Nội bộ Ba-Đình đang nhen nhúm đấu đá tranh đoạt lợi quyền hiệp hai, trong lúc bên ngoài bị Bắc Kinh dùng chiến thuật 3 mặt giáp công ép từ quân sự đến kinh tế, còn bên trong nhiều đại tập đoàn công nghệ nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI) lên kế hoạch bỏ Việt Nam để đầu tư ở nước khác, . . . Vào lúc người quyền lực nhất, Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng mất khả năng kiểm soát ngay trong nội bộ.
Giới theo dõi thời sự Việt Nam nhận định rằng, “Đại Tướng Tô Lâm từng khai thác tuyệt đối quyền lực được TBT Trọng trao cho ngay từ khi còn là Bộ Trưởng Công An để triệt hạ tới 7 ủy viên Bộ Chính trị, gần 40% ban lãnh đạo chóp bu khóa 13, cùng hàng trăm ủy viên trung ương, tướng lĩnh, cán bộ cao cấp ở trung ương và các địa phương ‘bay chức’; trong số này nhiều người không chỉ bị mất chức mà còn vào tù, đưa đến bất ổn chưa từng thấy nơi thượng tầng lãnh đạo Việt Nam.
Đến nay, “cánh tay quyền lực” của Đại Tướng Tô Chủ Tịch vẫn ảnh hưởng rất lớn ở Bộ Công an (BCA) qua tay “đệ tử ruột” Thượng Tướng, Bộ Trưởng Lương tam Quang – đồng hương Hưng Yên. Ngoài sức mạnh vừa nói, Tô Chủ Tịch còn Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; Ủy viên Ban thường vụ đảng ủy trung ương Công an.
Hôm mùng 09 tháng 7, Cơ quan An Ninh điều tra (A09), Bộ Công an, quyết định khởi tố vụ án hình sự tại Công ty Cây xanh Công Minh và các Tỉnh, Thành Phố liên quan đến 3 tội danh gồm: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” – thuộc nhóm tội danh tham nhũng. (https://vanhoimoi.org/?p=21629)
Vụ án Cây Xanh Công Minh có thể là khởi đầu “Ba-Đình luận kiếm hiệp hai”, ảnh hưởng tới nhiều vị thế quyền lực cấp cao, tương tự như các vụ án tham nhũng từ các công ty Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, Đại Ninh. . . đã đưa nhiều cán bộ cấp cao yếu thế hơn, bị phanh phui tham nhũng, dẫn đến khủng hoảng lãnh đạo chưa từng có trong lịch sử csVN. Từ nay đến đầu năm 2026, khi csVN khai diễn đai hội 14, thì “tứ trụ” đang cầm quyền trong hình (bên cạnh), ai còn, ai mất?
Hiệu ứng của chiến dịch “đốt lò” là 40% Ủy Viên Bộ Chính Trị ra đi trong uất hận, khoảng 60.000 đảng viên cấp trung từ chức trong giai đoạn 2021-2023 trong tổng số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2024, csVN đã thi hành kỷ luật 7.858 đảng viên bao gồm các biện pháp khiển trách, cảnh cáo, cách chức, và khai trừ. Thu hồi tài sản tham nhũng “chỉ đạt 32,5%, tức mất 10 đồng thì thu lại được 3 đồng”. “Không giải quyết được vấn đề mang tính đặc thù của thể chế”.
Trong tình thế này, TBT Nguyễn phú Trọng khó vớt vát uy quyền vào lúc thể lý suy nhược. Từ vài tuần nay, ông Trọng không thể hiện diện ở nhiều sự kiện quan trọng như: cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Quy định số 144 hôm mùng 9/7; hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 8/7 và hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7. [1]
Biết rõ hàng ngũ csVN đang xiêu vẹo, Bắc Kinh ra sức đẩy mạnh chiến thuật 3 mặt giáp công nhằm đưa Ba-Đình nằm gọn trong “Cộng đồng chung vận mệnh”: (https://vanhoimoi.org/?p=21346)
- Từ phía Đông Nam, Bắc Kinh liên tục dùng tầu thăm dò dầu khí ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam.
- Từ sườn phía Tây, Bắc Kinh hiện đang thực hiện cuộc tập trận thứ 2, chung với Lào, kéo dài 2 tuần (từ mùng 05 đến 18 tháng 7). Lào là nước có đường biên giới với Việt Nam đến 2069 km; tiếp giáp phần lớn với các tỉnh Miền Bắc và Miền Trung Việt Nam, nơi có mỏ Boxite Tây Nguyên lớn nhất tại Đắk Nông là khoáng sản bô xit với trữ lượng chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng cả nước. [2]
- Tại mặt Tây Nam trong đất liền, trước Lào, hồi tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh đã cùng Nam Vang tiến hành tập trận Rồng Vàng lần thứ 6 kéo dài 15 ngày (16 – 30/5) tại Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát Quân sự tại tỉnh Kampong Chhnang và Căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville (Campuchia). Ream là căn cứ quân sự của Campuchia nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chỉ 30 km về hướng Tây Bắc.
Ngoài ra, khi Bắc Kinh giúp Cao Mên đào kênh Phù Nam Techo ra biển, thì nước ngọt ở vùng dân cư hai bờ Hậu Giang sẽ thiếu, vùng đồng bằng Cửu Long Việt nam bị đe doa nghiêm trọng.
Trong các vùng đất chiến lược của Việt Nam, người Tầu đang sử dụng hơn 162.000ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền để người Việt gốc Hoa mua đất.
Nguy cơ khác mới được truyền thông tiết lộ: “mắt thần” Phương Bắc đang dòm ngó các gia đình Việt Nam, do 90% camera giám sát đang lắp đặt tại Việt Nam được nhập cảng từ bên Tầu, trong đó đa số dòng sản phẩm kết nối với máy chủ đặt ở Hoa Lục.
Bằng văn bản, hôm 5/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Việt Nam xác nhận, Việt Nam đã bỏ lỡ các khoản đầu tư hàng tỷ Mỹ kim từ các tập đoàn đa quốc gia, thường gọi là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI), bao gồm Intel, LG Chem và nhiều đai công ty khác, vì thiếu các biện pháp khuyến khích đầu tư phù hợp.
Khung pháp lý lỗi thời của csVN đã khiến những tập đoàn khổng lồ toàn cầu từng có đề nghị đầu tư lớn vào Việt Nam bỏ qua thị trường này để đầu tư vào những nơi khác, mà bài này chỉ nêu vài trường hợp đặc biệt:
Đại tập đoàn sản xuất chip Intel của Mỹ có dự án đầu tư 3,3 tỷ Mỹ kim vào một dự án tại Việt Nam và đề nghị nước chủ nhà “hỗ trợ tiền mặt” ở mức 15%, nhưng sau đó hãng quyết định chuyển dự án sang Ba Lan. Cũng vậy,công ty LG Chem Ltd của Hàn Quốc đã bỏ Việt Nam để đầu tư vào dự án pin tại Indonesia, sau khi đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí đầu tư. [3] (https://vanhoimoi.org/?p=20821)
Dân Việt Nam vẫn còn nhớ, rất nhiều đai dự án do người Tầu làm chủ từng đội vốn gần gấp đôi và chậm tiến độ thực hiện nhiều năm. Gần đây nhất là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Việt Nam đã vay 669 triệu Mỹ kim từ Trung cộng. Dự án được phê duyệt vào năm 2008 và cam kết đưa vào hoạt động trong năm 2015 nhưng mãi đến tháng 11/2021 mới chính thức hoạt động. Và cũng bị đội vốn từ 553 triệu Mỹ kim lên đến hơn 868 triệu Mỹ kim.
Tuy nhiên, dân chúng không được biết vì lợi quyền gì, hôm 25 tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong dịp dẫn đầu phái đoàn csVN dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thành phố Đại Liên, Trung cộng, đã gặp lãnh đạo các công ty Trung cộng bày tỏ mong muốn được Bắc Kinh cho vay vốn ODA, thiết kế, xây dựng các tuyến đường sắt cho Việt Nam: (i) đường sắt cao tốc Bắc – Nam, 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027; (ii) Dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đến Hải Phòng, 390km về phía Việt Nam; (iii) đường sắt Lạng Sơn đi Hà Nội, 167 km và tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng.
Mạng lưới đường sắt này thời bình sẽ đem thêm hàng hóa từ Trung cộng vào Việt Nam. Hiện nay, chưa có cao tốc mà Việt Nam đã mua hàng từ Trung cộng hơn rất nhiều lần bán được hàng vào Hoa Lục. Mới 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung cộng chạm mốc 40 tỷ Mỹ kim.
Khi có chiến tranh giữa Việt-Trung như từng xẩy ra năm 1979, thì đường cao tốc Vân Nam – Hải Phòng sẽ là phương tiện thần tốc để Băc Kinh chuyển quân và tiếp liệu từ Bắc Phương tràn xuống các tỉnh phía Bắc của Việt Nam.
Đúng lúc Bắc Kinh đang tập trận với Vạn Tượng, thì Chủ Tịch Nước Việt Nam, Đai Tướng Tô Lâm có chuyến thăm hai nước Lào và Campuchia, từ 11-13 tháng 07 trong bối cảnh Bắc Kinh ra sức gia tăng ảnh hưởng tại Lào và Campuchia, giữa lúc Việt Nam – Campuchia có nhiều bất đồng liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo có bàn tay Bắc Kinh thúc đẩy.
Trong trường hợp có chiến tranh, thì hai nước Lào và Campuchia sẽ nghiêng hẳn về Bắc Kinh vì quyền lợi kinh tế của cả hai nước với Trung cộng nhiều gấp bội so với Việt Nam.
Nhìn qua các chuyển động trong toàn cảnh, các nhà quan sát thời sự đều nhận định: csVN đang bị Bắc Kinh bao vây khắp mặt, kể cả kinh tế.
Hẳn có toan tính nên Ba-Đình mới chính thức mời Tập Đoàn đường sắt Trung cộng (China State Railway Group Company, CRSC) thiết kế, cho vay vốn (Official Development Assistance, ODA) để xây mạng lưới đường sắt cao tốc cho Việt Nam, trong khi người Tầu từng làm nhiều dự án tăng vốn và lúc nào cũng chậm tiến độ.
Trần nguyên Thao
July 11, 2024
[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cyj4eee2nlpo
[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2ge11vg20o
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1x2ynq1jlo