, chứ ngoài ra thì họ biết lấy cái gì để mà sống.” Bà Trâm cho biết.

Bà Trâm cũng nói dù nhiều năm nay không sống bằng đồng lương hưu, bà cũng rất không thích chuyện tăng lương. “Là vì mỗi lần tăng lương nó lại dẫn đến nhiều xáo trộn và biến động. Nếu mà không tăng cũng chết vì ngoài thị trường cũng tăng giá

đủ thứ. Mà tăng cũng chết. Nói chung là cứ cái này dẫm đạp lên cái kia. Bạn cứ hình dung là thế này: tăng lương là xăng xe rồi mọi thứ không sớm thì muộn, tất cả cũng tăng theo.”

VnExpress dẫn lời Bộ Lao Động cho biết, mức tăng 15% căn cứ vào nghị quyết của Quốc Hội về dự toán ngân sách, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, chính sách an sinh xã hội, phù hợp chỉ số tiêu dùng cũng như cân đối ngân sách và nguồn quỹ bảo hiểm.

Đối với những người còn đang đi làm và hưởng lương cao thì theo họ mức tăng 15% “chẳng thấm tháp gì.”

Anh Nguyễn Văn Kiên, một chuyên gia làm việc trong một tập đoàn viễn thông nhà nước cho biết: “Các bạn mình còn mong rằng giá như lương nó đừng tăng và vẫn như cũ. Bởi vì tăng như thế thì ăn thua gì so với vật giá. Chẳng hạn một căn chung cư ở Hà Nội cách đây hai năm, giá chỉ 30 triệu đồng/m2 nhưng giờ đã là 60 triệu đồng/m2. Thế thì có mà đi làm cả đời cũng chẳng mua được một căn chung cư ở Hà Nội.”

Anh Kiên cho biết và than thở rằng lương tăng nhưng giấc mơ về một căn chung cư riêng cho gia đình cậu con trai lớn thì vẫn rất xa vời khi mà lương tăng một nhưng giá bất động sản và nhiều chi phí khác lại tăng phi mã.

Theo VnExpress, dự kiến tổng kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trong nửa cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi 3.760 tỉ đồng cho hơn 1,3 triệu người; Quỹ Bảo hiểm xã hội chi hơn 12.500 tỉ đồng cho 2,36 triệu người.


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 2-3-4/9/2024
  • Chiến tranh Ukraina: Nga oanh kích Poltava khiến hơn 50 người chết
  • TT Zelenskyy tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất trong chiến tranh
  • Trung Cộng đang thử thách cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
  • Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đừng đùa giỡn ‘lằn ranh đỏ’ của Nga
  • Tokyo phản đối Bắc Kinh xâm phạm hải phận và không phận Nhật Bản
  • Bất chấp lệnh bắt của CPI, Putin chính thức thăm Mông Cổ
  • Ông Netanyahu đẩy lùi áp lực mới về vấn đề Gaza và các con tin
  • Trung Cộng trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo châu Phi
  • 'Gián điệp Trung Cộng': thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
  • Cựu Thứ trưởng Ngoại giao kêu gọi ông Tô Lâm thay đổi 'thể chế chính trị'
  • Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng tuyệt thực để phản đối Tô Lâm
  • Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu tuần duyên
  • Bão số 3 lên mức siêu bão đe dọa Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 26-27-28/8/2024.
  • TT Zelensky sẽ thông báo với lãnh đạo Mỹ về kế hoạch buộc Nga chấm dứt chiến tranh
  • Ukraine: Nga không kích dữ dội nhất từ trước tới nay
  • Kiev tố cáo Belarus triển khai quân tại biên giới với Ukraina
  • Tình báo Mỹ cho biết Ukraine có ý định chiếm giữ lãnh thổ của Nga
  • Trung Quốc và Mỹ thảo luận về vòng đàm phán mới giữa Biden và Tập
  • Pháp: Tư pháp chuẩn bị quyết định số phận của ông chủ Telegram
  • Bãi cạn Sa Bin: Điểm nóng tranh chấp mới giữa TC và Philippines
  • Mỹ trừng phạt 400 pháp nhân, gồm các hãng Trung Cộng, vì tiếp tay cho chiến tranh của Nga
  • Indonesia tổ chức cuộc tập trận đa quốc, chú trọng vào năng lực chung ở Châu Á
  • Tokyo lên án máy bay quân sự Trung Cộng xâm phạm không phận Nhật Bản
  • Thứ trưởng Nhân Quyền Mỹ đến Việt Nam, Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi quan tâm tới TNLT
  • Hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam bị lộ dữ liệu
  • Hãng Na Uy Equinor đóng cửa văn phòng, ngừng các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam
  • World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,1%, cảnh báo nợ xấu
  • Saigon chính thức nhìn nhận có dịch sởi
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 19-20-21/8/2024.
  • Matxcơva hứng chịu cuộc tấn công bằng drone Ukraina lớn nhất từ trước đến nay
  • Ukraina tăng cường oanh kích các cầu chiến lược ở vùng Kurst của Nga
  • Công du Trung Đông lần 9, ngoại trưởng Mỹ không thúc đẩy được thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas
  • Úc-Indonesia ký thỏa thuận triển khai quân trên lãnh thổ của nhau
  • Đài Loan phô diễn hỏa lực tên lửa trong chuyến thăm hiếm hoi địa điểm thử nghiệm nhạy cảm
  • Biển Đông: Mỹ chỉ trích Trung Cộng trong vụ va chạm với tuần duyên Philippines
  • Biden chính thức “trao cờ” cho Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
  • Châu Âu khẳng định tăng thuế thêm tới 38% với xe ô tô điện nhập Trung Cộng
  • Phát hiện chất độc hại trong hàng hóa bán trên Shein và Temu của Trung Cộng
  • Tổng thống Lại Thanh Đức: Đài Loan không phải mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh
  • Triển lãm 70 năm Cải cách ruộng đất và cuộc Di cư 1954
  • Hơn 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm 2024
  • Việt Nam cam kết đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Cộng
  • Mưa lũ cản trở hàng ngàn học sinh ở Việt Nam đến trường vào ngày khai giảng
  • Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với ba mặt hàng của Việt Nam
  • Anh quốc khuyến cáo công dân du hành đến Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 12-13-14/8/2024.
  • Tổng thống Zelensky: Ukraine đang tiến sâu hơn vào Nga
  • Ukraine nói đã tấn công lớn bằng drone vào 4 căn cứ không quân Nga
  • ĐIỂM BÁO. Ukraina tấn công vào đất Nga, phương Tây im lặng: Bước ngoặt của cuộc chiến
  • Thủ tướng Fumio Kishida thông báo tháng 9 sẽ từ chức
  • Chỉ có lệnh ngừng bắn ở Gaza mới có thể ngăn Iran trả đũa Israel
  • Mỹ điều tàu ngầm, chỉ thị nhóm tác chiến tàu sân bay tới Trung Đông
  • Ba Lan ký thỏa thuận sản xuất 48 bệ phóng tên lửa Mỹ Patriot
  • 15 bang kiện quy định của TT Biden trợ cấp bảo hiểm y tế cho di dân bất hợp pháp
  • Thái Lan: Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức
  • Ông Tô Lâm sẽ thăm Bắc Kinh
  • Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'
  • HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
  • LHQ công bố 320 khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền
  • Uỷ ban châu Âu khởi động điều tra thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam
  • Đài Loan khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với clinker, xi măng Việt Nam
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 5-6-7/8/2024.
  • Ukraina chính thức triển khai chiến đấu cơ F-16
  • Bangladesh: Tổng thống giải tán Quốc Hội. Khôi nguyên Nobel hoà bình Yunus lập chính phủ lâm thời
  • Ukraine xuyên thủng biên giới Nga, gây ra các cuộc đụng độ dữ dội
  • Trung Đông: Hamas chỉ định thủ lĩnh mới, Israel tuyên bố sẽ nhanh chóng tiêu diệt
  • Trung Cộng: Bế tắc trong “Tầm nhìn mới phát triển kinh tế”
  • Bầu cử tổng thống Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội đứng về phía người dân
  • Biển Đông: Trung Cộng tập trận gần bãi cạn Scarborough có tranh chấp với Philippines
  • Do đề xuất cải cách luật khi quân, đảng đối lập Thái Lan bị giải thể
  • Mỹ kết án ‘nhà dân chủ’ làm điệp viên cho Trung Cộng
  • Mỹ tăng cường triển khai lực lượng từ Úc để đối phó với Trung Cộng
  • Chủ tịch Tô Lâm được chỉ định làm lãnh đạo đảng Cộng sản
  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên trung ương mất chức
  • Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'
  • Đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo cộng đồng trước căng thẳng ở Trung Đông
  • VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital
  • Cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công, đòi tiền nợ lương, thưởng